Hội thảo xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch lần thứ 2

(CDC Hà Nam)

Chiều 31/03/2021, Sở Y tế tổ chức Hội thảo lần 2 về xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (KTĐP) về chất lượng nước sạch (CLNS) sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ); lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý Môi trường, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo Ban Văn hoá Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; các thành viên trong Ban soạn thảo Quy chuẩn KTĐP là lãnh đạo và chuyên viên đại diện của các Sở: Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; đại biểu một số đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo và chuyên viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trình bày tóm tắt 03 dự thảo: Báo cáo thuyết minh Quy chuẩn KTĐP, Quy chuẩn KTĐP và Báo cáo đánh giá rủi ro.

Ông Trương Mạnh Sức – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật báo cáo thuyết minh ban hành Quy chuẩn KTĐP và quy định kiểm tra, giám sát CLNS sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Theo đó, dự thảo Quy chuẩn KTĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam gồm 04 chương với 10 điều, giới thiệu về: Quy định chung, Quy định về kỹ thuật, Quy định về quản lý và Tổ chức thực hiện. Dự thảo Quy chuẩn ban hành sẽ quy định gồm 65 thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép, trong đó có 8 thông số nhóm A và 57 thông số thuộc nhóm B.

Dự thảo Báo cáo đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro với hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam bao gồm các nội dung: Thực trạng các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh; xác định, phân tích đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước; xác định các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục rủi ro và lập kế hoạch triển khai áp dụng; lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ, rủi ro; lập kế hoạch, quy trình ứng phó với biến đổi xảy ra trong điều kiện vận hành có sự cố, mất kiểm soát và tình huống khẩn cấp. Cùng với đó xây dựng các tiêu chí, các chỉ số giám sát và giới hạn kiểm soát để đánh giá việc triển khai thực hiện; quản lý cơ sở dữ liệu có liên quan và lập chương trình hỗ trợ, kế hoạch triển khai…

Báo cáo thuyết minh ban hành Quy chuẩn KTĐP và quy định kiểm tra, giám sát CLNS sử dụng cho mục đích sinh hoạt gồm 04 phần: Phần thứ nhất nói đến vai trò của nước sạch, ý nghĩa của giám sát, sự cần thiết phải có Quy chuẩn KTĐP và quy định về kiểm tra, giám sát CLNS, cách thức tiếp cận, phương thức thực hiện, cơ sở pháp lý và đánh giá mức độ rủi ro. Phần thứ hai là kết quả thực hiện dựa trên cơ sở lựa chọn thông số, nguyên tắc xây dựng thông số thử nghiệm trong Quy chuẩn KTĐP về giám sát CLNS trên địa bàn tỉnh. Phần thứ 03 kết luận và phần cuối là kiến nghị, đề xuất.

Thông qua những nội dung này, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để góp phần xây dựng hoàn chỉnh dự thảo để thực hiện các bước tiếp theo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng hoàn chỉnh dự thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế đã gửi lời cảm ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý cho bản dự thảo xây dựng Quy chuẩn KTĐP về CLNS sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đây là lần thứ hai Sở Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Sở Y tế sẽ hoàn thiện dự thảo, gửi các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh, các thành viên trong ban soạn thảo tiếp tục cho ý kiến đóng góp… Sau đó, Sở Y tế tổng hợp để có một văn bản thống nhất cuối cùng để xin ý kiến Bộ Khoa học & Công nhệ và Bộ Y tế trước khi trình UBND tỉnh quyết định ban hành.

Ông Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu kết luận Hội thảo

Việc xây dựng Quy chuẩn KTĐP về CLNS dùng cho mục đích sinh hoạt và ăn uống nhằm quy định mức giới hạn các thông số thử nghiệm để giám sát CLNS sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam là cấp thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Xây dựng Quy chuẩn KTĐP đảm bảo theo Thông tư 41/2018/TT-BYT và chỉ đạo của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, có tính khả thi cao. Việc áp dụng Quy chuẩn KTĐP về nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào trong thực tế sẽ làm giảm chi phí sản xuất nước, giảm chi phí giá thành nước sinh hoạt và góp phần giảm chi phí của xã hội nói chung./.

Ngọc Nga – Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Sốt xuất huyết Dengue và bệnh Chikungunya do muỗi đốt có biểu hiện như nào?

Ngọc Nga

Chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Ngọc Nga

Người Việt Nam tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả phí điều trị nếu mắc COVID-19

Ngọc Nga