Điểm báo ngày 22/04/2022

(CDC Hà Nam)
Đề nghị phải quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân; Bảo đảm nguồn cung để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong quý II-2022; Đã có 1,3 triệu người được cấp hộ chiếu vaccine…

 

TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 93.000 trẻ 5 – 12 tuổi

Tính đến hết ngày 20.4, có hơn 93.500 trẻ từ 5 – 12 tuổi được tiêm vắc xin, gần 1.800 trẻ hoãn tiêm, hơn 450 trẻ được chỉ định chuyển đến bệnh viện tiêm.

Chiều 21.4, tại buổi họp báo định kỳ, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Huỳnh Thiện Như cho biết tính đến hết ngày 20.4, có hơn 93.500 trẻ từ 5 – 12 tuổi được tiêm vắc xin, gần 1.800 trẻ hoãn tiêm, hơn 450 trẻ được chỉ định chuyển đến bệnh viện tiêm.

Các trường hợp phản ứng sau tiêm được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, sức khỏe ổn định; công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm được tổ chức trật tự, an toàn. Trẻ hoãn tiêm do đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh, đến nay chưa đủ thời gian để tiêm. Riêng trẻ có bệnh nền, cơ địa béo phì thì chuyển vào bệnh viện tiêm để chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Giải đáp băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc chưa có mã số định danh cho trẻ thì có được tiêm hay không, bà Như cho biết nếu phụ huynh vẫn muốn đăng ký tiêm cho con thì ngành y tế vẫn tổ chức tiêm bình thường. Trong quá trình tiêm, nhân viên y tế sẽ ghi lại thông tin của trẻ và sau này thực hiện các bước định danh xác thực sau.

Tại buổi họp báo, PV phản ánh việc nhiều trường hợp trẻ sốt cao, phụ huynh liên hệ với số điện thoại được điểm tiêm chủng cung cấp nhưng không nhận được câu trả lời. Bà Như hướng dẫn bên cạnh số điện thoại của trạm y tế, nhân viên y tế tại điểm tiêm thì phụ huynh có thể liên hệ tổng đài 1022 nhánh số 3 để được tư vấn. Kênh tư vấn này có sự tham gia của đội ngũ giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, hoạt động trong các khung giờ: 8 – 12 giờ, 14 – 16 giờ, 19 – 21 giờ. (Thanh niên trang 4)

 

Bảo đảm nguồn cung để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong quý II-2022

Ngày 21-4, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo thường kỳ nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Trả lời câu hỏi về tiến độ tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin: “Triển khai chủ trương tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi nhằm sớm bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tích cực vận động, trao đổi với cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX), các nước đối tác và các tập đoàn sản xuất vắc xin thúc đẩy nhanh việc cung cấp, hỗ trợ vắc xin cho trẻ em. Đến nay, Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 12,8 triệu liều vắc xin (đã tiếp nhận 4,6 triệu liều Moderna), Hà Lan hỗ trợ 2 triệu liều vắc xin Moderna và Pháp hỗ trợ 2 triệu liều vắc xin Pfizer (dự kiến về Việt Nam trong tháng 4-2022). Hiện, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Y tế trao đổi với các tổ chức quốc tế và đối tác nhằm bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin cho trẻ em, góp phần giúp hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong quý II-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Bình luận về việc chính thức vận hành một số tuyến đường sắt liên vận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc (tuyến An Huy – Hà Nội, Thành Đô – Hà Nội), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Trong các ngày 15 và 16-4-2022, một số tuyến đường sắt liên vận, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu giữa một số địa phương Trung Quốc như Tứ Xuyên, An Huy với Việt Nam đã đi vào khai thác. Đường sắt liên vận quốc tế là phương thức vận tải an toàn, hiệu quả với nhiều ưu điểm về thời gian và giá thành vận chuyển, sẽ góp phần thúc đẩy giao thương thông suốt giữa hai nước cũng như kết nối tới các thị trường khác. Kết nối vận tải đường sắt phù hợp với hợp tác giữa hai bên trong việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020, quý I-2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ; đồng thời khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

* Tại cuộc họp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng xác nhận thông tin Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên (dự kiến diễn ra ngày 12 đến 13-5 tại Washington), thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và với Liên hợp quốc. (Hà Nội mới trang 8)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 8: “Bảo đảm đủ nguồn cung vắc-xin cho trẻ em”

 

Cần khuyến khích hình thức khám, chữa bệnh cao cấp, trình độ cao

Sáng 21-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quy định cụ thể về phạm vi hành nghề của y sĩ

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm chính sách dân tộc cũng như đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định.

Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục tiến hành đánh giá, tổng kết và bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là về nguồn nhân lực cũng như tài chính, đối với những chính sách có thay đổi về nội dung hoặc phát sinh nội dung mới của dự án Luật; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế và thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực y tế trong dự án Luật.

Đáng chú ý, về chức danh phải có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh đối với “y sĩ”, việc dự thảo Luật quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các y sĩ khác một mặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở; mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.

Do đó, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.

Cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa khám, chữa bệnh

Thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, y tế là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, cộng đồng nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, trong luật sửa đổi cần nhấn mạnh nội dung kế thừa và nội dung cần sửa đổi bổ sung.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật rõ hơn, nhất là những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; bao quát hơn trong cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ chứ không chỉ cấp cho lực lượng vũ trang.

Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, luật phải khuyến khích việc khám, chữa bệnh cao cấp, có trình độ cao. Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, hằng năm có rất nhiều người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, nhiều người đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài về nói trình độ thầy thuốc của trong nước cũng không kém ai, thậm chí còn hơn ở nước ngoài.

“Luật có làm nổi bật, xây dựng các trung tâm kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh hay không. Nếu làm tốt vấn đề này chúng ta còn phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh. Vì vậy, cần rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề. Hiện nay có nhiều hội như: Tim mạch, gan, thận, trong khi thực tế Hội đồng Y khoa quốc gia chỉ có một chủ tịch là chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Do đó cần phát huy vai trò của các hiệp hội chuyên môn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tránh việc lạm dụng áp dụng kỹ thuật cao không cần thiết để đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của nhân dân. Từ đó khiến bệnh nhân dồn hết về tuyến trên, ít coi trọng y tế cơ sở. Đặc biệt, cần kiểm soát đối với các đơn vị tự chủ tài chính, tránh xảy ra các sai phạm tiêu cực tại cơ sở khám, chữa bệnh như trong thời gian qua, từ mua sắm vật tư, thuốc men, trang thiết bị y tế. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tự chủ về tài chính. Bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ xâm phạm về y đức, kinh tế thị trường gây tổn thương cho bệnh nhân trong chăm sóc sức khỏe.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022). (Hà Nội mới trang 1)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 1: “Tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, lấy người dân làm trung tâm”; Sài Gòn giải phóng trang 2: “Loại trừ sai sót, lạm dụng khám chữa bệnh”; Tiền phong trang 2: “Quy định rõ khám chữa bệnh chất lượng cao”; Lao động trang 2: “Sửa luật khám chữa bệnh: Minh bạch tài chính để thầy thuốc tập chung chuyên môn”; An ninh Thủ đô: “Chủ tịch Quốc hội: Phải để thầy thuốc tập chung chuyên môn, không lo lắng về quản lý bệnh viện”

 

Đã có 1,3 triệu người được cấp hộ chiếu vaccine

Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đến ngày 20/4 có 1,3 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine phòng COVID-Hộ chiếu vaccine điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

Thời hạn của hộ chiếu vaccine điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp. Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.

Hộ chiếu vaccine điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID. Người dân vào 2 ứng dụng này để tra cứu. Nếu người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. (Công an Nhân dân trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “1,3 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine”

 

Trẻ gặp phản ứng nào sau tiêm vaccine COVID-19 cần tới bệnh viện gấp?

Đa số các phản ứng của cơ thể với vaccine COVID-19 đều ở thể nhẹ và không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, có một vài phản ứng hiếm gặp sau tiêm mà phụ huynh cần phát hiện sớm để đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng trở nặng, nguy kịch.

Sốt, đau chỗ tiêm, sưng hạch ở nách, mệt mỏi… là những phản ứng dễ thấy nhất ở trẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19. Vaccine COVID-19 cũng có thể khiến trẻ gặp phải các tình trạng phản vệ, viêm cơ tim… Những phản ứng này tương đối hiếm gặp nhưng lại gây nguy hiểm đối với trẻ, vậy nên phụ huynh cần theo dõi trẻ cẩn thận trong thời gian sau tiêm.

TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết: “Thực chất, những phản ứng phụ sau tiêm là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tạo kháng thể bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của virus. Các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất vaccine cho thấy các phản ứng phụ sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ khá nhẹ và tương tự các loại vaccine thông thường”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh và TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đều cho rằng, trẻ có thể bị đau tại chỗ tiêm, đau đầu, đau mỏi các cơ, sốt nhẹ… Những tác dụng phụ này có thể khiến trẻ thấy mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ… nhưng bố mẹ không nên quá lo lắng vì chúng sẽ biến mất sau 1-2 ngày.

Bên cạnh những phản ứng thông thường thì sau tiêm vaccine phòng COVID-19 trẻ cũng có thể gặp các phản ứng nặng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như viêm cơ tim, phản vệ… Vậy nên sau khi tiêm chủng, trẻ cần được theo dõi sát sao, liên tục kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường nhằm đưa ra hướng giải quyết và điều trị phù hợp.

Dấu hiệu phản ứng nguy hiểm sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ

Các bác sĩ khuyên rằng, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà theo các phương thuốc, mẹo truyền tai để tránh tình trạng sức khỏe của trẻ chuyển biến xấu.

-Sốt cao liên tục trên 38 độ

-Tụt huyết áp, co giật

-Chân tay lạnh, môi tím tái, phát ban

-Đau bụng, nôn ói

-Lờ đờ, mất ý thức, hôn mê, quấy khóc

-Thở bất thường, đau tức ngực

-Tim đập nhanh, loạn nhịp tim

Quá trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ là vô cùng cần thiết và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể tránh được những phản ứng sau khi tiêm. Vậy nên phụ huynh cần lưu ý theo dõi trẻ 24/24 trong những ngày đầu sau tiêm.

Trên thực tế cho thấy, lợi ích mà vaccine phòng COVID-19 mang lại cho trẻ lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro mà nó mang lại. Tỷ lệ trẻ gặp các phản ứng nguy hiểm sau tiêm cũng rất hiếm. Vậy nên, các bác sĩ khuyên rằng phụ huynh nên cho con em mình tiêm vaccine đầy đủ để đảm bảo trẻ được bảo vệ an toàn trong dịch bệnh và hạn chế tình trạng chuyển nặng khi không may nhiễm COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

 

Đề xuất đưa Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội

Bộ Y tế đang dự thảo thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành, nghề có nguy cơ lây nhiễm vào danh mục này…

Theo dự thảo, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Có 6 ngành, nghề thường xuyên phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động được Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp, gồm:

– Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.

– Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2.

– Người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà.

– Người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19.

– Người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19.

– Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Giám sát, điều tra, xác minh dịch; Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, những người làm nghề trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày thông tư này có hiệu lực được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp, khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định. (An ninh Thủ đô trang 2)

 

Nhiều bệnh nhi sốc sốt xuất huyết nặng do nhầm với COVID-19

Những ngày gần đây, một số bệnh viện tại Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ bị sốc sốt xuất huyết. Nguyên nhân do một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và COVID-19.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị (chủ yếu ghi nhận ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi), có 2 trường hợp tử vong.

Anh V.Đ. – ngụ TP Biên Hòa – cho biết, con trai anh (8 tuổi) khi đi học về bị sốt cao. Do nghĩ con bị mắc COVID-19 từ bạn học ở trường nên gia đình làm xét nghiệm nhanh cho bé nhưng kết quả âm tính. Sau đó, gia đình tự mua thuốc về điều trị tại nhà nhưng bệnh tình của bé không giảm.

Khoảng 3 ngày sau, bé sốt nặng hơn, gia đình vẫn nghi ngờ do COVID-19 nên tiếp tục làm xét nghiệm nhanh cho con. Tuy nhiên, kết quả vẫn âm tính. Lúc này, gia đình anh Đ. mới đưa bé đi bệnh viện khám và được bác sĩ thông báo bé bị sốc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang – trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – cho biết gần nửa tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 4-5 bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do nhiều người bị nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và COVID-19.

Cả 2 bệnh này khi mới mắc ở giai đoạn đầu triệu chứng sẽ tương đối giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi người… Vì vậy, người bình thường sẽ khó phân biệt được.

Theo bác sĩ Trang, triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban. Trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Do đó, khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán, điều trị; tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Phước Trương Nhật Phương – trưởng khoa nhi Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai – cho biết ngoài việc người dân dễ nhầm lẫn giữa 2 bệnh thì trẻ còn có nguy cơ đồng thời vừa mắc COVID-19 vừa mắc sốt xuất huyết. Tùy từng trường hợp, nếu bệnh nào diễn tiến nặng hơn thì bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh đó trước.

Nếu trường hợp cả 2 bệnh đều diễn tiến nặng thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Do đó, người dân cần hết sức chú ý, hiểu rõ tính chất của từng bệnh để nhận biết sớm, tránh để bệnh có biến chứng nặng mới đưa trẻ nhập viện, đồng thời cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. (Tuổi trẻ trang 4)

 

Đề nghị phải quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế

Sáng 21/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về sự cần thiết của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Về mục tiêu, dự án luật nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh. Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, ông Long nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế, bất cập, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đề nghị duy trì Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cần cân nhắc về sự cần thiết của việc quy định không điều chỉnh các “hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả” do vừa thừa, vừa thiếu và chưa bao quát.

Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí việc quy định kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Chính phủ cần xác định thời điểm tiến hành chính thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cho phù hợp và khả thi; làm rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh.

Bà Thúy Anh cho rằng dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Theo Luật Giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh và việc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Dự thảo luật đã không còn quy định về Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh như luật hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần duy trì quỹ này theo tinh thần “nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo” nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Nghiên cứu cơ chế quản lý các nguồn viện trợ, tài trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh thông qua quỹ để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch. (Nông thôn Ngày nay trang 3)

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2020

CDC Hà Nam