Số ca mắc COVID -19 giảm sâu
Chiều tối 8-5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 2.269 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 2.268 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.077 ca so với ngày trước đó) tại 51 tỉnh, thành phố (có 1.529 ca trong cộng đồng). Đồng thời, cả nước có thêm 2.066 người khỏi bệnh và 1 ca tử vong do Covid-19.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (338), Nghệ An (140), Tuyên Quang (135), Phú Thọ (129), Quảng Ninh (120), Yên Bái (101), Quảng Bình (97), Bắc Ninh (92), Bắc Giang (82), Vĩnh Phúc (78), Lào Cai (69), Thái Bình (65), Bắc Kạn (61), Gia Lai (55), Thái Nguyên (50), Lâm Đồng (41), Hà Nam (40), Ninh Bình (37), Nam Định (35), Lạng Sơn (33), Hải Phòng (30), TPHCM (30), Hà Tĩnh (30), Hải Dương (29), Bình Phước (28), Sơn La (27), Hưng Yên (27), Hà Giang (26), Hòa Bình (25), Thanh Hóa (21), Cao Bằng (19), Đắk Nông (19), Lai Châu (17), Quảng Trị (16), Bà Rịa – Vũng Tàu (15), Bình Định (13), Tây Ninh (12), Quảng Nam (10), Bình Dương (10), Đà Nẵng (10), Vĩnh Long (9), Điện Biên (9), Phú Yên (8 ), Khánh Hòa (6), Đồng Tháp (6), Cà Mau (6), Bình Thuận (5), Đồng Nai (2), Bến Tre (2), Kiên Giang (2) và Hậu Giang (1).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.237 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.676.184 ca mắc Covid-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.897 ca mắc).
Về điều trị, cả nước có thêm 2.066 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số được điều trị khỏi lên hơn 9,32 triệu người. Hiện có 473 bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở oxy, thở máy và ECMO. Đồng thời chỉ ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng số tử vong do Covid-19 tại Việt Nam lên 43.056 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày 7-5 có 149.311 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine được tiêm là hơn 215,6 triệu mũi, trong đó tiêm cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi là hơn 1,82 triệu mũi. (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Y tế sẵn sàng phục vụ SEA Games 31
Chỉ còn 3 ngày nữa SEA Games 31 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, bảo đảm SEA Games 31 tổ chức đúng tiến độ đề ra, gắn với các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh. Công tác y tế phục vụ SEA Games cũng đã hoàn tất. Sau 19 năm Việt Nam mới đăng cai tổ chức SEA Games. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của Đông Nam Á sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. SEA Games 31 có sự tham gia của 7.000 vận động viên, 40 môn thi đấu, tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố. Chỉ còn 3 ngày nữa SEA Games 31 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, bảo đảm SEA Games 31 tổ chức đúng tiến độ đề ra, gắn với các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh. Công tác y tế phục vụ SEA Games cũng đã hoàn tất.
Hà Nội là địa phương chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu tại SEA Games 31. Để bảo đảm công tác y tế phục vụ đại hội, ngành Y tế Thủ đô đã chỉ đạo 15 bệnh viện thường trực đáp ứng y tế và 18 trung tâm y tế ứng trực phòng, chống dịch COVID-19 tại các khách sạn, địa điểm thi đấu theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đơn vị còn bố trí 35 cơ sở y tế thu dung và điều trị người mắc COVID-19 trong thời gian trước, trong và sau đại hội. Các bệnh viện chuẩn bị 5-10 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội được giao nhiệm vụ thường trực cấp cứu, phòng dịch và các nhiệm vụ đột xuất khác. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về y tế phục vụ SAE Games của Hà Nội đã hoàn tất, bảo đảm sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất và duy trì liên lạc 24/24 giờ đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho SAE Games 31, Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 đã cử các đoàn công tác kiểm tra việc chuẩn bị và đáp ứng y tế tại các địa phương nơi tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31. Kiểm tra tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh phải đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm, an toàn nguồn nước, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, cấp cứu hàng loạt… Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, cần tổ chức xét nghiệm, cách ly đối với các trường hợp dương tính; bổ sung thêm máy sốc tim. Những nơi có đông vận động viên và khán giả, bố trí xe cứu thương hợp lý và có sổ tay y tế phục vụ công tác y tế.
Theo BSCKII Nguyễn Bá Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, tỉnh có 4 môn thi đấu là boxing, kick boxing, bóng ném và quần vợt, trong đó boxing, kickboxing, bóng ném là các môn có thể có những chấn thương nặng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã thành lập lực lượng gồm 35 nhân viên y tế các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, cấp cứu, chấn thương chỉnh hình… và 5 lái xe cứu thương để sẵn sàng phục vụ các vận động viên, trọng tài, quan khách… ở 5 môn thi đấu trên.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cán bộ diễn tập tình huống một vận động viên cần cấp cứu từ sàn đấu boxing, diễn tập từ công tác vận chuyển, phân công nhiệm vụ đến các phương án xử lý… Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nhóm cấp cứu cần dự phòng chấn thương, các bệnh nội khoa và dự phòng cấp cứu hàng loạt. Khi cấp cứu phải có kịch bản cấp cứu.Vì vậy, Sở Y tế Bắc Ninh cần thành lập các nhóm chuyên gia chấn thương, nội khoa… để hỗ trợ khi cần thiết.
Với Bắc Ninh, Thứ trường Nguyễn Trường Sơn giao Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai xây dựng nhóm hỗ trợ từ xa cho ngành y tế tỉnh này trong việc phục vụ SEA Games 31. Theo BS Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, tại tỉnh chỉ diễn ra một môn thi đấu là bóng đá nam, với 5 đội tuyển thuộc bảng B tại sân Thiên Trường với 11 trận. Tuy nhiên, công tác y tế đã được chuẩn bị cả tháng nay. Nam Định hiện đã đón 401 người là vận động viên, quan chức, lái xe, cán bộ an ninh, báo chí… của các đội bóng.
Sở Y tế Nam Định đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa điểm lưu trú, tập luyện, thi đấu và tại khách sạn, nhà hàng nơi có các quan chức, ban tổ chức, trọng tài, đoàn vận động viên tham gia. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh y tế cho các hoạt động tập luyện, thi đấu đối với các đối tượng nhập cảnh và các đối tượng phục vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nam Định đã chuẩn bị tổ cấp cứu cùng xe cứu thương thường trực tại các địa điểm đã được phân công tại khách sạn Nam Cường, Khu tập luyện thể thao thành tích cao, sân vận động Thiên Trường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế TP Nam Định đã bố trí khu cách ly, điều trị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Thường trực Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, quan trọng số một là công tác tổ chức quản lý điều hành, phân công, phân nhiệm từng đơn vị, cá nhân cụ thể. Tiếp đến là đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch COVID-19, công tác cấp cứu, thảm họa. Cùng với đó, ngành Y tế còn có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại nơi ăn, ở của các vận động viên, đại biểu khách mời; sẵn sàng xử lý cấp cứu trong các tình huống tại các điểm thi đấu.
Để đảm bảo công tác y tế cho SEA Games 31, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch với các nội dung chính là đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trước và trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Bố trí đầy đủ các tổ y tế, bệnh viện để xử lý các trường hợp cấp cứu và điều trị kịp thời đối với các đoàn tham dự SEA Games 31 trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương, tai nạn. Bộ Y tế còn chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa nếu có… (Công an nhân dân, trang 1).
Các bệnh viêm não tấn công trẻ nhỏ
Trong số gần 30 bệnh nhi đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), số ca mắc viêm não chiếm 2/3. Con số này được dự báo gia tăng thời gian tới khi viêm não vào mùa.
Sau khoảng 9 tiếng bị sốt, bệnh nhân 20 tháng tuổi (ở Lào Cai) bắt đầu xuất hiện cơn co giật. Bé gái được gia đình cho uống thuốc hạ sốt, cơ thể đáp ứng thuốc và hạ nhiệt, nhưng đến cuối giờ chiều, tình trạng sốt, co giật quay trở lại. Thấy sức khỏe của con có dấu hiệu bất thường, gia đình đưa bé tới bệnh viện tuyến tỉnh để cấp cứu. Kết quả cho thấy trẻ bị viêm phổi, viêm não và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán viêm não do virus Herpes simplex (HSV). Sau 3 ngày điều trị, tổn thương thùy thái dương rất nặng cả hai bên, suy giảm ý thức, tăng trương lực cơ.
Nằm phòng bệnh bên cạnh là bệnh nhi 9 tháng tuổi (ở Lai Châu), nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, hôn mê, co giật, phải đặt ống nội khí quản. Tổn thương não nặng, diễn biến bệnh của bé nguy kịch tới mức có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Tại phòng Cấp cứu, bé được thở máy liên tục, dùng thuốc chống phù não, chống co giật, điều trị tăng áp lực nội sọ. Hiện bé đã tỉnh táo hơn nhưng vẫn tiếp tục thở máy.
TS Bùi Hữu Nam, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết hiện đơn vị này đang có 28 bệnh nhân nội trú, 2/3 số này mắc viêm não, viêm màng não.
Cuối tháng, dịch bệnh sẽ gia tăng
Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 42 trường hợp mắc viêm não virus. TS Nam cảnh báo, thời gian tới, dịch bệnh có xu hướng gia tăng, số lượng bệnh nhân nhập viện có thể tăng thêm. Tháng 5 đến tháng 8 hằng năm thường được xem là mùa viêm não Nhật Bản.
TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (Trung tâm Bệnh nhiệt đới) thông tin, viêm não Nhật Bản là là bệnh có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25 – 35%). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 8 tuổi.
Ngoài virus viêm não Nhật Bản, gần đây Khoa Điều trị tích cực cũng ghi nhận một số trẻ mắc viêm não do HSV, HHV-6 (human Herpes type 6) hoặc do COVID-19… Bác sĩ Nam cho hay, trong số bệnh nhi đang điều trị, có rất nhiều trường hợp trở nặng do cha mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám. Ngoài ra, nhiều trẻ cũng chưa được tiêm phòng vắc xin theo đúng lịch, không tiêm phòng đủ mũi nhắc lại… “Nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê… thì cần đưa đến viện khám ngay. Với trẻ lớn, dấu hiệu đau đầu cũng không nên bỏ qua”, bác sĩ Nam khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hải, viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây tay chân miệng). Bệnh xuất hiện quanh năm và mùa dịch vào các tháng hè, đỉnh điểm là tháng 6-8. Trẻ thường sốt cao, đau đầu, nôn, ngủ li bì, mệt lả…
Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Nếu phát hiện sớm chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Ngược lại, bệnh sẽ dẫn đến nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém…
Do đó các chuyên gia khuyến cáo, trong mùa dịch viêm não, các gia đình cần chú ý đến những bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé. Việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.
So với các thể viêm não khác, bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, nặng nề, nguy cơ để lại di chứng thần kinh. Do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra.
Ngoài việc tiêm đủ vắc xin cho trẻ, TS Nam cũng khuyên các gia đình chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát…
Các bác sĩ cho biết, hầu hết trẻ được đưa đến viện trong tình trạng bệnh nặng hoặc rất nặng. Nguyên nhân là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác, nên cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt… Vì thế, nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong. (Tiền phong, trang 12).
Bộ Y tế phân bổ vaccine Covid-19 đợt 3, tiến độ tiêm cho trẻ 5-12 tuổi còn chậm
Kể từ khi bắt đầu phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi vào ngày 14-4 đến nay, Việt Nam đã có 1,81 triệu trẻ em được tiêm mũi 1, tiến độ vẫn khá chậm…
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Moderna cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.
Vaccine được phân bổ đợt này do Chính phủ Úc viện trợ, có hạn sử dụng trên giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, sinh phẩm là 17/7/2022.
Đây là đợt phân bổ vaccine phòng Covid-19 thứ 144 kể từ tháng 3/2021. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức tiêm ngay số vaccine phòng Covid-19 được phân bổ.
Đến nay, hơn 4,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Moderna tiêm cho trẻ 5-11 tuổi đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ cho các tỉnh, thành để phục vụ nhu cầu tiêm chủng. Tuy nhiên, tính đến chiều 7-5, cả nước mới tiêm được hơn 1,81 triệu liều mũi 1. Còn tính trong 7 ngày đầu tháng 5 (từ 1/5-7/5), cả nước tiêm thêm được khoảng 280.000 trẻ.
Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19, trong số đó ước tính có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19, tức đủ điều kiện tiêm ngay trong quý II/2022, số còn lại sẽ triển khai tiêm vào tháng 7-8/2022.
Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022. (An ninh Thủ đô, trang 2).
70% người bị COVID -19 nguy kịch hồi sinh từ ICU
Theo thống kê, có khoảng 69,4% bệnh nhân COVID -19 nguy kịch hồi phục và 30,6% bệnh nhân không qua khỏi tại BV hồi sức (ICU) lớn nhất TP. HCM. Có thể thấy, đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn chưa từng có tiền lệ với hệ thống ICU Việt Nam,… (Chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 8).
Giám sát bệnh viêm gan ‘bí ẩn’
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur về tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân – đang được coi là viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em; thực hiện nghiên cứu, điều tra về bệnh viêm gan vi rút.
Ngày 8.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 2 ngày triển khai yêu cầu đến các bệnh viện theo dõi, phát hiện trẻ bị viêm gan cấp để tìm phát hiện vi rút Adeno (hoặc tác nhân khác), vẫn chưa có ca nào được báo cáo.
VN chưa ghi nhận ca bệnh như WHO khuyến cáo
Liên quan các ca bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân – đang được coi là viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em, TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, chia sẻ WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đều đã có những thông tin cảnh báo. Tại VN tới ngày 6.5 tuy chưa có ca bệnh nào được ghi nhận trong phạm vi cả nước, nhưng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Cùng với đó, phải báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại VN nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.
Theo thông tin ban đầu, vi rút Adeno đang bị nghi ngờ là nguyên nhân của các ca viêm gan bí ẩn, với các triệu chứng cấp tính. Vi rút này cũng đã có tại VN nhiều năm qua, khiến cộng đồng nghi ngại về nguy cơ viêm gan ở trẻ có thể mắc phải. Về lo ngại này, BS Hoa cho hay hiện trong nước chưa từng ghi nhận những loạt ca bệnh tổn thương gan ở trẻ em tương tự như WHO khuyến cáo.
Trong nhóm mắc viêm gan “bí ẩn”, theo WHO và CDC Mỹ, các ca bệnh trong độ tuổi 0 – 16 tuổi (trong đó bệnh nhân nhỏ nhất mới 1 tháng tuổi). Trong đó, nhóm trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn.
Tăng cường giám sát
Theo BS Hoa, cũng giống như SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19), mới đầu là các ca viêm phổi chưa rõ nguyên nhân; các triệu chứng dần được ghi nhận điển hình và đầy đủ hơn, sau đó chúng ta mới phát hiện và khẳng định được vi rút gây bệnh.
“Trong giai đoạn này, các ca bệnh có tổn thương gan cấp vào viện sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa…, sau khi được loại trừ tất cả các nguyên nhân thường gặp khác sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cả sàng lọc vi rút Adeno”, BS Hoa chia sẻ.
Không nên quá hoang mang
Chia sẻ với các gia đình về lo ngại nguy cơ viêm gan cấp ở trẻ nhỏ đang được WHO cảnh báo, BS Hoa cho rằng tới nay nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa rõ nên chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. “Các gia đình không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm của bệnh gan ở trẻ”, BS Hoa nói.
Triệu chứng nghi ngờ liên quan như: trẻ có sốt, mệt mỏi, vàng da, có tiêu chảy, nôn, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế tuyến đầu. Nếu có tổn thương gan kèm theo, các bé bị bệnh cần được điều trị hỗ trợ và giám sát bởi các bác sĩ chuyên khoa, đánh giá mức độ bệnh. Nếu bệnh nặng sẽ phải chuyển đến trung tâm y tế chuyên sâu; nếu bệnh nhẹ có thể điều trị tại cơ sở y tế địa phương. Tất cả ca bệnh đều phải được báo cáo cụ thể và kịp thời cho CDC địa phương.
Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, việc phòng bệnh cần tuân thủ nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân. Không dùng chung các vật dụng (ly, thìa, khăn mặt…) vì đó có thể là đường lây truyền.
“Chúng ta cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân…”, BS Hoa lưu ý.
Vị chuyên gia về gan mật nhi cũng nhìn nhận: “Khả năng xuất hiện các trường hợp bệnh tương tự tại VN là có thể. Hiện các nước châu Á đã có một số ca bệnh được báo cáo như Indonesia có 3 ca tử vong; Singapore đã ghi nhận 1 ca là trẻ 10 tháng tuổi”.
“Adeno là vi rút rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu trước đây, đa số trẻ nhỏ từng nhiễm Adeno 1 lần trong giai đoạn từ 0 – 4 tuổi. Adeno hiện có ghi nhận ở VN nhưng mới chỉ được xác định là nguyên nhân gây tiêu chảy. Tại thời điểm này chưa đủ bằng chứng để khẳng định Adeno là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm bệnh trẻ có tổn thương gan cấp nói trên. Việc ghi nhận sự có mặt của Adeno ở một số bệnh nhi cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong thời gian tới”, TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa chia sẻ thêm.
Vì sao gọi là căn bệnh “bí ẩn”?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, căn bệnh viêm gan “bí ẩn” trên thế giới hiện nay có thể gọi là viêm gan cấp. Những năm 1988, 1989 mà gặp viêm gan cấp thì cũng “bí ẩn” như hiện nay, vì không có xét nghiệm nên không biết do siêu vi gì, cũng không biết có bệnh nền, bệnh lý chuyển hóa gì hay không, mà chỉ chẩn đoán với bệnh cảnh viêm gan cấp, tối cấp, hôn mê gan, suy gan, teo gan… Mỗi năm có vài chục ca trong khoa như vậy. Thời gian sau này, VN triển khai tiêm ngừa và xét nghiệm viêm gan siêu vi B, nếu một ca viêm gan cấp vào làm xét nghiệm viêm gan siêu vi B âm tính, thì nghĩ đó là viêm gan siêu vi A, C, E…
Cũng theo bác sĩ Khanh, viêm gan có nhiều nguyên nhân, do vi rút B, C lây qua đường máu; còn vi rút A, E thì lây qua đường ăn và những vi rút khác có thể lây qua đường hô hấp như vi rút Adeno và tình cờ vào gan. Ngoài ra, viêm gan có thể do hóa chất, do thuốc và biểu hiện bằng suy gan cấp…
Cũng theo bác sĩ Khanh, gần đây những ca bệnh xuất hiện ở các nước tiên tiến, người ta tầm soát được hết những khả năng có thể có để tìm ra nguyên nhân gây viêm gan cấp (máu, phân, đường hô hấp), nhưng cho kết quả âm tính hết thì người ta cho rằng đó là “bí ẩn”. Bên cạnh đó, các ca bệnh xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, nhiều nhất là Anh và bệnh cảnh giống nhau, như vậy khả năng nhiều nhất là do vi rút. Và trên nhiều mẫu xét nghiệm người ta thấy vi rút Adeno týp 41.
Nhưng tại sao có một số em bé mắc? Theo bác sĩ Khanh, đó là do cơ địa của trẻ, trẻ có bệnh lý chuyển hóa làm cho gan yếu hoặc trẻ bị viêm gan B sẵn. (Thanh niên, trang 2).
Mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 ở Bình Phước: Thanh tra tỉnh kết luận gì?
Ngày 8.5, Thanh tra tỉnh Bình Phước có kết luận thanh tra các cơ quan, tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ ngày 1.1.2020 – 31.12.2021.
Thủ tục mua sắm chưa hợp lý
Theo đó, phần lớn các đơn vị mua sắm vật tư y tế thấp hơn hoặc bằng giá do UBND tỉnh quy định. Các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý.
Hiện nay, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Phước đang xác minh tình hình mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Quyết định ủy thác số 13 của Bộ Công an.
Qua thống kê, thời gian từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh là 20 – 43 ngày, ở cấp huyện từ 5 – 15 ngày. Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì phải mời ngay (chỉ trong khoảng 1 – 3 ngày) nhà thầu vào thực hiện gói thầu, sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại.
Thanh tra tỉnh Bình Phước nhận định: “Ở một số trường hợp, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp. Điển hình là gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 do Sở Y tế làm chủ đầu tư với giá trúng thầu hơn 7,8 tỉ đồng có thời gian làm thủ tục là 41 ngày, thời gian thực hiện hợp đồng là 45 ngày. Tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong là 86 ngày”.
Đối với cấp huyện, các đơn vị cấp huyện thực hiện 669 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế với tổng số tiền hơn 104 tỉ đồng. Việc test (xét nghiệm) dịch vụ, các đơn vị thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế và UBND tỉnh quy định. Số tiền thu được từ test dịch vụ sau khi trừ chi phí mua kit, số tiền chênh lệch được nộp vào ngân sách nhà nước.
Các đơn vị cấp tỉnh thực hiện 90 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền gần 130 tỉ đồng. Tại thời điểm thanh tra, 2 đơn vị (Bệnh viện đa khoa Bình Phước và CDC tỉnh Bình Phước) còn nợ 11 gói mua sắm chưa thanh toán với số tiền hơn 60,5 tỉ đồng.
Qua kiểm tra một số gói thầu, về cơ bản được thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như phê duyệt của UBND tỉnh. Tất cả các gói thầu đều được đơn vị mua theo giá đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, 2 gói thực hiện đấu thầu.
Đối với Sở Y tế, trong kỳ thanh tra, thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 31,8 tỉ đồng đã thanh toán.
Đối với CDC tỉnh Bình Phước, trong thời gian đoàn thanh tra làm việc, CDC cung cấp hồ sơ và báo cáo cho đoàn thanh tra rất chậm so với yêu cầu; thủ tục nhập kho và xuất kho vật tư y tế đôi lúc không đảm bảo quy trình (một số lần nhận và bàn giao vật tư y tế cho đơn vị sử dụng không đúng thành phần giao, nhận).
Kiến nghị xử lý 11 gói thầu
Về mua sắm của CDC Bình Phước năm 2020 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra. Năm 2021 CDC Bình Phước thực hiện 18 gói mua sắm với số tiền gần 59,5 tỉ đồng (8 gói chưa thanh toán với số tiền hơn 41 tỉ đồng).
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, năm 2021, bệnh viện này thực hiện 25 gói thầu mua sắm với số tiền hơn 40,4 tỉ đồng (3 gói chưa thanh toán với số tiền 19,5 tỉ đồng). Giá mua sắm vật tư, test nhanh, sinh phẩm, thiết bị y tế theo giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định.
Về kinh phí thực hiện chống dịch của tỉnh Bình Phước trong 2 năm (2020 – 2021) là 277,8 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn dự phòng ngân sách. Kinh phí mua sắm được các đơn vị sử dụng hiệu quả, một số đơn vị thực hiện mua sắm thấp hơn hoặc bằng đơn giá đã được phê duyệt, không có đơn vị nào thực hiện mua sắm vượt định mức đã phê duyệt.
Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Bình Phước đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất hướng xử lý đối với 11 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và test nhanh do Bệnh viện đa khoa tỉnh và CDC tỉnh Bình Phước còn nợ chưa thanh toán nhà cung cấp; rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại phương pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động và công tác phối hợp giữa các phòng, ban. Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ra văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thị xã và thành phố mua sắm trong trường hợp cấp bách và mua sắm thông thường.
Vì sao Giám đốc CDC Bình Phước bị khai trừ đảng?
Ngày 1.1.2022, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước, thừa nhận với cơ quan việc mình có nhận quà của Công ty CP công nghệ Việt Á và thông tin sẽ nộp lại cho cơ quan chức năng sau kỳ nghỉ tết dương lịch.
Thời điểm này, theo thông tin PV Thanh Niên nắm được, CDC Bình Phước đã mua 3 lần sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm, tách chiết và máy xét nghiệm Covid-19 từ Công ty Việt Á với tổng số tiền hơn 44 tỉ đồng (trong đó đã thanh toán trên 7,1 tỉ đồng). Trả lời Thanh Niên ngày 3.1, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức cho biết đã thành lập hội đồng để xác minh, xem xét việc ông Sáu có nhận quà hay không. Tuy nhiên đến ngày 4.1, ông Đức cho biết Bộ Công an đã về làm việc tại CDC tỉnh Bình Phước và niêm phong nhiều tài liệu, giấy tờ liên quan nên chưa thể xác định “quà” đã nhận là quà gì.
Ngày 12.3, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cho biết đã đưa ra hình thức kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Sáu, do liên quan đến những dấu hiệu sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 và quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Cùng với việc kỷ luật ông Nguyễn Văn Sáu, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cũng thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước vì đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, nhân viên CDC vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong việc mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19.
Ngày 8.4, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Sáu, bằng hình thức cách chức do vi phạm nghiêm trọng trong mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. (Thanh niên, trang 2).
Khám, chữa bệnh “thông tuyến”, gia tăng áp lực cho Quỹ Bảo hiểm y tế
Sau hơn một năm thực hiện chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh cho thấy, người dân đã dễ tiếp cận dịch vụ y tế, được khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến trên theo nhu cầu; được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế như đi khám, chữa bệnh đúng tuyến; giảm thời gian làm thủ tục chuyển tuyến; cơ sở khám, chữa bệnh được chủ động nâng cao chất lượng thu hút người bệnh, giúp giảm tải cho tuyến trung ương. Tuy nhiên, thuận lợi cũng tạo ra tình trạng người dân vào viện khi chưa thật sự cần thiết đã tạo áp lực lớn cho Quỹ Bảo hiểm y tế… Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2021, Quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh toán hơn 8.500 tỷ đồng cho 1,76 triệu lượt bệnh nhân khám, chữa nội trú bảo hiểm vượt tuyến tỉnh; năm 2020, con số này là 2.300 tỷ đồng cho hơn một triệu lượt bệnh nhân. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến trung ương năm 2021 giảm 25%, nhưng tuyến tỉnh tăng 73%, đã tạo áp lực lớn cho Quỹ Bảo hiểm y tế.
Tạo thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh…
Tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý I/2022, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: Chi phí tăng lên là bình thường, bởi chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm thanh toán bình quân ở tuyến trên luôn cao hơn tuyến dưới, năm trước cao hơn năm sau. Năm 2021 là năm đầu tiên chính sách thông tuyến có hiệu lực, chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh được bảo hiểm thanh toán 100% thay vì 60% như trước đây. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí bình quân của khu vực nội trú lại có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, có đến 69% cơ sở y tế tuyến tỉnh có chi phí bình quân bảo hiểm y tế cho người bệnh nội trú tăng hơn năm 2020. Một số cơ sở có chi phí bình quân nội trú tăng gấp đôi…
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với sự thuận lợi từ quy định “thông tuyến tỉnh”, tỷ lệ người tự khám, chữa bệnh nội trú trái tuyến của năm 2021 tại tuyến tỉnh của toàn quốc đã tăng hơn 73% so năm 2020, trong khi số lượt nội trú trái tuyến tại tuyến trung ương giảm 25%. Tỷ trọng lượt nội trú trái tuyến trong tổng lượt nội trú của hai năm 2020-2021 cho thấy sự gia tăng số lượt đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh tăng cao ở tất cả các vùng (trừ khu vực Đông Nam Bộ có xu hướng giảm nhẹ), trong đó khu vực trung du và miền núi phía bắc tăng hơn 300%; khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung tăng trên dưới 100%.
Đặc biệt, trong ba tháng đầu năm 2022, số lượt nội trú trái tuyến trong tổng số lượt nội trú tại tuyến tỉnh của toàn quốc và tất cả các vùng kinh tế-xã hội tiếp tục có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước (toàn quốc ba tháng đầu năm 2022 là 32,6%, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2021)…
Nhiều áp lực…
Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc phân tích, do thuận lợi nên người dân chọn lên tuyến tỉnh bởi được hưởng nhiều quyền lợi dù bệnh viện tuyến huyện điều trị khá tốt. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng muốn đưa nhiều người điều trị nội trú để tăng lợi nhuận. Hiện 100% chi phí điều trị nội trú bằng bảo hiểm y tế khi thông tuyến đều được thanh toán.
Chính sách thông tuyến tỉnh giúp thuận lợi cho người dân khi điều trị nội trú, nhưng cũng tạo nên những áp lực trái chiều, bởi cũng có tình trạng người bệnh vào nội trú khi chưa thực sự cần thiết, tốn tiền do chi phí bình quân cao tại y tế tuyến trên, dễ gây quá tải cho y tế tuyến tỉnh. Tăng thông tuyến cũng không tốt với chính sách quản lý của Nhà nước, khi chỉ số thống kê y tế không phản ánh đúng nhu cầu khám, chữa bệnh, làm tăng chi phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế… Trưởng ban Lê Văn Phúc cũng dẫn chứng một số bệnh người dân có thể điều trị tuyến dưới, như đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già, viêm thần kinh tiền đình, sỏi tiết niệu không đặc hiệu…; một số bệnh nhạy cảm với điều trị ngoại trú, có thể phòng ngừa nhập viện như đau vùng cổ gáy, viêm tá tràng, bệnh lý tăng huyết áp… Khảo sát tại 194 bệnh viện cho thấy, nhiều cơ sở luôn duy trì tỷ lệ điều trị nội trú cực cao, tới 95-100% liên tục trong hai năm…
Những áp lực nêu trên từng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo từ trước khi chính sách có hiệu lực. “Với đà này, tỷ lệ điều trị nội trú bảo hiểm y tế tuyến tỉnh sẽ còn tăng mạnh thời gian tới, chi phí thanh toán từ Quỹ tăng lên, gây áp lực lớn cho hệ thống, nhất là sau thời gian dịch bệnh được khống chế và bệnh nhân đi khám trở lại”, Trưởng ban Lê Văn Phúc dự báo và cho rằng cần có những chính sách điều tiết hợp lý.
Hiện nay, hai ngành y tế và bảo hiểm xã hội đã ban hành khá nhiều quy định quản lý chế độ thông tuyến, hướng dẫn trong chẩn đoán, điều trị để bệnh nhân đến khám, chữa bệnh cần thiết phải nội trú mới cho vào, tránh lạm dụng bệnh không đến mức vẫn đưa vào nội trú. Trong đó, nghị định quy định về điều kiện nhập viện mà hai ngành đang xây dựng sẽ chỉ rõ những trường hợp nào được nội trú và cần điều chỉnh ra sao. Nhiều chuyên gia an sinh thế giới cũng khuyến cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế, rằng tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú ở Việt Nam đang rất cao và đề nghị nên có quy trình nhập viện cụ thể, để bảo đảm người bệnh cần thiết điều trị nội trú mới đưa vào. Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khuyến cáo “cần tăng cường hệ thống y tế cơ sở, điều trị tại tuyến huyện. Những trường hợp nặng, cần thiết thì mới lên tuyến tỉnh hoặc trung ương, giảm tải cho các bệnh viện phía trên cũng như tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội”…
Thống kê cho thấy, trong quý I/2022, tỷ trọng người bệnh nội trú tại tuyến tỉnh có xu hướng tăng cách biệt hơn so với tuyến huyện (tuyến trung ương: 5,1%; tuyến tỉnh: 52,6%; tuyến huyện: 42,3%). Nguyên nhân, có thể do người bệnh đã được cung cấp thông tin nhiều hơn về quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh thông tuyến tỉnh; thói quen đi khám, chữa bệnh đã dần trở lại khi dịch bệnh dần ổn định và người dân đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. (Nhân dân, trang 4).
Mậu Ngọ