Nhận biết và đề phòng biến chứng nguy hiểm của khí phế thũng

(CDC Hà Nam)

Khí phế thũng là một dạng phổ biến của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh xảy ra do giảm khả năng đàn hồi, thậm chí làm mất khả năng hồi phục thành của các tiểu phế quản và phế nang do viêm nhiễm kéo dài… gây ra những khó khăn về hô hấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 Khí phế thũng là gì?

Bệnh khí phế thũng hay gặp ở người lớn.

Phế nang bao gồm nhiều túi nhỏ chứa khí. Bệnh xảy ra khi những vách ngăn giữa các túi khí này suy yếu và vỡ ra tạo nên các khoảng không khí lớn thay vì nhiều khe nhỏ làm giảm diện tích bề mặt của phổi do đó hạn chế lượng oxy từ phổi đến máu. Khi thở ra, các phế nang bị tổn thương không hoạt động bình thường nên không khí cũ bị giữ lại, không còn chỗ cho không khí trong lành, giàu oxy đi vào. Hậu quả là bệnh nhân thấy khó thở, nhất là khi vận động, chạy nhảy hay tập thể dục. Khi đó phổi sẽ mất đi tính đàn hồi.

Nguyên nhân gây bệnh khí phế thũng

‎- Hút thuốc lá: là thủ phạm chính gây ra các bệnh về phổi nói chung và  khí phế thũng nói riêng. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 6 lần so với người không hút thuốc.

-Thiếu AAT: là một protein tự nhiên lưu thông trong máu giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Khi cơ thể không tạo đủ AAT, các tế bào bạch cầu bình thường sẽ làm hỏng phổi. Điều này còn tệ hơn so với hút thuốc. Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp phải các vấn đề về gan.

Một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ bị bệnh:

– Hút thuốc lá thụ động: hít phải khói thuốc mỗi ngày cũng sẽ làm tổn thương phổi theo thời gian và có nguy cơ mắc bệnh khí phổi thũng.

– Ô nhiễm không khí.

– Nghề nghiệp: nghệ sỹ thổi kèn, công nhân thổi bóng đèn thuỷ tinh, công nhân hầm lò… có nguy cơ mắc bệnh cao.

Triệu chứng của khí phế thũng

Khó thở: Đây là triệu chứng điển hình. Khó thở nhất là khi làm việc nặng, mệt mỏi hoặc lên cầu thang. Khi bệnh nặng, tình trạng khó thở có thể xuất hiện kể cả khi đang nằm hoặc mắc bệnh nhiễm trùng hô hấp: viêm phế quản…

– Thiếu oxy nghiêm trọng: khí phế thũng sẽ khiến cơ thể tím tái, biến dạng lồng ngực… Nặng hơn có thể gây ra gan to, phù, nổi tĩnh mạch cổ…

Dựa trên triệu chứng lâm sàng bác sĩ chưa thể chẩn đoán chính xác bệnh khí phế thũng. Cần kết hợp với chẩn đoán cận lâm sàng với các phương pháp: Chụp X-quang phổi; Đo chức năng hô hấp; Xét nghiệm máu ngoại vi; Chụp cắt lớp vi tính; Chụp cộng hưởng từ MRI…

Biến chứng của khí phế thũng

Khí phế thũng sẽ ngày càng nghiêm trọng khi tổn thương trong phổi ngày càng nhiều. Bệnh sẽ có các biến chứng như:

– Xẹp phổi: có thể đe dọa tính mạng đối với những bệnh nhân nặng vì chức năng của phổi lúc này đã bị tổn thương nặng.

– Nguy cơ các vấn đề về tim: Bệnh có khả năng làm tăng áp lực trong các động mạch kết nối tim và phổi gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim

– Các lỗ lớn trên phổi: làm tăng nguy cơ tràn khí màng phổi do vỡ bóng khí hoặc gây tắc nghẽn động mạch phổi rất nguy hiểm cho tính mạng.

Do đó, cần phát hiện sớm và điều trị tích cực để kiểm soát khí phế thũng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Lời khuyên của bác sĩ

Hiện nay, vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn cho căn bệnh khí phế thũng bởi tổn thương các túi khí là không thể phục hồi. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tình trạng bệnh xấu đi.

Các phương pháp điều trị khí phế thũng gồm:

– Ngưng hút thuốc lá ngay lập tức và hoàn toàn, tránh hút thuốc lá thụ động vì đây chính là nguyên nhân gây tổn thương túi khí phổi.

– Uống thuốc giảm triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng: thuốc giãn phế quản, thuốc kháng sinh, thuốc steroid…

– Liệu pháp thở phục hồi phổi, bổ sung oxy hoặc trị liệu dinh dưỡng tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân

– Phẫu thuật giảm thể tích phổi: Giúp loại bỏ các phần túi phổi tổn thương và hoạt động không hiệu quả, cải thiện được chứng khó thở cho người bệnh.

Với bệnh nhân bị khí phế thũng, việc ngăn ngừa đề phòng nhiễm trùng đường hô hấp là rất quan trọng bởi nếu vi khuẩn, virus xâm nhập vào phổi, lúc đó nguy cơ biến chứng rất cao. Nên vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày: họng, hầu, mũi, răng, miệng thường xuyên và đúng cách.

-Cải thiện môi trường sống, tránh xa các chất gây ô nhiễm môi trường và khí độc hại.

-Tập thể dục hàng ngày.

-Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng để cải thiện chức năng phổi.

-Cần tập thở đều đặn hàng ngày (hít sâu, thở ra).

-Tiêm vaccine phòng bệnh lao (vaccine BCG) cho trẻ sơ sinh và cả cho những người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao.

Phan Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 26 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Để người cao tuổi có sức mạnh và khả năng vận động tốt hơn

Ngọc Nga

7 dấu hiệu sớm cảnh báo bạn bị gan nhiễm mỡ, đây là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất

Ngọc Nga