Như chúng ta đã biết, dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời là tiền đề, là điều kện cần và đủ cho sự phát triển về mọi mặt sau này của những đứa trẻ. Lứa tuổi mẫu giáo là quá nhỏ nên gần như hoàn toàn phải dựa vào sự giúp đỡ, phục vụ của các cô giáo trong việc chơi, học, ăn, ngủ.
Bên cạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo viên trực tiếp dạy, chăm sóc trẻ thì bếp ăn với số lượng học sinh đông mà đối tượng là trẻ nhỏ thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ( VSATTP) trong trường mầm non cần được hết sức chú trọng. Đây cũng là một trong những điều kiện bắt buộc phải thực hiện của các trường mầm non trong cả nước. Khi cơ sở đạt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm mới được cấp giấy chứng nhận: Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bếp ăn trong trường mầm non.
Nhà trường phải đảm bảo các quy định điều kiện đảm bảo VSATTP bếp ăn tập thể theo quy định của Bộ Y tế.
* Vệ sinh đối với cơ sở:
Vị trí phải đảm bảo vệ sinh môi trường, cách ly với nguồn ô nhiễm.
Bếp ăn phải đượcthiết kế theo nguyên tắc bếp một chiều, sử dụng vật liệu dễ làm sạch.
Giữ vệ sinh khu vực phục vụ ăn uống, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Xử lý rác thải tốt, cống rãnh phải thường xuyên được khơi thông.
Có đủ nước sạch, có xà phòng cho nhân viên rửa tay, dụng cụ chứa nước phải đảm bảo vệ sinh.
* Vệ sinh cá nhân và kiến thức vệ sinh thực phẩm
Giữ vệ sinh cá nhân và khu vực làm việc.
Sử dụng tạp dề, khẩu trang, găng tay khi tham gia chế biến, phục vụ ăn uống.
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong mọi trường hợp gây bẩn tay, sau khi sử dụng nguyên liệu tươi sống, trước khi chia ăn.
Không dùng tay lấy thức ăn, không làm các việc khác khi đang chia thức ăn.
Tham gia lớp tập huấn VSATTP, khám sức khỏe định kỳ.
* Vệ sinh dụng cụ:
Dụng cụ ăn uống không được sứt mẻ, phải đảm bảo khô sạch và được rửa ngay sau khi sử dụng.
Giá để dụng cụ ăn uống phải đảm bảo sạch, nên làm bằng vật liệu không thấm nước và dễ làm sạch.
Trang bị dụng cụ lấy thức ăn như muôi, thìa, kẹp gắp đầy đủ, có thớt thái thịt chín, sống riêng.
Không để các hóa chất, dung môi độc hại hoặc chai lọ đã đựng hóa chất trong khu vực bếp ăn đề phòng bị nhiễm bẩn.
* Vệ sinh trong chế biến và bảo quản:
Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, nếu có nghi ngờ phải gửi mẫu kiểm tra tại phòng thí nghiệm có đủ năng lực.
Không sử dụng chất phụ gia nằm ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế
( số 46/2007/QĐ- BYT).
Khuyến khích các bếp ăn sử dụng nguồn cung cấp theo hợp đồng ký kết với các cơ sở đảm bảo VSATTP.
Thực hiện chế biến và bảo quản thực phẩm, thức ăn hợp vệ sinh.
Đề phòng mọi sự lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm tươi sống và thức ăn đã chế biến.
* Hồ sơ ghi chép và theo dõi:
Các thực phẩm mua vào có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng.
Xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn hợp lý cho từng bữa ăn phù hợp với từng địa phương, với từng mùa và tình hình kinh tế của người dân.
Lưu mẫu thức ăn đã chế biến 24h.
Khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, mẫu lưu thức ăn và thức ăn còn thừa phải đưa đến phòng thí nghiệm tỉnh hoặc trung ương để kiểm tra tìm nguyên nhân.
Ngọc Nga (tổng hợp)