Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản

(CDC Hà Nam)
Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, có tần suất nhập viện cao. Bệnh dễ bị tái đi tái lại nhiều lần, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách để ngăn ngừa biến chứng là vô cùng quan trọng.
Vì sao trẻ dễ viêm tiểu phế quản?

Viêm tiểu phế quản có thể lây nhiễm qua hắt hơi và ho. Bệnh cũng có thể lây khi tay chạm vào miệng hay mũi sau khi tiếp xúc với vi trùng gây bệnh. Do vậy, trẻ em dưới hai tuổi có thể bị viêm tiểu phế quản. Bệnh phổ biến đối với trẻ dưới sáu tháng tuổi, nhất là trẻ có tiếp xúc với khói thuốc lá, những bé đi nhà trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn. Viêm tiểu phế quản lây nhiễm phổ biến nhất vào mùa mưa và có tới 90% các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus gây ra.

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, có tần suất nhập viện cao.
Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, có tần suất nhập viện cao.
Dấu hiệu khi trẻ bị viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản ở trẻ không có các dấu hiệu đặc trưng, bởi các triệu chứng của bệnh thường giống và cũng gặp ở các bệnh viêm đường hô hấp khác. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ viêm tiểu phế quản như:

– Trẻ ho, có thể có đờm hoặc không đờm.

– Trẻ sốt cao hoặc nhẹ, sốt từng cơn hoặc sốt liên tục, thậm chí có trẻ không bị sốt.

– Trẻ bị viêm long hô hấp trên gây sổ mũi, nghẹt mũi; đờm tiết ra nhiều, có thể có màu xanh, vàng hoặc trắng.

– Trẻ có biểu hiện thở khò khè, thở nhanh.

Ngoài ra, trẻ còn lười ăn, có thể nôn mửa kèm với ho hay tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường).

Viêm tiểu phế quản nặng thường gặp ở những trẻ nào?

– Trẻ sinh non <36 tuần, cân nặng khi sinh thấp < 2500g.

– Trẻ dưới 3 tháng tuổi.

– Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, có tăng áp lực động mạch phổi.

– Trẻ mắc bệnh phổi mạn tính (loạn sạn phổi)

– Trẻ suy giảm miễn dịch.

– Trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Chẩn đoán và điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ

Để chẩn đoán bệnh ngoài việc khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, chụp X quang phổi… để chẩn đoán bệnh chính xác. Ngoài ra, còn để phân biệt với các bệnh như:

Hen phế quản, viêm phế quản phổi, ho gà và mềm sụn thanh quản…

Về điều trị tùy vào mức độ của bệnh, độ tuổi, thể trạng sức khỏe và các triệu chứng của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Điều đáng lưu ý viêm tiểu phế quản thường do virus nên không điều trị bằng kháng sinh. Ngoại trừ những trẻ bội nhiễm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp. Do đó cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị cho trẻ.

Việc chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản cũng cần chú ý hơn, cụ thể cha mẹ nên kê cao đầu cho trẻ khi ngủ. Ảnh minh họa
Việc chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản cũng cần chú ý hơn, cụ thể cha mẹ nên kê cao đầu cho trẻ khi ngủ. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ viêm tiểu phế quản?

Ngoài việc dùng thuốc theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ nên hút dịch mũi trước khi cho trẻ ăn.

Nếu trẻ bú kém hơn bình thường, nên cho trẻ bú lượng ít hơn, nhưng chia làm nhiều lần. Trong khi bú có thể cho trẻ ngưng nghỉ nhiều lần.

Việc chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản cũng cần chú ý hơn, cụ thể cha mẹ nên kê cao đầu cho trẻ khi ngủ. Không hút thuốc lá xung quanh trẻ bị viêm tiểu phế quản.

Đối với trẻ có chỉ định phun khí dung, cha mẹ nên phun khí dung kết hợp với tập vật lý trị liệu một hoặc nhiều lần trong một ngày, kéo dài từ ba đến năm ngày liên tục. Tuyệt đối không được cho trẻ phun khí dung khi không có y lệnh của bác sĩ.

Trong quá trình chăm sóc trẻ cần chú ý xem cách thở của trẻ. Cha mẹ nên đưa trẻ nhập viện khi phát hiện các dấu hiệu khó thở như:

– Trẻ thở ngắn sau khi ho.

– Trẻ không uống hoặc bú.

– Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc dễ ngủ trong lúc ăn.

– Trẻ rất quấy, không thể ngủ, hoặc rất khó để giữ bình tĩnh.

– Trẻ bị sốt.

– Trẻ không đi tiểu trong vòng 6 – 8 tiếng hoặc bị khô miệng và môi.

– Trẻ có thóp lõm.

– Trẻ thở khò khè hoặc ngủ li bì.

Bệnh viêm tiểu phế quản là một bệnh khá phổ biến, mỗi trẻ sẽ bị ít nhất một lần vào thời kỳ còn nhỏ. Vì vậy, phòng bệnh là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Trẻ cần được bú mẹ đầy đủ, theo khuyến cáo là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú tới khi trẻ được 24 tháng tuổi.

Cần giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, nhất là khi có thay đổi thời tiết. Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặt trẻ nằm ở phòng thoáng mát. Tránh khói thuốc và khói bụi trong nhà. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu nhà có người bị cúm, nhiễm khuẩn, nên tiến hành cách ly để trẻ không bị lây bệnh.

Thông thường trẻ mắc viêm tiểu phế quản được dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, bao gồm chủ yếu là các thuốc long đờm, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, bù dịch theo hướng dẫn, tái khám theo hẹn hay khám lại khi có các dấu hiệu bất thường như: Sốt và ho tăng nhiều, khò khè, thở rít hoặc bỏ ăn, bỏ bú, tím tái… thì cần nhập viện để điều trị nội trú.

Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Trên 31 nghìn người đã thực hiện xong cách ly y tế  

Mậu Ngọ

Họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh: Hà Nam tiếp tục tập trung truy vết thần tốc, khoanh vùng cách ly triệt để lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để dập dịch

Mậu Ngọ

Toàn tỉnh còn 03 xã, phường cấp độ 03 (vùng cam, nguy cơ cao) về dịch Covid-19

Ngọc Nga