Không thể chủ quan với sốt xuất huyết

(CDC Hà Nam)

Sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế mỗi người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết, vì ai cũng có thể mắc bệnh từ người già, trẻ nhỏ hay thanh niên.

Hầu hết các trường hợp bị sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà và khỏi bệnh sau 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển sang thể nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những ca có tình trạng cảnh báo nặng mà không được xử trí kịp thời, bệnh nhân đến muộn cũng khiến bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng hơn và dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia cho rằng, bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết nặng thường là do giảm tiểu cầu trong máu ngoại biên, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng… sốt xuất huyết nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi gan và tim, huyết áp giảm đến mức nguy hiểm gây sốc và trong một số trường hợp dẫn tới tử vong. Nhiễm trùng máu và suy đa tạng là những biến chứng rất nguy hiểm gây tử vong ở các trẻ mắc sốt xuất huyết. Khi các trẻ gặp biến chứng suy đa tạng thì cần được lọc máu cấp cứu ngay lập tức.

Chúng ta không nên chủ quan với căn bệnh này, nhất là trẻ em, người có bệnh lý nền, người già, phụ nữ mang thai….

Trên thực tế, sốt xuất huyết có 3 mức độ: Sốt xuất huyết nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng. Trong trường hợp sốt xuất huyết nhẹ có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên cần phải đi tái khám gần bởi vì bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng trong quá trình diễn tiến. Phải đi khám ngay nếu người bệnh sốt xuất huyết có 1 trong những dấu hiệu cảnh báo.

Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết cần nhập viện:

– Người bệnh sốt xuất huyết khó chịu hơn, ở trẻ sẽ quấy hơn dù sốt giảm hoặc hết sốt;

– Người bệnh không ăn uống được;

– Xuất hiện tình trạng nôn ói nhiều;

– Xảy ra tình trạng đau bụng nhiều;

– Tay chân lạnh, ẩm;

– Người mệt lả, bứt rứt;

– Xuất hiện chảy máu mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào;

– Người bệnh không đi tiểu trên 6 giờ.

Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện thay đổi hành vi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì… cũng cần nhập viện ngay.

Dù chưa có dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng như trên nhưng có thể xem xét chỉ định nhập viện, cụ thể:

– Người mắc sốt xuất huyết sống một mình;

– Mắc sốt xuất huyết nhưng nhà xa cơ sở y tế không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng;

– Gia đình không có khả năng theo dõi bệnh sốt xuất huyết;

– Người thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết;

– Phụ nữ có thai mắc sốt xuất huyết;

– Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi hoặc người lớn hơn 60 tuổi mắc sốt xuất huyết hoặc người có bệnh mạn tính đi kèm cũng cần xem xét nên nhập viện để theo dõi và điều trị sốt xuất huyết;

Vì sự thay đổi khí hậu là điều kiện thuận lợi giúp cho loài muỗi sinh trưởng và phát triển, nhất là mùa mưa đang diễn ra ở nước ta, điều đó dẫn đến các căn bệnh do muỗi truyền nhiễm cho con người ngày càng xuất hiện nhiều, đáng kể đến là căn bệnh sốt xuất huyết.

                                                                                    Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Phòng, chống lây nhiễm COVID-19 tại khu vực chế biến thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ ăn uống thế nào?

Ngọc Nga

Khuyến cáo khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

CDC Hà Nam

Những điều người cao tuổi cần nắm rõ trước và trong khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngọc Nga