Chọn thực phẩm có lợi cho người nhiễm HIV/AIDS

(CDC Hà Nam)

Khi được sử sụng những thức ăn bổ dưỡng sẽ giúp cho cơ thể có được năng lượng tốt, hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm và có sức đề kháng cao với các nhiễm trùng cơ hội. Nếu bạn bị nhiễm HIV/AIDS hoặc đang chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, điều quan trọng là phải biết chọn thực phẩm, chế biến đúng cách, đảm bảo vệ sinh… giúp đảm bảo sức khỏe, duy trì được cân nặng, tăng miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại HIV.

  1. Chọn một thực đơn hợp lý

Khi chọn, bạn nên kết hợp hài hòa giữa chất bột, các chất đạm, chất béo và vitamin để bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Giúp kiểm soát các triệu chứng, biến chứng của HIV và kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc. Có ba nhóm thức ăn chính:

Nhóm thức ăn nhiều đạm: bao gồm các loại thịt, cá, trứng và một vài loại đậu (đặc biệt là đậu nành).

Nhóm thức ăn nhiều vitamin: Nhóm thức ăn này nhiều màu sắc và cung cấp nhiều vitamin giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Nó bao gồm các loại rau và hoa quả.

Nhóm thức ăn nhiều năng lượng: gạo, đường, bánh mỳ, ngô và khoai tây. Các loại dầu hoặc mỡ cũng thuộc nhóm thức ăn giàu năng lượng. Ăn thêm các loại dầu mỡ như mỡ động vật, dầu vừng, dầu lạc cùng với gạo hoặc thực phẩm khác là cách rất tốt để bổ sung năng lượng.

Không uống rượu, không dùng ma túy, hoặc hút thuốc lá.

  1. Ăn uống như thế nào khi bạn không muốn ăn?

Chế biến thức ăn thành dạng lỏng như súp hoặc các đồ uống. Sử dụng ống hút để uống. Điều này sẽ giúp bạn ăn được khi miệng bị lở loét hoặc khó nuốt.

Uống các dịch bổ dưỡng như sữa, sữa đậu nành, nước dừa và nước rau vào những ngày bạn cảm thấy không muốn ăn.

Uống đủ nước để phòng mất nước.

Tránh những thức ăn kích ứng dạ dày chứa nhiều dầu hoặc thức ăn rán, rau sống và ớt.

Uống vitamin tổng hợp hoặc vitamin tổng hợp nhóm B để tăng cảm giác ngon miệng cho bạn, nhưng nên nhớ rằng chỉ dùng vitamin khi bạn đã có chút thức ăn trong dạ dày (uống vào lúc sau ăn).

  1. Cách chế biến thức ăn và đồ uống an toàn

Sức đề kháng, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể của người nhiễm HIV/AIDS kém, rất yếu so với bình thường (HIV tấn công và phá hủy hệ thống miễn dịch). Vì vậy, phải luôn nhớ rằng, các loại thức ăn mà bạn sử dụng là an toàn. Các vi trùng có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể từ các nguồn thức ăn không sạch và các nguồn nước bị nhiễm bẩn. Vì vậy, khi chuẩn bị chế biến thức ăn bạn cần lưu ý:

Rửa tay trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

Cọ rửa khu nấu ăn và bàn ghế bằng xà phòng và nước sạch.

Dùng nước sạch để nấu ăn và để uống.

Rửa tất cả rau, hoa quả bằng nước sạch. Bạn có thể pha một ít muối vào nước hoặc nước rửa hoa quả để làm sạch.

Nấu chín kỹ tất cả các loại thức ăn. Nhiệt độ cao sẽ giết chết các vi sinh vật trong thức ăn. Không để ruồi và các động vật khác chạm vào thức ăn. Không ăn thức ăn thừa từ các buổi tối trước, trừ khi nó được bảo quản ở nơi sạch và mát.

Hằng ngày nên uống một lượng nước vừa phải để bổ sung nước cho cơ thể. Nên uống nước cam, các loại nước quả hoặc chế biến thành nước sinh tố để cơ thể dễ hấp thụ. Mỗi người nhiễm cần có một thái độ nghiêm túc và không nên nể nang trước lời mời của bạn bè. Hạn chế tối đa rượu bia và các loại nước có ga.

  1. Luôn nỗ lực, sống tích cực

Ngoài việc bảo vệ sức khỏe bản thân, người nhiễm HIV/AIDS phải luôn nỗ lực, sống tích cực, chủ động hòa nhập và tham gia các hoạt động của cộng đồng. Người nhiễm phải sẵn sàng vượt qua khó khăn của cuộc sống, vượt qua sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Lối sống lạc quan, xác định sống chung với HIV và hy vọng sẽ có thuốc đặc trị vào ngày mai. Có như vậy, với sự chăm sóc và tuân thủ điều trị ARV, người nhiễm mới có cuộc sống chất lượng và tăng tuổi thọ.

  BSCKI Đinh Ngọc Hải

                                                                       

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch trưa ngày 30/9

Ngọc Nga

Cần biết: Cách đảm bảo an toàn trước dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện mới

Ngọc Nga

Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

Ngọc Nga

Để lại bình luận