Điểm báo ngày 13/11/2023

(CDC Hà Nam)

Lưu ý sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông thường vào cuối mùa dịch tỉ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu dịch. Bệnh viện vẫn ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó nhiều ca nặng.

Bác sĩ Cấp nhận định việc gia tăng ca bệnh khá đúng với quy luật, chủ yếu do thời tiết phía Bắc thời gian gần đây vẫn nắng nóng, nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ.

Theo bác sĩ Cấp, biến chứng sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Có những bệnh nhân từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi sốc sốt xuất huyết chỉ diễn biến trong 4 đến 6 tiếng.

Nếu sốc sốt xuất huyết không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân tử vong

Bác sĩ Cấp nêu rõ hai biến chứng thường gặp nặng của sốt xuất huyết là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp và sốc. Biến chứng thứ hai là biến chứng hạ tiểu cầu máu.

Bác sĩ Cấp cho hay trong đó biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh và bác sĩ cũng cần hết sức chú ý.

Tử vong do sốt xuất huyết chỉ là thứ yếu, còn nguyên nhân chủ yếu là do cô đặc máu thành mạch gây sốc sốt xuất huyết. Những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo bắt buộc phải nhập viện để theo dõi, điều trị bù dịch theo phác đồ.

Nếu chúng ta không nhận biết được sớm dấu hiệu cảnh báo, không điều trị đúng có thể diễn biến rất nhanh, dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm tình trạng thoát dịch và tăng dẫn ống thành mặt. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, đau tức vùng gan, vật vã, li bì, lơ mơ.

Khi xét nghiệm máu có thể cho thấy tình trạng cô đặc máu hoặc siêu âm có thể thấy thoát dịch màng phổi, màng bụng. Dấu hiệu của hạ tiểu cầu như chảy máu tự nhiên, chảy máu chân răng, rong kinh, chảy máu mũi…, xét nghiệm máu cho thấy hạ tiểu cầu.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay trong ba ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

“Sau ngày thứ 3 – ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng hoặc đi khám ngay khi có dấu hiệu cảnh báo như khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Trứng muỗi cũng mang mầm bệnh

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương, hiện nay theo một số nghiên cứu cho thấy muỗi sốt xuất huyết có thể lây qua gia truyền.

Tức là muỗi mẹ mang vi rút Dengue gây sốt xuất huyết, khi đẻ trứng thì trong trứng muỗi đã mang mầm bệnh. Trong môi trường khô trứng muỗi có thể chưa nở, nhưng khi ẩm ướt trứng nở ra, muỗi con đã mang vi rút gây bệnh.Tùy vào từng điều kiện thời tiết, trứng muỗi có thể nở sau một tuần, thậm chí vài tuần. Vì vậy việc xử lý lăng quăng, bọ gậy phải thực hiện liên tục và thường xuyên.

                                                 Theo Trung tâm Truyền thông Trung ương

Bài viết liên quan

KH các lớp tập huấn Dự án 1000 ngày

CDC Hà Nam

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 22/10/2021

Ngọc Nga

‘Việt Nam minh bạch thông tin về Covid-19’

Ngọc Nga