Hà Nam: Ghi nhận 01 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn

(CDC Hà Nam)

Qua thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vào hồi 9 giờ ngày 17/6/2024 ghi nhận 01 trường hợp mắc liên cầu lợn có địa chỉ tại tỉnh Hà Nam.

Theo đó, bệnh nhân là nam 57 tuổi (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục), làm nghề thợ mộc. Ngày 31/5 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, nghe kém có điều trị thuốc hạ sốt, giảm đau tại nhà không đỡ. Đến ngày 01/6 bệnh nhân đau đầu tăng lên kèm theo buồn nôn, nôn, ù tai, giảm thính giác, không xuất hiện ban hoại tử. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và điều trị tại đây 2 ngày.

Đến ngày 03/6 bệnh nhân được người nhà chuyển lên khám tại Bệnh viện Quân Y 103. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm dịch não tủy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn).

Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang điều trị ở Bệnh viện Quân Y 103, đã hết sốt, còn đau đầu, chóng mặt, ù tai, giảm thính giác, không nôn, không xuất hiện ban hoại tử. Các thành viên khác trong gia đình vẫn khỏe mạnh không ai xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn…

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát ca bệnh tại xã Đồn Xá huyện Bình Lục.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bình Lục, Trạm Y tế xã Đồn Xá tiến hành giám sát, điều tra dịch tễ tại nơi lưu trú của bệnh nhân. Hướng dẫn, tuyên truyền người dân tại địa phương thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Y tế huyện Bình Lục, Trạm Y tế xã Đồn Xá tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các thành viên trong gia đình bệnh nhân; tăng cường giám sát các ca bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu tại cộng đồng và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện, xã; hướng dẫn xử lý môi trường nhà ở bệnh nhân bằng Cloramin B sát khuẩn và các dung dịch sát khuẩn khác tại những địa điểm mà bệnh nhân lưu trú theo quy định…

Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Phan Hạnh

 

 

 

 

Bài viết liên quan

11 mẫu bệnh phẩm thực hiện ngày 07/01/2021 âm tính với SARS-CoV-2.

CDC Hà Nam

Sáng 30/9, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, Việt Nam chữa khỏi 1.007 bệnh nhân

Ngọc Nga

Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19

Ngọc Nga