Vệ sinh an toàn thực phẩm làm nóng nghị trường
Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 31/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã được thực hiện quyết liệt – “Trên nóng, dưới cũng nóng”. Tuy vậy, tình trạng vệ sinh thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sáng nay, 31/10, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố, bữa ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù đã được chất vấn tại nhiều kỳ họp trước đây nhưng vấn đề này vẫn tồn tại và gây ra bức xúc, lo lắng trong xã hội. Các đại biểu chất vấn trưởng ngành Y tế về các giải pháp căn cơ cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tình trạng về an toàn thực phẩm thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ như thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.
Để khắc phục tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, theo trưởng ngành y tế, cần tập trung vào 2 nội dung chính là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện.
Hiện nay, hệ thống pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm khá đồng bộ, hoàn thiện. Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này đã tiếp cận được phương thức quản trị tiên tiến theo hướng quản lý rủi ro dựa vào các yếu tố nguy cơ, tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm và phân cấp cho địa phương.
Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế là đầu mối của lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương… Đặc biệt là có sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội như Hội LHPNVN. Qua đó tạo ra sự liên kết, tổ chức liên ngành trong việc thực hiện.
Cùng với đó, quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được phân cấp nhiều cho chính quyền địa phương. Có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” ở lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cải thiện rất nhiều; nay đã “trên nóng – dưới nóng”, các địa phương ra quân quyết liệt”, bà Kim Tiến khẳng định.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh, chỉ tính riêng thanh tra ở địa phương có tới gần 500 ngàn cuộc; cùng với đó giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm. Vì vậy, số vụ ngộ độc tập thể thời gian qua đã giảm, tổng số mẫu vi phạm an toàn vệ sinh đã giảm.
Trưởng ngành y tế cho biết, trong thời gian tới, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này sẽ được nâng lên cao hơn nữa. (Phụ nữ Việt Nam, trang 1)
Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm 85% dự toán
Theo Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, số chi khám chữa bệnh BHYT bình quân trên toàn quốc chiếm 85% dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao, nằm trong tầm kiểm soát, bảo đảm cân đối được nguồn quỹ cho 2 tháng cuối năm 2018.
Tuy nhiên, một số địa phương đang có số chi cao hơn 90% dự toán được giao, có nguy cơ không cân đối được nguồn quỹ trong năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là: Tình trạng sử dụng thuốc biệt dược gốc chiếm tỷ lệ lớn; tỷ lệ chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng ngoại trú quá rộng rãi…
Theo BHXH Việt Nam, trong 2 tháng cuối năm, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh để đẩy nhanh tiến độ liên thông dữ liệu, chuyển dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành nhằm phục vụ công tác quản lý. (Hà nội mới, trang 5)
Điện Biên khẩn cấp phòng, chống dịch sởi
Để chủ động ứng phó với nguy cơ dịch sởi bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh, sáng 1-11, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người thuộc UBND tỉnh Điện Biên tổ chức triển khai các hoạt động khẩn cấp phòng, chống dịch, gồm: giám sát, xử lý ổ dịch; thu dung, điều trị cho bệnh nhân; công tác truyền thông và chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella cho trẻ em tại bốn huyện, thị xã. Theo đó, trong tháng 10 và 11-2018, Sở Y tế Điện Biên chỉ đạo tiêm vắc-xin sởi – rubella cho 100% trẻ em từ một đến 10 tuổi ở bốn huyện, thị xã, gồm: Mường Chà, Mường Lay, Điện Biên Đông và Tuần Giáo. Dự kiến, tổng số trẻ được tiêm vắc-xin sởi – rubella tại bốn huyện, thị xã này là 42.037 trẻ. (Nhân dân, trang 5)
Từ 1-12, người bệnh bảo hiểm y tế sẽ có thêm 5 quyền lợi mới
Theo quy định mới, từ 1-12-2018 tới đây, người bệnh BHYT sẽ có thêm nhiều quyền lợi mới như: được thanh toán BHYT nếu nơi điều trị gửi mẫu xét nghiệm đến nơi khác, đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn được thanh toán kéo dài thêm 15 ngày…
Bộ Y tế vừa cung cấp thông tin đến báo chí về những điểm mới tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12-2018, thay thế Nghị định 105/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, về quyền lợi BHYT trong một số trường hợp được Nghị định 146 bổ sung, quy định như sau:
Thứ nhất, trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định. Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, đi lại khó khăn được đi khám, chữa bệnh tại nơi gần chỗ cư trú, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Điểm mới thứ hai là Nghị định 146 đã bổ sung thêm quy định về việc quỹ BHYT sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
“Điều này có nghĩa, bệnh nhân có thể được cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị gửi mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân tới nơi khác mà vẫn được thanh toán BHYT, sau đó có thể quay lại điều trị” – ông Toàn nói.
Điểm mới thứ ba là người bệnh BHYT đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn sẽ được thanh toán kéo dài thêm 15 ngày.
Cụ thể, ở Nghị định 146/NĐ-CP, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi thẻ hết hạn. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
Quyền lợi mới thứ tư mà người bệnh BHYT được hưởng là: Trường hợp người có thẻ BHYT tự đến bệnh viện nhưng không đúng tuyến, sau đó được bệnh viện này chuyển sang bệnh viện khác thì BHYT vẫn thanh toán theo hình thức trái tuyến; trừ các trường hợp: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của bệnh viện; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện.
Quyền lợi mới thứ năm mà người bệnh BHYT được hưởng là: với các bệnh viện chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh dạng BHYT hoặc các bệnh viện có đăng ký nhưng lại khám chữa bệnh không đúng thủ tục như BHYT quy định thì người bệnh cũng được điều chỉnh mức quyền lợi khi đến đây khám chữa bệnh. BHYT sẽ thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám chữa bệnh. (An ninh thủ đô, trang 5; Sức khỏe & đời sống, trang 7).
BVĐK tỉnh Phú Thọ hợp tác phòng chống đột quỵ với BV St. George London – Anh
Ngày 31/10/2018, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội thảo đột quỵ và Lễ ký kết hợp tác quốc tế về đột quỵ giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Đại học St. George London – Vương quốc Anh
Tham dự buổi lễ có PGS.TS. Nguyễn Minh Hiện – Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ khu vực miền Bắc; BSCKII. Hồ Đức Hải – Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ; TS. Andrew Clifton – Trưởng đơn vị Chẩn đoán hình ảnh thần kinh can thiệp, nguyên Giám đốc lâm sàng Bệnh viện St. George, London, Vương quốc Anh; GS. TS. Anthony Rudd CBE – Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Anh quốc, Giám đốc Trung tâm điều trị đột quỵ London, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia xây dựng hướng dẫn lâm sàng điều trị đột quỵ của Anh; TS. Nguyễn Huy Ngọc – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cùng các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đột quỵ đến từ các bệnh viện TW Quân đội 108; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện 103; đại diện cán bộ thuộc Trung tâm Y tế tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cùng cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Huy Ngọc – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Trong chuyên ngành thần kinh, đột quỵ nhờ sự giúp đỡ của các Bệnh viện tuyến Trung ương trong đó đặc biệt là: Bệnh viện 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia của Hội Đột quỵ Việt Nam, Hội Thần kinh Việt Nam, Chi hội đột quỵ miền Bắc, Hội Chống đau Hà Nội, tháng 9/2014, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thành lập Đơn vị đột quỵ tại Khoa Hồi sức tích cực, đồng thời cũng xây dựng một mạng lưới 13 đội đột quỵ tại các bệnh viện tuyến cơ sở, nhờ đó mà người bệnh đột quỵ đã được tiếp cận những kỹ thuật mới, chuyên sâu về đột quỵ góp phần rút ngắn thời gian điều trị và sớm hòa nhập với cộng đồng.
Ngày 15/9/2018, Trung tâm đột quỵ của bệnh viện chính thức đã đi vào hoạt động.
Cũng theo TS. Ngọc, thời gian vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ nói chung và chuyên ngành thần kinh đột quỵ nói riêng đã nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn từ các chuyên gia của nước ngoài.
TS. Andrew Clifton cũng khẳng định: Bệnh viện St. Goerge London là bệnh viện hàng đầu của Vương quốc Anh về lĩnh vực thần kinh đột quỵ, với bề dầy kinh nghiệm và tập trung nhiều chuyên gia cao cấp, bệnh viện St. Goerge London sẽ hỗ trợ đắc lực cho Trung tâm Đột quỵ của BV.
Tại lễ ký kết, hai bên thống nhất thỏa thuận hợp tác tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản. Bệnh viện St Goerge London sẽ hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong việc triển khai Trung tâm đột quỵ chuyên nghiệp và hiệu quả, đồng thời sẽ hỗ trợ các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện sang học tập, thực hành tại trường Đại học St Goerge London – Vương quốc Anh.
Sau buổi lễ, các chuyên gia đã thăm quan Trung tâm đột quỵ và trực tiếp thăm khám, hội chẩn và tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh đang điều trị tại Trung tâm. (Sức khỏe & đời sống, trang 6).