Dinh dưỡng đối với người bị bệnh đái tháo đường

(CDC Hà Nam)

Bệnh đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường, gây tăng đường huyết mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin hoặc kết hợp cả hai yếu tố.

Nồng độ đường trong máu phụ thuộc vào việc cung cấp năng lượng qua ăn uống và tiêu thụ năng lượng qua vận động. Do đó, duy trì nồng độ đường trong máu bình thường là rất quan trọng đối với cơ thể khỏe mạnh. Nếu đường trong máu tăng nhiều, người cảm thấy mệt mỏi, trong cơ thể sẽ hình thành nhiều chất cặn bã tích tụ làm hỏng mạch máu. Nếu đường máu xuống quá thấp, cơ thể đặc biệt là não thiếu năng lượng hoạt động.

Bữa ăn hàng ngày của người bị đái tháo đường luôn luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm chính: Nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo và nhóm rau, trái cây. Nguyên tắc chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường cần cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để duy trì cân nặng hợp lý ở người lớn, đảm bảo sự tăng trưởng bình thường ở trẻ em, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai, đang cho con bú và phục hồi sức khỏe khi mắc các bệnh khác. Duy trì tình trạng dinh dưỡng thích hợp để đảm bảo sức khoẻ, sự phát triển và tổ chức cơ của cơ thể. Ổn định được đường huyết, duy trì mức đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt, đạt các chỉ số mỡ trong máu ở mức tối ưu và phòng ngừa, làm chậm xuất hiện các biến chứng, không làm đường máu tăng cao sau bữa ăn, không bị  hạ đường huyết lúc xa các bữa ăn và không làm tăng mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận.

Nhu cầu chất bột đường: Từ 55 – 60% tổng số năng lượng, phụ nữ mang thai bị đái tháo đường ở mức 45 – 50%. Các loại thức ăn mặc dù có lượng glucid (chất bột đường) bằng nhau nhưng sau khi ăn sẽ tăng đường huyết với mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn được gọi là chỉ số đường huyết của loại thức ăn đó. Người đái tháo đường nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp <55%, như các loại thực phẩm nguyên hạt hoặc còn nhiều chất xơ (gạo lức, gạo giã dối, bánh mì đen, yến mạch, mì nguyên hạt, cam, bưởi, táo, lê, dâu tây, thanh long, đậu đỏ, đậu nành, đậu hà lan…) làm tăng đường máu từ từ và thấp sau ăn. Ngược lại, nếu sử dụng các thực phẩm với chỉ số đường huyết cao >70% làm đường máu tăng nhanh và cao sau ăn. Khi ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình 56-69% hoặc có chỉ số đường huyết cao >70% (Tham khảo bảng chỉ số đường huyết của một số thực phẩm thông dụng ở trang sau) thì cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ, như rau và củ, mỗi ngày ăn khoảng 500g rau. Tránh sử dụng các thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật, mật ong, khoai tây, bánh mì, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt có ga v.v.

Nhu cầu chất béo: Khoảng 20-25% tổng năng lượng, có thể thay đổi phụ thuộc thói quen ăn uống của bệnh nhân. Ăn hạn chế các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều mỡ, cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật…). Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe, như đậu phụ, vừng lạc, cá, dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá… Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật và ở dạng trộn salad. Hạn chế các món xào nhiều dầu hoặc mỡ, các món rán, nướng…

Nhu cầu chất đạm: Từ 15-20% năng lượng, có thể thay đổi phụ thuộc chế độ ăn hiện tại, tuổi, bệnh kèm theo… Đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không suy chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ).

Lượng rau xanh: Nên ăn nhiều >450g/ngày, có thể ăn nhiều hơn theo nhu cầu. Bổ sung chất xơ khi không ăn đủ, lượng xơ/khẩu phần 20 – 30g/ngày hoặc từ 14 – 20g /1000 Kcal.

Khẩu phần quả chín: Nên ăn với số lượng vừa phải 200-400g, tùy loại quả chín.

Khẩu phần muối ăn: Cố gắng ăn giảm lượng muối, gia vị chứa muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp. Người bị đái tháo đường nhưng không bị tăng huyết áp nên ăn <5g/ngày, nếu đã bị tăng huyết áp nên hạn chế từ 2 – 4g muối/ngày.

          Phân chia bữa ăn: Duy trì bữa ăn đúng giờ và phân chia bữa ăn hợp lý với một lượng thức ăn, lượng chất bột đường ổn định như nhau, ăn ba bữa chính và một đến hai bữa ăn phụ.

Rượu bia: Hạn chế sử dụng rượu bia đến mức tối đa. Trong trường hợp sử dụng, không nên uống quá một lon bia (330 ml)/ngày, rượu vang đỏ khoảng 150-200ml/ngày.

          Nên duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, đặc biệt là không sử dụng thuốc lá, thuốc lào.

Ngoài chế độ ăn, uống hợp lý, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện chế độ luyện tập, hoạt động thể lực phù hợp, sống lạc quan, có niềm tin và tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định của thầy thuốc.

Chế độ dinh dưỡng là thành phần thiết yếu trong phức hợp điều trị đối với người bị bệnh đái tháo đường. Đồng thời, chế độ ăn có vai trò quan trọng trong phòng ngừa hoặc làm bệnh chậm phát triển.

Bảng chỉ số đường huyết của một số thức ăn thông dụng

Nhóm thực phẩm Tên thực phẩm Chỉ số đường huvết
Bánh mì Bánh mì trắng 100
  Bánh mì toàn phần 99
Lương thực Gạo trắng 83
  Lúa mạch 31
  Yên mach 85
  Bột dong 95
  Gạo giã dối 72
Quả Chuối 53
  Táo 53
  Dưa hấu 72
  Cam 66
  Xoàỉ 55
  Nho 43
  Mận 24
  Anh đào 32
Rau, củ Khoai luộc 54
  Khoai sọ 58
  Cà rốt 49
  Củ từ 51
  Khoai bỏ lò 135
Đậu Lạc 19
  Đậu tương 18
  Hạt đậu 49
  Đậu nướng 62
  Sữa Sữa gầy 32
  Sữa chua 52
  Kem 52
Đường Đường 86

 

                                                                                                                      BSCKI. Nguyễn Trung Kiên

                                                                                                             Phó khoa phụ trách Khoa PCBKLN&DD

Bài viết liên quan

Nhận biết và chăm sóc người bệnh thủy đậu

Ngọc Nga

Khẩn trương phòng bệnh tay chân miệng mùa khai trường, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên

CDC Hà Nam

Xử lý nước, vệ sinh cá nhân, môi trường trong và sau mưa lũ

Mậu Ngọ

Để lại bình luận