Điểm báo ngày 05/12/2018
Thu hồi thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm Sibutramine; Đừng để thành bệnh mãn tính; Ngành Y tế đã có sự thay đổi rất lớn
Thu hồi thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm Sibutramine
Ngày 4-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quyết định về việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Mat Xi S.G (ở số J29 đường Võ Thị Sáu, KP7, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, Công ty TNHH Mat Xi S.G phải thu hồi ngay 2 lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe là Go Lean Detox (sản xuất ngày 29-8-2018 và 20-10-2018) vì có chứa chất Sibutramine.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu doanh nghiệp này chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm có sai phạm, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời có trách nhiệm báo cáo với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai và Cục An toàn thực phẩm về kết quả thu hồi.
Tại Việt Nam, Sibutramine từng được chỉ định trong điều trị béo phì và duy trì cân nặng. Tuy nhiên đây là chất gây ra tác động nguy hiểm đến hệ tim mạch ở những người có nguy cơ cao, nên từ tháng 4-2011, Bộ Y tế đã yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn bộ thuốc chứa hoạt chất Sibutramine (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Đừng để thành bệnh mãn tính
Mọi người chưa quên cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nam xây ì ạch trong khi vốn có sẵn.
Lẽ ra hai bệnh viện này phải khánh thành năm 2017 nhưng thời gian trôi qua, tiền nằm chờ giải ngân bởi hàng loạt vướng mắc. Đó là điển hình của bệnh có tiền nhưng không xài hết trong đầu tư công.
Mới đây tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu kiểm điểm việc chậm giải ngân vốn đầu tư.
Thực tế, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều quận, huyện, sở ngành còn quá thấp. Ngay Bộ Tài chính cũng nóng ruột khi vừa phải có văn bản trình Thủ tướng đề nghị giao Bộ Kế hoạch – đầu tư khẩn trương chủ trì, trình Thủ tướng phương án điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2018.
Từ giữa năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải phê bình gắt gao 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị đã chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến nhiều trong các cuộc họp giữa Chính phủ với các bộ ngành từ cuối năm 2016 và nay vẫn là vấn đề nóng.
Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công được thanh toán trong 11 tháng qua ước đạt hơn 61% kế hoạch. Đáng chú ý, tỉ lệ vốn vay nước ngoài giải ngân mới hơn 38% kế hoạch, vẫn còn hơn 38.000 tỉ đồng vốn vay nước ngoài chưa thể giải ngân.
Để có vốn cho đầu tư, một phần chúng ta phải đi vay nhưng tiền chậm chảy vào dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đó là sự lãng phí kiểu mới trong tình hình mới. Nói thế là vì sự lãng phí này khác với thất thoát vốn đầu tư công cũng như do bố trí vốn dàn trải như nhiều năm trước.
Còn tình hình mới đó là bệnh chậm xài tiền bùng phát khi chúng ta chủ trương siết lại đầu tư công. Biết bệnh, đã bốc thuốc nhưng tình hình vẫn chưa chuyển động, vốn vẫn đắp chiếu.
Để sớm thoát ra khỏi căn bệnh này, ông Hoàng Quang Hàm – ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội – cho rằng cần xem xét hai vấn đề. Nếu chính sách chưa hợp lý, phải sửa, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý đồng vốn đầu tư công chặt chẽ, đúng mục đích.
Về thực thi, nếu bộ, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm phải chế tài, thậm chí cách chức người đứng đầu. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực phải thay chủ đầu tư mới.
Cũng có đề xuất cho các bộ, ngành, địa phương được phép điều chuyển vốn chậm sử dụng cho các dự án khả thi.
Như tại Bộ Y tế, đến hết 11 tháng mới giải ngân được 10,5% kế hoạch, trong khi nhiều dự án bệnh viện khác lại khát vốn; khi được chuyển vốn, các dự án này sớm hoàn thành. Nhưng chuyển vốn chỉ là tình thế.
Vì các dự án được bố trí vốn nhưng chậm sử dụng đều là những dự án được chọn mặt gửi vàng, người dân trông chờ, kỳ vọng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.
Nếu cứ ì ạch triển khai, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khó đạt như mong muốn và càng rối hơn khi vốn từ ngành này chuyển sang ngành khác.
Kinh nghiệm tăng tốc giải ngân cũng đã được chỉ ra, đó là do năng lực của các đơn vị liên quan. Vậy hãy thúc đẩy nhanh quá trình này, những người chậm chạp trong sử dụng vốn phải được thay thế. Chỉ có thế, căn bệnh mới “chậm xài tiền” mới không trở thành mãn tính (Tuổi trẻ, trang 1).
Ngành Y tế đã có sự thay đổi rất lớn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện khu vực phía Nam lần thứ XVII 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, “Tôi thật sự hạnh phúc khi thấy ngành y đã có sự thay đổi rất lớn. Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực. Trong đó, phải kể đến vai trò quản lý của giám đốc và ban lãnh đạo các bệnh viện”…
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc Các Bệnh viện khu vực phía Nam cũng nhấn mạnh, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngành y tế cả nước trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai tại nhiều đơn vị trong cả nước. Để đạt được những thành tựu này, phải kể đến vai trò lãnh đạo và quản lý hiệu quả của Lãnh đạo Bộ Y Tế của như lãnh đạo các đơn vị. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng mong muốn, thông qua Hội nghị những chủ trương, thông tin cập nhật từ Bộ Y Tế, những chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện quản lý tại các đơn vị, giúp các nhà quản lý có thể áp dụng, cải tiến được tại đơn vị của mình, theo phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ.
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, người bệnh đã hài lòng hơn với chất lượng khám chữa bệnh. Như kết quả khảo sát hài lòng người bệnh trực tuyến sau 1 năm với trên 1 triệu phiếu khảo sát: tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 75,6%, người bệnh ngoại trú đạt 66,3%.
Kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại với 3000 người bệnh sau ra viện có kết quả tỷ lệ hài lòng đạt 79,6%. Khảo sát độc lập của PAPI cũng cho thấy người dân hài lòng hơn về dịch vụ y tế công. Riêng năm 2018, có sự tiến bộ hết sức rõ rệt.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng. Chẳng hạn, thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam; ca ghép tim cho bệnh nhân 10 tuổi; Bệnh viện Chợ Rẫy lập 8 kỷ lục Việt về ghép tạng do Hội Kỷ lục Việt Nam xác nhận. Kết quả đáng ghi nhận khác là giảm nằm ghép và giảm quá tải ở nhiều chuyên khoa.
Các bệnh viện ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong 24 – 48 giờ. Tỷ lệ nằm ghép so với năm 2012 giảm từ 58% xuống còn 16,7% ở tuyến trung ương; từ 47% xuống còn 11,4% ở tuyến tỉnh. Mạng lưới bệnh viện vệ tinh ở tất cả 63 tỉnh/thành phố, tăng từ 98 (2016) lên 117 (năm 2917) giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên trung ương, so với năm 2012: chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa giảm 98,5%, ung thư giảm 97%, sản khoa giảm 99%, nhi khoa giảm 73% (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).