Điểm báo ngày 22/01/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 22/01/2019

Công tác dân số năm 2019: Đảm bảo ổn định bộ máy tổ chức càng sớm càng tốt; Bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi; Bộ Y tế cảnh báo: Nguy cơ dịch sởi tái diễn trên quy mô lớn…

 

Xe cấp cứu miễn phí

Là người nhiệt tình với công tác thiện nguyện, bà Phan Thị Bính (62 tuổi, ở khu đô thị Linh Ðàm, quận Hoàng Mai đã cùng với những người bạn của mình góp tiền mua xe cứu thương để vận chuyển miễn phí bệnh nhân nghèo và các trường hợp cấp cứu khẩn cấp tại Hà Nội.

Năm 2016, qua một phóng sự truyền hình về mô hình xe cấp cứu miễn phí ở tỉnh An Giang, bà Bính và bạn là bà Thái Thị Tám (55 tuổi, ở phố Vũ Tông Phan, phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân) đã lặn lội vào tận địa phương này tìm hiểu. Nhận thấy đây là mô hình rất thiết thực, về đến Hà Nội, hai bà đã kêu gọi ba người bạn của mình chung sức thực hiện. Nhờ tấm lòng nhân hậu của những người bạn trong nhóm bà Bính, chiếc xe cấp cứu miễn phí đã lăn bánh vào đầu tháng 12-2018. Mô hình này ưu tiên vận chuyển những người bệnh nghèo (có xác nhận của phòng công tác xã hội bệnh viện) từ bệnh viện về nhà và đưa các trường hợp cấp cứu khẩn cấp đi điều trị. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chiếc xe cấp cứu miễn phí này đã giúp đỡ hơn 20 trường hợp.

Những thành viên trong nhóm thiện nguyện cho biết, phải rất khó khăn thì chiếc xe của họ mới có thể đi vào hoạt động. Khi tiền đã gom đủ, trang thiết bị cũng sẵn sàng, chính quyền địa phương ủng hộ, việc tìm một lái xe có thể bỏ thời gian, công sức chạy miễn phí là điều khiến nhóm đau đầu nhất. Giữa lúc đó, ông Mai Văn Toàn (55 tuổi) đã tình nguyện từ quê nhà ở xã Mỹ Ðức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ra bắc để hỗ trợ những người chung chí hướng. “Tôi tham gia chạy xe cấp cứu miễn phí ở An Giang được 20 năm rồi. Làm từ thiện thì ở đâu cũng vậy cả, nhưng chỗ nào cần mình hơn thì tôi đến. Bây giờ con cái cũng đã trưởng thành, tôi cũng không còn vướng bận gì nữa cho nên muốn đóng góp thật nhiều cho đời”, ông Toàn chia sẻ. Thấy chồng ra bắc chạy xe miễn phí cứu người, vợ ông Toàn cũng ra cùng. Hằng ngày, ông Toàn và nhóm của bà Bính đi làm từ thiện, còn bà ở nhà nấu cơm chay phục vụ mọi người. Vì chưa quen đường sá và thời tiết, ban đầu ông Toàn chạy xe khá vất vả. “Giao thông ở Hà Nội luôn đông đúc, cho nên có hôm tôi chạy xe đến chỗ xảy ra tai nạn, người nhà bệnh nhân đã nổi cáu với tôi. Biết người ta đang lo lắng, tôi chỉ giải thích là do kẹt xe thôi. Lúc sau bình tĩnh lại, họ lại xin lỗi và cảm ơn tôi”, người đàn ông có nước da ngăm đen chậm rãi kể lại.

Quy định chỉ hoạt động trong bán kính khoảng 100 km, nhưng có đôi lần nhóm vẫn phá lệ. Vào một ngày cuối tháng 12-2018, bà Bính nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của chị Nguyễn Thị Dung (39 tuổi, quê ở Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhờ đưa người nhà về quê. Thương cảm, bà Bính, ông Toàn vào Bệnh viện Bạch Mai tìm hiểu thông tin. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của cặp vợ chồng này, họ lập tức đưa anh Lê Duy Sơn, chồng chị Dung về nhà. Nhóm thiện nguyện đi từ 9 giờ sáng đến tận 16 giờ chiều mới về đến nhà người bệnh. Bụng đói, người mệt rã rời, nhưng được mời cơm, bà Bính, ông Toàn và bà Tám nhất định từ chối. “Về nhà anh Sơn thấy gia cảnh họ khó khăn quá, chúng tôi không đành lòng”, bà Thái Thị Tám kể. Sau đó, họ đi mua cơm chay, tìm một chỗ yên tĩnh ngồi ăn rồi lên xe về Hà Nội.

Bà Phan Thị Bính cho biết, ngoài xe cấp cứu miễn phí, nhóm của bà đang lên kế hoạch đầu tháng 3 tới sẽ phát cơm chay miễn phí (ngày ba bữa) cho người bệnh nghèo tại một bệnh viện Hà Nội và mở phòng khám phát thuốc nam miễn phí.

Tuổi đã cao, nhưng bà Bính và các ông bà trong nhóm luôn tâm huyết với những công việc thiện nguyện. Trước khi chia tay, bà Bính nhờ chúng tôi đăng giúp thông tin cho những người có hoàn cảnh khó khăn muốn đưa người thân từ bệnh viện về nhà hoặc trường hợp cấp cứu khẩn cấp có thể gọi đến số điện thoại: 0825111919.  (Nhân dân, chuyên trang Hà Nội)

 

Bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi

Bộ trưởng Y tế vừa có chỉ thị về bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Theo đó, Cục Y tế dự phòng và các đơn vị tuyến dưới tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh: cúm A(H5N1), A(H7N9), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi- rút Rota… các bệnh dịch lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác.

Chủ động thực hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đối với vùng thiên tai, bão, lũ… Ðồng thời tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết; cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, có chất lượng, giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt. Các cơ sở y tế phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị trong những ngày nghỉ Tết.

Chỉ thị cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh có kế hoạch trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu. Bệnh viện tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; chuẩn bị đủ số lượng máu, bảo đảm khả năng cao nhất trong cấp cứu nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông…(Nhân dân, trang 8)

 

Bộ Y tế tổ chức trực chống dịch 24/24h

Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nguy hiểm mới nổi và tái nổi gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân cũng như an ninh y tế toàn cầu như cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola đang rình rập. Đây là những nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam và bùng phát, nhất là khi thời tiết ở Việt Nam hiện thuận lợi cho nhiều loại virus và vi khuẩn phát triển, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng là lúc lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm, thực phẩm tăng cao. Điều này được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận trong những ngày cả nước chuẩn bị đón Tết nguyên đán.

Ông Phạm Hùng-Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) cũng cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, khí hậu đông – xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, dễ làm sức đề kháng của mỗi người giảm. Vì thế, những người sức khỏe yếu, trẻ em, người già, hoặc người không thích nghi kịp dễ bị nhiễm bệnh.

Mặt khác, điều kiện môi trường mùa này cũng thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy…

Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là người già và trẻ em. Việc sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết và mùa lễ hội làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường giám sát tại cộng đồng và cửa khẩu, để phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để xâm nhập, lây lan ra diện rộng, mở rộng giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao; Tăng cường phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người; ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng phương án ứng phó với các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế công cộng; duy trì hoạt động đáp ứng khẩn cấp tại các tuyến, tổ chức đánh giá nguy cơ, giám sát dịch bệnh và thông báo cho các đơn vị liên quan. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch

Bộ Y tế cho biết đặc biệt coi trọng hoạt động truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh nên đẩy mạnh hoạt động này ở các cấp với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng chống bệnh mùa đông – xuân và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ Y tế đảm bảo cung cấp đủ vaccine sởi – rubella cho 63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm định kỳ hàng tháng, cũng như chiến dịch tiêm cho trẻ 1-4 tuổi tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao.

Cùng với công tác dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Việc phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu các bệnh lây truyền được đặc biệt quan tâm để có thể khống chế được dịch sớm nhất.

Đề phòng dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống dịch bệnh bằng việc tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà… Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm và hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân, nhà cửa, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Vụ án chạy thận khiến 9 người chết:Chứng cứ ‘đầu độc, giết người’ chỉ là suy luận, luật sư chịu trách nhiệm gì?

Chủ tọa khẳng định những “chứng cứ về vụ đầu độc giết người” mà luật sư Phạm Quang Hưng đề nghị cung cấp thực chất chỉ là đơn xem xét, trong đó trình bày những suy luận cá nhân.

Bị cáo Hoàng Công Lương bị đề nghị 3 năm 6 tháng tù

Chiều 21.1, đại diện Viện KSND (VKS) TP.Hòa Bình giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương, bác sĩ (BS) thuộc Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị đề nghị mức án 36 – 42 tháng tù.

Theo đại diện VKS, bị cáo Lương là BS chuyên khoa I, là BS điều trị chuyên môn chính cho 18 bệnh nhân ngày 29.5.2017 ở Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo cũng có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản. Theo công văn trả lời của Sở Y tế Hòa Bình, đến thời điểm xảy ra sự cố, chỉ mỗi bị cáo Lương có đủ điều kiện hoạt động độc lập, đủ quyền ra y lệnh chạy thận và cũng được bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) phân công nhiệm vụ điều trị chuyên môn ở Đơn nguyên thận nhân tạo.

Ngoài vai trò BS, Hoàng Công Lương cũng là người ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Do đó VKS cho rằng, bị cáo Lương phải biết tầm quan trọng của nguồn nước và nắm được trước, trong và sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước, hóa chất tồn dư.

Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo không phải trường hợp lọc máu cấp cứu; Đơn nguyên thận nhân tạo lại có tới hai hệ thống lọc nước RO, có thể chạy thay thế, nên đây không phải là tình thế cấp thiết. Bị cáo Lương hoàn toàn có quyền không cho các điều dưỡng viên thực hiện chạy thận cho bệnh nhân.

Đại diện VKS cho rằng, hành vi nguy hiểm của Hoàng Công Lương chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết nên đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người.

Đề nghị xử lý luật sư vì làm ảnh hưởng phiên tòa

Trước đó, mở đầu ngày thứ 7 của phiên tòa, ông Nghiêm Hoài Anh, Phó chánh án TAND TP.Hòa Bình, chủ tọa phiên tòa, thông báo về việc tiếp nhận yêu cầu cung cấp chứng cứ mới của luật sư (LS) Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn) vào chiều 19.1.

Theo đó, cuối phiên xét xử ngày 19.1, HĐXX nhận được yêu cầu của LS Hưng về việc cung cấp chứng cứ mới có dấu hiệu “đầu độc, giết người” trong sự cố chạy thận ngày 29.5.2017. HĐXX đã làm thủ tục tiếp nhận yêu cầu này với sự có mặt của đại diện VKS. Tuy nhiên, LS Hưng đã không đưa ra chứng cứ tài liệu gì mà chỉ có đơn xem xét với việc đưa ra những suy luận cho rằng tồn dư a xít dẫn tới sự cố là có nguyên nhân khác.

Đại diện VKS cũng cho rằng, LS Hưng không có chứng cứ giao cho HĐXX mà chỉ có bản đề nghị xem xét lại hướng điều tra vụ án. Từ đó, VKS đề nghị tòa tiếp tục xét xử vụ án, đồng thời có hình thức xử lý LS Hưng cũng như nhắc nhở chung các LS khi có chứng cứ mới thì giao cho HĐXX nhằm đảm bảo thời gian xét xử, tránh kéo dài phiên tòa.

Tiếp tục có ý kiến, LS Hưng khẳng định đã đưa ra chứng cứ mới vì trong cáo trạng có đề cập, nước ở hồ số 2 của hệ thống nước RO tồn dư hóa chất a xít flohydric (HF) được truyền tới máy chạy thận là nguyên nhân dẫn tới tai nạn ngày 29.5.2017. Tuy nhiên, trong các kết luận giám định không nêu trong hệ thống RO tồn dư hóa chất HF mà chỉ nêu trong can nhựa 20 lít có tồn dư hóa chất…

Chủ tọa phiên tòa đã ngắt lời LS Hưng; yêu cầu ông ngồi xuống. “Cái mà LS cho là chứng cứ mới thì lại có trong hồ sơ vụ án nên hoàn toàn không có chứng cứ mới”, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.

Có thể khởi tố hành vi vu khống của luật sư?

Với những phát sinh diễn biến tại phiên tòa, nhiều chuyên gia cho rằng cách xử lý của chủ tọa là phù hợp, đúng thủ tục pháp luật.

“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên văn bản LS đưa ra, được LS cho rằng là nguồn chứng cứ chỉ là đơn xem xét với việc đưa ra những suy luận cho rằng có dấu hiệu đầu độc thì chỉ là một văn bản kiến nghị, không phải chứng cứ”, nguyên thẩm phán TAND tối cao, LS Trương Thị Minh Thơ đánh giá.

Cũng theo LS Thơ, việc đại diện VKS đề nghị HĐXX có hình thức xử lý LS Phạm Quang Hưng là vội vàng. “Đã là quan điểm thì HĐXX có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận, đồng thời nhắc nhở các LS. Đến phần tranh luận, nếu LS vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến các bị cáo hoặc cá nhân, tổ chức khác thì đến lúc đó VKS đề nghị HĐXX có văn bản gửi đoàn LS hoặc liên đoàn LS xem xét kỷ luật; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì HĐXX có quyền khởi tố tại tòa về hành vi vu khống của LS”, nguyên thẩm phán TAND tối cao phân tích.

LS Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết nếu những vấn đề LS Hưng đưa ra mà có chứng cứ thì tòa phải trả hồ sơ để làm rõ vì có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Nhưng với những thông tin mà chủ tọa công bố tại phiên xử sáng 21.1 và theo quy định tại điều 87 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì suy luận, quan điểm của LS không phải là nguồn chứng cứ.

Về hình thức xử lý kỷ luật, LS Nghiêm cho rằng, tùy hành vi và mức độ, hình thức xử lý có thể là khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên hoặc xóa tên. Trả lời Thanh Niên về vụ việc nêu trên, đại diện VKS TP.Hòa Bình cho hay, quan điểm của VKS về việc có hình thức xử lý LS Hưng đã được nêu rõ tại tòa; có xử lý hay không là việc của HĐXX.

Trong khi đó, LS Hưng khi được hỏi về “chứng cứ mới” mà tòa cho là “những suy luận cá nhân” vẫn tiếp tục cho rằng, đó chỉ là quan điểm của tòa và VKS. Ông sẽ trình bày những suy luận này trong phần tranh luận với VKS tại tòa. (Thanh niên, trang 5)

 

“Chìa khóa” để cơ thể khỏe mạnh

Có thực tế hiện nay là tỷ lệ người dân chủ động đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ rất thấp. Trong khi đó, đa số khi đã mắc bệnh mới tới khám, điều trị; đặc biệt có nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém chi phí.

Phát hiện bệnh khi đã quá muộn

Cầm kết quả khám bệnh trên tay, chị Trần Thị Dung (32 tuổi) không tin vào sự thật. Chị Dung cho biết, từ trước giờ chị chỉ ho và sốt vài ba bữa là khỏi. Nhưng lần này bị ho kéo dài, lại sốt và đau ngực nên có đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 để khám.

Sau kết quả xét nghiệm, chụp chiếu thì bác sĩ kết luận chị có một khối u ở phổi. “Trước giờ tôi luôn khỏe mạnh, cứ nghĩ mình không có vấn đề gì về sức khỏe nên chủ quan không đi khám bệnh, dù có thẻ bảo hiểm y tế, giờ bị bệnh đi khám phát hiện ra bệnh hiểm nghèo đã quá muộn rồi”, chị Dung buồn bã nói.

Cũng chủ quan, bỏ qua việc theo dõi sức khỏe của mình mà ông Nguyễn Quốc Tuấn (46 tuổi, ngụ Bình Dương) đã phải trả giá khá đắt khi nhập viện điều trị suy thận mạn ở giai đoạn nặng. Theo bà Võ Thị Sinh (vợ ông Tuấn), cách đây ít hôm thấy ông Tuấn buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, bị đau cơ, chuột rút, phù chân, ngứa… nên gia đình đưa ông đến BV Đại học Y Dược thăm khám. Các bác sĩ kết luận ông bị suy thận mạn giai đoạn muộn. “Gia đình đã khó khăn, nay ông bệnh tật lại càng khó khăn hơn. Trước giờ ổng có uống viên thuốc nào đâu, cứ nghĩ ổng khỏe mạnh, đâu ngờ…”, bà Sinh nói trong nước mắt.

Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo BV Đại học Y Dược TPHCM, bệnh thận mạn đã dần trở nên phổ biến trong cộng đồng, số người mắc bệnh tăng đến ngưỡng báo động. “Bình quân mỗi năm tại khoa chúng tôi có khoảng 30.000 lượt người đến khám và điều trị bệnh thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động trên thường do tâm lý chủ quan, lơ là với những biểu hiện ban đầu, dẫn đến bệnh tình trở nặng và đa số người bệnh đều nhập viện trong tình trạng muộn. Suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh”, bác sĩ Thảo nhận xét.

Cần có cách nhìn đúng

Theo bác sĩ Ngô Thị Cẩm Hoa, Trưởng khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, BV Nhân dân 115, việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ung thư… để có hướng điều trị hiệu quả hơn.

“Do lối sống gấp gáp, chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân mà nhiều người bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ và chỉ đến khám khi có biểu hiện ra ngoài. Hầu hết bệnh ung thư và tim mạch ở giai đoạn khởi phát có thể điều trị thành công cao; giảm thiểu chi phí, thời gian và đau đớn cho bệnh nhân. Một số bệnh ở giai đoạn khởi phát chưa cần dùng thuốc, chỉ cần thay đổi lối sống giúp phòng ngừa hoặc giúp trì hoãn đến giai đoạn bệnh thật sự, như tăng đường huyết giai đoạn nhẹ, rối loạn mỡ máu hoặc đái tháo đường tuýp 2… sẽ chưa cần đến điều trị thuốc”, bác sĩ Cẩm Hoa thông tin.

Cũng theo bác sĩ Cẩm Hoa, khám sức khỏe định kỳ còn là hoạt động bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng lao động, trường học, trường dạy nghề… cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo đối tượng có đủ sức khỏe để lao động, học tập. Mỗi người trưởng thành nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm/lần.

Một số đối tượng cần khám mỗi 6 tháng/lần như nhóm có nguy cơ cao hoặc chuẩn bị qua tăng huyết áp thật sự, bệnh đái tháo đường nhưng chưa cần dùng thuốc; nhóm có nguy cơ ung thư cao hơn thông thường (phụ nữ làm mẹ, chị em bị ung thư vú), gia đình có nhiều người bị ung thư hay các bệnh lý có yếu tố gia đình; người nhiễm viêm gan siêu vi B, C; nhóm người có nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao như công nhân mỏ than, xưởng dệt may, hóa dầu, hóa chất, phóng xạ…; nhóm người có nghề nghiệp áp lực và trách nhiệm cao: phi công, tài xế xe khách đường dài, tài xế xe tải nặng…

Còn theo bác sĩ Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Chợ Rẫy, việc khám sức khỏe định kỳ nên thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và có đủ điều kiện. Khám sức khỏe tổng quát gồm các bước khám thể trạng, khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. Sau đó dựa trên các kết quả khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ kết luận tình trạng sức khỏe của người tham gia khám và có hướng cần khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lâm sàng nếu nghi ngờ có bệnh hoặc với đối tượng có nghề nghiệp đặc thù…

“Cùng với việc khám sức khỏe định kỳ, mỗi người cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc tích cực vận động, tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ tinh thần lạc quan… Đó chính là “chìa khóa” để có cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, đẩy lùi bệnh tật”, bác sĩ Lê Trung Nhân nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Dịch sởi tăng nhanh

Từ đầu năm đến nay TP ghi nhận 1.989 trường hợp mắc sởi và số ca mắc sởi không ngừng tăng.

Chiều 21-1, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình hình công tác kiểm tra phòng chống bệnh sởi và tiêm chủng.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, từ đầu năm đến nay TP ghi nhận 1.989 trường hợp mắc sởi và số ca mắc sởi không ngừng tăng. Trong số này, 95% chưa được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng (chưa có miễn dịch với sởi). Độ tuổi mắc sởi chủ yếu dưới 10 tuổi, trong khi độ tuổi 26-34 cũng có sự gia tăng.

Qua điều tra tiêm chủng, tỷ lệ trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi của trẻ tại TPHCM luôn đạt tỷ lệ trên 95%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% trẻ tham gia tiêm mũi sởi thứ 2 lúc 18 tháng tuổi, chưa đạt chỉ tiêu của Bộ Y tế là 90% trẻ 18 tháng phải được tiêm nhắc vaccine sởi.

Bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, do phụ huynh không nhớ mũi tiêm nhắc, mất sổ tiêm chủng, trẻ bị bệnh lúc tiêm nên hoãn tiêm và sau đó phụ huynh quên đưa trẻ trở lại tiêm, phụ huynh chờ đợi mũi tiêm dịch vụ lúc 3-5 tuổi, di chuyển nơi ở nên không tiếp cận được các thông tin về tiêm chủng; phụ huynh không quan tâm đến mũi tiêm chủng nhắc lại sau khi trẻ hơn 1 tuổi đã được tiêm các mũi tiêm chủng cơ bản lúc đầu đời; thông tin tiêm chủng từ các cơ sở y tế địa phương, cộng tác viên y tế không đến được với người dân…

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, hiện nay dịch sởi đang diễn biến phức tạp, các bệnh viện cần có kế hoạch tiếp đón nếu dịch bùng phát, đáp ứng tốt khả năng tiếp nhận để bệnh nhân không bị nhiễm chéo; không để bệnh nhân sởi lây cho bệnh nhân khác; cần bảo vệ nhân viên y tế trước dịch sởi, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản; đánh giá phân tích về tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó; tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế.

Trước đó, đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Trạm y tế phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Nhi đồng 1. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 1.025 ca khám ngoại trú bệnh sởi, nhập viện nội trú 645 trường hợp. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị 30 trẻ mắc sởi, nhiều ca biến chứng viêm phổi. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Vụ tai biến y khoa chạy thận ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc bệnh viện bị đề nghị mức án đến 3 năm tù

Ngày 21-1, sau hơn 1 ngày tạm nghỉ, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ tai biến y khoa tại Hòa Bình khiến 9 người tử vong tiếp tục. Cuối giờ làm việc cùng ngày, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị các mức án.

Bác bỏ thông tin vụ án có dấu hiệu bị đầu độc

Trước đó (sáng 19-1), tại phần xét hỏi, luật sư Phạm Quạng Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) bất ngờ cho rằng 9 nạn nhân tử vong có dấu hiệu bị đầu độc, đồng thời đề nghị HĐXX cho được cung cấp chứng cứ mới. Luật sư Hưng cũng đề nghị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng chứng cứ mới mà ông đưa ra.

Tuy nhiên đầu giờ sáng 21-1 (ngày xét xử 7 vụ án), Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh đã công bố kết luận của HĐXX sơ thẩm về những vấn đề liên quan đến chứng cứ mới mà luật sư Phạm Quang Hưng nêu và cung cấp tại tòa án.

Theo đó, vị chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX đã nhận được yêu cầu của luật sư Hưng về việc cung cấp chứng cứ mới cho rằng có việc đầu độc, nguyên nhân khác dẫn đến sự cố ngày 29-5-2017, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).

Cũng theo vị thẩm phán điều khiển phiên tòa, sau khi thảo luận, HĐXX đã tiếp nhận tài liệu và có đại diện VKS chứng kiến. Tuy nhiên, luật sư đã không cung cấp được chứng cứ gì mà chỉ có bản đề nghị xem xét thêm căn cứ về nguyên nhân tồn dư axit dẫn đến sự cố là do tác nhân khác.

“Hoàn toàn không có chứng cứ gì mới, các tài liệu mà luật sư cung cấp đã có trong hồ sơ vụ án” – Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh khẳng định.

Tiếp đó, bà Bùi Thị Thu Hằng (đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa) cho biết, VKS xác định luật sư Phạm Quang Hưng không có chứng cứ mà chỉ có bản đề nghị xem xét lại vụ án theo hướng điều tra khác. VKS thấy rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân.  “Việc làm của luật sư Hưng gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc và có hình thức xử lý đối với luật sư Hưng”, nữ KSV phát biểu.

Tại tòa, luật sư Phạm Quang Hưng vẫn tiếp tục quả quyết, tài liệu mà vị luật sư này cung cấp là chứng cứ mới. “Tôi vẫn khẳng định việc đưa ra chứng cứ của tôi, đó là chứng cứ mới” – người bào chữa cho Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn bày tỏ quan điểm.

Tái khẳng định những gì luật sư Hưng nêu và cung cấp không phải là chứng cứ mới, vị chủ tọa sau đó ngắt lời người bào chữa, rồi kết luận”: “HĐXX đã thảo luận, thấy các tài liệu, chứng cứ mà luật sư nói đều đã có trong hồ sơ vụ án và không phải là chứng cứ”.

“Việc này ảnh hưởng lớn đến nhận thức, suy diễn của những người không hiểu biết, làm ảnh hưởng đến dư luận nói chung. Đề nghị các luật sư khi phát ngôn cần rõ ràng, tránh mập mờ”, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở chung.

Phiên tòa sau đó tiếp tục diễn ra với phần hỏi của các luật sư đối với nhóm điều dưỡng viên và bác sĩ Đơn nguyên thận BV Hòa Bình có mặt tại tòa.

Hoàng Công Lương chủ quan khi ra y lệnh

Sau 7 ngày thẩm vấn các bị cáo cùng hàng loạt nhân chứng, người liên quan, cuối giờ làm việc hôm nay, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hòa Bình lần lượt áp dụng các mức hình đối với từng bị cáo.

Cụ thể, với tội “Vô ý làm chết người”, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) bị đề nghị xử phạt từ 4 năm tù đến 5 năm tù và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị áp dụng từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.

Với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Trần Văn Sơn (SN 1990, trú ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị xử phạt từ 42 tháng tù đến 48 tháng tù; Trần Văn Thắng (SN 1965, cũng trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị xử phạt từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.

Tiếp đến, Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) – nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình bị đề nghị xử phạt từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù; Trương Qúy Dương (SN 1962) – nguyên Giám đốc BV Hòa Bình bị đề nghị áp dụng từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn bị đề nghị áp dụng từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.

Về hành vi phạm tội của Trần Công Lương, VKS nhìn nhận bị cáo này là bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành hồi sức cấp cứu, là bác sĩ điều trị chuyên môn cho 18 bệnh nhân tại Đơn nguyên thận, được cấp chứng chỉ hành nghề và được đào tạo cơ bản kỹ thuật lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Y lệnh lọc máu của 2 bác sĩ Linh và Huyền phải được Hoàng Công Lương ký xác nhận mới có giá trị thực hiện. Tại thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Linh chưa có chứng chỉ hành nghề, trong khi Luật Khám chữa bệnh nghiêm cấm việc khám chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ này.

Tương tự, bác sĩ Huyền có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn gồm khám chữa bệnh nội khoa nhưng chưa được Sở Y tế Hòa Bình phê duyệt đăng ký hành nghề. Do đó, Hoàng Công Lương có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh độc lập. Hai bác sĩ Linh và Huyền chưa đủ điều kiện tương đương.

Việc bị cáo Lương ký bên cạnh chữ ký của các bác sĩ khác để xác nhận việc khám và ra y lệnh, theo quy chế bệnh viện, y lệnh và việc ký xác nhận ra y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định để kết nối chạy máy lọc thận cho các bệnh nhân.

Quá trình điều tra bổ sung, bác sĩ Linh và Huyền đều khai, ngày 29-5-2017, sau khi thăm khám cho bệnh nhân 2 người này chuyển bệnh án cho bác sĩ Lương xem xét. Lương là người ra y lệnh cuối cùng để bệnh nhân được lọc máu. Qua lời khai của Hoàng Đình Khiếu và những cán bộ khác tại Đơn nguyên thận, Hoàng Công Lương được phân công và thực hiện nhiệm vụ phụ trách chuyên môn điều trị tại Đơn nguyên này.

Cũng theo KSV, bị cáo Lương phải biết tầm quan trọng của chất lượng nước dùng cho chạy thận. Sau tẩy rửa màng RO và đường ống thì phải có việc xét nghiệm hóa chất tồn dư. Đó là điều kiện đảm bảo chất lượng nước..

Trên cơ sở đó, đại diện cơ quan truy tố kết luận bị cáo Hoàng Công Lương đã không kiểm tra việc xét nghiệm nguồn nước mà chủ quan ra y lệnh chạy thận, dẫn đến sự cố và khiến 9 người tử vong. Hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. (An ninh Thủ đô, trang 14)

 

Đưa bệnh viện đến gần người dân

Mô hình “Chuỗi phòng khám đa khoa” của các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn TP.HCM vừa được thí điểm thành lập, giúp mang cơ sở y tế đến gần dân hơn và là một trong nhiều giải pháp hữu hiệu góp phần giảm quá tải ở các BV.

Giảm tải cho các BV trung tâm

TP.HCM là địa bàn đông dân cư. Vì vậy, lâu nay hầu hết các BV công trên địa bàn đều rơi vào tình trạng quá tải. Trước nhu cầu của người dân trong việc khám chữa bệnh, để giảm tải cho các BV công đặt tại trung tâm thành phố, đồng thời nhằm giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, không phải chờ đợi lâu, Sở Y tế TP.HCM chủ trương xây dựng các phòng khám đa khoa của BV

Thực hiện phân tuyến bệnh nhân và giảm quá tải ở các BV, số liệu của Bộ Y tế ghi nhận năm 2012 và 2018 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến Trung ương; ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%.

Phòng khám Đa khoa Linh Xuân trực thuộc BV Đa khoa quận Thủ Đức đặt tại phường Linh Xuân,  cách BV này khoảng 10km. BV Thủ Đức đã đưa 18 bác sĩ, 15 điều dưỡng, 4 dược sĩ, 3 kỹ thuật viên X-quang, 4 kỹ thuật viên xét nghiệm và một số nhân viên khác (kế toán, hộ lý) luân phiên công tác tại phòng khám. Bước đầu, phòng khám đã tiếp nhận 750 lượt bệnh nhân/ngày.

Kế hoạch trong năm 2019, BV Đa khoa Thủ Đức sẽ có chuỗi 4 phòng khám đa khoa tại các khu dân cư và khu công nghiệp, khu chế xuất, phấn đấu kéo giảm số lượt khám tại BV từ trên 6.000 lượt/ngày xuống còn trên 3.000 lượt/ngày.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (điều dưỡng) – Trưởng Phòng khám Đa khoa Linh Xuân cho biết, phòng khám đã giúp giảm tải cho BV Đa khoa quận Thủ Đức phần nào và kịp thời cứu chữa cho nhiều bệnh nhân trong khu vực. Nhờ có phòng khám, bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ y tế ngay nơi mình sinh sống.

Hay như tại BV Đa khoa quận Tân Phú, trung bình mỗi ngày có trên 3.000 lượt bệnh nhân đến khám, chỉ đứng sau BV Đa khoa quận Thủ Đức và đang trong tình trạng quá tải. Phòng khám đa khoa vệ tinh của BV ra đời đi vào hoạt động thật sự mang lại nhiều ý nghĩ thiết thực, tạo điều kiện cho người dân đến khám chữa bệnh, một giải pháp cốt lõi giải quyết tình trạng quá tải tại BV.

Giảm chi phí cho người bệnh

Tại huyện Củ Chi, ngày 5.1 Phòng khám Đa khoa Tân Quy ra đời phục vụ nhu cầu người bệnh khu vực Tân Quy (gồm 6 xã: Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông). Đây là những xã cách khá xa các BV trên địa bàn, lại là địa bàn tập trung đông dân cư và công nhân với Cụm công nghiệp Tân Quy, Khu công nghiệp Trung An, Khu công nghiệp Đông Nam. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen chăm sóc sức khỏe định kỳ, khi phát bệnh nặng mới đến cơ sở khám chữa bệnh nên công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Người dân rất cần dịch vụ y tế vừa gần, vừa đảm bảo chất lượng để chăm sóc sức khỏe được tốt hơn.

Để giải quyết khó khăn này, huyện Củ Chi đã đầu tư nâng cấp sửa chữa Trung tâm Y tế dự phòng thành Phòng khám Đa khoa Tân Quy, trực thuộc BV đa khoa huyện, với đầy đủ các phòng khám, máy móc trang thiết bị mới, đủ để đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị của các chuyên khoa như một BV thu nhỏ.

Đến Phòng khám Đa khoa Tân Quy vào ngày nghỉ cuối tuần, phóng viên vẫn thấy không khí làm việc nơi đây như ngày thường. Chị Lê Thị Mai – công nhân ở Khu công nghiệp Trung An cho hay: Cũng may là phòng khám ở gần, thứ 7 vẫn làm việc nên chị tranh thủ đưa con đi khám vì cháu bị ho dai dẳng, cả mẹ và con không phải nghỉ làm, nghỉ học vào ngày giữa tuần.

Phòng khám có 16 bác sĩ tham gia khám chữa bệnh mỗi ngày và trực cấp cứu 24 giờ/7 ngày. Với tính năng như một BV thu nhỏ, phòng khám đã và đang trở thành cánh tay nối dài của BV Đa khoa Củ Chi, thực hiện tốt chủ trương đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần và tiết kiệm cho người dân. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận từ 180 – 200 bệnh nhân.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay: “Chuỗi phòng khám đa khoa” của các BV công lập đang khẳng định hướng đi đúng của ngành y tế TP.HCM. Trong năm 2019, Sở Y tế thành phố sẽ mở thêm một số phòng khám ở những khu vực đông dân cư, địa bàn rộng, đặc biệt ở những nơi mà BV tuyến huyện đang trong tình trạng quá tải…”. (Nông thôn Ngày nay, trang 1)

 

Trả bệnh nhẹ cho viện tuyến huyện, xã

Tại hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2019 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, nhiều BV tuyến trên đang loay hoay xử lý việc quá tải nên không tập trung được vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh.

Nguyên nhân là do các BV tuyến T.Ư, tuyến tỉnh đang “dàn hàng ngang” với các BV huyện, xã để khám chữa các bệnh nhẹ. Đáng nhẽ, các BV trung ương, tỉnh cần từ chối các bệnh nhẹ, đưa bệnh nhân về khám bệnh đúng tuyến, tập trung nghiên cứu, cứu chữa các bệnh nhân nặng, nâng cao chất lượng dịch vụ. “Mải chữa bệnh nhẹ, bệnh nào cũng nhận khám chữ dẫn đến quá tải BV, làm sao còn đủ sức, đủ lực để chữa bệnh nặng, cung ứng dịch vụ cao? Như vậy là “tham bát bỏ mâm”. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người Việt phải bỏ ra nước ngoài điều trị” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, ngành y tế cần đẩy mạnh phân cấp khám chữa bệnh cho chuẩn, cơ sở y tế ở xã huyện khám bệnh nhẹ, BV tỉnh, trung ương phải tập trung nghiên cứu, thực hiện các kỹ thuật cao.

Theo Bộ trưởng Y tế, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.

Hiện nay, do thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực, thiếu cơ chế tài chính, các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục củng cố y tế công cộng với nhiều giải pháp để “giữ chân” bệnh nhân tại các tuyến xã, huyện như: Nâng cao năng lực cho bác sĩ tuyến dưới; giải quyết cơ chế tài chính, tăng cường danh mục thuốc để bệnh nhân khám bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều hơn. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ có đề án để luân chuyển cán bộ tuyến T.Ư, tuyến tỉnh về trạm y tế xã.

Hiện nay, ngành y tế cũng đang xây dựng mô hình trạm y tế điểm nhằm tăng cường cả chất và lượng cho y tế cơ sở, trước mắt đang xây dựng thí điểm 26 mô hình trạm y tế tại 14 huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố. Các trạm y tế này sẽ được đầu tư máy móc, có bác sĩ tuyến trên về tăng cường để thu hút bệnh nhân đến khám bệnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung vào các trạm y tế nằm xa trung tâm, xa các BV tuyến trên, đưa BV về gần dân, giúp dân vùng sâu vùng xa được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao mà không phải dồn hết lên tuyến trên, gây quá tải cho BV. (Nông thôn Ngày nay, trang 2)

 

Bộ Y tế cảnh báo: Nguy cơ dịch sởi tái diễn trên quy mô lớn

Theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên quy mô lớn. Đặc biệt, trong năm 2018 vừa qua, số trường hợp mắc bệnh sởi đã gia tăng hơn năm 2017. Điều đó cho thấy bản chất dịch sởi bắt đầu tăng. Bộ Y tế cảnh báo, trẻ nhỏ và người lớn nếu không tiêm vaccine phòng bệnh sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Số người mắc tăng gấp 13 lần

Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương…

hống kê của Bộ Y tế cho thấy, đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi ở trẻ em nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Theo số liệu thống kê, năm 2018, cả nước có hơn 9.700 người sốt phát ban nghi sởi (tăng hơn 20 lần so năm 2017), trong đó có 1.963 người dương tính bệnh sởi (tăng 13 lần so năm 2017). Ðáng lo ngại, hơn 50% số ca mắc sởi là do chưa tiêm vaccine sởi, số còn lại do không tiêm đủ mũi, tiêm không đúng lịch.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông – Xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp.

Theo PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ.

Người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não … có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Trên thế giới trong năm 2018 bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Khuyến cáo người dân cho trẻ tiêm phòng đầy đủ

Để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong năm 2018 được sự đồng ý của Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao.

Hiện nay đang trong mùa Đông – Xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa cao – đây là thời điểm có nhiều yếu tố thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát sinh phát triển.

Bộ Y tế đánh giá bệnh sởi đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời. Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine. Đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi.

Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành Y tế và chính quyền địa phương.

Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Để phòng bệnh sởi, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban), cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. (Gia đình & Xã hội, trang 1)

 

Công tác dân số năm 2019: Đảm bảo ổn định bộ máy tổ chức càng sớm càng tốt

Từ cuối năm 2017, xuyên suốt năm 2018 cho đến nay, tổ chức bộ máy làm dân số được coi là vấn đề “nóng bỏng” được quan tâm nhất cũng như đem lại nhiều băn khoăn, trăn trở nhất cho những người làm dân số. Do vậy, làm sao để thực hiện đồng bộ, thống nhất và ổn định bộ máy tổ chức càng sớm càng tốt là vấn đề rất cấp thiết đối với công tác dân số hiện nay.

Thiếu nhất quán giữa các địa phương trên cả nước

Ngày 14/5/2008, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế ở cấp tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cán bộ dân số xã là viên chức thuộc Trạm Y tế xã và cộng tác viên dân số thôn bản hoạt động tại các địa phương. Sau khi Thông tư 05 ban hành các địa phương đã kiện toàn hệ thống tổ chức các cấp.

Theo đó, 63/63 tỉnh/TP thành lập Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế; ở cấp huyện, 59 tỉnh/TP thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, có 3 tỉnh/TP là Hà Nội, Gia Lai và Quảng Trị thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện. Riêng TP Hồ Chí Minh giao việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cấp huyện cho một nhóm công chức của Phòng Y tế và phân công 1 Phó phòng Y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ.

Thời gian qua, sau khi vận hành bộ máy theo Thông tư 05, một số địa phương nhận thấy sự thuận lợi cũng như hiệu quả của mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và mô hình cán bộ dân số xã là viên chức thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, làm việc tại UBND xã, do đó, nhiều địa phương đã tiến hành chuyển đổi theo các mô hình trên.

Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017, hiện nay mô hình tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số ở các địa phương đã có nhiều thay đổi, nhất là việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện và việc tinh giản biên chế đối với một số cán bộ dân số đang khiến nhiều cán bộ làm công tác dân số không khỏi băn khoăn lo lắng.

Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay, ông Lương Quang Đảng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, có 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận và Vũng Tàu đã xây dựng Đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế. Điều này đã tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng tới công việc được giao.

Đối với bộ máy dân số cấp huyện, đã có 21 tỉnh thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre và Cà Mau và 36 tỉnh đã và đang xây dựng Đề án cũng như quyết định sáp nhập các Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế. Còn lại 6 tỉnh chưa có chủ trương sáp nhập là Bắc Kạn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, TP HCM và Đồng Nai. Việc thực hiện không nhất quán giữa các địa phương đã gây ra tình trạng xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên dân số.

Cần tinh gọn, hiệu quả và không gây xáo trộn

Tại Hội nghị triển khai công tác dân số năm 2019 của ngành Dân số, ông Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Từ cuối năm 2017, xuyên suốt năm 2018 cho đến nay, tổ chức bộ máy làm dân số được coi là vấn đề “nóng bỏng”, được quan tâm nhất cũng như đem lại nhiều băn khoăn, trăn trở nhất cho những người làm dân số nói riêng và nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân nói chung.

Theo ông Nguyễn Bá Tân, tại Nghệ An, hơn 10 năm qua, bộ máy làm công tác dân số từ cơ sở đến tỉnh đã được kiện toàn có hệ thống chặt chẽ, tinh gọn, chuyên môn sâu, làm việc có hiệu lực, hiệu quả nên đã đem lại những kết quả đáng mừng như làm ổn định quy mô dân số và ngày càng nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là một trong 7 tỉnh có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao và chưa giảm bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn đang phải đối diện với nhiều vấn đề như mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… do đó, theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nếu tiến hành sáp nhập sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn cho công tác dân số của Nghệ An trong thời gian tới.

Còn tại Quảng Ninh, một trong những tỉnh “tiên phong” trong việc thực hiện việc sáp nhập, tính đến ngày 1/7/2018, toàn tỉnh đã hoàn thành việc bàn giao, sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế Quảng Ninh.

Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, đến nay, sau 6 tháng thực hiện việc sáp nhập, mô hình mới dần ổn định, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, đặc biệt là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp, chuẩn hóa về đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch bổ nhiệm…Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dân số trong tình hình mới.

Theo ông Lương Quang Đảng, trên cơ sở từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác dân số tuyến tỉnh, huyện và tuyến xã trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, quan điểm của Bộ Y tế về mô hình tổ chức trong thời gian tới là giữ nguyên bộ máy Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế.

Đối với mô hình tổ chức cấp huyện, trong thời gian tới vừa phải đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở với công tác dân số vừa đảm bảo sự quản lý tinh gọn, thống nhất về công tác dân số khi sáp nhập vào hệ thống y tế và trong tiến trình cải cách hành chính, tinh giản tổ chức, cán bộ hiện nay. Sau khi đánh giá hoạt động của các mô hình cho thấy cần thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế. Khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế thì tỉnh/TP phải giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ.

Đối với tuyến xã, những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã thì giao cho Trạm Y tế xã quản lý điều hành. Những nơi chưa tuyển dụng viên chức dân số xã thì giao cho viên chức Trạm Y tế thực hiện công tác dân số hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách làm công tác dân số; khi chuyển cho Trạm Y tế quản lý thì cần giao nhiệm vụ cho Trạm Y tế xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Riêng với cộng tác viên dân số, khuyến khích đội ngũ này kiêm nhiệm các hoạt động tương đồng, có như vậy công tác dân số mới đem lại hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới mà BCH Trung ương Đảng đã đề ra. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 16/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo 03/12/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận