Bốn bệnh viện lớn khám bệnh miễn phí tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội)
Ngày 4-4, tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Ngày Sức khỏe thế giới năm 2019 (7-4) và tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII, đại diện Bộ Y tế cho biết, sự kiện sẽ diễn ra từ 7h30 đến 12h ngày 7-4-2019 (chủ nhật) tại Tượng đài Lý Thái Tổ, phố đi bộ hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tại Lễ phát động, dự kiến đại biểu cùng 5.000 đoàn viên thanh niên và lực lượng y bác sĩ trẻ sẽ tham gia đồng diễn dân vũ và tập thể dục 3 phút giữa giờ. Ngay tại địa điểm diễn ra Lễ phát động, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện tim mạch Việt Nam, Bệnh viện nội tiết Trung ương tổ chức khám phát hiện các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường), sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bằng các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Người dân tham gia khám sàng lọc được tư vấn, chụp X-quang phổi miễn phí, xét nghiệm tiểu đường, đo phân tích huyết áp và khám sàng lọc ung thư; cũng như được tặng các phần quà của nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, Viện Huyết học truyền máu Trung ương cùng các tình nguyện viên cũng tổ chức vận động hiến máu, góp phần quyết định đảm bảo cung cấp kịp thời máu và các chế phẩm máu an toàn cho cấp cứu và điều trị.
Sau Lễ phát động sẽ diễn ra chương trình đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới và chương trình Sức khỏe Việt Nam: “Đi bộ 10.000 bước chân”. Với mỗi người tham gia đi bộ, Nhà tài trợ Vietnamobile hỗ trợ áo, mũ tập thể dục và ủng hộ 50.000 VNĐ vào Quỹ hoạt động an sinh xã hội, để triển khai các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân như: tặng quà cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các suất ăn tình thương, ủng hộ bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh.
Dịp này cũng sẽ tổ chức Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 với 10 gương mặt tiêu biểu, điển hình trong hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, nổi bật trong chuyên môn và nghiên cứu khoa học, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (An ninh thủ đô, trang 2).
Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ chính thức hoạt động
Ngày 4-4, Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thẩm định và công nhận đơn vị ngân hàng sữa mẹ thuộc Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ đủ điều kiện để cung ứng nguồn sữa mẹ hiến tặng được thanh trùng đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Theo đó, đối tượng ưu tiên được thụ hưởng sữa mẹ hiến tặng là các trẻ sơ sinh sinh non có cân nặng dưới 1.500g, đây là những trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm nếu thiếu sữa mẹ như viêm ruột hoại tử và các bệnh nhiễm trùng khác. Trong thời gian vận hành thử nghiệm ngân hàng sữa mẹ, kết quả của cả 3 mẻ sữa đầu tiên (20,280 lít) đều đạt tiêu chuẩn vi sinh trước và sau thanh trùng; 12 trẻ sơ sinh sinh non có cân nặng 750-1.700g bị mất nguồn sữa mẹ đã được sử dụng sữa mẹ thanh trùng 3-6 ngày đều cho kết quả tốt. Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế đánh giá cao sự đầu tư nguồn lực của bệnh viện cho ngân hàng sữa mẹ, nỗ lực của các y, bác sĩ cho quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia quốc tế và xây dựng 21 quy trình chuẩn cần thiết cho hoạt động của đơn vị ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ (Hà Nội mới, trang 6).
Đừng để ân hận vì lười vận động
Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA công bố Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Trong khi đó, một con số nghiên cứu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
Đây là “căn bệnh” dẫn tới nhiều bệnh khác mà mỗi người cần được cảnh báo để chữa trị trước khi “bệnh” lười vận động chuyển qua thành bệnh nơi thân thể…
Xốc dậy bản thân
Kiên, một người bạn của tôi, từng rất lười tập thể dục và thường thức khuya để “cày” game, bỗng một ngày giật mình nhận ra: “Trời ơi, sao tôi mập thế này, quần áo đã căng cứng rồi”. Đó là thời điểm Kiên gần 80kg trong khi chiều cao chỉ 1,66m.
Theo Kiên, “lý do mình béo là do mình thức khuya, ít vận động; thức khuya chơi game – đói, thế là cứ xuống tủ lạnh kiếm đồ ăn, khi thì mì gói, lúc uống nước ngọt các kiểu…”.
Tôi khuyên Kiên, “vậy cậu phải dần thay đổi giờ giấc ngủ nghỉ, chơi game đừng quá nhiều, không nên thức khuya và như thế sẽ tránh phải ăn đêm. Thay vào đó, buổi chiều tối hoặc sáng sớm hãy ra một thời khóa biểu tập luyện, có thể chạy hoặc đi tập gym ở phòng tập gần nhà”.
Tỉ tê và khuyến khích mỗi ngày nên Kiên cảm thấy được khích lệ, cậu từ từ thay đổi thói quen: không thức khuya nên cũng không ăn đêm, bớt ngồi trước máy tính và thêm thời gian vận động; ngủ sớm nên sáng cũng đủ sức để dậy sớm và ra công viên tập thể dục, bớt ăn cơm và tăng lượng rau củ quả…
Kết hợp giữa ăn, tập, Kiên giảm ký bớt và sau gần một năm đã giảm được gần 10kg, thân hình cân đối lại. Kiên chia sẻ: “Nhờ có bạn khuyến khích và sự quyết tâm của mình mà giờ đã tự tin hơn, cảm thấy người nhẹ, khỏe hẳn”.
Lan tỏa tinh thần sống khỏe
Phải chơi một môn thể thao nào đó, giúp mình vận động nhiều hơn! Đây là một trong những “nhiệm vụ” quan trọng tôi đặt ra cho bản thân từ rất lâu rồi. Có một thời gian bị tai nạn (gãy chân), tôi bị hạn chế việc vận động nên chỉ sau 6 tháng không đi công viên, tôi đã lên tới 7kg.
Mặt to ra (bạn bè vẫn hay đùa là có thể để 10 chén chè lên được), bụng thì “phì nhiêu” nên khi làm việc tôi cảm giác hơi thở ngắn, hay mệt dù mình có tập thiền chút ít. Tôi “dậy mà đi” bằng cách tập đi bộ nhanh tại công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM), đăng ký tập tại phòng gym gần nhà, chủ yếu đến đó để chạy và có không khí (vì có đông người tập sẽ kích thích mình tập hăng say hơn).
Quả thực là vậy, khi ra công viên và đến phòng tập, gặp và quan sát những người yêu vận động, yêu thể thao, thấy ai cũng khỏe, đẹp hơn người thức khuya, ngủ nướng, ăn nhiều.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, do vậy tôi được “sáng” theo, những ý niệm về vận động, tập luyện cho thân thể dẻo dai trước đây được thúc đẩy nhiều hơn. Tôi được chính những người cùng sở thích “nuôi dưỡng” tinh thần tập luyện.
Nhờ vậy, tôi mau khỏe chân (bị gãy) hơn và trong vòng một năm tôi đã xuống 8kg (từ 76kg còn 68kg) nên cảm thấy khỏe khoắn, năng động hơn hẳn, làm việc cũng hiệu quả hơn.
Nhiều bạn bè tôi, như Kiên chẳng hạn, đã chịu nghe tôi vì tôi đã cố gắng làm được việc giảm cân qua vận động và tìm hiểu cách ăn uống khoa học trên sách, báo chí, tư vấn với bạn bè là bác sĩ.
Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, với công việc, thể thao, giải trí… Nếu nghiêng về bên nào cũng đều không tốt, cần một lối sống cân bằng để khỏe. Và muốn được vậy, trước tiên phải trị “bệnh” lười vận động! (Tuổi trẻ, trang 14).
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra thực tế tại trạm y tế điểm: Vui mừng vì người dân tin tưởng y tế cơ sở
“Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân xã Tân Hội được tốt hơn, thuận lợi hơn, người dân không phải vất vả đi xa, cán bộ y tế được nâng cao trình độ… Những yếu tố này làm nâng tầm của trạm y tế (TYT) hơn vì hút được người dân đến khám chữa bệnh, qua đây chứng tỏ người dân đã tin tưởng y tế cơ sở…” – đây là những thông tin được đồng chí Nguyễn Tất Thắng – Bí thư huyện ủy Đan Phượng, TP. Hà Nội đưa ra tại buổi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện mô hình TYT điểm trên địa bàn huyện Đan Phượng của đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn ngày 4/4.
Tỷ lệ người dân đến TYT khám bệnh tăng gấp đôi
Báo cáo về tình hình hoạt động và kết quả thực hiện kể từ khi Bộ Y tế cấp trang thiết bị theo Quyết định 4398/QĐ-BYT ngày 11/7/2018 vùng 2 từ 16/3 – 3/4/2019, Trạm trưởng TYT xã Tân Hội Trần Thị Mai Hương cho biết, kể từ khi triển khai mô hình trạm y tế điểm của Bộ Y tế tại TYT Tân Hội, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng cao tại các TYT. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao tay nghề do các BV TW hỗ trợ chuyển giao chuyên môn kỹ thuật.
“Tuy khối lượng công việc tăng lên nhưng các cán bộ đều phấn khởi vì phục vụ người dân địa phương được tốt hơn. Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm được thuận lợi, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, di chứng sau đột quỵ… được các bác sĩ của BV tuyến trên như: BV Châm cứu TW, BV E, BV Tim Hà Nội trực tiếp khám, điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở”, BS. Trần Thị Mai Hương cho biết.
Theo thống kê, tổng số lượt khám chữa bệnh quý I/2019 là: 3.232 trong đó 1.679 lượt được thanh toán BHYT và 1.553 lượt miễn phí do chưa được thanh toán BHYT (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại), bình quân khoảng 50-60 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, tăng hơn 2 lần so với khi chưa triển khai TYT điểm, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 91%.
Bên cạnh đó, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sĩ gia đình thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý sức khỏe cho các thành viên trong gia đình nhằm phát hiện và điều trị sớm tiền tăng huyết áp, tiền đái tháo đường…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tất Thắng – Bí thư huyện ủy Đan Phượng cho rằng việc TYT Tân Hội được Bộ Y tế chọn là 1 trong 26 TYT điểm để đầu tư, nâng cấp chuẩn là cơ hội vàng cho trạm y tế này thay đổi. “Thực tế, những con số báo cáo của trạm y tế đã chứng minh được sức hút của y tế cơ sở khi tỷ lệ người dân tin tưởng đến trạm khám chữa bệnh tăng gấp đôi trước đó. Điều này tiếp tục khẳng định được chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành y tế trong đầu tư, nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, giúp người dân sẽ được quản lý, theo dõi và chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương là hoàn toàn đúng đắn”, đồng chí Nguyễn Tất Thắng nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu TYT xã Tân Hội khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trạm y tế điểm. Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng giao Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cùng Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TW làm các video về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, rửa tay sạch, tập thể dục giữa giờ… có thời lượng 3 phút để phát tuyên truyền tại trạm y tế, giúp người dân khi đến khám được tiếp cận thông tin tốt hơn.
Đặc biệt, về cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị hoàn thiện, bổ sung các máy móc, trang thiết bị, mẫu thử xét nghiệm cho TYT. Bổ sung các dịch vụ khám sàng lọc bệnh ung thư như: ung thư vú và hoàn thiện đội ngũ nhân lực để phục vụ tốt nhất cho người dân đến khám tại TYT, đẩy mạnh công nghệ thông tin kết nối với các bệnh viện tuyến trên…
Đối với địa phương, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm y tế huyện Đan Phượng cần có kế hoạch điều chuyển cán bộ xuống trạm, bổ sung nguồn nhân lực cán bộ tại trạm đảm bảo công tác khám chữa bệnh (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).