Điểm báo ngày 02/3/2021

(CDC Hà Nam)
Bệnh nhân COVID-19 “siêu” nguy kịch đã cai ECMO và có những dấu hiệu cải thiện; Ổ dịch lớn nhất tại Hải Dương đã được khống chế

Bệnh nhân COVID-19 “siêu” nguy kịch đã cai ECMO và có những dấu hiệu cải thiện

Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, hiện bệnh nhân “siêu” nguy kịch- BN1536 (vốn nặng hơn cả BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có những dấu hiệu cải thiện về sức khỏe; bệnh nhân không còn phải can thiệp ECMO từ trưa ngày 28/2

Hiện các bác sĩ vẫn đang điều trị tích cực cho bệnh nhân. Bệnh nhân vẫn đang thở máy xâm nhập, các bác sĩ vẫn đang tiến hành học máu cho bệnh nhân, đồng thời đang tập cai thở máy, kết hợp phục hồi chức năng hô hấp, vận động.

Cập nhật đến 14h30 ngày 1/3,  bệnh nhân đã hết sốt, mạch và huyết áp ổn định, nồng độ bão hoà oxy trong máu đạt 100%. Đàm loãng, lượng ít. Chức năng tim, gan, thận, phổi… vẫn còn suy nặng nhưng đã có cải thiện khả quan hơn trước, chức năng đông máu được cải thiện. Da niêm mạc của bệnh nhân đã hồng. Chức năng tiêu hóa đã tốt hơn.

Kết quả xét nghiệm dịch tỵ hầu 5 lần liên tiếp gần đây bằng PCR của bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2.

Với những diễn biến tích cực về sức khỏe, trưa ngày 28/2, bệnh nhân đã được cai ECMO sau 26 ngày can thiệp.

BN1536 nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-COV2 dương tính. Bệnh nhân được chuyển đến BV Phổi Đà Nẵng điều trị cùng ngày.

Trong quá trình điều trị đã có lúc BN1536 nguy kịch tưởng không qua khỏi, các y bác sĩ đã chuẩn bị sẵn mẫu giấy báo cáo tử vong… song với tinh thần còn nước còn tát, nhờ sự kiên trì, nỗ lực từng giờ, từng phút của tất cả bác sĩ, điều dưỡng, đến nay bắt đầu thấy được những tia sáng le lói.

BN1536 đã được hội chẩn quốc gia 6 lần, Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng hội chẩn thường xuyên trên điện thoại. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cũng đã được điều sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp, song bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng do cao tuổi (79 tuổi), nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm nhiều năm.

Tất cả các trang thiết bị hiện đại, thuốc hiếm, các xét nghiệm chuyên sâu, dinh dưỡng…. tốt nhất đều được huy động điều trị cho người bệnh. Các chuyên gia Tổ hội chẩn đánh giá BN1536 nguy kịch, nặng hơn cả bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh).

Tuy nhiên dù đã có những hy vọng bước đầu, song các chuyên gia nhận định vẫn chưa thể nói trước được tình trạng bệnh nhân sắp tới do bệnh nhân đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền mạn tính như suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng mạn…

Với những bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền như  như này, nếu không mắc COVID-19 cũng có thể gặp biến chứng bệnh nền rồi tử vong.

Trong lần hội chẩn quốc gia bệnh nhân nặng gần đây nhất, GS.TS Nguyễn Gia Bình-  Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng nhấn mạnh: Hiện tiên lượng BN1536 vẫn nguy kịch, các bạn cố gắng nỗ lực tối đa làm gì được cho bệnh nhân thì cố làm hết sức có thể, vì tính mạng của bệnh nhân… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Ổ dịch lớn nhất tại Hải Dương đã được khống chế

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hải Dương, tâm dịch ở TP Chí Linh đã được khống chế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương quyết định, từ 0h ngày 3/3, Hải Dương kết thúc cách ly xã hội sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gỡ bỏ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới.

Kể từ ngày đầu tiên ghi nhận ca bệnh COVID-19 tại Công ty TNHH POYUN, TP Chí Linh, Hải Dương, đây trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước với trên 400 ca mắc. Trong hơn 1 tháng qua, ổ dịch này liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc mới, sau đó lan ra các huyện, thành phố khác của tỉnh Hải Dương.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hải Dương, số ca mắc mới ở TP Chí Linh trong những ngày gần đây giảm rõ rệt. 12 ngày qua ghi nhận 50 ca bệnh. Các ca bệnh mới đều trong khu cách ly và vùng phong tỏa. Đến nay, TP Chí Linh đã triển khai xét nghiệm 17.563 mẫu, không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh Hải Dương, ổ dịch trọng điểm là Cẩm Giàng trong những ngày vừa qua số ca mắc đã giảm rõ rệt, đặc biệt các ca mắc đều nằm trong khu cách ly và khu vực phong tỏa. Tới nay, Cẩm Giàng đã triển khai xét nghiệm 5.028 mẫu và cũng không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Về ổ dịch mới tại huyện Kim Thành, hiện đã được cô lập chặt và đang tập trung dập dịch triệt để trong thời gian sớm nhất.

3 ổ dịch là TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách đã triển khai xét nghiệm 37.480 mẫu, không phát hiện ca mắc COVID-19 mới ở cộng đồng. Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ, hiện nay tỉnh Hải Dương đã công bố chữa khỏi 289 người/653 bệnh nhân, chiếm hơn 42%. Hải Dương đã quyết định giải tỏa Bệnh viện Dã chiến số 1 để Trung tâm Y tế TP Chí Linh trở về hoạt động khám, chữa bệnh bình thường.

Sáng 1/3, bệnh nhân cuối cùng ở Bệnh viện Dã chiến số 1 đã chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 3 để tiếp tục điều trị. Lực lượng Quân đội tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện, 14 ngày sau khi các y bác sĩ, nhân viên y tế hết thời hạn cách ly, Trung tâm Y tế TP Chí Linh đi vào hoạt động bình thường.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã quyết định từ 0h00 ngày 3/3 kết thúc 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Hải Dương sẽ chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, các huyện, thành phố, thị xã chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức độ nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực trong hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân

Theo đó, toàn tỉnh Hải Dương chia làm 2 nhóm trạng thái xã hội để kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả hơn, phù hợp với nguy cơ mức độ trên từng đơn vị. Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Chúng tôi đề xuất có 4 địa phương cơ bản thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ là: Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn. 8 huyện, thị xã, TP còn lại gồm: Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ”.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang duy trì 68 điểm cách ly tập trung và đang cách ly cho 3.331 công dân. Tất cả các khu cách ly tập trung đều có lực lượng Quân đội tham gia, trong đó Quân đội trực tiếp quản lý điều hành 12 khu (mỗi khu cách ly từ 100 người trở lên). (Công an nhân dân, trang 4)

 

Vừa chống dịch, nhiều nơi vừa ‘mở cửa’ dần

Sau khi có những chuyển biến tích cực về ứng phó bệnh dịch Covid-19, Hải Dương và Hà Nội đang nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Ngày 1.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 13 ca mắc Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.449 – 2.461 trong nước, tại tỉnh Hải Dương và tỉnh Kiên Giang. Trong số các ca mắc Covid-19 mới nêu trên, 8 ca ghi nhận tại Hải Dương (6 ca tại TP.Chí Linh, 1 ca tại H.Kinh Môn, 1 ca tại H.Kim Thành) và 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Kiên Giang.

Cụ thể, tại Hải Dương, có 8 ca mắc là các BN 2.449 – 2.455 và 2.460) – những trường hợp F1 đã được cách ly trước đó. Riêng các BN 2.449 – 2.454 đã được cách ly từ 28.1. Hiện 8 BN này được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 của Hải Dương. Tại Kiên Giang, 5 ca được cách ly ngay sau nhập cảnh đường bộ, là: BN 2.456 – 2.459 và 2.461. Các BN từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ngày 25 – 26.2, kết quả xét nghiệm ngày 28.2 xác định dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, 5 BN này được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế TP.Hà Tiên (Kiên Giang).

Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội từ ngày 3.3

Theo BCĐ tỉnh Hải Dương, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, ngăn chặn được sự lây lan ra cộng đồng. Trong ngày 1.3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã quyết định từ 0 giờ ngày 3.3, kết thúc 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng với toàn tỉnh Hải Dương; TP.Chí Linh và H.Cẩm Giàng cũng được phong tỏa.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, nói: “Các huyện, thị sẽ chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình của địa bàn theo định hướng: TX.Kinh Môn, TP.Hải Dương, H.Kim Thành và H.Cẩm Giàng thực hiện chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. 8 huyện, thị còn lại thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng”. Ông Thăng cho biết thêm, Tỉnh ủy Hải Dương giao UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định điều chỉnh một số hoạt động KT-XH phù hợp với trạng thái mới.

Trong khi đó, cho rằng trong cộng đồng có thể có người khỏe mạnh mang trong mình SARS-CoV-2, PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng đoàn công tác Bộ Y tế tại Hải Dương, lưu ý: “Hải Dương có thể xuất hiện ca nhiễm Covid-19 không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, Hải Dương luôn phải cảnh giác cao độ và coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một phần không thể thiếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới” và nhấn mạnh, khi xuất hiện ca bệnh mới thì lập tức quây thật chặt, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch có cơ hội bùng phát với phương châm “dập tắt dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ, kiên quyết không để lan thành đám cháy”.

Hà Nội cho phép các dịch vụ trong nhà mở cửa trở lại

Còn tại Hà Nội, chiều 1.3, BCĐ TP.Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện, phường, xã. Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định cho các cửa hàng kinh doanh dịch vụ trong nhà (kể cả ăn, uống, trong đó có cà phê) sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 2.3, nhưng phải đảm bảo giãn cách giữa người và người là 1 m, hoặc là 2 m nếu không có tấm chắn. Vũ trường, bar, karaoke, internet, trà đá vỉa hè… vẫn chưa được hoạt động.

Với các di tích, cơ sở tôn giáo, Sở VH-TT và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, chuẩn bị các phương án phòng dịch sẵn sàng khi TP quyết định cho mở cửa trở lại vào thời điểm thích hợp. Với di tích chùa Hương, Sở VH-TT và Sở Y tế phối hợp với huyện để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của TP. Thời điểm mở cửa, TP sẽ quyết sau.

Về tình hình dịch bệnh, đến ngày 1.3, Hà Nội đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng, nhưng Sở Y tế Hà Nội vẫn dự báo TP vẫn có thể ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Do đó, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn đề nghị thời gian tới, người về từ Hải Dương từ 3.3 (ngày Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) phải tiếp tục khai báo y tế; người về từ H.Cẩm Giàng, H.Kinh Môn, H.Kim Thành và TP.Hải Dương vẫn phải cách ly tại nhà 14 ngày; nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong 3 ngày gần nhất thì được học tập, làm việc bình thường.

Rút kinh nghiệm trường hợp ở Bạc Liêu

Liên quan trường hợp nghi dương tính SARS-CoV-2 nhưng sau đó cho kết quả âm tính, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chiều 1.3 cho biết tỉnh đã tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là khâu xét nghiệm, truy vết, cách ly tập trung liên quan đến ông T.V.T (49 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Đây là trường hợp ban đầu nghi dương tính, nhưng sau đó được khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Sau khi ông T. có kết quả âm tính, những trường hợp nghi F1 đưa đi cách ly tập trung được cho về nhà.

Về kết quả xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Bạc Liêu đối với trường hợp của ông T. cho kết quả dương tính, sau đó Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, bà Vân nói Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Bạc Liêu có đầy đủ chức năng xét nghiệm SARS-CoV-2 và đã được cấp phép của Bộ Y tế. Tại Bạc Liêu, có 2 nơi xét nghiệm có cùng chức năng như nhau. Tuy nhiên, theo quy trình, tất cả phải được gửi mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM để nơi này xét nghiệm các lần tiếp theo, sau đó Bộ Y tế mới công bố kết quả chính thức có bệnh hay không.

Bà Vân cho biết theo thông báo khẩn của Viện Pasteur TP.HCM gửi cho Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, Viện đã cử đội chuyên môn đánh giá phòng xét nghiệm đến Bạc Liêu để rà soát lại toàn bộ quy trình, kết quả xét nghiệm, biện giải và đã có những chấn chỉnh, hướng dẫn nhằm đảm bảo kết quả tốt hơn trong thời gian tới. (Thanh niên, trang 4)

 

Lấy thành công nhiều dị vật có từ tính trong ruột bệnh nhi

Ngày 1-3, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh vừa tiến hành phẫu thuật lấy thành công dị vật có từ tính (nam châm) trong bụng bệnh nhi Đ.M.Đ, 5 tuổi, trú quán tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ca bệnh hiếm gặp, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây hoại tử, thủng ruột.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Hùng, Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, bệnh nhân Đ.M.Đ, 5 tuổi, trú quán tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nhập viện ngày 25-2, trong tình trạng trạng đau bụng.

Sau khi đưa bệnh nhi vào khám, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân có nhiều dị vật và chỉ định nhập viện để theo dõi.

Tuy nhiên, sau bốn ngày nhập viện, các bác sĩ kiểm tra, dị vật vẫn ở nguyên một vị trí, không có sự di chuyển. Qua theo dõi hình ảnh dị vật trong phim chụp X-quang và phối hợp cùng người nhà bệnh nhân, các bác sĩ nghi đây là dị vật nam châm.

Sau khi làm các thủ thuật cần thiết như khám, xét nghiệm, thụt tháo cho bệnh nhi, các y, bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi để kiểm tra dị vật. Nhận thấy các dị vật ở các vị trí khác nhau như tá tràng, đại tràng, ruột non hút nhau gây dính ruột, tuy nhiên ruột chưa bị hoại tử.

Ngày 1-3, các y, bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật lấy ra nhiều nam châm (10 hạt nam châm có đường kính 6mm đối với viên tròn và cạnh 5mm đối với những hạt hình vuông) hút nhau gây gập các quai ruột, dẫn đến thủng ruột non, đại tràng, tá tràng bệnh nhi.

Đến nay, sau khi mổ, bệnh nhân tỉnh táo. Hiện, các y, bác sĩ tiến hành theo dõi các triệu chứng sau mổ, chăm sóc vết khâu và điều trị tích cực cho bện nhi.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Hùng, trước đây, bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi nuốt dị vật, tuy nhiên nuốt dị vật có từ tính rất hiếm gặp. Những trường hợp này, nếu không được điều trị, xử lý kịp thời sẽ gây hoại tử ruột, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sau ca bệnh này, bệnh viện cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần thận trọng khi chọn đồ chơi cho trẻ, nhất là những đồ chơi nam châm, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. (Nhân dân, trang 5)

 

Hải Dương gỡ phong tỏa Chí Linh, Cẩm Giàng

Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chỉ thị 12, gỡ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng kể từ ngày 3/3. Toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới, triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Ngày 1/3, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương thông tin, sau một tháng dịch bệnh bùng phát (27/1-28/2) địa phương ghi nhận 665 ca bệnh. 289 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, được xuất viện. Đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã kiểm soát tốt, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó, TP Chí Linh đã khống chế được dịch, số ca mắc mới giảm rõ rệt. 12 ngày gần nhất ghi nhận 50 ca bệnh, hầu hết là trong khu cách ly và vùng phong tỏa. Đã xét nghiệm hơn 39.800 mẫu (từ 16/2 đến 27/2) và không phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Huyện Kim Thành đã được cô lập, kiểm soát chặt và lực lượng chức năng đang tập trung dập dịch. Tại Cẩm Giàng, TP Hải Dương, Kinh Môn, Nam Sách… số ca mắc giảm rõ rệt, chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Trưa 1/3, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì buổi họp với các sở ngành, huyện thị, thống nhất ban hành Chỉ thị số 12. Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ gỡ lệnh phong tỏa, kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng  đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng từ 3/3. Áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị số 15 đối với TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Kim Thành. Tám địa phương còn lại thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng.

Phát biểu tại cuộc họp sáng cùng ngày, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, từ 3/3 toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới “vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Ông giao lãnh đạo các huyện, thị, thành chủ động  biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng khu vực, địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, không được chủ quan, lơ là.

Các cơ quan, đơn vị không tổ chức hội họp, sự kiện đông người, tăng cường họp, làm việc trực tuyến, tổ chức sự kiện online. Tiếp tục dừng hoạt động lễ hội; cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, karaoke, quán bar, vũ trường, massage, nhà hàng, quán ăn… Vận động người dân tạm dừng tổ chức tổ chức đám cưới cho tới khi dịch bệnh được dập hoàn toàn. Việc tổ chức đám tang phải thực hiện đúng theo các quy định tổ chức phòng dịch. Sở GD&ĐT tạm thời chưa tổ chức hoạt động ở các trường mầm non. Tiếp tục tổ chức học trực tuyến cho học sinh từ cấp tiểu học trở lên đến 17/3.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu UBND tỉnh đánh giá tác động của dịch bệnh để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, doanh nghiệp. Đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch. Tập trung hỗ trợ nông dân gieo cấy lúa, rau màu vụ xuân đúng thời vụ. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Đồng thời, duy trì hoạt động tích cực thường xuyên của gần 11.000 tổ COVID-19 cộng đồng nhằm giám sát di biến động của dịch bệnh.

Theo đánh giá của tỉnh, trọng điểm dịch huyện Cẩm Giàng đã được kiểm soát tốt. Nhiều ngày qua số ca mắc (trong khu cách ly và khu vực phong tỏa) đã giảm rõ rệt. Huyện Cẩm Giàng không phát hiện ca nhiễm mới. TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách đã xét nghiệm tổng số 37.480 mẫu, không phát hiện ca mắc COVID-19 mới ở cộng đồng.

Nguy cơ ca mắc mới vẫn thường trực

“Cho đến nay, với rất nhiều nỗ lực chống dịch, Hải Dương đã có được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng mầm bệnh là người lành mang trùng có thể còn lẩn khuất trong cộng đồng vì chủng virus lần này có tỷ lệ người lành mang trùng rất cao. Vì thế, nguồn lây là người lành mang trùng luôn là nguy cơ thường trực cho cộng đồng và có thể sẽ gây ra ca mắc mới không rõ nguồn gốc bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trong thời gian tới ”, PGS.TS Trần Như Dương, Trưởng đoàn công tác chống dịch COVID-19 Bộ Y tế tại Hải Dương lo ngại.

Ông Dương nhận định: “Dịch tại Hải Dương là do biến chủng kiểu Anh của virus có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh. Cả thế giới đều sợ chủng virus này. Tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, cao gấp đôi so với vụ dịch trước đây, lên tới 80% theo thống kê của hệ điều trị. Chính vì vậy, vô cùng khó khăn để phát hiện ra ca bệnh thông qua biện pháp giám sát thông thường mà bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh. Các vụ dịch trước đây tỷ lệ người lành mang trùng chỉ 35%-40%. Bên cạnh đó, dịch phát hiện muộn cả ở Chí Linh và Cẩm Giàng gây ra sự lây nhiễm lớn khó kiểm soát và đã tạo ra những trọng điểm dịch phức tạp”. (Tiền phong, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận