Điểm báo ngày 09/5/2019

(CDC Hà Nam)

Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

14h ngày 9-5, nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, tại trụ sở UBND quận Cầu Giấy (36 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).

Hiện nay, vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Chưa bao giờ sự lo ngại trước vấn đề ATTP lại tăng cao như hiện nay. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, đồng thời căn cứ thực tế công tác bảo đảm ATTP trong thời gian qua và dự báo diễn biến tình hình năm 2019, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh, ATTP đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-BCĐTƯATTP ngày 4-3-2019 về triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2019 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 trên toàn quốc), với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Trước bối cảnh trên, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về ATTP, cần nhân rộng các mô hình hay về lĩnh vực vệ sinh, ATTP.

Vì vậy, Báo Hànộimới tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến này trong khuôn khổ Tháng hành động vì An toàn thực phẩm 2019, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc… Mặt khác, buổi tọa đàm cũng góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.

Tọa đàm sẽ diễn ra từ 14h đến 17h ngày 9-5, với sự tham gia của lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và các chuyên gia về lĩnh vực an toàn, vệ sinh thực phẩm. (Hà Nội mới, trang 2).

Đề nghị hoãn điều chỉnh viện phí vì giá điện, giá xăng tăng

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành, đề nghị tạm hoãn tăng viện phí, nếu tăng viện phí sẽ làm tăng chỉ số giá địa phương. Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu không thu tiền người nhà đến thăm nuôi bệnh nhân.

Theo văn bản vừa được gửi các UBND tỉnh thành, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm hoãn việc điều chỉnh viện phí (theo thông tư 37 Bộ Y tế ban hành cuối 2018), tránh tác động đến tâm lý người dân do giá điện và xăng dầu vừa cùng tăng, nay lại có viện phí nhấp nhổm tăng.

Theo Bộ Y tế, mức viện phí mới tác động đến 12% dân số chưa có bảo hiểm y tế, hiện đã có các tỉnh thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Đồng Tháp đã có nghị quyết của HĐND tỉnh, thành điều chỉnh viện phí theo khung mới, mới nhất là Hà Nội vừa có thông báo điều chỉnh viện phí, áp dụng từ ngày 1-5 này.

Còn 57/63 địa phương chưa có nghị quyết của HĐND về điều chỉnh viện phí, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế và Cục Thống kê địa phương tính toán chỉ số giá trước khi điều chỉnh viện phí, nếu làm chỉ số giá tăng thì hoãn điều chỉnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, không được thu tiền người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân, do giá viện phí hiện hành đã bao gồm các khoản phí này. (Tuổi trẻ, trang 14)

Thiếu thuốc điều trị ung thư

Những ngày vừa qua, người bệnh ung thư phổi đứng trước nguy cơ phải tạm dừng liệu trình điều trị nếu không phải mua biệt dược giá rất cao vì thiếu thuốc…

Hai loại thuốc generic điều trị ung thư, vừa trúng thầu trong cuộc đấu thầu thuốc quốc gia cho các tỉnh khu vực phía Bắc là Podoxred 500mg – trúng thầu với giá trên 2,6 triệu đồng/lọ và Pemehope 100mg – trúng thầu với giá trên 880.000 đồng/lọ những tưởng đem lại hi vọng cho người bệnh.

Nhiều bệnh viện ở khu vực phía Bắc cũng đã hết thuốc, nhưng gọi công ty dược trúng thầu thì nhà cung cấp nói 2-4 tháng nữa mới có, người muốn tiếp tục điều trị phải mua biệt dược gốc giá cao gấp 5 lần.

Hết thuốc, người bệnh gặp khó

Theo thông tin từ Bệnh viện K, do bệnh viện có nhu cầu sử dụng ngay một số mặt hàng, trong đó có thuốc chứa hoạt chất Pemetrexed, nên đã liên lạc với nhà thầu là Liên danh Codupha – An Thiên (trúng thầu mặt hàng Pemehope 100mg) và Công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Đức (trúng thầu mặt hàng Podoxred 500mg) để lên kế hoạch nhập thuốc, nhưng nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng sau… 2 – 4 tháng nữa.

Hiện bệnh viện không còn các loại thuốc này. Trong các thuốc có chứa hoạt chất Pemetrexed cần sử dụng cho bệnh nhân, bệnh viện hiện chỉ có biệt dược gốc (tên là Alimta) để điều trị nhưng giá thành cao, bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 50%.

Do biệt dược gốc Alimta 500mg giá trúng thầu lên tới trên 24 triệu đồng/lọ, Alimta 100mg giá gần 5,7 triệu đồng/lọ, so sánh với thuốc generic trúng thầu (hiện đang hết hàng), nhiều người bệnh không thể chi trả tiếp liệu trình.

Chênh nhau hàng trăm triệu đồng

Cụ thể trong phác đồ điều trị ung thư phổi thì liệu trình điều trị ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800mg/chu kỳ.

Một chuyên gia về điều trị ung thư phổi cho biết nếu sử dụng điều trị bằng biệt dược gốc, bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền là khoảng 20 triệu đồng/chu kỳ (mỗi bệnh nhân 6 chu kỳ), tổng 6 chu kỳ là 120 triệu đồng, trong khi nếu điều trị bằng thuốc generic bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền là 2,6 triệu đồng/chu kỳ, tương đương 15,6 triệu đồng tổng cộng cả 6 chu kỳ.

Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng biệt dược gốc và thuốc generic là khoảng 104,4 triệu đồng.

“Với khoản tiền chênh lệch như vậy, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để sử dụng biệt dược gốc và phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả” – chuyên gia kể trên cho biết.

Đấu thầu quốc gia, lợi thì có lợi, nhưng…

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) vừa có báo cáo cho hay: các đợt mua sắm thuốc tập trung từ năm 2017 đến nay đã giúp các thuốc mua sắm tập trung giảm giá hàng trăm tỉ đồng so với giá thuốc cùng loại mua trong đợt mua sắm năm liền kề trước đó.

Cụ thể các gói mua sắm thuốc generic, thuốc kháng virút cho bệnh nhân HIV, biệt dược, đàm phán giá các thuốc đang độc quyền, thuốc hiếm… từ năm 2017 đến nay tổng tiền mua các thuốc được mua sắm tập trung đã giảm được xấp xỉ 1.300 tỉ đồng.

Trong báo cáo do giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Trí Dũng ký cho hay qua thực hiện mua sắm tập trung, ưu điểm giảm giá thuốc là rất rõ, nhưng cũng có tình trạng đơn vị trúng thầu không cung ứng đủ thuốc do số lượng trúng thầu quá lớn, xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị…

Để giải quyết tình trạng này, ông Dũng đề nghị với các gói thầu tập trung cấp quốc gia, nên chọn danh sách các nhà thầu đạt yêu cầu để ký thỏa thuận chung, trong đó nhà thầu xếp hạng 1 được cung ứng 50% gói thầu, nhà thầu kế tiếp được cung ứng 10-30% gói thầu.

Trung tâm này cũng đề nghị tiến tới thí điểm thực hiện đấu thầu tập trung với một số vật tư y tế, mở rộng danh mục thuốc thuộc diện đàm phán giá (bao gồm các biệt dược có số lượng sử dụng lớn, đang được bảo hộ sở hữu trí tuệ và hết thời hạn bảo hộ, kể cả thuốc được và không được bảo hiểm y tế thanh toán). (Tuổi trẻ, trang 14)

Robot cắt bướu thận cho cụ bà 5 lần mổ bụng

Ngày 8-5, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết, đơn vị vừa sử dụng robot hỗ trợ cắt bỏ thành công bướu thận cho bệnh nhân cao tuổi người, đang điều trị nhiều bệnh.

5 lần phẫu thuật ổ bụng trước đó của bà C.T.C. (ngụ Mỹ Tho, Tiền Giang) gồm điều trị viêm ruột thừa, u xơ tử cung, cắt buồng trứng, cắt túi mật. Lần này, khi được phát hiện khối bướu thận phải và phải thực hiện cuộc phẫu thuật vùng bụng lần thứ 6, gia đình bà, rất lo lắng. Bà C. tuổi cao, đang bị các bệnh đái tháo đường, viêm gan siêu vi C.

Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) quyết định sử dụng robot hỗ trợ cắt bướu thận qua ngả sau phúc mạc, bên cạnh phương pháp phẫu thuật mổ mở kinh điển và nội soi tiêu chuẩn.

Đây là phương pháp phù hợp đối với người bệnh đã can thiệp ổ bụng nhiều lần như bà C. Cách lựa chọn đường tiếp cận này tránh được các dải xơ dính, tổn thương các cơ quan trong bụng, nguy cơ tắc ruột, liệt ruột sau mổ.

Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ lấy trọn khối bướu nằm ở thận phải, bảo tồn thận và chức năng thận sau phẫu thuật cho người bệnh.

ThS.BS.Đỗ Lệnh Hùng, người phẫu thuật cho người bệnh C., cho biết phẫu thuật robot cắt bướu thận ngoài phúc mạc là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật thông thạo hệ thống robot phẫu thuật.

Để phẫu thuật thành công, ê kíp bác sĩ dành nhiều thời gian chuẩn bị và tính toán sao cho các cánh tay robot có thể di chuyển hợp lý, đảm bảo sự linh hoạt để cắt lọc bướu tinh tế, triệt để trong phẫu trường rất hẹp vùng sau phúc mạc.

Đặc biệt với trường hợp 5 lần phẫu thuật vùng bụng ở người lớn tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, ứng dụng phẫu thuật robot cắt bướu thận sau phúc mạc là một bước tiến mới mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong quá trình phẫu thuật cũng như hậu phẫu.

Đây cũng là trường hợp đầu tiên robot phẫu thuật hỗ trợ các bác sĩ cắt bướu thận qua ngả sau phúc mạc được báo cáo tại nước ta. (Tuổi trẻ, trang 14)

Thông tin khám chữa bệnh BHYT của người bệnh bị rò rỉ

Ngày 7-5, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các khoa, phòng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo mật, an toàn thông tin mạng. Phải rà soát bổ sung các các giải pháp bảo mật thông tin tại đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài khoản mà BHXH Việt Nam đã cung cấp cho đơn vị.

Tuyệt đối không được để lộ thông tin tài khoản cho các cá nhân, khoa phòng không được giao nhiệm vụ. Các khoa, phòng được giao quản lý sử dụng tài khoản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lộ lọt thông tin khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) của người bệnh ra bên ngoài.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa gửi công văn 1090/BHXH-CNTT cho Bộ Y tế Việt Nam, đề nghị nhắc nhở các cơ sở y tế phải bảo mật thông tin trên mạng.

Nội dung văn bản này cho biết một số cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh với ngành bảo hiểm đã để lộ thông tin tài khoản và mật khẩu đăng nhập.

Một số cá nhân lợi dụng việc này để xây dựng các ứng dụng khai thác trái phép cơ sở dữ liệu, thông tin khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc Hệ thống thông tin giám định của BHXH Việt Nam. (Pháp luật TP.HCM, ngày 8/5, trang 2)

Bệnh viện K có thêm cơ sở mới vào khám, chữa bệnh

Ngày 8-5, Bệnh viện K đã chính thức đưa cơ sở 9A- 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào hoạt động. Ngay buổi đầu tiên, cơ sở đã đón tiếp rất nhiều người dân đến khám chữa bệnh. Đây là cơ sở thứ 4 của bệnh viện này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khám và điều trị các bệnh ung bướu, khám sàng lọc phát hiện sớm các bệnh ung bướu cho tất cả người dân trong cả nước và quốc tế, các cơ quan, đoàn thể.

Ung thư hiện đang là vấn đề nghiêm trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại Việt Nam, năm 2018 có khoảng 165 nghìn ca ung thư mới mắc, gần 115 nghìn trường hợp chết và hơn 300 nghìn người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư. (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận