Với thời tiết nóng bức và tình trạng ngồi máy lạnh và quạt thường xuyên, nhiệt độ chênh lệch giữa ngoài trời và trong phòng sẽ rất dễ mắc cảm cúm.
Nhận biết cảm cúm
Khi mắc cảm cúm bệnh nhân thường khó chịu ở họng, khởi đầu là cảm giác vướng họng, khô họng, rát họng, sau đó là đau họng. Các dấu hiệu này thường kéo dài khoảng vài ngày thì tự hết. Nếu bội nhiễm vi trùng, đau họng ngày càng tăng, khi nuốt đau nhói lan lên tai.
Bệnh nhân bị chảy nước mũi, trước tiên là chảy mũi dịch loãng, trắng trong chảy đầy phía trước mũi; dần dần dịch trở nên trắng đục, nhầy đặc hơn phải xì mũi mới ra được. Đa số trường hợp mũi chảy ra phía trước, một số ít mũi chảy ngược ra sau họng gây ra một số triệu chứng về họng. Nếu có bội nhiễm vi trùng, dịch mũi trở nên xanh đặc hay vàng đặc; kèm theo là nghẹt mũi không liên tục, 1 bên, khi nằm nghẹt nhiều hơn; sau đó nghẹt mũi ngày càng tăng, nghẹt 2 bên, suốt ngày; dịch mũi càng đặc nghẹt mũi càng nhiều.
Khi bị bệnh cúm, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng thân nhiệt không ổn định, có cảm giác ớn lạnh, hoặc rét run, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, hoa mắt, hắt hơi, xổ mũi, ho, khàn tiếng…
Sự nguy hiểm của cảm cúm
Những người có sức miễn dịch kém rất dễ bị cảm cúm. Nguyên nhân chủ yếu khiến cơ thể mắc bệnh cảm cúm là do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, độ ẩm không khí thấp đột ngột. Lúc này, cơ thể không thích ứng kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của virus cúm, nên dễ mắc cảm cúm. Các biểu hiện lâm sàng của cảm cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên, khiến nhiều người khá chủ quan với bệnh này. Chính vì sự chủ quan, điều trị muộn đã khiến cảm cúm chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch… Bệnh cúm khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu…
Người bị cảm cúm cần ăn nhiều rau xanh và trái cây. |
Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cảm cúm có thể gây biến chứng phổi hoặc sảy thai. Nếu thai phụ mắc bệnh trong 3 tháng đầu có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng bệnh lý, nhất là về hệ thần kinh trung ương…
Những lưu ý đối với người bệnh
Bệnh nhân bị bệnh cảm cúm thường chỉ cần chăm sóc và cho uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đúng loại theo chỉ dẫn của bác sĩ, từ 3-5 ngày các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần và khỏi hẳn. Bệnh nhân cần thực hiện những nguyên tắc sau:
Cần cách ly với người lành (trong gia đình và cộng đồng), nhất là với nững người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.
Trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cảm cúm cho những người khác.
Nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.
Uống thuốc hạ nhiệt (như paracetamol, cảm xuyên hương…) và uống vitamin C liều cao (tăng sức đề kháng) theo chỉ định của bác sĩ. Hàng ngày rửa mũi, xúc họng bằng nước muối sinh lý; ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi, cháo giải cảm, nước chanh tươi ấm pha mật ong…), nhất là với người cao tuổi và trẻ em.
Trường hợp sau 7 ngày bệnh không thuyên giảm hoặc tái sốt, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)