Điểm báo ngày 18/7/2019

(CDC Hà Nam)

 Số người mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi tăng; Thuốc Việt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường; Chờ thần dược ở Khoa cấp cứu; Chuyên gia đầu ngành nhận định dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội sẽ phức tạp…

Số người mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi tăng

Ngày 17-7, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết, trong 1 tháng gần đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội tăng nhanh theo từng tuần, hiện đã gần 200 ca mắc/tuần và xuất hiện tại tất cả quận, huyện, thị xã.

Lũy kế từ đầu năm 2019 tới nay, Hà Nội ghi nhận khoảng 1.200 ca mắc SXH – không có trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đang điều trị chiếm gần 10% tổng số mắc. Trước tình hình dịch gia tăng, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhận định, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh SXH nói riêng. Bởi lý do dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng gia tăng trên quy mô cả nước do biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, tình trạng đô thị hóa. Trong khi Hà Nội lại là địa phương có mật độ dân số cao, môi trường ở nhiều nơi còn ô nhiễm. Cùng với đó, diễn biến thời tiết nắng nóng, sau đó mưa nhiều hiện nay là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền SXH phát triển.

Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình dịch bệnh tại Cà Mau diễn ra phức tạp, khi bệnh SXH, tay chân miệng, sởi tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể bệnh SXH xảy ra 449 ca (tăng 2,2 lần so cùng kỳ), bệnh tay chân miệng mắc 1.361 ca (tăng 3,5 lần so cùng kỳ), bệnh sởi mắc 1.295 ca (cùng kỳ không xảy ra). .

 Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vừa cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã khám trên 292.000 lượt bệnh nhi, trên 17.000 lượt bệnh nhi nội trú. Đáng lưu ý, 3 bệnh truyền nhiễm có số điều trị tăng vọt với 764 ca tay chân miệng (tăng 31%), 871 ca SXH (tăng 90%) và 599 ca sởi. Thời gian qua bệnh nhi nhập viện rất đông, có lúc lên đến 800 lượt. Bệnh viện đang sắp xếp kê thêm giường cho bệnh nhi.  (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Thuốc Việt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường

Bên cạnh kênh nhà thuốc bán lẻ, danh mục thuốc sản xuất trong nước trúng thầu kênh bệnh viện tăng gần 7 lần so với năm 2016, tỷ trọng sử dụng tại các cơ sở y tế công lập tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ước tính quy mô ngành dược sẽ đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng trên 10% trong vòng 5 năm tới. Theo đà chung của thế giới, xu hướng tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và chuyển dịch từ thuốc ngoại sang nội là tất yếu. Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc sẽ tăng gấp đôi, từ 37,97 USD (năm 2015) lên 85 USD (năm 2020) và 163 USD (năm 2025).

Tận dụng triển vọng tăng trưởng chung của ngành, hàng loạt doanh nghiệp dược nội địa đã đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất chất lượng, tạo sự khác biệt trong cơ cấu sản phẩm. Cả nước hiện có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và 11 dây chuyền đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP, EU-GMP, Japan-GMP, USA-GMP. Với các chứng nhận chất lượng quốc tế, thuốc Việt ngày càng rộng đường trên kênh đấu thầu bệnh viện (ETC) cũng như xuất khẩu.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp mà không chào thầu nhập khẩu đã tăng gần 7 lần sau 3 năm, từ 146 thuốc (năm 2016) lên 640 thuốc (năm 2019).

Theo báo cáo của các Sở Y tế, tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh có sự tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013 tăng lên 63,53% năm 2018. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song hành cùng Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trị giá thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 12/13 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trên kênh bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc (OTC), khảo sát năm 2018 của Vietnam Report cho thấy, có 67% doanh nghiệp sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa kênh phân phối thông qua khoảng 62.000 cơ sở bán lẻ ngoài thị trường (nắm giữ tới 95% thị phần).

Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành đang đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu trên thị trường OTC. Dược Hậu Giang, Traphaco… đã phát triển hoàn thiện kênh phân phối thông qua 23.000 cơ sở bán lẻ xuống từng huyện, xã nhằm mở rộng khả năng tiếp cận người tiêu dùng và kiểm soát giá bán đồng nhất trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp chọn hướng đi riêng. Với thuốc đông dược, Traphaco chú trọng khai thác phát triển thuốc đông dược Việt Nam sử dụng đinh lăng, actiso, rau đắng đất, bìm bìm, chè dây… Đầu năm 2017, công ty đã hoàn thành việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tân dược Traphaco Sapa, hiện đại hàng đầu Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, nhà máy này đã được cấp chứng nhận GMP-WHO về sản xuất dược liệu, góp phần hoàn thiện và nâng tầm chuỗi giá trị xanh.

Trong mảng tân dược, Dược Hậu Giang mới đây đã nâng cấp thành công 2 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và Japan-GMP khắt khe nhất thế giới, đặt mục tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản và ASEAN. Doanh thu thuần Dược Hậu Giang năm 2018 đã đạt 3.888 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 732,2 tỉ đồng.

Nhiều thành tựu của ngành dược nước nhà sẽ được cập nhật tức thời tại hội nghị tổng kết 10 năm đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Sự kiện sẽ diễn ra ngày 18.7 tại Hà Nội, quy tụ lãnh đạo các sở ban ngành y tế, đại diện các doanh nghiệp dược hàng đầu đến tham dự. (Thanh niên, trang 3).

 

Chờ thần dược ở Khoa cấp cứu

Khoa cấp cứu ở bệnh viện là nơi luôn căng thẳng, đầy nỗi lo lắng lại thiếu những giao tiếp, những lời giải thích cần thiết.

Tôi từng nhiều lần đưa người thân đi cấp cứu tại bệnh viện nên cũng hiểu phần nào nỗi vất vả của nhân viên y tế. Khi khoa cấp cứu quá tải càng vất vả hơn. Người nuôi bệnh cũng phàn nàn nhiều hơn.

Chuyện ở khoa cấp cứu

Chuyện tôi chứng kiến trong lần chăm sóc người nhà bị đột quỵ tại một bệnh viện đa khoa ở TP.HCM. Giữa đêm, hai người tốt bụng đưa một thanh niên bị tai nạn giao thông bất tỉnh giữa đường vào viện, chưa liên hệ được người thân của bệnh nhân.

Khi bác sĩ trực khoa cấp cứu thăm khám, tôi cứ ngỡ trường hợp của anh bị nặng chắc chắn được ưu tiên điều trị trước. Thế nhưng các nhân viên y tế đã yêu cầu hai người đưa anh đến bệnh viện khai thông tin cá nhân và đóng tiền tạm ứng.

Khổ nỗi trong người bệnh nhân không có lấy một đồng, điện thoại cũng không còn. Hai người đưa anh đến bệnh viện đều là tài xế xe ôm, cũng chẳng giúp anh được gì ngoài lòng tốt. Bệnh nhân phải nằm chờ…

Gần sáng tôi mới thấy người nhà của anh hớt hải chạy vào làm thủ tục. Tối đó anh có nói đi uống bia với bạn, đến khuya vẫn chưa thấy anh về, gọi điện thoại cũng không liên lạc được.

Hỏi người bạn cùng nhóm mới biết anh chạy xe về một mình trên đường Đặng Văn Bi (Thủ Đức). Tiếp tục “lần theo dấu vết” thì nghe tin anh tự té xe và được người đi đường chở vào bệnh viện.

Tai nạn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cách làm việc quá cứng nhắc của kíp trực hôm ấy dễ khiến người ta hiểu thành câu chuyện bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân nên gia đình bức xúc.

Lần khác, ở một bệnh viện quận, tôi chứng kiến hai ca bệnh cùng là đau ruột thừa, một bệnh nhân đã hơn 70 tuổi vào trước, bệnh nhân đến sau mới 25 tuổi. Bác sĩ quyết định cho bệnh nhân trẻ hơn được mổ trước.

Người nhà của bệnh nhân cao tuổi phản ứng gay gắt, cho rằng có lẽ do quen biết hoặc nhờ “lót tay” nên người kia mới được ưu tiên. Thật ra bệnh nhân trẻ được mổ trước do ruột thừa đã bị vỡ, nếu chậm hơn sẽ rất nguy hiểm.

Tiếc rằng những y bác sĩ ở đó chỉ im lặng làm công việc của mình, quá kiệm lời, không giải thích với thân nhân và cũng không động viên người bệnh trong lúc sự lo lắng được đẩy lên đến mức nóng nảy, khó kiềm chế, kéo theo nhiều chuyện không hay. Và thực tế không ít người nuôi bệnh đã làm ầm ĩ tại khoa cấp cứu. Không ít y bác sĩ phải hứng chịu những cơn thịnh nộ từ người nhà bệnh nhân.

Chuyên môn và thái độ

Một lần con tôi bị lồng ruột, cháu nôn ói suốt từ sáng đến chiều. Đưa con vào bệnh viện nhi đồng, bác sĩ khám và nói bị rối loạn tiêu hóa rồi ghi đơn thuốc, dặn mua thuốc rồi về. Tôi dẫn con ra tới cửa rồi tự nhiên bác sĩ kêu quay lại, cho giấy đi siêu âm cho chắc. Qua siêu âm đã phát hiện trẻ bị lồng ruột, phải chuyển qua cấp cứu gấp. Lỡ hôm đó bác sĩ để cho về luôn, không biết chuyện gì xảy ra nữa. Hơn 2 năm rồi, nhớ lại tôi vẫn còn sợ. Nhưng cũng may, sự thận trọng và thái độ tận tình của bác sĩ đã kịp thời chữa một lỗi sai chuyên môn. Và chúng tôi cảm ơn những bác sĩ như vậy.

Để khoa cấp cứu bớt “căng”

Thêm một bệnh nhân qua đời sau thời gian chờ đợi ở khoa cấp cứu lại thêm bức xúc xung quanh câu chuyện chuyên môn, thái độ và trách nhiệm của y bác sĩ.

Công tâm mà nói, không khí ở khoa cấp cứu luôn căng thẳng. Bệnh nhân đau đớn, chảy máu, có khi bất tỉnh. Thân nhân lo âu, sốt ruột.

Y bác sĩ cũng rất căng thẳng, bệnh nhân đủ dạng bệnh, mức độ nặng nhẹ có đủ. Những ngày cao điểm hoặc lễ tết, bệnh nhân tăng bất thường càng căng thẳng hơn.

Về chuyên môn, không ai hiểu bệnh tình của người bệnh bằng các y bác sĩ. Nhưng bệnh nhân ở nơi này là bệnh nhân mới đến, nhiều khi chưa kịp thăm khám kỹ, nhiều bệnh có thể biến chứng bất ngờ.

Bệnh nhân qua đời tại đây cũng nhiều cùng những “nghi ngờ” về y đức, chuyên môn luôn thường trực với thân nhân khi thấy người nhà mình trở nặng và bác sĩ có vẻ quan tâm chưa đúng mực.

Một cử chỉ, một lời giải thích của y bác sĩ có tác dụng hơn cả “thần dược”, giúp bệnh nhân vơi đi đau đớn và người thân của họ cũng thông cảm. Thế nhưng số lượng bệnh nhân cấp cứu ở bệnh viện tuyến trên ngày càng tăng.

Như Tuổi Trẻ đưa tin (ngày 17-7), có những bệnh viện tiếp nhận 400 ca cấp cứu mỗi ngày, mỗi ca trực đến 10 bác sĩ nhưng luôn trong tình trạng quá tải đến gấp đôi công suất. Công việc căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân khiến việc thăm khám bệnh nhân nhanh hơn, y bác sĩ càng kiệm lời hơn nữa và khả năng sai sót chuyên môn có thể cao hơn.

Giải pháp nào cho thực tế này? Như cách “dán màu bệnh nhân” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sẽ phân chia mức độ bệnh nặng nhẹ là một giải pháp tốt.

Nhưng giải pháp cần hơn là tăng nhân lực, trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn ở những nơi quá tải cấp cứu. Tôi tâm đắc “nguyên tắc 4 giờ” các nước đã làm, nguyên tắc này buộc bộ phận cấp cứu bằng mọi cách giải quyết nhanh nhất phần việc của mình để chuyển bệnh nhân đến các khoa nhanh nhất.

Những chuyện này chưa thể thay đổi nhanh chóng được. Tuy nhiên, điều có thể đổi mới là thái độ thân thiện hơn cùng những thông tin, lời giải thích rõ ràng hơn của y bác sĩ dành cho bệnh nhân là điều có thể làm được sớm hơn. Đó là cách để khoa cấp cứu bớt phần căng thẳng và lạnh lùng.

Ứng xử thân thiện hơn

Cần nhìn nhận thực tế nhiều người nhà bệnh nhân cũng có hành động thái quá, góp phần gây lộn xộn khu vực này, ảnh hưởng công việc của y bác sĩ (vì ai cũng sốt ruột, cho rằng người nhà mình bệnh nặng hơn, cần chăm sóc trước và nhiều hơn).

Ở bộ phận cấp cứu và cả bộ phận chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện, hầu hết người nhà không được vào với người thân của mình, không biết thông tin gì về bệnh tình người nhà mình đến khi được chuyển xuống khoa.

Ở góc độ người nuôi bệnh, tôi cho rằng bộ phận cấp cứu các bệnh viện cần có người làm phần việc giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người nuôi bệnh tại đây. Thân nhân có thể được giải thích rõ hơn từ thủ tục hồ sơ đến bệnh trạng khi người nhà thắc mắc, bộ phận này cũng có thể là cầu nối “liên lạc” giữa người bệnh và thân nhân bên ngoài khi cần thiết. Và ứng xử thân thiện, lịch sự cũng cần từ những người nuôi bệnh(Tuổi trẻ, trang 9).

 

Chuyên gia đầu ngành nhận định dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội sẽ phức tạp

Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đều chung nhận định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) nói riêng. Trước xu hướng gia tăng của tình hình dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến chuyên gia về công tác tiêm chủng mở rộng và các biện pháp phòng chống 2 dịch bệnh này.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.147 ca mắc SXH tại tất cả quận, huyện, thị xã, không có trường hợp tử vong. Đối với bệnh sởi, tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là 1.585 ca. Đáng chú ý, hiện dịch SXH đang bước vào mùa cao điểm với số mắc tăng nhanh, trong khi số ca mắc sởi hàng tuần vẫn ở mức cao.

Về công tác tiêm chủng mở rộng, tính đến hết tháng 6-2019, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi ở Hà Nội đạt 59,3%; tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh đạt 83%; tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 18 – 23 tháng tuổi đạt 81,4%… Như vậy, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng vẫn chiếm khá cao.

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các chuyên gia đầu ngành đều nhận định, thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã triển khai hiệu công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng.

Dù vậy, các chuyên gia cũng thống nhất nhận định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi, SXH nói riêng.

Lý do vì dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng gia tăng trên quy mô cả nước do biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, tình trạng đô thị hóa. Hà Nội lại là địa phương có mật độ dân số cao, vệ sinh môi trường kém…

Đặc biệt, các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chủng không đầy đủ rất dễ dẫn đến khả năng mắc bệnh và lây truyền dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Qua lắng nghe ý kiến phân tích của các chuyên gia, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên cơ sở này, ngành y tế Hà Nội sẽ tập trung đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng đã triển khai trong thời gian qua để đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết.

Trước mắt, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thêm các nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về giám sát ca bệnh, ổ dịch, véc tơ gây bệnh, mô hình cảnh báo sớm bệnh SXH; nhóm giải pháp về đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng gắn với chất lượng tiêm chủng và nhóm về truyền thông huy động cộng đồng dân cư cùng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Khẳng định vị thế bệnh viện đầu ngành lĩnh vực ung bướu

Tiền thân là Viện Curie Đông Dương (ra đời tại Hà Nội vào ngày 19-10-1923) và sau một số lần đổi tên, sáp nhập, ngày 17-7-1969, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Bệnh viện K. Từ đây, ngành nghiên cứu và chữa trị ung thư Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, góp phần đắc lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trải qua gần 100 năm hình thành và 50 năm xây dựng, phát triển, Bệnh viện K đã trở thành bệnh viện đầu ngành của cả nước về chuyên ngành ung bướu, góp phần quan trọng vào việc phát hiện và chữa trị bệnh ung thư cho người dân. Các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện K luôn lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu. Những đổi thay của bệnh viện sau nửa thế kỷ đã tạo ra một môi trường chữa bệnh tốt cho người dân. Từ cơ sở ban đầu tại 43 Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay Bệnh viện K có bốn cơ sở; số giường bệnh cũng tăng từ 120 lên 2.400. Ngày mới thành lập, bệnh viện chỉ có 68 cán bộ, nhân viên với bảy khoa, phòng thì hiện nay tăng lên 1.549 cán bộ và 76 khoa, phòng, viện, trung tâm… mỗi năm khám, điều trị cho hơn 500 nghìn lượt người dân.

Trang thiết bị y tế luôn được bệnh viện quan tâm đầu tư, từ hệ thống chụp cắt lớp vi tính, PET/CT (thiết bị chẩn đoán hình ảnh ghi hình ở mức độ tế bào – phân tử) đến các thiết bị nội soi dạ dày, phế quản, đại tràng… vào loại hiện đại nhất hiện nay. Nhờ đó, người mắc bệnh ung thư không chỉ được chẩn đoán đúng, chính xác mà còn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh, rút ngắn thời gian khám bệnh của người bệnh. Những năm gần đây, bệnh viện còn triển khai hệ thống xe lưu động sàng lọc ung thư, qua đó đem cơ hội tầm soát phát hiện ung thư sớm tới những người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Bệnh viện K đã triển khai các xét nghiệm chuyên sâu như hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử, gien… trang bị các thiết bị xét nghiệm tiên tiến, hoàn toàn tự động từ khâu nhận bệnh phẩm, thực hiện xét nghiệm đến khi trả kết quả, trợ giúp tốt nhất cho việc chẩn đoán, tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các tiến bộ này là tiền đề để người bệnh có cơ hội điều trị với các phương pháp điều trị mới như điều trị đích, điều trị miễn dịch…

Ngoài tám máy xạ trị gia tốc thông thường, mới đây bệnh viện trang bị thêm một máy xạ trị gia tốc đa mức năng lượng Infinity thế hệ mới nhất cho phép xạ trị theo hình ảnh, thể tích… làm tăng hiệu quả điều trị, đồng thời giảm ảnh hưởng phụ. Bệnh viện đã lắp đặt và triển khai kỹ thuật xạ phẫu Gamma knife để điều trị nhiều loại u não mà người bệnh không cần phải phẫu thuật, góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả điều trị các loại u não nguyên phát cũng như di căn. Bệnh viện hiện đang hoàn thiện đề án lắp đặt máy xạ trị Proton và hạt ion nặng là những phương pháp xạ trị hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về nội khoa xạ trị cũng được Bệnh viện K áp dụng trong điều trị bệnh ung thư như: điều trị Methotrexat liều cao, liệu pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch, hóa xạ đồng thời, xạ trị VMAT, xạ trị áp sát liều cao 3D, cá thể hóa trong điều trị… Những kỹ thuật mới chuyên sâu trong phẫu trị cũng đã điều trị thành công nhiều ca khó như: tái tạo toàn bộ mũi, má trên người bệnh ung thư da kích thước lớn; nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày; ứng dụng nội soi 3D trong phẫu thuật cắt gan, cắt toàn bộ đại trực tràng, điều trị sa trực tràng; nội soi qua mũi loại bỏ u não ở nền sọ; phẫu thuật u giáp qua đường miệng; nội soi cắt khối tá tụy… Bệnh viện đã thành lập và đưa vào sử dụng trung tâm phẫu thuật nội soi rô-bốt.

Nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K đã ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Cụm công trình “Nghiên cứu dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” của các thế hệ cán bộ bệnh viện suốt 25 năm qua đã giúp phát hiện sớm ung thư vú cho hàng nghìn phụ nữ mỗi năm, đưa kết quả chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đạt tỷ lệ 75% (tương đương Xin-ga-po). Kết quả của công trình này đã được đưa vào phác đồ điều trị ung thư vú áp dụng trên toàn cầu.

Với vai trò một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực ung thư, công tác chỉ đạo tuyến được xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Bệnh viện đã cùng các đồng nghiệp xây dựng hoàn thiện nhiều bệnh viện, khoa ung bướu ở các tỉnh, thành phố; hình thành mạng lưới phòng, chống ung thư quốc gia; phụ trách chỉ đạo tuyến cho tám bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm, khoa và đơn vị ung bướu trên cả nước. Bệnh viện K hiện là bệnh viện hạt nhân, trực tiếp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giúp cho 17 bệnh viện vệ tinh. Nhờ đó giúp các bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên; người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình. Đáng chú ý, qua tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, hiểu biết về bệnh ung thư của nhân dân được nâng cao, ý thức phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh cải thiện đáng kể.

Ngay từ những ngày mới thành lập, bệnh viện đã quan tâm việc đặt quan hệ hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước có nền y học phát triển trên thế giới. Hiện nay, hằng năm bệnh viện đón tiếp hàng trăm lượt các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế sang làm việc, dự các hội thảo khoa học. Bệnh viện K và Viện Ung thư Quốc gia cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các viện, bệnh viện và tổ chức quốc tế trong điều trị ung thư. Không chỉ là thành viên của tổ chức Hiệp hội phòng, chống Ung thư quốc tế (UICC). Mới đây, Bệnh viện K được kết nạp là thành viên thứ 100 (là cơ sở điều trị ung thư đầu tiên của châu Á) vào Tổ chức các bệnh viện, viện ung thư châu Âu (OECI)…

Bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng tại các quốc gia trên thế giới, nhất là tại các nước nghèo, các nước đang phát triển, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Tỷ lệ mắc ung thư trên thế giới và Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, đặt ra cho ngành ung thư nói chung và Bệnh viện K nói riêng những thách thức lớn. Mỗi cán bộ y tế của Bệnh viện K sẽ luôn phấn đấu, rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng họ những tình cảm ấm áp, những kỷ niệm không quên, những suy ngẫm tốt đẹp về tình người, về đạo lý nhân sinh. (Nhân dân, trang 7).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 6/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/8/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận