Điểm báo ngày 13/4/2022

(CDC Hà Nam)
Cả nước chỉ còn hơn 1.200 F0 nặng đang điều trị; Sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; Cả nước có thêm 22.800 ca Covid-19, chỉ còn 1.237 bệnh nhân phải thở ôxy’; Hoang mang trước ‘ma trận’ quảng cáo khám hậu COVID, F0 cần thực sự ‘tỉnh táo’…

Cả nước chỉ còn hơn 1.200 F0 nặng đang điều trị

F0 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế đến hôm nay giảm xuống còn 1.237 ca, trong đó thở máy là 190 ca và 3 ca ECMO, còn lại thở oxy. Hôm nay F0 của Hà Nội giảm xuống còn 1.924 ca. Việt Nam đã qua đỉnh dịch Omicron với việc số ca mắc mới giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Từ hơn 180.000 ca/ngày vào giữa tháng 3, ngày 12/4 chỉ còn 22.804 ca nhiễm, giảm hơn 6 lần.

Đặc biệt, số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nước ta tiếp tục giảm, trong 2 ngày (11 và 12/4) chỉ còn 17-19 ca; ngày 12/4 có 28 ca.

F0 của Hà Nội tiếp tục giảm, hôm nay chỉ ghi nhận 1.942 ca. Cả nước chỉ còn một số tỉnh có từ 1.000 – hơn 1.000 ca mắc là Phú Thọ, Yên Bái, Đắk Lắk, Nghệ An, Bắc Giang. Vào thời gian cao điểm, hơn 40 tỉnh, thành phố có từ 1.000 – 3.000 ca mắc/ngày.

Đặc biệt F0 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế giảm xuống còn 1.237 ca, trong đó thở máy là 190 ca và 3 ca ECMO, còn lại thở oxy.

Sở Y tế Hà Nội cho hay, tuy số ca mắc của Thủ đô gần 2.000 ca/ngày nhưng chỉ còn 148.844 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó chỉ có 630 F0 phải điều trị ở bệnh viện. Sau nhiều ngày Thủ đô không ghi nhận ca tử vong thì hôm nay có 2 ca.

Bộ Y tế cho biết, gần 1 triệu liều vaccine do Chính phủ Australia tài trợ đã về Việt Nam và lô vaccine thứ 2 sẽ về vào ngày 13/4. Bộ đang chuẩn bị triển khai tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi trong thời gian sớm nhất. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo Bộ Y tế, lô vaccine gần 1 triệu liều do Chính phủ Australia tài trợ đã về Việt Nam vào ngày 9/4. Dự kiến ngày 13 và 18/4, lô vaccine thứ 2 và thứ 3 hơn 6 triệu liều sẽ về nước. Tổng cộng đợt này có hơn 7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam. Theo Bộ Y tế, công tác tiêm chủng sẽ nhanh chóng được triển khai trước tiên cho trẻ khối lớp 6.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn các tỉnh, thành phố và đề nghị địa phương, đơn vị tích cực chuẩn bị để sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi; các phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine ở trẻ cần lưu ý. Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, gồm vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vaccine Moderna (tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi).

Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5-11 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào. Đến chiều 12/4, cả nước đã tiêm được hơn 208 triệu liều vaccine phòng COVID-19. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Cả nước có thêm 22.800 ca Covid-19, chỉ còn 1.237 bệnh nhân phải thở ôxy

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 22.804 ca nhiễm mới Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố, giảm 377 ca so với ngày trước đó.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Giang (giảm 455 ca), Nghệ An (giảm 424 ca), Gia Lai (giảm 173 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (tăng 385 ca), Bắc Kạn (tăng 309 ca), Phú Thọ (tăng 197 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 34.682 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 11-4 đến 16h ngày 12-4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 22.804 ca nhiễm mới tại 63 tỉnh, thành phố (có 17.375 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.942), Phú Thọ (1.384), Yên Bái (1.102), Đắk Lắk (1.092), Nghệ An (1.046), Bắc Giang (1.012), Bắc Kạn (999), Lào Cai (988), Vĩnh Phúc (915), Quảng Ninh (905), Tuyên Quang (823), thành phố Hồ Chí Minh (658), Thái Bình (643), Thái Nguyên (593), Hải Dương (520), Cao Bằng (489), Quảng Bình (486), Hưng Yên (462), Lạng Sơn (366), Lâm Đồng (340), Gia Lai (311), Cà Mau (296), Hà Tĩnh (290), Sơn La (287), Hòa Bình (278), Lai Châu (270), Bắc Ninh (260), Quảng Nam (253), Quảng Trị (237), Đà Nẵng (235), Tây Ninh (235), Hà Nam (230), Bình Phước (215), Hà Giang (209), Bình Định (205), Vĩnh Long (189), Quảng Ngãi (182), Nam Định (176), Thanh Hóa (161), Đắk Nông (158), Ninh Bình (157), Điện Biên (156), Bình Dương (136), Hải Phòng (123), Phú Yên (100), Thừa Thiên – Huế (93), Bà Rịa – Vũng Tàu (85), Khánh Hòa (83), Bến Tre (79), Long An (57), Sóc Trăng (52), Trà Vinh (47), An Giang (45), Bình Thuận (42), Bạc Liêu (41), Kon Tum (23), Kiên Giang (16), Cần Thơ (7), Đồng Tháp (5), Tiền Giang (4), Đồng Nai (4), Ninh Thuận (4), Hậu Giang (3).

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.272.964 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.882 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.265.217 ca, trong đó có 8.754.290 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.526.215), thành phố Hồ Chí Minh (603.128), Nghệ An (417.687), Bình Dương (381.852), Bắc Giang (376.596).

Về tình hình điều trị, có thêm 202.184 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 8.757.107 trường hợp. Ngoài ra, hiện có 1.237 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 920 ca thở ôxy qua mặt nạ, 124 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 33 ca thở máy không xâm lấn, 157 ca thở máy xâm lấn và 3 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận thêm 28 ca tử vong tại 19 tỉnh, thành phố: Quảng Nam (3), Bắc Kạn (2), Gia Lai (2 ca trong 2 ngày), Hà Nội (2), Hải Dương (2), Hậu Giang (2), Kiên Giang (2), Phú Thọ (2), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Hà Nam (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Phú Yên (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 25 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.858 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 7).

Hoang mang trước ‘ma trận’ quảng cáo khám hậu COVID, F0 cần thực sự ‘tỉnh táo’

Hàng loạt quảng cáo với những thông tin tiêu cực khiến nhiều F0 đổ xô tìm kiếm các gói khám hậu COVID-19. Nhưng theo các chuyên gia, việc đi khám như vậy với nhiều F0 là không cần thiết, gây lãng phí.

Quảng cáo tràn lan gây hoang mang cho người dân

Hiện nay, các bệnh lý hậu COVID -19 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Sau khi khỏi bệnh, nhiều người đã không khỏi lo lắng với những thông tin về di chứng hậu COVID-19. Chính điều này đã khiến nhu cầu tìm kiếm các gói khám hậu COVID -19 thời gian qua tăng đột biến.

Điều đáng nói, một số người đang trong quá trình điều trị COVID-19 mức độ nhẹ cũng “rốt ráo” tìm hiểu việc điều trị hậu COVID-19 để chuẩn bị sau khi khỏi bệnh. Nắm bắt được tâm lý này của người dân, nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám đều tung ra các gói, ‘combo’ khám hậu COVID-19 với đầy đủ mức giá “trên trời dưới bể”.

Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), hiện các dịch vụ khám, điều trị hậu COVID-19 đang được quảng cáo tràn lan với nhiều gói như: Gói cơ bản, nâng cao, chuyên sâu đến gói VIP với hàng loạt dịch vụ đi kèm. Cùng với sự khác biệt về dịch vụ, mức giá cũng được niêm yết chênh lệch từ vài trăm đến hàng triệu đồng, thậm chí có gói khám VIP lên tới cả chục triệu đồng.

Điều đáng nói, những quảng cáo khám hậu COVID-19 hiện đang được xuất hiện dày đặc khiến tâm lý F0 càng thêm phần lo lắng. Từ các nền tảng website, mạng xã hội, youtube,… không khó để tiếp cận những quảng cáo về việc khám, điều trị hậu COVID-19.

Những quảng cáo này thường đưa ra những thông tin tiêu cực về các triệu chứng hậu COVID-19, thậm chí có thể để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân khiến nhiều F0 đọc xong không khỏi bàng hoàng.

“Những tổn thương có thể gặp ở người bệnh hậu COVID-19 như: Tim: Khoảng 35% trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 có tổn thương ở tim trên giải phẫu bệnh do tế bào cơ tim biểu hiện nhiều ACE 2, với các biểu hiện: Phù nề cơ tim, thâm nhiễm tế bào viêm trong mô cơ tim và làm xơ teo các sợi cơ tim,…” hay “Triệu chứng sau Covid thường đa dạng và xuất hiện cùng lúc hoặc trong những khoảng thời gian khác nhau. Biểu hiện ở mỗi người có thể ở mức độ từ nhẹ cho đến chuyển biến nặng phải nhập viện”…, quảng cáo của một phòng khám thể hiện sự nghiêm trọng của hậu COVID-19.

“Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội”, quảng cáo của một phòng khám tư nhận tại TP. HCM.

Những dòng quảng cáo dịch vụ mà nghe xong cũng khiến nhiều người đứng ngồi không yên sau khi đã mắc COVID-19. Chị Nguyễn Quỳnh Chi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù cả gia đình 4 người bị COVID-19 với triệu chứng nhẹ, nhưng sau khi tiếp cận những thông tin quảng cáo gói khám hậu COVID-19 về những di chứng có thể kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này, tôi đã rất lo lắng và tìm các thông tin về việc khám hậu COVID-19 cho cả nhà”.

Trong khi đó, anh Triệu Quốc Đạt (Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho biết, sau khi mắc COVID-19 anh và cả nhà không thấy gì bất thường. Tuy nhiên, thông tin về hậu COVID-19 xuất hiện dày đặc, nghe nhiều khiến gia đình anh không khỏi hoang mang và đi khám.

Không những vậy, các cơ sở y tế này còn liên tiếp tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá, thậm chí F0 còn được hưởng mức “giá sock” nếu đi theo từng nhóm, càng đồng người thì mức giá khám hậu COVID-19 càng rẻ.

Việc quảng cáo tràn lan không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo sợ đối với F0 mà còn góp phần làm “loạn” thị trường khám chữa bệnh hậu COVID-19 khi mức phí hiện vẫn “mỗi nơi một nẻo”. Và cuối cùng, người chịu thiệt hại vẫn là người dân khi chưa xong nỗi lo COVID-19 đã đến nỗi lo hậu COVID-19.

Nên tỉnh táo, tránh “mất tiền oan”

Mặc dù Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo các bệnh viện (BV), phòng khám (PK) không đưa ra các gói khám hậu COVID-19, nhưng những quảng cáo về dịch vụ này vẫn xuất hiện tràn lan, dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những người đã mắc COVID-19.

Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua Bộ Y tế đã giao cho các cơ sở khám chữa bệnh thay đổi chiến lược điều trị hậu COVID-19. Tuyệt đối không thành lập thêm bệnh viện, chuyên khoa điều trị hậu COVID-19.

Lý giải về điều này, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: “Hiện nay các bệnh viện đều có các chuyên khoa, do đó hậu COVID-19 nếu suy giảm chức năng cơ quan nào thì người bệnh có thể đến khám, điều trị tại bệnh viện tại chuyên khoa đó”.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia y tế, không phải ai cũng bị các triệu chứng hậu COVID-19. Cụ thể, một tài liệu của ngành y tế nước Anh chỉ ra, chỉ có gần 30% bệnh nhân COVID-19 là người lớn sau khi khỏi bệnh vẫn bị những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chủ yếu là bệnh nhân hồi sức cấp cứu và người có bệnh nền. Tỷ lệ này ở trẻ em và người khỏe mạnh rất thấp.

BSCKI Lý Quốc Công, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Các F0 không nên quá hoang mang đổ xô đi khám hậu COVID-19. Đối với người lớn tuổi chỉ cần khám định kỳ tại cơ sở y tế địa phương, kết hợp với xét nghiệm máu thuộc diện của BHYT là có thể đánh giá được tác động của hậu COVID-19 tới sức khỏe. Trường hợp có vấn đề thì bác sĩ tuyến cơ sở sẽ giới thiệu lên cơ sở y tế tuyến trên để xác định thêm mức độ ảnh hưởng”.

Ngoài ra, việc lựa chọn địa điểm khám hậu COVID-19 cũng là vấn đề các chuyên gia khuyến cáo với F0. Do hậu COVID-19 là vấn đề mới nên việc chỉ định xét nghiệm, tư vấn, điều trị cũng cần được đưa ra từ những bác sĩ, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.

Theo ThS. BS Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng khoa Nội tim trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, những cơ sở có nhiều kinh nghiệm về việc khám, điều trị COVID-19 thường có kinh nghiệm về điều trị hậu COVID-19. Phải hiểu rõ về COVID-19, điều trị COVID-19 thì mới có thể nhận định tốt về các triệu chứng hậu COVID-19.

“Mỗi người có thể có các triệu chứng hậu COVID-19 khác nhau và không phải ai cũng cần làm các xét nghiệm như nhau. Điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh nền, số mũi vaccine đã tiêm, thời gian xuất hiện các triệu chứng hay mức độ các triệu chứng đó như thể náo. Do đó, việc đưa ra các gói khám hậu COVID-19 một cách tràn lan là chưa phù hợp, tốn kém chi phí cho người bệnh”, ThS. BS Nguyễn Quang Huy cho biết.

PGS.TS Hoàng Thị Phượng – Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tuy nhiều người gặp các triệu chứng hậu COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả những người mắc COVID-19 đều đi khám hậu COVID-19, như vậy sẽ rất lãng phí.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Phượng, nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cân bằng cảm xúc cho nhân viên y tế sau đại dịch COVID-19

Sau những ngày tháng vật lộn với làn sóng đại dịch mang tên COVID-19, nhiều nhân viên y tế bị suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc. Thấu hiểu điều này, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai thành công “Chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế” tại bệnh viện.

Đại dịch COVID-19 ập đến, 3 tháng trời Sài Gòn “ngủ đông”, cả thành phố chìm trong tang tóc, những chiếc xe cứu thương rú còi bất kể ngày đêm. Những ngày đi vào “lịch sử” ấy, hơn ai hết, các nhân viên y tế là người thấm nhất cái cảm giác ranh giới mong manh của sinh tử.

Bệnh nhân COVID-19 nhập viện liên tục, hệ thống y tế toàn thành phố quá tải, cộng với khối lượng công việc quá lớn, làm việc bất kể ngày đêm khiến nhiều nhân viên y tế phải gánh chịu không ít những mệt mỏi, căng thẳng. Nhiều người bị phơi nhiễm, những người còn lại thì phải làm việc với công suất tăng gấp nhiều lần, trong tình trạng cách ly, trong không khí ngột ngạt, căng thẳng, hàng ngày đối diện với người bệnh lâm vào tình trạng bệnh nặng, nhất là hoàn cảnh mất cả mẹ lẫn con.

Thật sự, COVID-19 đã làm cho rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng. Đây là một hội chứng liên quan đến công việc rất đặc thù của những người công tác trong ngành y tế, nhất là các bác sĩ, điều dưỡng – những người trực tiếp tham gia hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác.

Theo đó 3 triệu chứng cơ bản của hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng có thể kể đến là:

– Kiệt sức: Cảm giác thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi do một hoặc nhiều yếu tố trong lĩnh vực về năng lượng, cảm xúc, và tinh thần. Các triệu chứng thể chất hay gặp như đau dạ dày, ruột.

– Hoài nghi: Thấy công việc của họ ngày càng căng thẳng và bực dọc, mất khả năng đồng cảm và kết nối với bệnh nhân, nhân viên và đồng nghiệp, thậm chí hay đổ lỗi, hoặc cảm thấy có lỗi.

– Giảm hiệu quả công việc: Thấy khó tập trung, không lắng nghe và thiếu sự sáng tạo.

Trước đó, tại thời điểm tháng 10/2021 – giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất căng thẳng trên địa bàn Thành phố, Bệnh viện Hùng Vương đã sử dụng bộ công cụ đánh giá DASS-21 (Depression-Anxiety-Stress Scale – thang điểm chẩn đoán mức độ rối loạn lo âu – trầm cảm nhanh chóng) tiến hành khảo sát trên các nhân viên y tế, kết quả cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%; lo âu là 42,9%, và stress là 17,6%.

Phân tích nguyên nhân cho thấy 57,5% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố là vì phải chứng kiến người thân/bạn bè mất vì COVID-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; 70,2% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…

Từ kết quả khảo sát này, lần đầu tiên Bệnh viện Hùng Vương đã quyết tâm triển khai thành công “Chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế”. Chương trình này hướng đến việc chủ động sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn tinh thần và triển khai các giải pháp can thiệp, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế bệnh viện. Chương trình can thiệp của Bệnh viện gồm có ba phần:

– Phần 1: Bệnh viện tổ chức 28 buổi trò chuyện với các chuyên gia tâm lý nhằm nâng đỡ tinh thần với chủ đề “Tuyến đầu vững vàng, bình an vượt sóng”, từ 18/10/2021 – 15/11/2021, với các mục tiêu:

+ Hiểu về sức khỏe tinh thần của bản thân,

+ Chia sẻ về khó khăn hiện có,

+ Thực hành các kỹ thuật sơ cứu tâm lý để ứng dụng chăm sóc cho bản thân và đồng đội,

+ Được kết nối và hỗ trợ từ tập thể nhân viên y tế. Tổng cộng có 112 nhân viên tham gia lớp Sơ cứu tâm lý và 103 nhân viên tham gia lớp Vòng tròn chia sẻ.

– Phần 2: Biên soạn và xuất bản Sổ tay tâm lý với ba chương: (1) Gọi tên cảm xúc, (2) Nâng đỡ cảm xúc và (3) Ươm mầm hạnh phúc, với hành trình 14 ngày giúp nhân viên bệnh viện giảm thiểu những gánh nặng lo âu, căng thẳng về tâm lý.

– Phần 3: Biên soạn 14 đoạn video clips được Việt hóa, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu giúp nhân viên có thể theo dõi và tự thực hành tại nhà về các bài tập nâng đỡ cảm xúc.

Trao đổi với phóng viên TS. BS Phan Thị Hằng – Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết: “Hàng năm, Bệnh viện Hùng Vương đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên y tế, đây là chăm sóc về thể chất; còn chăm sóc về sức khỏe tinh thần, trong thời gian tới cũng sẽ tập trung nhiều hơn, cụ thể như bệnh viện sẽ đưa chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên vào hoạt động thường quy cần khảo sát, đánh giá hàng năm để kịp thời phát hiện sớm nhân viên y tế có các biểu hiện stress, kiệt sức nghề nghiệp. Từ đó có các biện pháp hỗ trợ cho nhân viên một cách chủ động hơn từ phía Ban giám đốc, Ban chấp hành công đoàn bệnh viện, Y tế cơ quan, Tổ chức cán bộ”.

Bên cạnh vấn đề sức khỏe tinh thần, bệnh viện cũng dự kiến khảo sát thêm về các nội dung liên quan đến đánh giá hiệu quả làm việc, yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của nhân viên trong bối cảnh hiện nay hàng loạt nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh nghỉ việc hàng loạt.

TS. BS Phan Thị Hằng chia sẻ thêm: “Việc triển khai chương trình này cần phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên, bao gồm: các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chuyên gia tâm lý, nhà quản lý bệnh viện, nhân viên y tế. Cùng với đó là áp dụng đồng thời nhiều nhóm giải pháp linh động, phù hợp với bối cảnh của bệnh viện (tổ chức chia sẻ trực tuyến trong mùa dịch để nhân viên có thể thu xếp tham dự vào các buổi cuối tuần hoặc buổi tối)”.

Hiện nay, Bệnh viện Hùng Vương vẫn đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiệu quả của chương trình can thiệp trên toàn thể nhân viên bệnh viện thông qua việc gửi link cho nhân viên khảo sát trong tuần hỏi về kiến thức liên quan đến sơ cứu tâm lý và đánh giá sức khỏe tinh thần dựa trên thang đo DASS-21.

Với mô hình nâng đỡ tinh thần nhân viên y tế trong mùa dịch COVID-19 của Bệnh  viện Hùng Vương đã phát huy tác dụng rõ rệt, làm giảm bớt căng thẳng, lo âu, lấy lại trạng thái cân bằng để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân. Có thể nói, mô hình này là một trong những cách làm mang tính sáng tạo đã giúp nhân viên bệnh viện vượt qua hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng gây ra do đại dịch COVID-19 và tiếp tục đưa bệnh viện phát triển bền vững.

Cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, những người đã không quản ngại gian nguy, khó nhọc, vượt qua nhiều thử thách, cam go trong suốt giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện thiên chức cao đẹp của người thầy thuốc là “cứu người”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

“Rước họa” vì chọn nhầm thuốc chữa bệnh tay chân miệng cho trẻ

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, nhưng tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 trong năm. Bệnh rất nguy hiểm cho trẻ nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời các biến chứng…

Bệnh tay chân miệng hường xảy ra với trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, nhưng ngay cả người lớn cũng có thể là nạn nhân của bệnh chứng này. Ở người lớn và trẻ lớn hơn 5 tuổi, biểu hiện của bệnh chứng thường nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết.

Bệnh thường lây lan qua các môi trường: Nhà trẻ, gia đình, tiếp xúc với trẻ bệnh hay người lớn mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần, bởi do nhiều chủng virus gây ra, do đó nếu trẻ đã mắc một lần rồi không có nghĩa là trẻ không thể mắc bệnh nữa mà chỉ miễn dịch với chủng virus đã mắc bệnh mà thôi.

1. Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Đây là một bệnh do virus và hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.

Bệnh tay chân miệng thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày nếu không có các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan sang trẻ khác. Đồng thời cần theo dõi trẻ tại nhà để phát hiện bé có các biểu hiện: Sốt cao, quấy khóc, bỏ ăn… và đưa con đi khám bệnh, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng.

– Khi trẻ bị viêm loét miệng lưỡi rất đau, trẻ quấy khóc và không chịu ăn uống gì dẫn đến mất nước, hạ đường huyết… cần được cho trẻ dùng thuốc giảm đau và khuyến khích ăn uống chậm, chia thành nhiều bữa thật nhỏ. Thức ăn nên lỏng, mềm, dễ nuốt và cho uống nhiều nước. Nhiều trẻ sẽ chấp nhận đồ lạnh hơn vì có thể làm giảm đau ở vết loét. Không cần tránh các thức ăn, thức uống lạnh, như nước đá, kem, yaourt… mà ngược lại, có thể thử cho trẻ những thức này, để xem trẻ có dễ chịu hơn phần nào hay không.

Các triệu chứng sốt (trên 38.5 độ C), đau có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt acetaminophen. Liều lượng 10 -15mg/kg cân nặng/mỗi 4 – 6 giờ. Hoặc ibuprofen (thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng cho trẻ).

– Nếu trẻ ngứa nhiều, luôn tay muốn gãi sẽ gây trầy xước và nguy cơ bội nhiễm da, bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc chống dị ứng dùng đường uống giúp trẻ bớt ngứa.

– Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng điều trị trong bệnh tay chân miệng, trừ khi có bội nhiễm ở các vết loét và thuốc cần bác sĩ chỉ định nên không được tự ý cho trẻ uống kháng sinh.

Vệ sinh miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng. Cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn. Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.

– Đối với những trường hợp nghi ngờ bị biến chứng thần kinh, hoặc có những dấu hiệu, tiêu chuẩn, nghi ngờ khả năng hoặc nguy cơ bị biến chứng thần kinh cao, các bác sĩ sẽ quyết định cho trẻ nhập viện để bắt đầu điều trị chuyên biệt, hoặc để có thể theo dõi sát các dấu hiệu nặng nhằm can thiệp kịp thời. Vì khi trẻ bị biến chứng thần kinh, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và rất trầm trọng. Nếu phát hiện trễ, qua “thời điểm vàng”, các can thiệp chuyên sâu sẽ không được hữu hiệu nữa, hệ quả điều trị bệnh sẽ không được tối ưu.

2. Các thuốc không nên dùng trong bệnh tay chân miệng

Mặc dù bệnh tay chân miệng rất dễ chẩn đoán, cha mẹ có thể nhìn qua triệu chứng để biết. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, cũng khá nhiều gia đình không biết trẻ bị bệnh tay chân miệng. Khi trẻ xuất hiện các nốt ngoài da lại nghĩ con bị ngứa, mụn và tự mua thuốc về cho trẻ uống, bôi. Điều này rất nguy hiểm bởi trẻ không được đánh giá chính xác bệnh do đó không được theo dõi, điều trị đúng cách.

Các loại thuốc bôi: Nhiều phụ huynh có con bị mắc bệnh thường sốt ruột nên muốn mua các loại thuốc bôi ngoài da để giúp con mau khỏi và nhanh giảm các triệu chứng như đau, ngứa, sát khuẩn…

Tuy nhiên, các tổn thương do tay chân miệng ngoài da thường không đau nên bôi thuốc với mục đích giảm đau là không cần thiết. Hơn nữa, hiện tại các thuốc bôi có tác dụng gây tê tại chỗ, giảm đau cũng không được khuyến cáo cho bệnh lý này. Với tổn thương trong miệng có thể gây đau và trẻ bỏ ăn, thì các thuốc bôi miệng tại chỗ không nên dùng, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Thuốc sát khuẩn cũng không nên sử dụng, bởi các nốt tổn thương của bệnh tay chân miệng thường ít khi vỡ, nó sẽ tự thu nhỏ lại, khô dần rồi mất đi, không để lại sẹo, nên không cần bôi thuốc với mục đích sát khuẩn. Chỉ với những nốt to bị vỡ, các nốt ở vùng kín dễ bị nhiễm trùng có thể bôi với mục đích đề phòng bội nhiễm.

Thuốc bôi chứa corticoid: Với các thuốc bôi có chứa corticoid, có thể gây suy giảm miễn dịch và làm bệnh thêm trầm trọng.

Thuốc bôi ngoài da không rõ nguồn gốc, dù là thuốc nam, thuốc đông y cũng có thể gây những tác dụng phụ kích ứng da. Thuốc bôi ngoài da đông y có thể gây ngộ độc, đặc biệt là ngộ độc chì.

– Thuốc kháng virus: Một số phụ huynh bôi thuốc acyclovir với mong muốn diệt virus giúp nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, acyclovir hoàn toàn không có tác dụng với virus gây bệnh tay chân miệng(Sức khỏe & Đời sống, trang 11).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/1/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/9/2018

Ngọc Nga