Bệnh viện được giao tự chủ mà không biết tự chủ cái gì
Cụ thể, nêu vấn đề tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về việc thực hiện chính sách về cơ chế tự chủ của các BV công lập, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, cho rằng vướng mắc lớn nhất của việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các BV là giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ. Cho biết đây là tâm sự “tưởng rất kỳ lạ nhưng thực tế lại thế” của một lãnh đạo BV, ông Trí đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết làm thế nào để tháo gỡ và ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng nhận định, cái khó nhất của thực hiện tự chủ là giao tự chủ nhưng không được tự quyết, mà mọi việc đều phải xin ý kiến hết, nhất là chuyện nhân sự. Từ đó, ông Xuân đề nghị Bộ Nội vụ giải thích vì sao các BV được tự chủ nhưng không ký hợp đồng được, với lý do là không có chỉ tiêu biên chế?
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh làm cơ sở cho tự chủ của các BV chưa làm được, do ảnh hưởng tới chỉ số CPI và khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Còn đối với vấn đề nhân sự, Bộ trưởng lý giải hiện nay các đơn vị tự chủ được quyền quyết định đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tuyển dụng. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn chưa phân cấp, mà do UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt, nên vướng.
“Chúng tôi chia sẻ vấn đề này nhưng không phải thẩm quyền của Bộ Y tế”, bà Tiến nói và cho biết vấn đề này Bộ Nội vụ trả lời sẽ sát hơn.
Trong phần giải trình liên tục bị chủ tọa ngắt lời và đề nghị đi thẳng vào trọng tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Trọng Thừa lại cho biết, Bộ Nội vụ đã tháo gỡ vấn đề này, vì hiện đã cho phép các BV xác định vị trí việc làm và phân cấp các UBND tỉnh phê duyệt, nên vấn đề nhân sự trong BV “không có gì vướng mắc, cản trở”.
Cho rằng phần trả lời của các cơ quan hữu quan “chưa thấm vào cái tinh tế bên trong”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết nhiều địa phương đang thực hiện một cách máy móc khi triển khai Nghị quyết của T.Ư về tinh giản bộ máy, vì cứ chằm chằm vào giảm biên chế trong ngành y tế, trong khi bệnh nhân ngày càng đông hơn, các BV đang cần nhiều người làm hơn. “Nghị quyết của T.Ư đặt mục tiêu giảm 10% biên chế là giảm 10% số người ăn lương nhà nước, chứ người làm việc các nơi là phải tăng”, ông Trí nêu quan điểm và đề nghị Bộ Nội vụ phải sâu sát hơn trong vấn đề này.
Tỉnh có chưa tới 1 triệu người, nhưng mổ mắt cho 5 triệu bệnh nhân !
Trong phiên thảo luận về việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT chiều cùng ngày, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Hoàng Mai cho biết một trong những tồn tại, bất cập “dai dẳng và bức xúc” là thanh quyết toán BHYT giữa Cơ quan BHXH VN và các BV. Theo ông Mai, các BV rất bức xúc vì không có tiền thanh toán cho đối tác, thậm chí một số BV tới cuối năm không có tiền thưởng cho cán bộ vì không quyết toán được tiền BHYT. “Có nơi, UBND tỉnh phải trích ngân sách trên 30 tỉ để giúp cơ sở khám chữa bệnh tạm thanh toán tiền với các đơn vị đối tác”, ông Mai nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xem lại cách phân bổ kinh phí BHYT vì các BV đang gặp khó khăn. “Đến lúc người ta từ chối, sợ khám bảo hiểm vì hết tiền phân bổ rồi còn đâu mà khám. Nhận vào không thanh toán được thì sao?”, ông Trí nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi thì cho rằng BHXH hiện đã ứng trước 80% nguồn kinh phí phân bổ hằng năm, nhưng với đơn vị 1.000 tỉ mà giữ lại 20%, tương ứng với 200 tỉ, thì là con số rất lớn. “Chỉ cần giữ lại 1 tỉ thôi cũng đủ chết rồi, chứ đừng nói 200 tỉ. Đề nghị BHXH báo cáo với UBND các tỉnh để chỉ đạo cơ quan BHXH địa phương phải linh hoạt trong việc thanh toán với các BV. Bây giờ chúng ta giao cho BV tự chủ, nâng cao chất lượng mà không có tiền để mua thuốc thì làm sao được”, ông Lợi nói.
Giải trình về vấn đề này, Phó tổng giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn cho biết vấn đề hiện nay là nằm ở việc quyết toán, vì các BV không giải trình, thuyết minh được các khoản chi phí. “Có những loại bệnh mà chỉ nhìn vào chi phí 6 tháng đầu năm 2019 đã thấy bất cập, vô lý là chi phí mổ Phaco (phẫu thuật đục thủy tinh thể – PV).
Có BV chỉ 6 tháng mà chi 24 tỉ, theo logic bình thường thì số tiền này phải điều trị cho 5 triệu bệnh nhân, trong khi tỉnh đó dân số chưa tới 1 triệu người!”, ông Sơn nêu và cho biết nhiều khoản BHXH có bị phê bình cũng không thể thanh toán, vì nếu thanh toán thì cái chưa đúng của BV sẽ trở thành cái sai của cơ quan BHXH (Thanh niên, trang 4).
Cục Quản lý Dược: Cấp 2 cặp thuốc cùng tên cho 2 công ty
Từ năm 2011 đến 2014, trên 100 bệnh viện thuộc 36 tỉnh, thành đã chấm trúng thầu 4 loại thuốc có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa ghi thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội ngày 3-10 cho biết như trên.
Bốn loại thuốc này đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu ngưng nhập khẩu từ cuối năm 2014.
Nhưng điều bất ngờ, khi xem xét lại 4 thuốc này, 2 thuốc có tên hoàn toàn trùng với 2 thuốc khác do Công ty “ma” Helix Canada sản xuất, Công ty VN Pharma nhập khẩu (tháng 9-2014, Cục Quản lý dược cũng đã rút số đăng ký 7 thuốc của Helix, trong đó có 2 loại thuốc này).
Việc cấp số đăng ký cho 2 thuốc cùng tên là vi phạm thông tư 22-2009 và cũng thể hiện một sự “ưu ái” cho VN Pharma.
Lạ lùng 2 cặp thuốc cùng tên
Theo thông tin từ cơ quan bảo hiểm, 4 loại kháng sinh do Health 2000 sản xuất, VN Pharma nhập khẩu nói trên gồm thuốc H2K Ciprofloxacin Infusion 200mg/100ml (số đăng ký VN-11531-10), thuốc H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml (số đăng ký VN-11532-10), thuốc Kaderox-250 và thuốc Kafotax-1000.
Trong thời gian từ năm 2011-2014, tổng số tiền 4 loại thuốc này trúng thầu vào bệnh viện là 55 tỉ đồng. Trong đó, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả trên 52 tỉ đồng tiền thuốc, số còn lại do người bệnh tự chi trả.
Tuy nhiên, qua xem xét danh sách 7 thuốc do Helix Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu mà Cục Quản lý dược có quyết định rút số đăng ký ngày
19-9-2014, lại thấy tên 2 thuốc H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml (số đăng ký VN-17877-14) và H2K Levofloxacin 500mg/100m (số đăng ký VN 17880-14).
Chiếu theo quy định trong thông tư 22-2009, visa thuốc có thời hạn 5 năm, nhưng ở đây là khoảng 4 năm Cục Quản lý dược lại cấp 2 tên thuốc trùng với 2 tên thuốc đang lưu hành, vi phạm yêu cầu không cấp trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp số đăng ký của cơ sở khác.
Ở đây có 2 cặp thuốc cùng tên của 2 nhà sản xuất, do cùng Công ty VN Pharma nhập khẩu. Việc cấp trùng tên có thể vô hình trung tạo một lợi thế đáng kể cho VN Pharma: khi có tên thuốc mới thì được kê khai giá mới, chưa kể những lợi thế có thể có khi tham gia đấu thầu.
Health 2000: còn thuốc chưa bị “lộ”
Qua khảo sát danh mục thuốc do Health 2000 sản xuất và VN Pharma nhập khẩu, chúng tôi còn thấy có thêm 3 thuốc chưa có tên trong danh sách trúng thầu vào bệnh viện mà bảo hiểm y tế đã rà soát. Số này bao gồm thuốc Vipanzon 40mg, MGP Moxinase 625 và MGP Axinex 1000. Các thuốc này có được nhập khẩu vào VN, như MGP Moxinase 625 có lô hàng vào VN ngày 5-6-2011 trị giá gần 35.000 USD, thuốc MGP Axinex 1000 có lô hàng ngày 1-3-2012 trị giá trên 157.000 USD…
Kiểm tra kết quả đấu thầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh năm 2012, MGP Axinex 1000 trúng thầu vào Bệnh viện K lô hàng 244 triệu đồng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (trúng thầu lô 420 triệu đồng), Bệnh viện Nhi T.Ư (chưa rõ số tiền)…, giá trúng thầu tùy bệnh viện, dao động 61.000-76.000 đồng/lọ. Các thuốc Vipanzol và MGP Moxinase 625 cũng trúng thầu vào nhiều bệnh viện T.Ư và địa phương.
Tuy nhiên, số tổng hợp cuối chưa được đưa vào danh sách 55 tỉ đồng của cơ quan bảo hiểm. Hiện cơ quan bảo hiểm đang khoanh số tiền thuốc này, chưa yêu cầu thu hồi.
Dù vậy, việc cơ quan quản lý có nhiều ưu ái khó hiểu cho VN Pharma, thuốc có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ đã vào đến bệnh viện số lượng lớn, cần khẩn thiết yêu cầu làm rõ nguồn gốc thuốc này ở đâu, ai chịu trách nhiệm nếu đây lại là một vụ “hồn Trương Ba, da hàng thịt” như thuốc Helix mà từ đó, nhiều thành viên VN Pharma phải ra tòa. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép khi có nhiều “ưu ái” lạ lùng cho VN Pharma (Tuổi trẻ, trang 4).
Cô gái nhập viện do hút mỡ nâng ngực: Thẩm mỹ viện chỉ được cấp, phép chăm sóc da, cắt tóc gội đầu
Liên quan đến vụ cô gái ngất xỉu, co giật vì nâng ngực bằng cấy mỡ tự thân ở Thẩm mỹ viện quốc tế Thúy Anh, qua tìm hiểu được biết, giấy phép kinh doanh của cơ sở này chỉ được cấp phép: làm đẹp cá nhân, chăm sóc da, cắt tóc gội đầu…
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội, chị H.B.T (28 tuổi, ở Hà Nội) tìm đến một thẩm mỹ viện ở đường Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để nâng ngực bằng cấy mỡ tự thân nhưng trong quá trình thực hiện, chị này ngất xỉu, co giật đến 3 lần, được đưa vào bệnh viện cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Sáng nay, 3-10, chúng tôi đã đến thẩm mỹ viện quốc tế Thúy Anh (60 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng), đúng lúc cơ sở này đang có một số khách hàng ra vào làm đẹp. Chúng tôi liên hệ làm việc với đại diện cơ sở thẩm mỹ viện Thúy Anh nhưng nhân viên trực quầy tiếp đón của cơ sở cho biết hiện chủ cơ sở đi vắng. Trong khi đó, trên trang Facebook Thẩm mỹ Quốc tế Thúy Anh, sáng 3-10, vẫn còn những tút quảng cáo về dịch vụ hút mỡ.
Tiếp tục làm việc với UBND phường Thanh Nhàn, chúng tôi được bà Thạch Bảo Khôi, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh là cơ sở hoạt động từ tháng 4-2019, do bà Trần Thị Thúy Anh làm chủ, có đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính quận Hai Bà Trưng cấp.
Theo giấy đăng ký kinh doanh của Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh mà chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cung cấp, cơ sở thẩm mỹ này chỉ được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực: dịch vụ chăm sóc da, làm đẹp cá nhân, phun xăm thẩm mỹ, cắt tóc, gội đầu,sơn sửa móng tay, móng chân, mua bán mỹ phẩm. Như vậy, cơ sở này hoàn toàn không được cấp phép hành nghề hút mỡ, nâng ngực.
Bà Thạch Bảo Khôi cho biết, do Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh nằm trên địa bàn phường quản lý nên khi cơ sở đi vào hoạt động thì UBND phường đã kiểm tra, hướng dẫn theo quy định.
Tháng 9 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND phường kiểm tra lần thứ 2 tại cơ sở này. Thời điểm kiểm tra không phát hiện có hoạt động phẫu thuật hay hành nghề trái phép, tuy nhiên đoàn phát hiện cơ sở có sai phạm về quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trên facebook (quảng cáo dịch vụ hút mỡ, nâng ngực).
Đoàn đã đã lập biên bản, sau đó tham mưu UBND quận ra quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu cơ sở gỡ nội dung quảng cáo sai phạm trên facebook hoặc các trang web. Ngày 19-9, UBND quận Hai Bà Trưng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Thẩm mỹ viện Thúy Anh 17,5 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Thạch Bảo Khôi cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về nữ bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì nâng ngực bằng mỡ tự thân tại thẩm mỹ viện Thúy Anh, tối qua, 2-10, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hai Bà Trưng đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở thẩm mỹ này, có đại diện phường Thanh Nhàn tham gia.
Do đại diện cơ sở thẩm mỹ viện đi vắng nên đoàn kiểm tra của quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu đại diện cơ sở thẩm mỹ viện này lên quận làm việc vào tuần sau. “Hiện tại, trong khi chờ kết luận từ đoàn kiểm tra của quận, UBND phường Thanh Nhàn đã yêu cầu cơ sở thẩm mỹ viện Thúy Anh phải chấp hành nghiêm hoạt động kinh doanh theo đúng giấy phép kinh doanh được cấp của cơ sở” – bà Khôi nói (An ninh thủ đô, trang 8).
Thu hồi khẩn 11 loại thuốc có chứa vượt ngưỡng tạp chất nguy cơ gây ung thư
Ngày 2-10, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở nhập khẩu thuốc yêu cầu thu hồi thuốc chứa Ranitidine có chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) vượt giới hạn cho phép. Theo đó, căn cứ thông báo của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA), Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ (Swissmedic) về việc thu hồi các thuốc chứa Ranitidine do phát hiện chứa tạp chất NDMA có nguy cơ gây ung thư ở hàm lượng vượt quá ngưỡng cho phép của quốc tế, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi ngay 11 thuốc thành phẩm trên địa bàn cả nước.
Cụ thể gồm các loại thuốc sau: Thuốc Aciloc 150 (số đăng ký: VN-17188-13) và thuốc Aciloc 300 (SĐK: VN-17848-14), dạng bào chế viên nén bao phim, công ty Cadila Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ) sản xuất; thuốc Apo-Ranitidine 150mg (SĐK: VN-3366-07), dạng viên nén, do Apotex Inc của Canada sản xuất; thuốc Zantac Tablets (SĐK: VN-10264-10, VN-20764-17), dạng viên nén bao phim, do Glaxo Wellcome S.A của Tây Ban Nha sản xuất;
Thuốc Zantac Injection (SĐK: VN – 10265-10, VN-20516-17), dạng dung dịch tiêm, do GlaxoSmithKline Manufacturing S.p.A của Italy sản xuất; thuốc Ratylno-150 (SĐK: VN-18567-14), dạng viên nén bao phim, do Micro Labs Ltd của Ấn Độ sản xuất; thuốc Hyzan Tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, do Xepa – Soul Pattinson của Malaysia sản xuất;
Thuốc Neoceptin R-150 Tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, do Beximco Pharmaceuticals Ltd sản xuất; thuốc Vesyca film coated tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, của Y.S.P. Industries của Malaysia sản xuất; thuốc Xanidine Tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, của Berlin Pharmaceutical Industry Co Ltd của Thái Lan sản xuất; thuốc Zantac Syrup 150mg/10ml, dạng Si rô, của Aspen Bad Oldesloe GmbH Germany (Đức) và Glaxo Wellcome Operations (Mỹ) sản xuất.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các Công ty nhập khẩu thuốc phối hợp với nhà phân phối thuốc thông báo thu hồi tất cả các lô thuốc thành phấm nêu trên tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc và tiến hành thu hồi toàn bộ các lô thuốc này.
Đồng thời, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo việc thu hồi tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; Công bố thông tin việc thu hồi tất cả các thuốc thành phẩm nêu trên trên trang thông tin điện tử của Sở; Kiểm tra và giám sát các Công ty nhập khẩu thuốc trên địa bàn thục hiện việc thu hồi các thuốc nêu trên (An ninh thủ đô, trang 8).
T5g.org.vn