Mặc dù đến thời điểm này, Hà Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona (nCoV) nhưng có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Bởi, trên địa bàn có trên 500 lao động người Trung Quốc làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Gần 300 lao động trong số này đã về Trung Quốc (vùng dịch nCoV) ăn Tết và đã có gần 100 người trở lại Hà Nam làm việc. Một số lễ hội lớn diễn ra trong tháng Giêng, thu hút lượng người từ các nơi đến Hà Nam đông. Trong cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế, ông cho rằng Hà Nam đang ở trong vùng có nguy cơ dịch bệnh nCoV cao.
– Thưa ông, tại thời điểm này, sự chuẩn bị của ngành y tế trong công tác ứng phó với dịch bệnh ra sao?
PGS-TS Lê Quang Minh: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch; tập huấn chuyên môn, thành lập ban chỉ đạo; kích hoạt hệ thống đường dây nóng; kích hoạt hệ thống trực 24/24; chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị… Ngay trong tối 31/1, chúng tôi đã chỉ đạo anh em tiếp cận luôn nhóm lao động và bệnh nhân Trung Quốc được đưa vào viện khám sàng lọc, có một trường hợp có triệu chứng phải nằm điều trị cách ly tại bệnh viện tỉnh, coi đây là mẫu hình để các huyện, thành phố xem làm như như thế nào.
– Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình người lao động Trung Quốc trở lại Hà Nam làm việc sau khi về ăn Tết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh?
PGS-TS Lê Quang Minh: Tối 31/1, 14 lao động Trung Quốc làm việc tại một Công ty thuộc địa bàn xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân vào bệnh viện để khám sàng lọc nhưng không có ai trong số này có biểu hiện của bệnh. Việc làm này xuất phát từ yêu cầu của lao động trong công ty khi trước đó có một lao động người Trung Quốc có triệu chứng sốt, mệt được đưa vào viện. Trường hợp này đã được điều trị cách ly trong viện, lấy mẫu phẩm gửi lên Viện Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, chờ kết quả trong những ngày tới.
– Vậy trường hợp nào sẽ được cách ly, kiểm soát bệnh?
PGS-TS Lê Quang Minh: Theo quy định của Bộ Y tế, có hai trường hợp người bệnh cần cách ly, sàng lọc. Thứ nhất, người từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; Thứ hai, bệnh nhân phải có triệu chứng sốt, ho, viêm long đường hô hấp v.v.. Với trường hợp thứ 2, cơ sở y tế phải thực hiện cách ly bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi làm xét nghiệm xác định vi rút Corona trên Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương. Còn trường hợp thứ nhất mà không có triệu chứng gì thì chỉ tổ chức giám sát, khai báo y tế…
Chẳng hạn như trường hợp 14 lao động Trung Quốc tối 31/1 được khám sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi khám xong, chúng tôi đã cho họ về công ty, tiếp tục theo dõi, kiểm soát bệnh tại đây trong vòng 14 ngày kể từ ngày họ đặt chân đến Việt Nam. Đồng thời tổ chức đường dây nóng để doanh nghiệp thông báo tình hình khi phát hiện có biểu hiện bệnh ở những lao động này.
– Được biết sáng ngày 1/2, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên ngành về công tác phòng, chống dịch. Cuộc tập huấn này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
PGS-TS Lê Quang Minh: Ngay sau khi Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác chuẩn bị phòng,chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona gây ra vào chiều 31/1, sáng ngày 1/2, chúng tôi đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế từ huyện, thị, thành phố đến tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh này với những nội dung: Phát hiện các ca bệnh; Chẩn đoán điều trị, thực hiện các phương án cách ly, dự phòng, lấy bệnh phẩm, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm ra sao… Phương thức thực hiện các tình huống theo kế hoạch của ngành cụ thể hơn…
Tùy theo mức độ triệu chứng mà mình có thể điều trị. Yêu cầu là từng cấp có sự liên hệ, phối hợp với nhau chặt chẽ, thống nhất. Quan trọng nhất trong điều trị bệnh nhân bị viêm phổi cấp do vi rút Corona vẫn là cách ly, sàng lọc.
Ngoài ra, nội dung đáng được lưu ý nhất tại lớp tập huấn là vấn đề vệ sinh cộng đồng, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ra sao để nhân dân biết cùng với nhân viên y tế có trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Chúng tôi yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh này phải có khu vực tiếp đón người dân riêng biệt.
– Theo đánh giá của ông, việc số lao động người Trung Quốc sống, làm việc tại Hà Nam lên tới trên 500 người, trong đó có gần 300 người trở về quê ăn Tết, mang theo nguy cơ như thế nào?
PGS-TS Lê Quang Minh: Đúng là sau cuộc họp với Thường trực Tỉnh ủy, chúng ta mới thấy rõ Hà Nam đang nằm trong vùng có nguy cơ cao về dịch bệnh nCoV. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh bắt tay ngay vào rà soát, đánh giá nghiêm túc tình hình, nguy cơ dịch bệnh thế nào, bởi vì những lao động Trung Quốc trở lại Hà Nam làm việc sau Tết thực tế đã đi từ vùng dịch ra. Tất cả những trường hợp này sẽ được khám sàng lọc, nếu trường hợp nào có triệu chứng thì sẽ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, cách ly đợi kết quả. Trường hợp nào không có triệu chứng thì cho về khai báo y tế, đưa về nơi làm việc để tiếp tục theo dõi, giám sát bệnh theo quy định y tế.
– Ông có khuyến cáo gì với nhân dân thời điểm này?
PGS-TS Lê Quang Minh: Nhân dân nên chú ý theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông chính thống, vệ sinh nơi ở, làm việc sạch sẽ, hạn chế tối đa việc đến chỗ đông người, đeo khẩu trang y tế bảo vệ mình… Đúng như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo trong cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy chiều 31/1, công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona là trách nhiệm của toàn xã hội, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chiều ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch nCoV, đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Giang Nam