Ăn tiết canh dễ mắc bệnh sán dây lợn?

(CDC Hà Nam)
Có nhiều loại tiết canh, nhưng thói quen ăn tiết canh lợn là một mối nguy hại khó lường bởi vì rất dễ mắc bệnh sán dây lợn. Khi mắc bệnh sán dây lợn có thể gây một số biến chứng, thậm chí nguy hiểm.
Tác hại của ăn tiết canh

Ở Việt Nam, một số người thường có thói quen dùng các món tiết canh chế biến từ máu sống lấy ở các loại động vật (gà, vịt, lợn, bò, chó), thậm chí uống máu sống lấy từ rắn, dê kèm theo cả thịt, phủ tạng sống của chúng. Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là máu động vật tươi được pha với nước mắm hoặc nước muối nhạt để chống đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ. Cách chế biến tiết canh như vậy rất thịnh hành trong ẩm thực từ Bắc đến Nam của người Việt. Với tiết canh lợn, bản chất là máu sống của lợn mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của lợn đang bị bệnh sán dây, thêm vào đó còn có thịt lợn nhiễm ấu trùng sán dây lợn (ví dụ thịt lợn gạo). Nếu lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh (liên cầu lợn, sán dây lợn…). Vì vậy, người ăn tiết canh lấy máu từ các con vật này sẽ rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh liên cầu lợn hoặc bệnh sán dây lợn. Nếu người ăn phải thịt lợn gạo chưa nấu chín, trong đó hay gặp nhất là ăn tiết canh lợn, tức là ăn phải ấu trùng sán dây lợn sẽ hết sức nguy hiểm bởi vì nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn là rất khó tránh khỏi…

Không nên ăn tiết canh để phòng tránh nhiễm sán dây.

Không nên ăn tiết canh để phòng tránh nhiễm sán dây.

Người mắc bệnh sán lợn như thế nào?

Đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng hay nang ấu trùng sán dây lợn có thể mắc 1 trong 2 thể bệnh hoặc mắc cả 2:

Thể bệnh thứ nhất là bệnh ấu trùng sán lợn: Đây là thể bệnh có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Sự hình thành bệnh khi người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, đặc biệt là ăn tiết canh lợn bị sán lợn (lợn gạo). Sau khi ăn tiết canh, ấu trùng (có trong thịt nạc lợn) đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, tức là nạc lợn (nhiều nhất là nạc vai), não, mắt… Nếu nang sán nằm trong cơ vân (nạc) sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 10 – 20mm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não sẽ rất nguy hiểm bởi vì nang này sẽ tạo thành u não (1 hoặc nhiều u tuỳ theo số lượng nang sán cư trú ở não). Khi bị u não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, rối loạn giọng nói (nói ngọng), rối loạn trí nhớ (lúc nhớ lúc quên) hoặc đau đầu (âm ỉ hoặc dữ dội). Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc bị mù loà.

Thể bệnh thứ 2 là bệnh sán trưởng thành ở ruột: Trường hợp này do người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín, đặc biệt là tiết canh lợn có chứa các nang sán (lợn gạo). Khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần dần bằng cách nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt chứa khoảng 50.000 trứng và kéo dài chiều dài của mỗi con sán trưởng thành lên tới từ 2 – 12m. Sán trưởng thành ký sinh trong ruột non nhiều năm. Bệnh sán dây trưởng thành thường gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng. Các đốt sán già sẽ tự rụng ra và theo phân ra ngoài làm ô nhiễm môi trường gây nhiễm cho nhiều người nếu vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt hoặc uống nước chưa đun sôi.

Cần bỏ thói quen ăn tiết canh để không mắc bệnh sán lợn

Ăn tiết canh lợn là ăn máu sống của lợn. Trong máu sống của chúng có vô vàn các vi sinh vật gây bệnh khác nhau. Lợn rất dễ cảm nhiễm với vi khuẩn liên cầu lợn và các loại ký sinh trùng, nhất là sán dây lợn. Vì vậy, ăn tiết canh lợn là có nguy cơ cao mắc bệnh hiểm nghèo mà điển hình trong những năm qua đã có nhiều bệnh nhân nhập viện với các bệnh nguy kịch, thậm chí đã có trường hợp tử vong do ăn tiết canh lợn (bệnh liên cầu lợn). Với bệnh sán dây lợn, nguy cơ mắc u não do ấu trùng sán dây lợn cũng đã từng có người lâm bệnh vì nó, đây cũng là dạng bệnh nguy hiểm. Vì vậy, không ăn tiết canh, không ăn thịt chưa nấu chín (nem chua, nem chạo…) sẽ hạn chế được sự xâm nhập và gây bệnh của chúng. Vì vậy, để không mắc bệnh sán dây lợn cũng như một số bệnh hiểm nghèo khác do ăn tiết canh lợn gây ra, mọi người cần bỏ thói quen ăn tiết canh lợn càng sớm càng tốt.

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

10 nguyên tắc an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hướng dẫn

Ngọc Nga

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus

CDC Hà Nam

Ung thư tuyến mồ hôi: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngọc Nga

Để lại bình luận