Điểm báo ngày 26/11/2020

(CDC Hà Nam)
Thêm 5 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh; Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là “rất lớn và hiện hữu”

Thêm 5 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết có thêm 5 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Chiều 25.11, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo 5 ca mắc mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 1317 – 1321 tại Việt Nam; ngay sau khi nhập cảnh được cách ly tại Bà Rịa – Vũng Tàu (1 ca), TP.HCM (2 ca) và Đà Nẵng (2 ca). 2 trong 5 BN mới công bố là chuyên gia quốc tịch Ấn Độ và Hàn Quốc.

Tính đến chiều qua, trong số 1.321 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước; 1.153 ca đã được điều trị khỏi.

Chuẩn bị đón gần 200 lao động Việt Nam từ Nhật Bản trở về

Ngày 25.11, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP.Cao Lãnh phối hợp đón gần 200 lao động của tỉnh đi xuất khẩu lao động đã hết hạn hợp đồng, bị kẹt lại ở Nhật do dịch bệnh Covid-19. Dự kiến ngày 12.12, khi các lao động trở về sẽ được cách ly tập trung 14 ngày tại khu ký túc xá sinh viên tại TP.Cao Lãnh. (Thanh niên, trang 3).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là “rất lớn và hiện hữu”

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và lưu ý, phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nếu không thì sẽ có tình trạng “lấy mẫu không kịp xét nghiệm” như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.

Phát hiện khoảng 20.000 người nhập cảnh trái phép

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã qua 83 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình thế giới căng thẳng, sự lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại.

Những nghiên cứu, đánh giá cho thấy, hệ số lây nhiễm không tăng nhưng số người nhiễm COVID-19 tại nhiều quốc gia lại tăng lên. GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, quần thể nhiễm ở các nước rất cao nên việc phòng chống khó hơn rất nhiều.

Nếu đặt trong bối cảnh như vậy thì hệ thống y tế của chúng ta khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19“, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ lo lắng và khẳng định nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là “rất lớn và hiện hữu“.

Bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, chỉ riêng trong ngày 23/11, có khoảng 5.000 người nhập cảnh/xuất cảnh, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở phía Bắc.

Trong khi đó, tại các khu cách ly, dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự.

Còn bên quân đội thực hiện rất nghiêm“, Bộ trưởng nói. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vai trò quản lý của các địa phương để việc quản lý cách ly được đảm bảo, chặt chẽ.

Tại Hội nghị sáng 24/11, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, chuẩn bị tới Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, vì nhu cầu mưu sinh, người dân khu vực biên giới tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép.

Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng diễn biến phức tạp. Việc nhập cảnh trái phép chủ yếu được tiến hành thông qua mạng xã hội. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh cho biết, từ đầu năm tới nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã được duy trì trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm

Liên quan tới công tác xét nghiệm COVID-19, dù triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, tăng cường xét nghiệm nhưng số mẫu xét nghiệm chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày.

Nếu xét nghiệm như vậy trong thời điểm này rất dễ không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong khi đây là cách duy nhất phát hiện” – Bộ trưởng khẳng định.

Dù con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá nếu so với các trường hợp có triệu chứng cúm, viêm phổi nặng thì con số xét nghiệm này là “rất thấp trong khi có cơ chế, có bảo hiểm y tế chi trả”.

Bài học là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh“, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và lưu ý, phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nếu không thì sẽ có tình trạng “lấy mẫu không kịp xét nghiệm” như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.

Hiện, các cơ sở y tế đang hoạt động trở lại gần như bình thường, đây cũng là một trong nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã ban hành chỉ đạo để phòng, chống COVID-19 chặt chẽ tại các cơ sở y tế, tuy nhiên bên cạnh các bệnh viện thực hiện tốt thì vẫn còn một số bệnh viện còn lơ là, đặc biệt là khối tư nhân, bệnh viện tư nhân.

Trong thời gian qua, các địa phương đã cố gắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng từ nay tới cuối năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 cần phải đẩy lên cao hơn, cần chuẩn bị tất cả các tình huống ứng phó với việc xuất hiện ca bệnh COVID-19 ở cộng đồng. (Gia đình & Xã hội, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hàng không siết chặt kiểm soát dịch COVID-19

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm việc khử trùng tàu bay chở khách quốc tế nhập cảnh tại Việt Nam nhằm tiếp tục đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Với các biện pháp đang áp dụng, các hãng bay Việt khẳng định, đã và đang tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch.

Đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách đi máy bay, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã lắp đặt màn chắn giọt bắn tại hệ thống quầy thủ tục, ban hành Quy trình khai thác đảm bảo an toàn cho khách giai đoạn dịch COVID-19, tăng cường tần suất phun khử khuẩn tại các khu vực nhà ga…

Quy trình khai thác đảm bảo thực hiện tất cả khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế, chi tiết hóa các bước thủ tục mà hành khách đi và đến cảng sẽ thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài – ông Tô Tử Hà, từ đầu tháng 9.2020 đến nay, lượng hành khách qua Cảng tăng trưởng 15% – 25% hàng tuần. Đây là con số rất ấn tượng cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của ngành hàng không, bởi vào thời điểm tháng 8.2020, khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, ngày thấp nhất Nội Bài chỉ đón 118 chuyến mỗi ngày với khoảng 13.000 lượt hành khách.

Theo đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), các nhân viên làm việc tại các cảng thực hiện nghiêm túc về trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Phun khử khuẩn các khu vực trong nhà ga, tàu bay trước và sau mỗi chuyến bay, xịt cồn sát khuẩn các khu vực dễ tiếp xúc như ghế ngồi, thang máy, thang cuốn…

Bố trí xếp hàng giãn cách 2m cho khu vực đông người như: Khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh soi chiếu, chờ xếp hàng lên máy bay… Tổ chức phân luồng, tuyến di chuyển của khách phù hợp, bố trí khu vực khách nối chuyến, khách bị từ chối nhập cảnh tách riêng với khu vực khách liên quan đến việc lọc và xử lý khách trong phòng chống dịch COVID-19.

Cũng theo đại diện ACV, việc kiểm soát dịch bệnh tại các cảng hàng không được thực hiện rất nghiêm ngặt, cụ thể: Nhân viên an ninh hàng không sẽ phối hợp với CDC thực hiện kiểm tra hành khách đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay gel sát khuẩn 1 lần tại cửa ra vào nhà ga.

Nếu thân nhiệt trên 30 độ C kèm theo các biểu hiện như khó thở, ho khan… sẽ thực hiện các quy định yêu cầu về y tế đối với người có dấu hiệu nhiễm bệnh; thực hiện khai báo y tế trên trang điện tử/ văn bản giấy hoặc chứng nhận sức khoẻ tại khu vực làm thủ tục hàng không… Khi phát hiện hành khách có các triệu chứng, biểu hiện của bệnh COVID-19 nhanh chóng cách ly khách và chuyển về nơi cách ly tập trung.

Thực hiện nghiêm các quy định về y tế

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi máy bay, VNA tiến hành khử trùng toàn bộ chuyến bay quốc tế về Việt Nam. Công tác khử trùng được thực hiện ngay sau khi tàu bay hạ cánh tại sân đỗ. Toàn bộ khu vực khoang hành khách, buồng lái, khu chuẩn bị của tiếp viên đều được khử trùng.

Các vị trí được tập trung khử trùng nhất là nơi có nhiều người tiếp xúc bằng tay như khóa khoang hành lý, thanh tỳ tay trên ghế ngồi, tay nắm cửa nhà vệ sinh… Các vị trí khác như mặt ghế, thảm, sàn hay bất cứ đâu hành khách có thể chạm tay vào cũng đều được xử lý.

Mọi quy trình, hóa chất được VNA sử dụng trong công tác vệ sinh, khử trùng đều tuân theo tiêu chuẩn cao nhất của ngành Y tế và hàng không.

Cùng đó, từ 0h ngày 25.3.2020, các chuyến bay nội địa VNA đã thực hiện phun khử trùng và lau chùi vệ sinh trang thiết bị toàn bộ đội tàu bay ngay sau khi hạ cánh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Trao đổi với đại diện của Bamboo được biết, theo quy định nhân viên phục vụ mặt đất và hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm thủ tục hàng không tại sân bay. Cùng với đó, hành khách và nhân viên sử dụng nước rửa tay khô tại các cửa khởi hành trước khi ra tàu bay và bắt buộc phải khai báo tờ khai y tế trước khi thực hiện hành trình.

Trên tàu bay, phi hành đoàn và hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình bay và không cung cấp chăn và gối trên chuyến bay. Đối với các chuyến bay thuê chuyến xuất phát từ sân bay ngoài nước, phi hành đoàn và hành khách bắt buộc phải sử dụng đồ bảo hộ y tế trước khi lên tàu bay và trong suốt quá trình bay, sau chuyến bay phải thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly y tế theo triển khai của Cục Hàng không Việt Nam và của các cơ quan có thẩm quyền khác. (Lao độngtrang 2).

 

Bé gái 3 tuổi nguy kịch nghi bị mẹ bạo hành

Ngày 25-11, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đang cấp cứu cho bé gái T.N.K.C. (3 tuổi, quê Thừa Thiên – Huế, tạm trú quận 12), được chuyển từ Bệnh viện quận 12 trong tình trạng đa chấn thương, máu tụ dưới màng cứng đỉnh phải và thái dương trái, xuất huyết não, phù não 2 bán cầu, nứt sọ, dập dưới lách, viêm phổi nặng…

 

Theo lời mẹ bệnh nhi, cách đây 3 ngày bé té cầu thang nên bị bầm mắt và nôn ói. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng, người này thừa nhận có dùng tay đánh mạnh vào đầu bé. Sau khi đánh, bé bị sụp mi.

Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện quận 12. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bé bị tụ máu não, chấn thương sọ não, gồng co, rối loạn tri giác, mất phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, cho bé thở oxy và chuyển đến bệnh viện tuyến trên.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhi đã trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn, nhiều vết bầm vùng ngực, lưng hông trái, chảy máu tai phải, bầm tai trái, bầm 2 mắt.

Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh ghi nhận bệnh nhi có nhiều vết thương tụ máu khắp cơ thể, chấn thương sọ não, nứt sọ, xuất huyết não, dập lách.

Hiện tại sau hơn 1 tuần điều trị, thở máy, chống phù não, dùng kháng sinh, dịch truyền, thuốc vận mạch… bệnh nhi đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, chết não, tiên lượng tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Hà Nội chỉ đạo hàng loạt biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19

Nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh Covid-19 từ bên ngoài vào là rất lớn, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị thực hiện hàng loạt biện pháp để ngăn chặn như: kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly tập trung; rà soát quy trình quản lý các trường hợp ngoại giao nhập cảnh; chủ động ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép…

Sáng 25-11, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục các biện pháp chủ động phòng chống, không để lây lan Covid-19.

99 ngày chưa có ca mắc mới ngoài cộng đồng

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tại Mỹ và các nước Châu Âu với hơn 500.000 ca mắc và 8.200 trường hợp tử vong mỗi ngày.

Tại Hà Nội, tuần qua ghi nhận 4 trường hợp nhập cảnh dương tính với Sars-CoV-2 và đều được cách ly xét nghiệm kịp thời.

Hà Nội đã qua 99 ngày không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, các đoàn công tác của TP kiểm tra thực tế ở 13 quận huyện cho biết, có tình trạng người dân chủ quan, không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng như: chợ, chung cư, khu chợ và bến tàu xe trên địa bàn.

Nêu rõ các nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực như: số người nhập cảnh vào Việt Nam, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên và có thể có nhiều ca dương tính; 82% ca dương tính ở Việt Nam không có triệu chứng; tâm lý chủ quan… ông Hạnh cho biết: “Các chuyên gia và Bộ trưởng Bộ Y tế ngay ngày hôm qua vẫn cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại”.

Ông Hạnh cho biết, hiện nay, việc cách ly được thực hiện chủ yếu ở các khách sạn và việc quản lý ở đây không được chặt chẽ như ở khu cách ly của quân đội. Các đoàn kiểm tra đều phát hiện các sở hở.

“Trông bên ngoài rất đầy đủ. Nhưng bên trong thì có những vấn đề như theo dõi sức khỏe; lối đi riêng cho người cách ly; xử lý chất thải… Các quận huyện cần kiểm tra khắc phục ngay”, ông Hạnh đề nghị.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm, cách ly ở các khách sạn 4,5 sao thực hiện nghiêm ngặt; các khách sạn 3 sao còn nhiều thiếu sót và đã được yêu cầu khắc phục ngay. Sở sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở lưu trú có thực hiện công tác cách ly. Tuy nhiên, sở không thể kiểm tra hết mà các quận huyện cần chủ động kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại…

Kiểm tra công tác phòng dịch ở tất cả các bệnh viện

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP nhắc lại diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang đặc biệt phức tạp.

Trong tuần qua, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 TP ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, đặc biệt là công tác kiểm tra thực tế. “Cá nhân tôi cũng đi kiểm tra ở các trung tâm thương mại. Ở đây đều thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Đều có chốt, lực lượng nhắc nhở người dân đeo khẩu trang.Nhận thức của người dân đang dần được nâng lên”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Tuần qua, TP cũng họp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ để xem xét, hoàn thiện quy trình cách ly với người nhập cảnh. Các bộ ngành đều thống nhất cần kiểm soát chặt chẽ các trường hợp này bởi đây là nguy cơ lây lan rất lớn.

Nêu việc người dân vẫn còn chủ quan, nếu không có chuẩn bị tốt, rất dễ lây lan dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị trước hết tiếp tục tập trung tuyên truyền người dân thực hiện thông điệp “5k” của Bộ Y tế.

Để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài vào, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly ở các nơi lưu trú; rà soát quy trình quản lý với các trường hợp ngoại giao. Sở Y tế phối hợp cùng Bộ y tế làm tốt việc phòng chống dịch với các đoàn ngoại giao.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị CATP tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác phát hiện, xử lý nghiêm các nhập cảnh trái phép.

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép. Tuần trước, CATP cũng đã phát hiện xử lý 14 trường hợp, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt. Ngoài ra lực lượng công an cần tuyên truyền đến các phường xã, để người dân nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ thì báo ngay cơ quan chức năng bởi đây là nguy cơ rất lớn cần chủ động phòng ngừa.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng giao các đơn vị tăng cường biện pháp kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 ở 100% các bệnh viện trên địa bàn; tất cả các cơ sở cách ly; các sự kiện đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; các nơi công cộng như bến xe, quảng trường, siêu thị, trung tâm thương mại làm sao để việc đeo khẩu trang trở thành nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân…

“Các cơ quan báo chí cần tiếp tục phản ánh rõ những nơi làm tốt, những nơi chưa tốt để các xã phường khắc phục ngay”, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị. (An ninh thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 1).

 

Bùng nhùng mua sắm thiết bị y tế: Chi hàng trăm tỷ để ‘đắp chiếu’

Cơ quan thanh tra tại nhiều địa phương phát hiện hàng loạt trang thiết bị y tế được mua về bằng tiền ngân sách nhưng ít sử dụng, chậm sử dụng, sử dụng không hiệu quả. Có trường hợp phải đắp chiếu thiết bị với lý do: Không có người vận hành.

5 năm, sử dụng 277 tỷ đồng ngân sách

Từ năm 2018 đến 2019, Sở Y tế Hải Dương thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế công lập, với tổng trị giá hơn 277 tỷ đồng. Đó là các gói thầu mua: thiết bị cấp cứu sản khoa, thiết bị nội soi, máy chụp Xquang, máy xét nghiệm và thiết bị y tế khác.

Thời điểm kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 5 trung tâm y tế  huyện: Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Hải Dương phát hiện nhiều trang thiết bị ít được sử dụng hoặc không đưa vào sử dụng, với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng. Cụ thể, các thiết bị như: Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng và sản full HD; Máy gây mê kèm thở; Máy rửa ống nội soi mềm tự động… ít được sử dụng phục vụ khám chữa bệnh.

Đáng chú ý, 26 thiết bị có tổng trị giá trên 37,4 tỷ đồng dù đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng tại trung tâm y tế các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà và Kinh Môn. Điển hình như: Máy hô hấp nhiệt độ công nghệ Plasma 50L; Máy xét nghiệm huyết học 28 thông số; Máy phân tích sinh hóa tự động 200 test/h; Máy xét nghiệm đông máu tự động 52 test/h; Máy xét nghiệm miễn dịch tự động 50 test/h; Máy đo điện giải 3 thông số, máy chụp CT 16 dãy…

Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế Hải Dương chưa xây dựng được kế hoạch trung và dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu hằng năm. Tại Trung tâm y tế huyện Nam Sách, Thanh Hà không có kỹ thuật viên vận hành hệ thống mổ nội soi, nội soi đại tràng. Tình trạng này dẫn đến việc sử dụng vốn đầu tư không đạt hiệu quả.

Chờ thanh lý

Tại Đắk Nông, trong số 147 trang thiết bị y tế  tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp  có một số máy móc tạm ngưng sử dụng, không sử dụng hoặc bị hư hỏng, chờ thanh lý.

Đáng chú ý, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trong số này có 3 thiết bị y tế trị giá hơn 404 triệu đồng, chỉ sử dụng thời gian ngắn rồi…”đắp chiếu” do dùng hóa chất không phổ biến. Cụ thể, máy điện giải đồ (3 thông số Na+K+Cl điện cực chọn lọc lớn EX-D) trị giá hơn 349 triệu đồng; máy xét nghiệm nước tiểu Clinitek Status gần 45 triệu đồng và máy xét nghiệm (sinh hóa HbA1c) gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, ở huyện này còn có các thiết bị khác hư hỏng không thể sửa chữa, chờ thanh lý, như: Máy giúp thở (trị giá hơn 416 triệu đồng); ghế răng (gần 90 triệu đồng); máy đo điện tim Cardico 506 (hơn 10 triệu đồng); máy X-quang Shimazu (gần 500 triệu đồng); máy X-quang tăng sáng (hơn 1,1 tỷ đồng)…

Cũng nằm trong diện hư hỏng, chờ thanh lý tại Trung tâm y tế huyện Đắk Song có 8 thiết bị. Có thể kể đến một số máy điển hình giá trị lớn, như: Máy thở cho người lớn và trẻ em NEWPORT (hơn 425 triệu đồng); máy phá rung tim (TEC-522K/NIHON KOH) hơn 111 triệu đồng; máy Monitor theo dõi bệnh nhân (BSM-410ik/NIHON) đang “đắp chiếu”. Hay như, các thiết bị bộ phẫu thuật phụ khoa ngoại sản (300 triệu đồng); lồng ấp dưỡng nhi (165 triệu đồng); máy đo SPO2 (hơn 37 triệu đồng) chỉ sử dụng 1 lần/năm… Còn máy hút dịch chạy điện tại Trung tâm y tế huyện Đắk Glong (hơn 21,5 triệu đồng) chưa sử dụng đã hỏng và  không sửa chữa được.

Tại huyện Tuy Đức có 10 thiết bị y tế (trong đó có 4 thiết bị y tế thuộc dự án tài trợ không xác định được giá), đã được Sở Y tế cấp, nhưng chưa đi vào sử dụng, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Máy siêu âm màu 3D tại huyện Đắk Mil (hơn 513 triệu đồng) bị hỏng, dẫn đến thiết bị phụ mua thêm đầu dò Kinear đa tần (giá hơn 68 triệu đồng) không sử dụng…

Ðắp chiếu 5 năm

Đặc biệt, tại Bắc Giang, có thiết bị y tế được mua về cách đây 5 năm nhưng không  sử dụng. Đây là trường hợp máy đo lưu huyết não (Model DMV 4500; seri SN 13060026) được Ban quản lý dự án Xây dựng (Sở Y tế tỉnh Bắc Giang) mua. Máy được bàn giao cho Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang vào tháng 7/2014. Tuy nhiên, đến thời điểm Thanh tra tỉnh Bắc Giang kiểm tra (cuối năm 2019 đến tháng 1/2020), máy vẫn chưa được đưa vào sử dụng, không bảo quản theo quy định, không lưu giữ tài liệu hướng dẫn sử dụng, không có nhãn mác phụ bằng Tiếng Việt. Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho hay, theo ý kiến của cán bộ y tế quản lý máy cho biết, khi nhận được thiết bị thì bệnh viện không có người có chuyên môn biết sử dụng, do vậy đến thời điểm hiện tại máy vẫn chưa sử dụng được.

Năm 2018, tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang không có phê duyệt dự toán mua sắm được duyệt (giá, số lượng, cấu hình – thông số kỹ thuật); không có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết định phê duyệt bản yêu cầu báo giá gói thầu; không có bản yêu cầu báo giá chào hàng cạnh tranh rút gọn được duyệt của bên mời thầu làm cơ sở yêu cầu các nhà thầu nộp báo giá và đánh giá các báo giá. Đồng thời, tại một số gói thầu chào hàng cạnh tranh rút gọn khác của bệnh viện này, chủ đầu tư phê duyệt, thanh toán giá trị cho 4 gói thầu y hệt nhau.

Đối với gói thầu mua máy laser điều trị với 7 chế độ phát xạ, máy tập thụ động khớp gối, Monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, với giá trúng thầu hơn 1,1 tỷ đồng, Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận, hồ sơ mời thầu quy định về nhà thầu phải thực hiện hợp đồng tương tự làm hạn chế nhà thầu tham gia đấu thầu. Tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá hồ sơ dự thầu của gói này không theo yêu cầu hồ sơ mời thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu… (Tiền phong, trang 1.).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/5/2020

CDC Hà Nam

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga

Để lại bình luận