Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn

(CDC Hà Nam)

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, sáng nay (24/7), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị để họp bàn các giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, một số sở ngành liên quan và lãnh đạo huyện ủy, UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tính từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 78.000 trường hợp mắc, có 370 trường hợp tử vong, trên 15.500 người đã khỏi bệnh, số còn lại đang điều trị. Một số tỉnh có số mắc cao là TP.HCM, Bình Dương, Bắc Dương. Một số tỉnh tiếp giáp với Hà Nam diễn biến phức tạp, số ca bệnh mắc mới liên tục tăng là Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội.

Trên địa bàn tỉnh, trong đợt dịch lần thứ 4 đã ghi nhận 62 ca bệnh, trong đó có 50 ca đã khỏi bệnh. Trong tổng số 12 ca đang điều trị, có 2 ca mới được phát hiện vào sáng ngày 24/7. Cả 2 ca này đều là công dân huyện Lý Nhân trở về từ các địa phương có dịch là Phú Yên và Hà Nội. Toàn tỉnh hiện đang có gần 1.200 trường hợp đang cách ly phòng chống dịch, có 2 khu vực đang thực hiện phong tỏa (khu vực dân cư thuộc thôn 4 xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng và thôn Sàng xã Đạo Lý huyện Lý Nhân).

Trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh và dự báo nguy cơ của ngành y tế, ý kiến của các địa biểu dự hội nghị tập trung bàn các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, trước tình hình rất phức tạp và khó lường của dịch bệnh, nhất là Hà Nội là địa phương gần kề với Hà Nam đã bắt đầu áp dụng giãn cách 15 ngày theo Chỉ thị 16, các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch vào địa bàn từ những công dân trở về từ vùng dịch phải thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của tổ chức đoàn thể cơ sở, các tổ COVID cộng đồng trong công tác này. Cùng với đó, tỉnh cần chủ động trong việc chuẩn bị các kịch bản ứng phó trong tình huống dịch diễn biến xấu nhất về chuẩn bị dự phòng cơ sở vật thu dung điều trị bệnh nhân, cơ sở cách ly F1, vật tư thiết bị, máy móc, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, đảm bảo hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân khi thực hiện giãn cách, phong tỏa…

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy nhấn mạnh giải pháp cấp bách các cấp, ngành và các địa phương phải tập trung thực hiện là quản lý chặt chẽ những người từ vùng dịch về, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16. Đối với các khu, cụm công nghiệp, phải có kịch bản, phương án cụ thể để quản lý công nhân, chuyên gia ngoại tỉnh đi về trong ngày; Chuẩn bị các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi có đủ lượng vắc xin, đặc biệt quan tâm tiêm cho các công nhân KCN.

Tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống loa phát thanh cơ sở để nâng cao ý thức phòng chống dịch trong người dân. Quan tâm, động viên, hướng dẫn các tổ COVID cộng đồng hoạt động.Tiếp tục vận động các nguồn tài trợ, ủng hộ xã hội hóa đầu tư trang thiết bị vật tư y tế, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch và quỹ vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành trực tiếp. Các đồng chí cấp ủy và Ban thường vụ được phân công phụ trách các địa phương phải bám sát địa bàn, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc và cùng chịu trách nhiệm với các đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND địa phương trong công tác này. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc quyết liệt; Cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền theo chức năng về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch; Lực lượng công an quân sự tăng cường đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, các hoạt động lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; Các Ban xây dựng Đảng, các cơ quan chuyên môn căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình tăng cường phối hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh..

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định mục tiêu của tỉnh là giữ vững thành quả của công tác phòng chống dịch, không để dịch lây lan vào địa bàn, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: đảm bảo phòng chống dịch bệnh và phát triển KT-XH.
Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Đề phòng khô mắt do thuốc

CDC Hà Nam

Hà Nam: Thêm 13 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

7 tác hại do lạm dụng kháng sinh

CDC Hà Nam

Để lại bình luận