Biến chứng nguy hiểm của bệnh zona: Nếu người mắc zona thấy có những dấu hiệu như đau theo dây thần kinh hay đau giật từng cơn cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám. Tránh trường hợp không điều trị gây ra những biến chứng của zona.
– Với những người suy giảm miễn dịch nếu không điều trị zona có thể gây ra các biến chứng như viêm màng não, viêm phổi.
– Khi tổn thương zona lan rộng sẽ gây đau đớn cho người bệnh. Biến chứng thường gặp nhất của zona là đau sau zona. Những cơn đau này có thể kéo dài cả tháng thậm chí cả đời.
– Trong trường hợp xuất hiện tổn thương ở quanh mắt, virus có thể tấn công vào cấu trúc của nhãn cầu gây ảnh hưởng đến giác mạc. Người bệnh có thể bị mỏi mắt, đau nhói ở mắt, giảm thị lực thậm chí là mù lòa nếu không điều trị kịp thời.
Nhiều người hiện nay vẫn chủ quan với bệnh zona vì cho rằng đây là bệnh ngoài da. Sau đó người bệnh thường tự ý sử dụng các loại không theo chỉ định của bác sĩ hoặc thuốc không rõ nguồn gốc để tắm, chà xát.
Tuy nhiên điều này gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh bởi bệnh zona là do virus gây ra và cần được điều trị bằng thuốc kháng virus. Vì vậy, người mắc zona không nên tự ý điều trị tại nhà.
Vì sao bị zona?
Bệnh thủy đậu và zona đều do virus Varicella Zoster Virus (VZV). Tuy nhiên bệnh zona là do sự tái hoạt động của virus. Ban đầu, khi đi vào cơ thể virus sẽ gây ra bệnh thủy đậu.
Sau khi mắc thủy đậu, virus vẫn tồn tại trong cơ thể người ở các hạch giao cảm sống. Nếu miễn dịch của cơ thể suy giảm, virus sẽ tái hoạt động và gây nên bệnh zona.
Biểu hiện mắc zona
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh zona:
– Người bệnh có biểu hiện đau mỏi theo dây thần kinh khoảng 2-3 ngày. Tiếp đến, cơ thể xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ khoảng 7-10 ngày. Sau đó mụn nước bắt đầu đóng vảy lại. Người bệnh thường có dấu hiệu đau rát, mệt mỏi, khó chịu kèm theo sốt.
Bệnh zona diễn ra trong vòng 20-24 ngày kể từ khi ủ bệnh tới lúc khỏi bệnh.
Bệnh zona không điều trị đúng sẽ nguy hiểm thế nào- Ảnh 1.
Nếu không điều trị đúng cách, zona thần kinh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
– Các tổn thương của zona thường xuất hiện theo chùm, theo dây thần kinh và không lan tỏa toàn thân như thủy đậu. Các tổn thương thường xuất hiện một bên của cơ thể: liên sườn trái hoặc phải, nửa đầu, tổn thương một bên tai…
Ai dễ bị mắc zona? Bệnh zona dễ gặp ở các đối tượng suy giảm miễn dịch và người cao tuổi. Bệnh ít gặp ở trẻ em.
Bị zona nên kiêng ăn gì?
Người mắc zona nên ăn gì? Khi bị zona người bệnh nên bổ sung các thực phẩm có nhiều vitamin C, vitamin B12 nhằm giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Bên cạnh đó người bệnh nên kiêng một số đồ cay nóng, chất kích thích hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ. Một số đồ ăn có nguy cơ hình thành sẹo cũng nên hạn chế như rau muống, đồ nếp…
Bệnh zona có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vaccine. Điều này cũng giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Có khoảng 80-90% những người tiêm vaccine zona sẽ không có nguy cơ mắc bệnh, hoặc nếu mắc thì đa phần là trường hợp nhẹ.
Phan Hạnh (tổng hợp)