Biến chứng vĩnh viễn do chấn thương sọ não

(CDC Hà Nam)
Chấn thương sọ não là một tai nạn phổ biến trong sinh hoạt giao thông và lao động hàng ngày. Nếu không chú ý, nạn nhân có nguy cơ bị biến chứng vĩnh viễn như liệt, nói ngọng, rối loạn tâm thần, suy giảm chức năng cao cấp của thần kinh trung ương…

Chấn thương sọ não là cụm từ chỉ tất cả mọi chấn thương, vết thương nằm trên vùng sọ não. Chúng ta có thể gặp chấn thương sọ não khi đầu bị va đập vào thứ gì đó, gặp trong nhiều tình huống như ngã từ độ cao, va quệt giao thông, vật nặng rơi vào đầu, vật cứng đập vào đầu…

Cách phân loại chấn thương sọ não

Đơn giản và hữu ích nhất đó là phân loại theo dạng thức tổn thương. Có 3 loại cơ bản: chấn động não, đụng giập não và máu tụ nội sọ.

Chấn động não là tình trạng não bộ bị xê dịch, rung lắc quá mạnh do va đập dẫn đến những vi tổn thương. Thường ảnh hưởng đến tuần hoàn và dịch ngoại bào giữa các khoang tế bào thần kinh. Đây là thể bệnh nhẹ nhất.

Đụng giập não là tình trạng tế bào não bị giập một phần. Các vùng này có tổ chức não bị phù nề, nhiều tế bào thần kinh rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết. Thể bệnh này nặng hơn.

Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất. Bạn có thể nghe thấy bác sĩ nói chảy máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não, trong não thất… thì tất cả đó đều ám chỉ tình trạng máu tụ nội sọ. Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất, có thể gây tử vong ngay tức thì nếu ổ chảy máu quá nhiều và quá lớn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau mổ (trái) và phim chụp phát hiện chấn thương não của bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau mổ (trái) và phim chụp phát hiện chấn thương não của bệnh nhân.

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng thay đổi khá nhiều tùy thuộc độ nặng của chấn thương đầu, nhưng có thể bao gồm bất kỳ triệu chứng nào sau: Nôn ói, ngủ gà, đau đầu, lú lẫn, liệt; Bệnh nhân có thể hôn mê, mất ý thức, giãn đồng tử; Thị giác thay đổi (nhìn nhòe hoặc nhìn đôi, không thể chịu được ánh sáng chói, mất cử động mắt, mù); Dịch não tủy chảy ở tai hoặc mũi (có thể trong hoặc nhuốm máu); Chóng mặt và rối loạn thăng bằng.

Nhận thức khó khăn, đáp ứng cảm xúc không phù hợp; Nói khó (nói lắp, không thể hiểu được và/hoặc nói không lưu loát); Nuốt khó; Cảm giác tê hoặc kiến bò trên người. Sụp mí mắt hoặc yếu cơ mặt.

Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não, gọi ngay số điện thoại cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu.

Cách xử trí

Tùy vào mức độ và vị trí va đập, nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị các tổn thương hở như vỡ sọ, vết thương xuyên thấu hoặc các tổn thương kín như dập não, xuất huyết nội sọ hoặc tổn thương lan tỏa.

Khi phát hiện người gặp nạn có va đập đầu, điều đầu tiên là thông báo ngay cho mọi người xung quanh trợ giúp. Không nên vội vàng di chuyển nạn nhân. Khi di chuyển phải thực hiện đúng các phương pháp mang vác, khiêng cáng. Đặc biệt thận trọng với những nạn nhân đang nghi ngờ bị tổn thương cột sống.

Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc, nếu không có chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim thì đầu kê thấp, kê chân cao khoảng 20cm. Bệnh nhân có thể được ủ ấm bằng áo hoặc chăn. Tập trung nghiên cứu những tổn thương quan trọng nhất, cần ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Gọi xe cấp cứu sau khi sơ cứu, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về tai nạn như xảy ra như thế nào, lúc nào, tình trạng bệnh nhân. Nếu không thể gọi cấp cứu, những người có mặt phải lập tức tìm mọi cách để đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Điều tối kỵ là cho người bị hôn mê uống nước, vắt chanh vào miệng vào mũi vì khả năng bị ngạt hoặc sặc là rất cao.

Với những bệnh nhân bị vỡ, móp hộp sọ, cần xử trí tình trạng ngưng tim ngưng thở trước, vận chuyển người bệnh nhẹ nhàng. Quan trọng, nên cố định nạn nhân bằng cách chèn vải, chăn gối ở phần đầu, cổ và thân người để tránh cử động phần đầu.

Với bệnh nhân bị va đập đầu nhưng chưa có biểu hiện nguy kịch, người nhà cũng nên theo dõi chặt chẽ trong 2 ngày. Khi thấy có nôn ói, đau đầu, sốt, rỉ máu tai miệng, thân nhiệt thấp, chân tay lạnh, lơ mơ, nói sảng, hỏi không trả lời, cấu véo không phản ứng, thì phải lập tức đưa đến bệnh viện.

Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc, chỉ cho ăn uống nhẹ như cháo hoặc súp, không dùng thức uống có cồn.

Đối với những trường hợp chấn thương sọ não chưa phẫu thuật, cần được tiếp tục theo dõi 1 tuần tại bệnh viện nếu nạn nhân vẫn tỉnh. Sau khi ra viện, nạn nhân cần được tiếp tục theo dõi nhiều tuần tại gia đình theo sự hướng dẫn của bác sĩ dựa vào các nội dung khi khám tại bệnh viện như tri giác, dấu hiệu sinh tồn, dấu hiệu thần kinh khu trú, rối loạn tâm thần vì thực tế không ít trường hợp máu tụ dưới màng cứng mạn tính đến 2-3 tháng sau chấn thương sọ não mới được chẩn đoán.

Ngọc Nga tổng hợp theo Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Nhận biết một số dấu hiệu bất thường và chăm sóc trẻ ở trẻ sơ sinh

Ngọc Nga

Biến chứng tăng huyết áp ở người cao tuổi và cách phòng tránh

Ngọc Nga

Cảnh báo tắm mát, bơi lội mùa nắng nóng có thể gây tử vong

Ngọc Nga

Để lại bình luận