Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin

(CDC Hà Nam)

 

Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát. Nếu không được giám sát và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, một số bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh được những bệnh này bằng tiêm phòng vắc-xin.

 

Vắc-xin phòng bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut sởi gây nên với các biểu hiện sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng thường có biến chứng đi kèm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, khô loét giác mạc và đôi khi có viêm não sau sởi… Bệnh sởi có tính lây lan nhanh, chủ yếu lây truyền theo đường không khí, tác nhân gây bệnh phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi.

Vắc-xin phòng bệnh sởi  là vắc-xin sống giảm độc lực có tác dụng bảo vệ cao. Vắc-xin phòng sởi có thể ở dạng đơn hoặc phối hợp (vắc- xin 2 trong 1: sởi – Rubella; vắc-xin 3 trong 1: sởi – quai bị – Rubella). Theo khuyến cáo, hiện nay để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất, trẻ em phải được tiêm vắc-xin sởi mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai lúc 15 -18 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 4-5 tuổi. Trẻ trên 18 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi mũi thứ hai, cần phải tiêm càng sớm càng tốt. Người lớn chưa từng được tiêm vắc-xin sởi và chưa từng mắc sởi cần tiêm ngay một mũi vắc-xin sởi. Để tạo miễn dịch cho người mẹ và miễn dịch này được mẹ truyền cho con qua nhau thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được tiêm vắc-xin sởi ít nhất 3 tháng trước khi có thai. Đối tượng có nguy cơ cao có thể được tiêm nhắc lại vắc-xin sởi sau mỗi 3-5 năm. Khi được tiêm đúng, tiêm đủ vắc-xin sởi có hiệu lực bảo vệ 85% (80-90%), thời gian bảo vệ trên 10 năm.

Vắc-xin phòng bệnh quai bị

Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virut quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut, lây chủ yếu theo đường không khí và giọt bắn đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Các tuyến nước bọt khác, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương.

Vắc-xin phòng bệnh quai bị là biện pháp phòng bệnh quai bị chủ động. Vắc-xin quai bị cũng là vắc-xin sống, giảm độc lực, thường kết hợp 3 trong 1 với vắc-xin phòng sởi và Rubella. Hiện nay lịch tiêm vắc- xin quai bị được khuyến cáo cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường tập thể, hay trong cộng đồng đang có dịch, có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tiêm mũi nhắc lúc trẻ 4-6 tuổi. Hiệu lực bảo vệ của vắc-xin quai bị có thể đạt >90%, thời gian bảo vệ kéo dài trên 10 năm.

Không tiêm vắc-xin quai bị cho phụ nữ có thai, người bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, người đang dùng thuốc giảm miễn dịch (corticoid, thuốc điều trị ung thư), điều trị bằng phóng xạ, suy giảm miễn dịch tiên phát, bệnh ác tính về máu…

TS.BS. Lê Kiến Ngãi

 

 

Bài viết liên quan

Thiết lập vùng cách ly y tế đối với 1 khu vực dân cư thôn 1 Phú Đa

Ngọc Nga

Da nhạy cảm nên chăm sóc thế nào?

hanh phan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 01/03/2022

Mậu Ngọ

Để lại bình luận