Cách phòng ngừa bệnh dại

(CDC Hà Nam)

Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Bệnh dại là bệnh viêm não, tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại.

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Cách phòng ngừa bệnh dại

Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.

Khi bị thú nuôi, động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương người dân cần nhanh chóng tiếp cận với chuyên môn y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Các biện pháp dự phòng cần phải được tuân thủ với thái độ nghiêm túc nhất mới có hiệu quả. Người bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ phải hết sức lưu ý. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm vào ngày thứ 7 sau mũi vaccine đầu tiên. Tiêm vaccine phòng dại sớm, với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.

Khi tai nạn xảy ra người dân cần đến các cơ sở y tế sớm để được sơ cứu, xử lý vết thương. Đồng thời phải tiêm ngay, càng sớm càng tốt huyết thanh kháng dại và vaccine mới giúp ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Những món ăn giúp chống nắng trong mùa hè chói chang

Ngọc Nga

Nhiễm đồng thời cả cúm mùa và COVID-19 sẽ như thế nào?

Ngọc Nga

Phòng biến chứng do viêm amidan

Ngọc Nga