Cách tự kiểm tra phát hiện ung thư vú

(CDC Hà Nam)
Ung thư vú là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên đến 80% nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu. Để bảo vệ sức khỏe của mình, chị em có thể kiểm tra vú tại nhà để phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm nhất.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

Dấu hiệu phổ biến của ung thư vú là xuất hiện khối u, u có thể gây đau hoặc không. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì, tuy nhiên, khi khối u đã phát triển thì có một số dấu hiệu như sau:

Đau tức ngực hoặc tuyến vú

Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong kỳ kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong cả những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh thì bạn nên đi khám, siêu âm và chiếu chụp cộng hưởng từ vú để kiểm tra tuyến vú của mình.

Vú to bất thường

Nếu bạn cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì bạn nên cẩn thận. Rất có thể đây là một dấu hiệu của ung thư vú.

Một số dấu hiệu của ung thư vú.

Một số dấu hiệu của ung thư vú.

Nổi u cục ở tuyến vú

U vú có thể phát hiện tình cờ, tuy nhiên, bạn nên tự khám vú hàng tháng sau khi hết kinh. Bằng cách này, bạn có thể sờ thấy “khối lạ” ở tuyến vú của mình. Những u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính. Đây là bước rất quan trọng vì rất nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm qua việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.

Nổi hạch nách

Hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Có khá nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi người bệnh phát hiện tình cờ hạch hố nách.

Thay đổi da vùng vú

Một số thay đổi da vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần da cam…, bạn nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú đã vào giai đoạn muộn.

Tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú

Một số phụ nữ bình thường có núm vú tụt bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn đột nhiên bị tụt hẳn vào trong kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường, vùng da bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở núm vú… thì bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm.

3 bước tự kiểm tra vú phát hiện sớm ung thư

Theo khuyến cáo, từ 20 tuổi, phụ nữ nên tự kiểm tra vú định kỳ mỗi tháng/lần, tốt nhất là sau khi hết kinh 5 ngày. Đây là thời điểm vú mềm nhất. Bạn có thể tự kiểm tra vú tại nhà với 3 bước như sau:

Bước 1: Cởi áo phần trên thắt lưng, để hai tay xuôi theo người, đứng trước gương để quan sát: hai bên vú có đối xứng không, da vùng ngực có bị nhăn nheo, sần sùi hay thay đổi màu sắc không, núm vú có bị lõm xuống, tiết dịch bất thường không?

Bước 2: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú. Ấn nhẹ đầu vú xem có phát hiện khối u không. Bóp nhẹ núm vú xem có dịch tiết bất thường chảy ra không.

Bước 3: Dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú theo hướng xoắn ốc, xoa theo chiều kim đồng hồ, từ núm vú ra bên ngoài hoặc từ khoang vú bên ngoài xoa vào núm vú, xoa cả hai bên sườn gần nách. Dùng phần mềm ở đầu ngón tay để ấn nhẹ, miết trên vùng da vú xem có u, hạch bất thường không.

Tóm lại, khi phát hiện các u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch… bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Phụ nữ trên 35 tuổi, người có những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, phụ nữ chưa từng sinh con… cần phải đi khám vú và chụp, siêu âm vú định kỳ 6 tháng/lần.

Suckhoedoisong.vn

 

 

 

Bài viết liên quan

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây hiếm muộn

CDC Hà Nam

20 bệnh nền khiến người mắc COVID-19 có nguy cơ gia tăng mức độ nặng và tử vong cao

Ngọc Nga

Da nhạy cảm nên chăm sóc thế nào?

hanh phan

Để lại bình luận