Chính thức triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam

(CDC Hà Nam)

Ngày 20/9, những mũi tiêm vaccine sốt xuất huyết đã chính thức được tiêm cho trẻ em Việt Nam. Vaccine do Hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm, đã được triển khai tiêm rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Chính thức triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam
Vaccine được tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024, tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn.

Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng với nhà sản xuất đã nỗ lực để sớm đưa về Việt Nam bởi đây là một trong những vaccine được mong đợi hàng đầu khi mỗi năm tại Việt Nam đều có các đợt bùng phát dịch lớn nhỏ khác nhau, gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương.

Đặc biệt, bệnh ngày càng diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ, việc kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn và điều trị sốt xuất huyết rất phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao nếu không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Hằng năm số mắc và tử vong do sốt xuất huyết vẫn cao và ngày càng lan rộng do muỗi có đặc tính sinh sản ở trong nước như mảnh phế thải, chai lọ khi có nước mưa, chum vại, bể chứa nước, thậm chí ở các lư hương… và bay lơ lửng, đậu ở các vật dụng, rất khó phun thuốc loại trừ và giải quyết triệt để dù đã thực hiện nhiều năm qua.

Chính thức triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam
Ra mắt vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam.

Vaccine sốt xuất huyết của Takeda Nhật Bản có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.

Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết. Điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc sốt xuất huyết ít nhất một lần khá cao, với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước thì việc tiêm vaccine kịp thời giúp người bệnh được bảo vệ tốt sức khoẻ và tính mạng.

Vaccine sốt xuất huyết có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, có thể tiêm đồng thời với nhiều vaccine khác tuỳ chủng loại. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm vaccine tốt nhất trước 3 tháng và ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết những năm gần đây dịch tễ sốt xuất huyết đã thay đổi, không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hàng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Vì thế, bà Nga đánh giá, việc đưa vaccine vào sử dụng sẽ giúp giảm số ca bệnh rõ rệt.

Bà Nga cũng lưu ý người dân vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch khác như chống muỗi bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, ngủ mùng… bên cạnh tiêm vaccine để kiểm soát dịch hiệu quả và bền vững.

Là đơn vị tiếp nhận nhiều trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn phía nam, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều trẻ sốt xuất huyết nhập viện khi đã có biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt, giảm thể tích tuần hoàn có nguy cơ tử vong rất cao.

Những năm gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu tăng lên có thể liên quan đến tuýp virus DEN-2 gây bệnh chiếm ưu thế, bệnh nhân thừa cân béo phì tăng, có bệnh nền kèm theo…

Vì thế, Tiến sĩ Tuấn đánh giá, vaccine sốt xuất huyết được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, giảm số ca nhập viện và biến chứng, tránh tình trạng quá tải, giúp các bệnh viện tập trung nguồn lực điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Bài viết liên quan

Tiếp tục thông tin về xét nghiệm 01 trường hợp nghi nhiễm nCov trên địa bàn tỉnh Hà Nam

CDC Hà Nam

Bản tin dịch COVID-19 trong 24h qua: Đại dịch tăng tốc, Việt Nam 68 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Ngọc Nga

Chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2022

Ngọc Nga