CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA MỘT SỐ BỆNH TRONG MÙA MƯA ẨM

(CDC Hà Nam)

Vào mùa mưa, mùa ẩm ướt, độ ẩm trong không khí tăng cao, đồ dùng cá nhân không được vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm, vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển đặc biệt trên da và những nơi nhạy cảm. Một số bệnh đường hô hấp, ngoài da cũng theo đó mà phát triển như nấm kẽ tay, kẽ chân, hắc lào, lang ben…gây nên nhiều khó khăn và biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.  Tiết trời nồm ẩm không những gây ra nhiều cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể mà còn dễ dẫn đến một số căn bệnh bùng phát và lây lan nhanh.

  1. Bệnh đường hô hấp

Trời nồm với độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối thấp thường tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và phát tán trong không gian. Đây cũng là nguyên nhân khiến dễ mắc phải các căn bệnh đường hô hấp. Các bệnh hô hấp dễ mắc khi trời nồm thường gặp phải là: dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp… Các căn bệnh này rất nguy hiểm bởi có thể trở thành mãn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vì thế, các bạn cần tự bảo vệ mình trước các tác nhân gây bệnh.

Để phòng tránh các căn bệnh đường hô hấp, các bạn cần giữ ấm cho cơ thể, đeo khẩu trang khi đi đường và đến chỗ đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và tăng cường uống nước để nâng cao sức đề kháng… Khi có biểu hiện mắc bệnh, các bạn cần gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

  1. Cúm gia cầm

Trời nồm của mùa xuân thường là thời điểm mà dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết như vậy làm cho các virus gây bệnh dễ dàng phát triển và sinh sôi.

Khả năng lây lan của căn bệnh này là rất cao, thậm chí có thể trở thành dịch. Cúm gia cầm thường rất dễ mắc phải, nhất là những người có sức đề kháng yếu. Nó có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, chúng ta cần chú ý trong khâu phòng tránh bằng cách không tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những nơi đang có dịch, bảo vệ cơ thể, giữ ấm, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao khả năng kháng bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường và đến chỗ đông người… Đặc biệt, nếu đang ở trong vùng dịch, các bạn nên khử trùng đồ đạc, nhà cửa bằng dung dịch chuyên dụng theo chỉ dẫn của các chuyên gia y tế.

3.Bệnh ngoài da

Trời ẩm ướt thường khiến cho làn da của chúng ta trở nên ẩm ướt và tiết nhiều dầu hơn. Không những thế, độ ẩm không khí cao còn khiến cho các vi khuẩn, bụi bẩm xâm nhập và phát triển, từ đó gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm về da như viêm da, dị ứng, mụn bọc, mụn mủ, trứng cá…

Lời khuyên cho chúng ta là chú ý hơn tới việc làm sạch da, chăm sóc da mặt mỗi ngày để phòng tránh các căn bệnh này. Các bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ từ thiên nhiên, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống một cách lành mạnh với nhiều rau quả, tăng cường uống nước, hạn chế rượu bia, café và các chất kích thích để bảo vệ da tốt hơn.

4.Thủy đậu

Thủy đậu là một căn bệnh nguy hiểm do virus Varicella Zoster gây nên với biểu hiện là các nốt tròn nhỏ khắp cơ thể, gây ngứa, sau đó chuyển thành mụn nước và khô đi sau 5 – 7 ngày. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm ướt, khi chúng ta tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả qua đường hô hấp.

Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, chúng ta có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo, thậm chí dẫn tới những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não… Cách tốt nhất là hãy phòng chống thủy đậu ngay từ đầu bằng biện pháp tiêm chủng ngừa bệnh và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả quần áo, đồ đạc… của người mắc bệnh.

  1. Viêm nhiễm vùng kín

Độ ẩm cao khi trời nồm sẽ khiến cho quần áo luôn trong tình trạng ẩm ướt. Nó tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, các vi khuẩn và virus gây bệnh gia tăng. Điều này dễ khiến chúng ta mắc phải các căn bệnh vùng kín, viêm nhiễm “cô bé” hoặc “cậu bé”.

Các căn bệnh viêm nhiễm này không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, mà nó còn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến vùng kín, thậm chí còn có thể dẫn tới vô sinh. Để phòng tránh, các bạn cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đồng thời phơi hoặc sấy khô quần áo, nhất là đồ lót để ngăn ngừa khả năng gây bệnh của vi khuẩn.

Ngọc Nga

 

 

Bài viết liên quan

10 nguyên tắc an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hướng dẫn

Ngọc Nga

Cách bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu

Ngọc Nga

I-ốt quan trọng thế nào với sức khỏe?

CDC Hà Nam