Chủ động phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh mạn tính và biến chứng

(CDC Hà Nam)

Các bệnh mạn tính không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta. Trong đó, thói quen sinh hoạt không hợp lý và ít hoạt động thể lực là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh này.

Bệnh mạn tính gây nên nhiều hệ quả khó lường

Theo Bộ Y tế, các bệnh mạn tính không lây nhiễm bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư… là nguyên nhân dẫn đến tử vong của khoảng 40 triệu người trên thế giới mỗi năm.

Thống kê của Bộ Y tế vào năm 2020 cho thấy, ở Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm này đang gia tăng, là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 77% các trường hợp. Đây là tình trạng bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể lâu dài, có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bên cạnh đó, người bệnh mạn tính còn có nguy cơ đối diện với nhiều hệ lụy nguy hiểm tới sức khỏe.

Bệnh mạn tính có thể làm suy giảm sức khỏe người bệnh, tạo điều kiện để hình thành nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh mạn tính có thể kể đến như:

Huyết áp thấp: đây là đối tượng có khả năng bị mất trí nhớ, tai biến mạch máu não, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao…

Tiểu đường: người bệnh tiểu đường lâu năm có nguy cơ gặp phải một số bệnh lý đáng lo ngại như: suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton,…

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: người mắc bệnh này có nguy cơ đối diện với tình trạng tràn khí màng phổi, suy tim, tàn phế… hoặc với người bệnh ung thư, nếu không được phát hiện kịp thời để điều trị thì khả năng tử vong rất cao.

Thiết lập “hàng rào” sức khỏe phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh mạn tính

Bệnh mạn tính là loại bệnh không thể tự khỏi, không thể phòng bệnh bằng vaccine, không thể chữa khỏi hoàn toàn và cần điều trị bằng thuốc suốt đời. Tuy nhiên, bệnh mạn tính có thể phát hiện nguy cơ tiềm ẩn từ rất sớm khi chưa có dấu hiệu rõ ràng bằng cách thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ.

Bên cạnh đó, với những người mắc bệnh mạn tính, thông qua hoạt động này, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát tốt, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Nhờ đó giúp người bệnh chung sống lâu dài, khỏe mạnh nếu tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Theo đó, với gói khám sức khỏe và tầm soát ung thư cơ bản, mọi người có thể kiểm tra nhiều vấn đề trên cơ thể, phát hiện sớm các bệnh lý như: tiểu đường, mỡ máu, suy thận, gout, viêm gan B, viêm gan C, cùng một số loại ung thư phổ biến như ung thư phổi, gan, tụy, tuyến giáp, đường tiêu hóa, vú – phụ khoa (nữ), tiền liệt tuyến (nam),…

Để lập “hàng rào” bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ đối diện với các bệnh mạn tính, mỗi người nên thực hiện:

Vận động thể dục, thể thao thường xuyên: việc rèn luyện thể thao đều đặn sẽ giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp và tăng sức bền của bạn. Tập thể dục tăng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các mô tế bào và giúp hệ thống tim mạch của bạn hoạt động hiệu quả hơn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: mỗi người cần ăn uống điều độ, đúng bữa, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít, duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), ưu tiên ăn các loại rau xanh.

Hạn chế uống rượu bia: người uống nhiều rượu có nguy cơ cao mắc các bệnh như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ… Dưới tác dụng của rượu bia, cơ tim và thành mạch có xu hướng bị thoái hóa và tổn thương, lâu dài có thể gây ra tình trạng giãn cơ tim, suy tim, xơ hóa tim. Các nguy cơ bị đột quỵ, mất ngủ, huyết áp cao hoặc nhồi máu cơ tim… cũng cao hơn so với người không có thói quen uống rượu bia nhiều.

Không hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động: hút thuốc lá có thể gây ung thư với nhiều cơ quan trong cơ thể như: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày. Hút thuốc cũng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản.

Bên cạnh việc chú ý đến lối sống sinh hoạt khoa học, việc thực hiện thăm khám chủ động là phương pháp cần thiết trong phòng ngừa các bệnh lý mạn tính. Do đó, dù có bận rộn đến đâu, mỗi người cần duy trì thói quen thăm khám tối thiểu một lần/năm để bảo vệ sức khỏe.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG THỪA CÂN, BÉO PHÌ Ở TRẺ TUỔI HỌC ĐƯỜNG

Ngọc Nga

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúng

Ngọc Nga

Cần biết: Trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, ho, khó thở…

Ngọc Nga