Đánh giá các hoạt động chuyển đổi số

(CDC Hà Nam)

Ngày 10/4/2024,  Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng và mạng xã hội để gia tăng tương tác, nâng cao nhận thức chuyển đổi số y tế.

Với thông điệp của Hội nghị:“Kết nối- Chia sẻ- Đồng hành”, thể hiện sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ Y tế trong việc kết nối giữa Trung ương và địa phương trong công tác chuyển đổi số y tế. Điều đó thể hiện quyết tâm gia tăng lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời. Cũng như  chia sẻ với cán bộ y tế hoạt động, cung cấp các dịch vụ y tế hiệu quả trên môi trường số. Bộ Y tế luôn tạo điều kiện để các nhà cung cấp dịch vụ y tế số và các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cùng phát triển.

Các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Y tế tại Đề án 06, điều đó được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2491/QĐ-BYT ngày 13/6/2023 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 3881/QĐ-BYT ngày 18/10/2023 của Bộ Y tế về phê duyệt danh mục nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số y tế năm 2023 theo bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng số hóa đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường, mang lại những lợi ích không thể phủ nhận trong mọi lĩnh vực.

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và là một yêu cầu bắt buộc giúp các quốc gia tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và sự thịnh vượng mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ trong quá trình tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lĩnh vực y tế cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó và quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển của ngành y tế trong thời kỳ mới.

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện chủ trương Đảng, chính sách phát luật của nhà nước về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ cũng như Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, định hướng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế, như ban hành chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2020); Nghị quyết của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2023). Thời gian qua, bên cạnh sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong ngành Y tế.

Thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ,  Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ. Trong khuôn khổ hội nghị ngày hôm nay, Bộ Y tế mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Chính phủ, của các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chung tay tham gia tích cực trong hoạt động xây dựng, phát triển công nghệ, chuyển đổi số y tế trong thời gian tới nâng lên tầm cao mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và trong toàn ngành y tế quán triệt công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, mục đích, ý nghĩa, lợi ích của công tác chuyển đổi số y tế đối với công tác quản lý, điều hành, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ,.. giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đưa kết quả thực hiện chuyển đổi số trở thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu, trao đổi, chia sẻ về các Nền tảng số y tế như: Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử; đánh giá kết quả triển khai Nền tảng, ý nghĩa, thông điệp phát triển Nền tảng đến người dân, các cơ sở y tế và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin. Các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu trong công tác chuyển đổi số y tế.

Đối với Hà Nam, chuyển đổi số Y tế là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, ngành y tế Hà Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, Chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý và khám chữa bệnh một cách tổng thể và toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong hoạt động y tế, từ quản trị đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Hoạt động này đã giúp các cơ sở y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thực hiện Quyết định 1516  ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế Hà Nam đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và ngành y tế, các đơn vị y tế trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình hoạt động đơn vị . Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, thời gian qua, các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh đã được các đơn vị Y tế trong tỉnh tích cực thực hiện.

                                                                  Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thêm 17 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga

07 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2

dinh hanh

Hà Nam: Tiếp tục thông báo kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Mậu Ngọ