Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng bệnh

(CDC Hà Nam)

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch lây truyền từ người sang người chủ yếu qua muỗi đốt. Đặc biệt thời tiết như hiện nay là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân cần nắm rõ dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết, các biện pháp phòng bệnh để phòng bệnh và điều trị kịp thời.

 Bệnh sốt xuất huyết có hai thể: Sốt dengue và sốt xuất huyết dengue, bệnh có những biểu hiện khác nhau tùy mức độ nhiễm bệnh của từng người.

Những dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh sốt xuất huyết

Sốt cao:

Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt 39 – 400 C, đột ngột, liên tục trong 3 đến 4 ngày liền, người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn…

Xuất huyết: Xuất huyết thường ở nhiều dạng.

Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.

Nôn hoặc đi đại tiện ra máu (nước ói màu nâu, phân như bã cà phê hoặc đỏ tươi).

Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều…

Đau bụng: Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…

Dấu hiệu sốc: Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.

Dấu hiệu sốc gồm: Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã; Chân tay lạnh; Tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Những biện pháp phòng bệnh:

Để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh vại vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn, kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi bị mắc sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị.                                                                                                   BSCKI. Vũ Thị Lan

(Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 18/10/2021

Ngọc Nga

Tác nghiệp trong vùng dịch – Chuyện bây giờ mới kể!

Mậu Ngọ

Phòng bệnh cho trẻ em vào mùa mưa

admin

Để lại bình luận