Điểm báo 11/01/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo 11/01/2019

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm chủng đúng, đủ để phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ; Bộ trưởng kiểm tra công tác y tế cơ sở tại Lâm Ðồng; Cảnh báo, nhiều người lớn mắc sởi nhập viện; Các địa phương khẩn trương thực hiện tiêm vắc-xin ComBE Five: Chú trọng thực hành tiêm an toàn; Tết cùng bệnh nhân nghèo; Hoại tử vòng 1 do bơm mỡ nhân tạo…

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm chủng đúng, đủ để phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ

Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, tuy nhiên đều nằm trong phạm vi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới…

Sáng ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra thực tế công tác tiêm chủng vắc xin nói chung, vắc xin ComBE Five tại Trạm y tế các Phú Nghĩa và Trạm y tế xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Các phản ứng xảy ra sau tiêm chủng đều nhẹ

Ngay từ sáng sớm, nhiều bà mẹ có con nhỏ đã đưa con em mình đến trạm y tế xã Phú Nghĩa để tiêm chủng vắc xin. Chị Hoa, mẹ của cậu con trai 4 tháng tuổi cho biết, ngay từ khi sinh con, chị đã cho cháu đến tiêm chủng tại trạm y tế xã theo đúng lịch và độ tuổi của bé.

BS Hoàng Gia Vinh, Trạm Trưởng Trạm y tế các Phú Nghĩa cho biết trong sáng hôm nay có 42 trẻ đến tiêm chủng các loại vắc xin, trong đó chủ yếu là vắc xin ComBE Five tại trạm y tế. Còn tại trạm y tế xã Ngọc Hoà, trong sáng hôm nay có hơn 50 cháu đến tiêm chủng.

Tại hai trạm y tế này, Bộ trưởng đã đi kiểm tra thực tế tại các phòng tiêm, trước tiêm và sau tiêm, đồng thời Bộ trưởng cũng trực tiếp hỏi thăm, trò truyện và động viên các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng.

Cũng tại các trạm y tế này, Bộ trưởng đã “kiểm tra” các cán bộ y tế về những kiến thức cơ bản liên quan đến quy trình tiêm chủng, xử lý sau tiêm.

Báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 2018 Hà Nội đã thực hiện đổi đổi lịch tiêm chủng, theo đó, trước đây Hà Nội tổ chức tiêm chủng theo tháng, hiện nay tiến hành theo tuần giúp các cháu tiếp cận với việc tiêm chủng tốt hơn.

Cho đến ngày 8/1/2019, có 50% số xã phường số xã phường trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tiêm vắc xin ComBE Five. Hiện đã có 5.701 trẻ được tiêm, trong số này có 180 trường hợp xảy ra phản ứng thông thường, 2 trường hợp phản ứng nặng hơn là (ho, sốt kéo dài ở Sài Sơn- Quốc Oai và Mê Linh) đã được chuyển lên BVĐK Xanh Pon để theo dõi. Hai trường hợp này hiện đã ổn định và đã ra viện.

“Các trường hợp phản ứng thông thường chủ yếu sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, tuy nhiên đều nằm trong phạm vi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới… Các phản ứng nằm trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ sốt cao tới 39- 40%, phản ứng tại chỗ 30- 40% nhưng là phản ứng thông thường; riêng phản ứng nặng là sốt cao, ho kéo dài”- ông Hoàng Đức Hạnh cho biết. Báo cáo tại đây, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Ứng Hoà cho hay, huyện này đã có 21 trường hợp có phản ứng (tại 9 xã) sau tiêm, các bé chủ yếu là sốt sau 3-4 tiếng sau tiêm. Đặc biệt, có 10 trẻ phải vào BVĐK Vân Đình theo dõi vì sốt cao 39,5 độ. Sau 2 ngày theo dõi, điều trị các bé đều ổn định ra viện. Trong ngày 8/1, Ứng Hoà tổ chức tiêm ComBE Five cho 224 cháu, hoãn tiêm 67 cháu, có 5 trường hợp phản ứng sau tiêm, 3 cháu phải chuyển lên BVĐK Vân Đình, các bé phản ứng sốt cao thì được dùng thuốc hạ sốt tại trạm và đều ổn định sau đó.

Cần theo dõi sát sao sau tiêm chủng để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường

Đánh giá về công tác tiêm chủng của Hà Nội nói chung, tại hai trạm y tế nói riêng, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Hà Nội đã chuẩn bị khá tốt. Tất cả các cán bộ tham gia công tác tiêm chủng  đều được tập huấn, chấn chỉnh, các thông tư hướng dẫn quy trình khám sàng lọc, theo dõi tiêm chủng, theo dõi sau tiêm, ghi chép sổ sách đều làm tốt, đặc biệt có phần mềm dành riêng cho tiêm chủng. Tai biến được tập huấn kỹ, các cơ sở y tế đều sẵn sàng tiếp nhận các cháu. Cán bộ tiêm chủng đã tư vấn rất kỹ cho gia đình đưa trẻ đi tiêm trong đó có  theo dõi sau tiêm chủng…

“Công tác hậu cần, dây truyền lạnh bảo quản vắc xin và bộ chống sốc phản vệ đã được chuẩn hóa theo những thông tư quy định mới nhất và do Hội đồng khoa học quy định chặt chẽ. Điều này giải quyết tốt vấn đề chống sốc.

Chính quyền địa phương, các cấp cũng như cán bộ địa phương đã tập trung cao độ thay vì tiêm hàng tháng chuyển tiêm hàng tuần  giúp trẻ có nhiều cơ hội, số lượng trẻ được tiêm chủng tăng lên”- Bộ trưởng nói

Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua, Hà Nội cũng có trường hợp phản ứng sau tiêm và đau tại chỗ, nặng nữa  có tím tái, sốc phản vệ… “Nói chung, tất cả các loại vắc xin kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng. Từ phản ứng tại chỗ, sốt, quấy khóc, bỏ ăn, đến khóc thét, rối loạn trị giác, tím tái… nhưng chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm chủng vì tỷ lệ tai biến rất hạn chế”- Bộ trưởng nói

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Ngành y tế  đang cố gắng hết sức để làm sao các cháu đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, nhất là trong mùa đông hiện nay. Nếu không tiêm chủng cho trẻ thì các dịch bệnh sởi, ho gà… có nguy cơ mắc bệnh cao.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm chủng để phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng độ tuổi, đúng thời hạn để phòng chống dịch bệnh cho trẻ và tránh được những nguy cơ cho sức khỏe. “Phụ huynh cần theo dõi trẻ sau tiêm để khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức m để được theo dõi và xử trí kịp thời”- Bộ trưởng khuyến cáo

Đối với cán bộ y tế, Bộ trưởng yêu cầu ngay trong tuần tới cần tập huấn lại về quy trình tiêm chủng, trong đó lưu ý khâu khám sàng lọc, hỏi tiền sử bệnh của trẻ khi sinh ra, trong gia đình có ai bị dị ứng không, cơ địa mẫn cảm không… để làm sao quản lý trẻ tốt nhất trước tiêm chủng. Đồng thời lưu ý tập huấn lại kỹ về quy trình chống sốc cho cán bộ y tế để kịp thời xử trí nếu có tình huống xảy ra.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng yêu cầu cần phân luồng bệnh, tuyệt đối không để các trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng lại nằm chung với các trẻ đang bị các bệnh truyền  nhiễm khác… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ trưởng kiểm tra công tác y tế cơ sở tại Lâm Ðồng

Trong chương trình công tác tại Lâm Đồng, chiều ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra thực tiễn công tác khám chữa tại TTYT huyện Đơn Dương và Trạm y tế xã Đạ Ròn, Trạm y tế xã Thạnh Mỹ. Tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc, BS. Đỗ Hữu Nhật – Giám đốc TTYT huyện Đơn Dương cho biết, do đặc thù là mô hình TTYT hai chức năng điều trị và dự phòng, nên trung tâm luôn chú trọng thực hiện song song cả công tác dự phòng và điều trị. Trong năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh nào. Hiện TTYT Đơn Dương đã triển khai thành công các kỹ thuật lâm sàng mới đối với tuyến huyện như phẫu thuật nội soi ổ bụng, máy xét nghiệm 18 thông số, máy Xquang kỹ thuật số…

Đơn Dương cũng là một trong 3 huyện của Lâm Đồng triển khai thí điểm Đề án “Khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân” tại thị trấn Dran từ ngày 1/8/2017. Hiện đã có khoảng trên 90% người dân trên địa bàn được khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. TTYT huyện Đơn Dương cũng đã lập danh sách quản lý được 3.242 bệnh nhân tăng huyết áp, 687 bệnh nhân đái tháo đường, 284 bệnh nhân ung thư, 56 bệnh nhân hen và 67 bệnh nhân COPD..

Tại buổi làm việc, TTYT huyện Đơn Dương đã đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc quản lý thông tuyến, khám và điều trị nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực liên quan đến khám chữa bệnh BHYT; cho phép các cơ sở y tế được hợp đồng lao động chuyên môn và trả lương bằng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị; cho phép chuyển một số giường bệnh chỉ tiêu thành giường điều trị xã hội hóa.

Qua thăm và kiểm tra trực tiếp công tác khám chữa bệnh tại TTYT Đơn Dương và hỏi thăm, trò chuyện với người bệnh tại hai trạm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành y tế huyện Đơn Dương trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, cũng như trong triển khai việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình…

Bộ trưởng cũng đánh giá cao Khoa khám bệnh của TTYT Đơn Dương đã có nhiều thay đổi, khang trang đẹp đẽ, có hướng dẫn người bệnh/người nhà bệnh nhân khi đến thăm khám, chuẩn bị các điều kiện tránh rét cho bệnh nhân như chăn ấm ngay tại bộ phận chờ khám cấp cứu để phục vụ bệnh nhân.

Về những đề xuất của ngành y tế huyện Đơn Dương, Bộ trưởng đã yêu cầu các Vụ/ Cục chức năng của Bộ sớm làm việc với các đơn vị liên quan để tìm cách tháo gỡ. “Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho y tế cơ sở phát triển để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương ngày càng tốt hơn” – Bộ trưởng nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Cảnh báo, nhiều người lớn mắc sởi nhập viện

Ngày 10/1, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ vài tháng nay gia tăng số bệnh nhân sởi đến khám. Trung bình mỗi tháng khoảng 10 trường hợp. Đáng chú ý, chỉ trong 2 ngày vừa qua có 8 ca sởi nặng nhập viện. PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay, điều kiện thời tiết đông – xuân như hiện nay rất dễ bùng phát virus sởi. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 ca. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt là có thai, phổi mãn tính. Bệnh nhân N.T.A (24 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) đang mang thai lần thứ 2 ở tuần thứ 25. Một tuần trước, sản phụ sốt cao, nốt ban mọc từ mặt, cổ, lan xuống toàn thân. Bệnh nhân khám và nhập viện Bạch Mai từ 3 ngày nay để được theo dõi sát sao đề phòng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhiễm trùng. Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi. Hầu hết bệnh nhân không nhớ đã tiêm sởi hay chưa. PGS.TS Đỗ Duy Cường nhận định: “Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có “lỗ hổng miễn dịch” khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây mình có tiêm phòng hay chưa. Trong khi đó, các bệnh nhân đa số đều tiếp xúc nguồn lây từ con nhỏ, hàng xóm, nơi tập trung đông người”.
Đặc biệt có một số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, sốt do virus, rubella. Khi đến khoa Truyền nhiễm thì các bác sĩ phát hiện những triệu chứng sởi điển hình. TS Cường chia sẻ, ở trẻ em, khi phát ban thì phát hiện ra ngay, không khó, nhưng với người lớn thì hay bị bỏ qua.

Bác sĩ Cường nhận định, 6 bệnh nhân nặng ở khoa là số lượng nhiều vì năm 2014, khi dịch sởi bùng phát cả nước có khoảng 100 trường hợp người lớn. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 50 người. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tình hình sởi năm 2018 có tăng đột biến không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh miền Bắc với 5.100 trường hợp sốt phát ban, sởi. Trong khi năm 2017 chỉ hơn 300 ca. Với hiện tượng gia tăng bệnh nhân sởi từ trong thời gian gần đây dịch sởi có thể xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

Điều trị muộn, biến chứng nặng

Bác sĩ Cường cho biết, đối với người lớn, nếu mắc sởi thì biến chứng thường gặp nhất là viêm não gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp làm bệnh nhân có thể tử vong (trong khi với trẻ nhỏ biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi). Virus sởi có trong hàng triệu hạt nước bọt li ti từ mũi và miệng của người bệnh mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi nên mọi người dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Hoặc có thể nhiễm sởi nếu như để tay mình tiếp xúc với một bề mặt đã có nhiều virus sởi rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi. Virus sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ. Khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở trong vòm họng và trong phổi trước khi lây lan ra toàn bộ cơ thể.

Những người mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho người khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Do đó, người bệnh cần tránh đến trường học, cơ quan… trong vòng ít nhất là 4 ngày từ thời điểm vết ban đầu tiên xuất hiện nhằm tránh lây bệnh cho người khác. Sau khi hết ban vẫn có thể ho kéo dài thêm 1-2 tuần. (Tiền phong. trang 6, Hà Nội mới, trang 1).

 

Bộ Y tế nói gì về việc truyền bia chữa ngộ độc rượu

BV đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa xử trí cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật bị ngộ độc rượu công nghiệp methanol. Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ truyền tới 15 lon bia vào đường tiêu hoá để giải rượu khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Tuy nhiên lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.

Trong đó ngoài lọc máu, tăng thải trừ chất độc, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch… phác đồ chỉ rõ cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu gồm ethanol và fomepizole. Khi truyền 2 chất này sẽ cản methanol chuyển hoá thành các chất độc axit formic và format, methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

Ethanol hoặc fomedizole nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Các địa phương khẩn trương thực hiện tiêm vắc-xin ComBE Five: Chú trọng thực hành tiêm an toàn

Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, từ tháng 12/2018, vắc xin ComBE Five được triển khai trên toàn quốc.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phân bổ vắc-xin đến 63 tỉnh/thành phố và hướng dẫn triển khai tiêm vắc-xin; chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, đặc biệt là khám sàng lọc và tư vấn cho cha mẹ cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Có ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five tại một số địa phương

Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, Hà Nội triển khai việc tiêm vắc-xin ComBE Five từ ngày 2/1. Đến ngày 8/1, đã có 50% số xã phường trên toàn TP. Hà Nội triển khai chương trình này. Như vậy, toàn thành phố đã có 15 xã phường triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ với số lượng hơn 5.700 trẻ đã được tiêm vắc-xin ComBE Five. Trong 1 tuần đầu, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho thấy, 180 trường hợp có phản ứng thông thường, 2 trường hợp có phản ứng nặng hơn một chút. 2 trường hợp phản ứng nặng hơn sau đó đã được đưa vào bệnh viện và được điều trị ổn định.

Theo ông Hạnh, những phản ứng thông thường của trẻ sau khi tiêm vắc-xin như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên các phụ huynh yên tâm, đó chỉ là những phản ứng thông thường sau tiêm chủng. Và thực tế có 2 trường hợp phản ứng nặng hơn ở Sài Sơn (Quốc Oai) và tại huyện Mê Linh đã được điều trị kịp thời. Hiện sức khoẻ của trẻ đã ổn định.

Điện Biên cũng ghi nhận 6 trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five. Ngày 6/1, BVĐK tỉnh Điện Biên tiếp nhận và điều trị 6 trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five, trong đó có 3 trường hợp phản ứng nặng. BS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Khoa Nhi-BVĐK tỉnh Điện Biên cho biết, khoảng 11 giờ ngày 6/1, bệnh viện tiếp nhận trường hợp đầu tiên là cháu Ngô Văn Quốc (4 tháng tuổi, trú tổ 9, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) trong tình trạng khó thở, sốt cao, quấy khóc, da có biểu hiện tím tái. Chiều cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận thêm 5 trường hợp bệnh nhi có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ hơn. Ngay sau đó, các bệnh nhân được tiêm hạ sốt, 2 trường hợp nặng nhất được cho thở bằng oxy. Đến sáng 7/1, sức khỏe của các bệnh nhân đã tạm thời ổn định, các bác sĩ tiếp tục theo dõi và có thể sẽ cho xuất viện vào cuối ngày. Chị Mai Thị Thủy – mẹ của bệnh nhi Ngô Văn Quốc cho biết, sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five tại Trạm Y tế phường Him Lam khoảng hơn 1 giờ thì cháu sốt cao, co giật, môi thâm, da tím tái nên gia đình đã đưa cháu nhập viện, người nhà rất hoang mang, lo lắng vì đây là loại vắc-xin mới được triển khai lần đầu.

Theo ông Đoàn Ngọc Hùng – Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên: Tỉnh Điện Biên bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five từ ngày 6/1 với 333 trẻ được tiêm tại TP. Điện Biên Phủ (308 trẻ) và huyện Tủa Chùa. Trong số 333 trẻ được tiêm có 14 trẻ bị phản ứng nhẹ (sốt dưới 38 độ, sưng đau chỗ tiêm) và 3 trẻ phản ứng nặng (sốt cao trên 39 độ, có biểu hiện co giật, quấy khóc kéo dài).

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh vừa tiếp nhận 8.000 liều vắc-xin ComBE Five từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để triển khai tiêm phòng trong đợt này

  1. Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có gần 17 ngàn trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi nằm trong danh sách được tiêm vắc-xin ComBE Five. Tuy nhiên, với lượng vắc-xin kể trên, trong ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 1/2019 sẽ ưu tiên những trẻ đã tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 1, mũi 2 trước đó. Để triển khai hiệu quả tiêm vắc-xin ComBE Five, Trung tâm CDC Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn cập nhật các kiến thức về chuyển đổi, sử dụng vắc-xin ComBE Five; tổ chức thực hiện buổi tiêm chủng an toàn theo quy định của Bộ Y tế cho cán bộ tiêm chủng, cán bộ khoa cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa và các cơ sở khám bệnh tư nhân trên toàn tỉnh. Trung tâm CDC Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi 30 phút tại trạm sau tiêm, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

Tỉnh Kon Tum là tỉnh đại diện cho 1 trong 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five miễn phí trong tiêm chủng mở rộng, thời gian bắt đầu triển khai vào ngày 01/11/2018, tùy theo buổi tiêm chủng thường xuyên của các địa phương mà thời gian triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five khác nhau. Tỉnh Kon Tum có 10 huyện, 102 xã/thị trấn/phường. Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi tiêm vắc-xin ComBE Five, tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc truyền thông, triển khai bao gồm hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm. Đã  tổ chức tập huấn 11 lớp tuyến tỉnh/huyện với 398 người tham dự, có sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi và 10 TTYT huyện/thành phố trong tháng 6-7/2018. Kết quả cho thấy công tác chuẩn bị được các tuyến thực hiện tốt bao gồm rà soát đối tượng, cung ứng vắc-xin, phối hợp với bệnh viện tỉnh trong hỗ trợ vận chuyển, xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng (nếu có), công tác tổ chức buổi tiêm chủng tại xã được thực hiện theo đúng quy trình tiêm chủng và đảm bảo an toàn,

Trong tháng 10 và tháng 11/2018, Bộ Y tế đã triển khai vắc-xin DPT-VGB-Hib ComBE Five do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất tại 7 tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu. Kết quả đã tiêm được 17.356 trẻ tại 7 tỉnh, tỷ lệ xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.

Cách theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin mới ComBE Five

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi tiêm chủng, với các vắc-xin như ComBE Five, thậm chí cả những mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dịch vụ, trẻ cũng đều có các biểu hiện đau, có thể sưng nề đỏ tại nơi tiêm, sốt. Thông thường, các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 – 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi trẻ kể cả trong đêm ngủ.

Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm cần chú ý trẻ phải được các bác sĩ khám sàng lọc để đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Các bà mẹ cần nắm được con được tiêm vắc-xin gì, hiểu được những phản ứng sau tiêm là gì. Cần cho trẻ ăn đủ, uống nước đủ khi đi tiêm.

Sau tiêm ComBE Five, trẻ phải được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà, trẻ cần được theo dõi thường xuyên. Đặc biệt, cha mẹ không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm, cặp nhiệt độ cho trẻ 4 – 6h mỗi lần để theo dõi nhiệt độ của trẻ. Theo dõi các biểu hiện như: phản ứng tại nơi tiêm, hiện tượng quấy khóc, sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn, bú, nôn trớ, khó thở…

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: sốt trên 38,5 độ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; đặc biệt các dấu hiệu như quấy, bỏ bú, khó thở, tím tái…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đây là các biểu hiện nặng của phản ứng dị ứng và phản ứng phản vệ sau tiêm. Song, tỷ lệ này rất thấp và nếu được xử lý kịp thời tại các cơ sở y tế sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Tết cùng bệnh nhân nghèo

Tết cận kề, lúc mọi người nghĩ đến những ngày sum vầy, hạnh phúc bên người thân, có những người khó khăn với căn bệnh nan y ở bệnh viện, không tiền, thậm chí không người thân. Và chuyện những tấm lòng chia sẻ với những người tết không về nhà.

Ông được người đi đường chở vào Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) một ngày đầu tháng 1-2019 trong tình trạng kiệt sức, không nói được, hơi thở rất yếu. Thông tin duy nhất có được từ người đưa ông vào viện: mọi người thấy ông nằm ở công viên Gia Định.

Phận nghèo và bệnh nan y

Ông không có tiền bạc, tư trang gì, giấy tờ tùy thân cũng không. Sau một tuần điều trị, ông cho biết mình tên Trương Vĩnh Hưng (81 tuổi, quê Hải Phòng), vào TP.HCM từ năm 40 tuổi, không có người thân thích nào.

Hiện tại ông cụ đã khỏe hơn, đã đi đứng được một đoạn ngắn. Bác sĩ Trương Thanh Tùng, người trực tiếp điều trị cho ông Hưng, chia sẻ: “Khi vào viện ông rất yếu. Ông bị xơ phổi, giãn phế quản, nhiễm trùng phổi nặng và suy tim rất nặng. Bệnh suy tim cần phải điều trị lâu dài”.

Không nhà cửa, bị tật ở chân, ông làm đủ nghề mưu sinh, một thời gian ông bơm vá xe ở vỉa hè, nhưng rồi tuổi tác lớn dần, bệnh tật hành hạ, ông chuyển sang bán vé số kiếm sống. Ông nhớ mình đang đi bán vé số bỗng dưng bị choáng nhưng vẫn cố đi bán tiếp, đến công viên Gia Định, hơi thở mỗi lúc lại nặng thêm.

“Tôi ngồi, rồi nằm, xong ngất lịm lúc nào không hay. Khi tỉnh lại thì thấy mình ở trong bệnh viện”, ông Hưng kể.

Toàn bộ vé số, tiền trong túi không còn. Các y bác sĩ lo chăm sóc ông mà không nhắc đến tiền điều trị. “Ở đây trường hợp tương tự cũng nhiều. Có người chi phí điều trị gần 200 triệu đồng nhưng cho đến khi ra viện vẫn không có tiền đóng”, bác sĩ Tùng nói.

Ở Bệnh viện Quân y 175 đang có một bệnh nhân rất đặc biệt. Bà tên Hen Soc (52 tuổi), đến từ một bản làng xa xôi thuộc huyện Kaev Seima, tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Sau bốn năm chống chọi với những cơn ho ra máu, tài sản vơi dần nhưng bệnh tình chẳng tiến triển. Có người chỉ dẫn, bà sang Việt Nam, 7 tháng điều trị qua nhiều bệnh viện, bệnh tình thuyên giảm nhưng vẫn chưa dứt.

Bác sĩ Nguyễn Hải Công, người trực tiếp điều trị cho bà Hen Soc, cho biết: “Chúng tôi phát hiện khối u ở phổi, hiện đã tiến hành sinh thiết”.

Ông Somerac Hiep (53 tuổi), chồng bà Hen Soc, đang lo lắng nếu chẳng may kết quả tin xấu đến. Thu nhập chính của gia đình từ rẫy rừng, nhưng phần lớn diện tích đã bán dần, vợ chồng ông chẳng còn biết bám vào đâu nữa. Ông kể: “Y bác sĩ ở bệnh viện vẫn động viên vợ chồng tôi, có người nói khi nào quá sức sẽ kêu gọi mọi người giúp đỡ vợ chồng tôi”.

Những tấm lòng chia sẻ

Đến Bệnh viện Quân y 175, nghe kể chuyện tấm lòng y bác sĩ và những chia sẻ của bệnh viện dành cho bệnh nhân nghèo (kể cả những người dân nghèo nước ngoài).

Mùng 1 tết năm ngoái, một bệnh nhân đi thẳng vào khoa cấp cứu, không giấy tờ tùy thân, bệnh nặng, cần phải lọc máu. Bác sĩ chữa trị, rồi góp tiền lì xì tết, chia sẻ bánh mứt cho người bệnh đón xuân.

Năm nay, cũng có một danh sách dài những bệnh nhân khó khăn đang điều trị nội trú, đang được hỗ trợ từ nguồn quỹ của bệnh viện và sự giúp đỡ từ nhà hảo tâm, y bác sĩ lại phải tính toán kêu gọi sự giúp đỡ cho các trường hợp này.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển – trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho biết có 3 hoạt động chính tết này: gian bếp phát cơm miễn phí cho thân nhân bệnh nhân vẫn hoạt động trong 9 ngày tết với 1.200 – 1.400 suất/ngày; phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính đến thăm và tặng quà cho 200 bệnh nhân nghèo; phối hợp với một bệnh viện trong địa bàn TP.HCM cùng một nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà cho 100 bệnh nhân với trị giá 800.000 đồng/suất.

Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhiều chương trình vui xuân đón tết cho bệnh nhân và thân nhân cũng đang gấp rút thực hiện. Tiêu biểu là các chương trình sau: đến thăm và tặng quà cho 150 bệnh nhân nặng, không thể về quê ăn tết, với mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng và hiện vật.

Chương trình Ước mơ của Thúy tổ chức chương trình văn nghệ “Xuân yêu thương” tại sân bệnh viện và tặng quà cho gần 200 bệnh nhi điều trị tại bệnh viện, tết không về nhà.

Đặc biệt, bệnh viện sẽ tổ chức chuyến xe từ thiện cho bệnh nhân nghèo về quê ăn tết.

Những câu chuyện ân tình tại bệnh viện rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Khi nguồn quỹ dành cho bệnh nhân nghèo nhiều hơn thì cũng là lúc y bác sĩ vơi đi nhiều nỗi lo và an tâm hơn trong cuộc chiến giữ lại mạng sống cho những con người lay lất giữa cuộc đời. (Tuổi trẻ, trang 9).

 

Hoại tử vòng 1 do bơm mỡ nhân tạo

Chiều 10/1/2019, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp biến chứng hoại tử ngực nghiêm trọng do bơm mỡ nhân tạo làm đầy ngực.

Trước đó, chị T.M.N., 31 tuổi ở Sóc Trăng, khi được nghe bạn bè giới thiệu, đến một thẩm mỹ viện ở tỉnh An Giang để nâng ngực. Sau 3 ngày can thiệp, bệnh nhân cảm thấy hai vú bắt đầu sưng đau, co cứng, đau nhức ngày càng tăng. Bệnh nhân đã đến khám cấp cứu và nhập viện tại BVĐK Trung ương Cần Thơ trong tình trạng 2 vú căng cứng sưng đỏ sậm toàn bộ, hoại tử da, biến dạng, nhiều lỗ rò dịch đục xung quanh vú.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được bác sĩ khám, kiểm tra và chẩn đoán Abcess và hoại tử vú, mô tuyến vú hai bên sau bơm mỡ nhân tạo. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Do mô hoại tử xâm lấn xuống cơ ngực lớn, hai vú được can thiệp lấy bỏ gần như hoàn toàn da và mô tuyến vú hoại tử, được đặt hút áp lực âm liên tục. Ca mổ do BSCKI. Dương Công Điền và BS. Nguyễn Công Lập thực hiện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

5 tiếng liên tục nối liền cánh tay đứt rời cho bệnh nhân tai nạn trên đèo Hải Vân

Các bác sĩ của BVĐK Đà Nẵng vừa nối liền cánh tay bị đứt rời cho bệnh nhận gặp tai nạn trên đèo Hải Vân. Ca ghép này có điều gì đặc biệt?

Bệnh nhân Ngô Thị Su Sal 21 tuổi (Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng cánh tay trái bị đứt lìa, phần vai cũng bị dập nát.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, kíp phẫu thuật gồm BS Phạm Trần Xuân Anh Phó giám đốc BV Đà Nẵng, có kinh nghiệm hơn 15 năm ghép các chi, bộ phận đứt rời đã cùng với các bác sĩ ngoại khoa được xem là những “bàn tay vàng” trong phẫu thuật ngoại khoa ghép nối của 2 khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Ngoại bỏng tạo hình của Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành ghép nối cho bệnh nhân.

Điểm khó nhất của ca ghép này là phần đứt lìa bị dập nát chứ không sắc gọn như vết dao cắt. Và phần dập này bắt buộc phải bị loại bỏ mới có thể tiến hành ghép nối. Phần xương cánh tay cũng phải được cắt và rút ngắn gần khoảng 3 phân. Có thể nói, các bước nối động mạch, tĩnh mạch và mạch máu của hệ thống thần kinh đã hoàn hảo. Một điểm khó khác đó là quá trình phục hồi chức năng vận động cho cánh tay sau khi ghép. Theo các bác sĩ, Su Sal có thể sẽ phải trải qua thêm vài lần phẫu thuật mới đảm bảo quá trình phục hồi, thời gian phục hồi chức năng tiên liệu cũng sẽ kéo dài và khá khó khăn.

“Biết là khó để có thể khôi phục cánh tay cho cô ấy, nhưng chúng tôi vẫn cố hết sức. Đây là nỗ lực chia sẻ cuối cùng và hết sức với người bị nạn của các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, vì cô ấy còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước và bối cảnh của vụ tai nạn quá thương tâm…”, Bs Phạm Trần Xuân Anh Phó giám đốc BV Đà Nẵng trải lòng.

Đến sáng ngày 10/1/2019, Su Sal đã tỉnh táo, ăn uống được, thông số huyết động rất ổn, huyết áp và mạch ổn định, cánh tay được nối đã có sắc tố hồng trở lại.

BS Huỳnh Đức Phát, Trưởng Khoa gây mê hồi sức BV Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã thực hiện thành công rất nhiều ca phẫu thuật nối liền chi do tai nạn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thời gian cánh tay bị đứt lìa khỏi cơ thể khá lâu, vùng cơ của cánh tay bị dập nhiều nên tiên lượng về lâu dài thì cần thời gian theo dõi kỹ hơn.

“Ca này phần cơ ngay phần bị đứt lìa dập rất nhiều. Cho nên phải qua 48 tiếng mới đánh giá lại tình trạng nhiễm trùng. Hiện tại, tay mạch máu nối rất tốt, nhưng lo lắng nhất là nhiễm trùng. Thứ 2 là lo phần cơ đó dập nhiều, hoại tử vùng đó cũng cần theo dõi dài”, Bs Phát cho hay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/4/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận