Điểm báo ngày 02/12/2019

(CDC Hà Nam)
Khuyến cáo phòng chống bệnh dịch mùa đông xuân; Cơ chế tự chủ tạo động lực để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân; Kiểm nghiệm thuốc gây tê bupivacaine: 13/16 tiêu chí đạt yêu cầu

Khuyến cáo phòng chống bệnh dịch mùa đông xuân

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

– Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

– Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …

– Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Cơ chế tự chủ tạo động lực để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân

Theo Bộ Y tế, việc thực hiện tự chủ thời gian qua cho thấy, chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và được đánh giá khách quan qua kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019, với chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92/2,5 điểm năm 2017 lên 1,96/2,5 điểm năm 2018.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nhờ thực hiện tự chủ BV

Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế cho biết, hiện đã hoàn thành 21/23 đề án, văn bản pháp quy tại Kế hoạch hành động; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hàng trăm văn bản để thực hiện các nội dung của Nghị quyết, trong đó có một số luật, văn bản hết sức quan trọng, ảnh hưởng sâu, rộng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; các cơ chế, chính sách về tài chính, tự chủ, xã hội hóa về y tế.

Bộ Y tế cũng cho biết, thực hiện cơ chế tự chủ cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình và đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các BV.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 235 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, khoảng 1.200 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Có 26/45 BV trực thuộc Bộ đã tự chủ chi thường xuyên (58% cơ sở khám chữa bệnh).

Các BV thuộc Bộ Y tế quản lý đã giảm chi khoảng 562 tỷ đồng mỗi năm so với năm 2015. Số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh vì chỉ riêng 26 BV tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ đã có hơn 30.800 người với số tiền chi khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm.

Ở cấp địa phương, qua báo cáo của 55 tỉnh, thành thì ngân sách cấp cho BV năm 2018 đã giảm gần 8.900 tỷ đồng so với năm 2015 – năm trước khi tính tiền lương vào giá dịch vụ…

Liên quan đến việc thực hiện tự chủ BV, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định, hoàn toàn không có việc các BV tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, kiểm toán nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này.

Nỗ lực thay đổi thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số BV Trung ương và thành phố. Một số BV như BV K, BV Nội tiết Trung ương, BV Nhi Trung ương đã gần như không còn tình trạng giường nằm ghép. Các BV đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật. Nhiều BV Trung ương, BV tuyến cuối đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, góp phần cứu chữa được nhiều người bệnh hiểm nghèo.

Theo khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, chỉ số hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8% (năm 2017 là 79,6%). Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện trong ngành, tổ chức việc triển khai thực hiện và tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, rõ ràng việc tính chi phí tiền lương vào giá làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế vì chỉ khi BV có bệnh nhân thì mới tạo ra nguồn thu cho BV để có nguồn chi trả lương và các chi phí hoạt động của BV. Vì thế, việc thay đổi thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì mới có thể có nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển.

Về tài chính, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhất là tiền lương phải bảo đảm chi trả thỏa đáng cho cán bộ y tế, cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các BV, đơn vị sự nghiệp công đã tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua BV hoặc đơn vị sự nghiệp cấp trên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Kiểm nghiệm thuốc gây tê bupivacaine: 13/16 tiêu chí đạt yêu cầu

Sau khi tại BV Phụ nữ Đà Nẵng xảy ra những vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng khiến 2 người tử vong, 1 người nguy kịch nghi do thuốc gây tê bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy (bupivacaine 0,5% 20mg/4ml), Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Ông Nguyễn Thành Lâm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, kết quả 13/16 tiêu chí đã kiểm nghiệm đều đạt yêu cầu. 3 chỉ tiêu nữa cần thêm thời gian để thử nghiệm và sẽ có kết quả cuối tuần tới.

Sau tai biến nghi do thuốc gây tê bupivacaine WPW spinal 0,5 heavy của Ba Lan sản xuất khiến 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ nguy kịch tại BV Phụ nữ TP. Đà Nẵng, Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo Sở Y tế Đà Nẵng phải khẩn trương chỉ đạo ngay các cơ sở y tế trên địa bàn, báo cáo tổng hợp những trường hợp có tai biến xảy ra, gửi báo cáo kịp thời về Trung tâm Thông tin và theo dõi tác dụng phụ của thuốc của Bộ Y tế để phân tích, rà soát, xác định nguyên nhân xảy ra từ đâu trên phương diện chất lượng thuốc.

Ông Nguyễn Thành Lâm cho hay, Cục Quản lý Dược đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, trong đó có công ty cung ứng thuốc là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1, yêu cầu khẩn trương có giải pháp thay thế thuốc bupivacaine WPW spinal heavy 0,5% đã trúng thầu để bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký kết theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 và Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế, bảo đảm nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Công ty đã có văn bản gửi cho các cơ sở trên cả nước về việc đề nghị tạm dừng cung ứng thuốc này và đề nghị các cơ sở y tế là tạm dừng sử dụng thuốc này.

“Trong khi cơ quan kiểm nghiệm đang tiến hành kiểm nghiệm thuốc, công ty cũng đã bố trí nguồn thuốc của Pháp – một loại thuốc cũng có chất bupivacaine để dự phòng cho các cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc này trong những thủ thuật”, ông Lâm cho biết.

Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát lại hồ sơ đăng ký lưu hành để đẩy nhanh tốc độ cấp hồ sơ đăng ký lưu hành, bổ sung nguồn cung cho các cơ sở y tế. Cục cũng đã chỉ đạo các Sở Y tế trong danh mục mua sắm trúng thầu cần sử dụng biện pháp mua sắm đấu thầu để bảo đảm nguồn thuốc phục vụ điều trị trong trường hợp cần phải thay thế những thuốc bupivacaine.

Trước đó, ngày 22/11, Cục Quản lý Dược đã có công văn hỏa tốc kèm danh sách 181 loại thuốc gây tê trúng thầu và 18 loại thuốc tiêm gây tê chứa bupivacaine được có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, gửi cho các Sở Y tế. Cục yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phải chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn rà soát việc mua sắm thuốc; các bệnh viện khẩn trương rà soát công tác mua sắm thuốc gây tê có chứa bupivacaine. Trong trường hợp cần thay thế thuốc đã trúng thầu, các đơn vị phải chủ động liên hệ với cơ sở kinh doanh (đã được Cục Quản lý Dược cung cấp trong phụ lục đính kèm) nhằm nhập thuốc kịp thời, bảo đảm đủ thuốc sử dụng. Nếu các đơn vị không lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác phù hợp, thí dụ: mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn…

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc phải khẩn trương rà soát tình hình tồn kho, bảo đảm việc cung ứng thuốc, chủ động tăng cường nguồn cung khi các bệnh viện có nhu cầu thay thế thuốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Thủ tướng chính phủ chỉ thị tăng cường công tác tiêm chủng

Để tiếp tục giữ vững và duy trì những thành quả trong phòng, chống dịch bệnh mà công tác tiêm chủng đã đem lại từ nhiều năm qua; nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, sử dụng vắc xin trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác tiêm chủng.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân.

Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn tiêm chủng an toàn, giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng trên cả nước, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng tại tuyến cơ sở. Tăng cường xã hội hóa công tác tiêm chủng nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống tiêm chủng, tăng thêm các hình thức dịch vụ tiêm chủng, sử dụng thêm nhiều loại vắc xin mới, vắc xin phối hợp.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình bổ sung vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần đổi mới cơ chế tài chính cho tuyến y tế cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn. Khẩn trương khắc phục những khó khăn tồn tại, đầu tư đủ nguồn lực cho công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả các điểm tiêm chủng có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như cán bộ làm công tác tiêm chủng theo các quy định chuyên môn đã ban hành. (Lao động, trang 2).

 

Duy trì điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS

Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) hiện là giải pháp hữu hiệu nhất bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS. Với phác đồ mới, người bệnh sẽ được điều trị thuốc ARV ngay khi phát hiện bệnh, qua đó có cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài và giúp tái hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.

Chị A. (hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) là người đầu tiên tại Việt Nam xác định bị nhiễm HIV (cuối năm 1990). Sau hơn 29 năm điều trị, sức khỏe của chị vẫn ổn định. Cơ quan y tế xác định, chị A. nhiễm HIV từ người chồng. Sau bốn năm nhiễm HIV, người chồng mất, chị hoảng loạn, vì lúc đó nhiễm HIV còn rất xa lạ tại Việt Nam. Nhưng được các bác sĩ động viên, cho nên chị đã đồng ý điều trị HIV. Đến năm 1997 chị bắt đầu uống thuốc ARV và duy trì cho đến nay. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm (Cục phòng, chống HIV/AIDS) cho biết: Sau 29 năm được phát hiện nhiễm HIV, hiện chị A. vẫn đang sống khỏe mạnh nhờ việc tuân thủ điều trị bằng uống thuốc ARV. Các xét nghiệm cho thấy hàm lượng vi-rút rất thấp, dưới ngưỡng phát triển. Kết quả đó có được là do chị dùng thuốc ARV đều đặn kết hợp tinh thần lạc quan, giúp kìm hãm sự phát triển vi-rút HIV.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long: Việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV đã mở ra cơ hội rất lớn cho người nhiễm HIV. Khi nhiễm vi-rút HIV, hệ miễn dịch của con người bị phá hủy. Sử dụng thuốc ARV sẽ giúp kiềm chế được sự nhân lên và phát triển của vi-rút HIV và hệ miễn dịch được phục hồi trở lại; đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như những người bình thường. Việc điều trị bằng thuốc ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động học tập và làm việc như người có sức khỏe bình thường và như vậy, họ tự tin sống hòa nhập với cộng đồng.

Điều trị bằng thuốc ARV kịp thời còn giúp kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp hơn ngưỡng 200 bản sao/ml máu (ngưỡng không phát hiện được vi-rút HIV). Tuy nhiên, HIV không thể loại bỏ hoàn toàn bằng thuốc ARV, vi-rút HIV vẫn tồn tại nhưng sẽ không nhân lên và phát triển mạnh.

Vi-rút HIV vẫn tái hoạt động định kỳ và sẽ nhân lên khi có cơ hội. Do đó, người bệnh khi đã sử dụng ARV phải tuân thủ nghiêm liệu trình bác sĩ đưa ra và phải điều trị suốt đời, không ngắt quãng để ngăn chặn vi-rút HIV tái hoạt động và nhân lên. Khi phát hiện nhiễm HIV, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn điều trị ARV sớm nhất.

Đáng chú ý, các nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy, một người uống thuốc ARV hằng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi-rút ở mức không phát hiện được; không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình. Trên cơ sở đó, các chuyên gia nhấn mạnh, nhiễm HIV giờ đây không còn là “bản án tử hình” như nhiều người bệnh vẫn lo sợ. Người nhiễm HIV, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc ARV kịp thời vẫn có thể sống và cống hiến cho cộng đồng.

Để tiến tới đẩy lùi HIV/AIDS tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo, những người có hành vi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm HIV nên tiến hành việc xét nghiệm sớm HIV. Với những người được chẩn đoán nhiễm HIV, cần sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV định kỳ. Bên cạnh đó, gia đình, xã hội không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS để họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng. (Nhân dân, trang 5).

 

Kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Ngày 1-12, tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ phát động Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm dự…

Phát biểu ý kiến tại buỗi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Việt Nam đang ở chặng cuối để cùng thế giới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Với tổng số 140 nghìn người nhiễm HIV đang điều trị và mỗi năm có khoảng 10 nghìn người nhiễm mới, vì thế, nếu lơ là, HIV/AIDS sẽ bùng phát thành đại dịch. Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra của Tháng hành động, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. (Tiền phong, trang 2; An ninh thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 1).

 

Cứu người bệnh nhờ ghép gan cấp cứu

Các bác sĩ Bệnh viện T.Ư quân đội 108 vừa thực hiện thành công ca ghép gan cấp cứu từ người cho sống để giành sự sống cho anh Nguyễn Tiến Hoàn, 40 tuổi, ở Hà Nội bị suy gan cấp rơi vào trạng thái tiền hôn mê gan, xuất huyết não, đa phủ tạng, viêm phổi. Nếu không ghép gan, người bệnh chỉ có thể sống trong vòng một, hai ngày…

Trải qua 14 giờ kịch tính thực hiện ca ghép gan cấp cứu, bệnh nhân Hoàn đã được ghép gan thành công từ người cho sống. Bệnh nhân đã tỉnh lại hai ngày sau ghép, hồi phục sức khoẻ tốt và hiện tại đã được xuất viện. (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/8/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận