Điểm báo ngày 03/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 03/10/2018

Hà Nội: Gia tăng trẻ mắc cúm A, giám sát tay chân miệng tại 63 bệnh viện; Bình Thuận thông tin về ‘bệnh lạ’ gần nơi khai thác titan; Nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học

 

Hà Nội: Gia tăng trẻ mắc cúm A, giám sát tay chân miệng tại 63 bệnh viện

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng lan rộng, số mắc tăng nhanh, Hà Nội đã yêu cầu tất cả Trung tâm Y tế của 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện, với tần suất giám sát 3-4 lần/tuần…

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 2-10, những tuần gần đây, thành phố ghi nhận trung bình từ 40-50 trường hợp mắc tay chân miệng/tuần, rải rác tại tất cả quận, huyện, thị xã, nâng tổng số mắc từ đầu năm 2018 đến nay lên 1.639 trường hợp.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đống Đa, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… Dù số trường hợp mắc tay chân miệng 9 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng không có trường hợp tử vong, không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp mắc đều ở mức độ nhẹ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến trung ương, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân với tần suất giám sát 3-4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng bệnh, nhất là tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục như: Trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo và các nhóm trẻ gia đình…

Bộ Y tế cũng đưa ra 6 khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thời điểm giao mùa thu đông hiện nay, số trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, trong đó có cúm A gia tăng. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 5-6 trẻ phải nhập viện điều trị cúm A vì bệnh có diễn biến nặng.

Theo các bác sĩ, cúm A là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi rất dễ mắc. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do vậy các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý các dấu hiệu ban đầu của cúm A để đưa con đi khám và điều trị kịp thời. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Bình Thuận thông tin về ‘bệnh lạ’ gần nơi khai thác titan

Ngày 1-10, tin từ Sở TN&MT Bình Thuận cho biết sở này vừa có cuộc họp công bố kết quả kiểm tra an toàn bức xạ và “bệnh lạ” tại khu vực khai thác titan trên địa bàn khu phố Suối Nước, phường Mũi Né, TP Phan Thiết.

Theo ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, từ phản ánh của người khu phố Suối Nước, các cơ quan chức năng đã kiểm tra an toàn bức xạ tại khu vực khai thác, chế biến và khu vực môi trường cận kề.

Qua phân tích mẫu nước tại các ao hồ, giếng khoan dùng tưới cây và sinh hoạt cho thấy các mẫu này nằm trong giới hạn cho phép theo các Quy chuẩn của Việt Nam.

Liên quan đến thông tin phản ánh về “bệnh lạ”như bong tróc móng tay, qua khảo sát các hộ sinh sống tại khu phố Suối Nước ngày 23-9 do Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết chủ trì, không thấy có trường hợp mắc bệnh nào.

Ông Hồ Lâm cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành lien quan tiếp tục theo dõi quá trình khai thác titan trên địa bàn tỉnh. (Pháp luật TP.HCM ngày 2/10, trang 2).

 

Nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học

Ngày 2.10, ngành chức năng của TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) phát hiện thêm một ổ bệnh tay chân miệng (TCM) tại Trường mầm non Nghĩa Phú (xã Nghĩa Phú).

Cùng ngày, nhà trường phối hợp với trạm y tế xã và Trung tâm y tế TP.Quảng Ngãi tiến hành vệ sinh phòng học, phun hóa chất khử khuẩn…

Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã phát hiện 25 ổ bệnh TCM với gần 400 trẻ mắc bệnh.

Đáng lo ngại, hầu hết trẻ mắc bệnh đều ở lứa tuổi mầm non đang theo học ở các trường mẫu giáo, nhà trẻ hay nhóm trẻ gia đình nên khả năng lây lan bệnh rất cao.

Theo ngành y tế Quảng Ngãi, toàn tỉnh đã có 13/14 huyện, TP ghi nhận có ca bệnh TCM, với hơn 1.000 bệnh nhân nhập viện. (Thanh niên, trang 4).

 

Hơn 53.000 trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng: Bộ Y tế yêu cầu khẩn tăng cường chống dịch

Ngày 1/10/2018, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trước tình hình bệnh gia tăng phức tạp khiến hơn 53.500 ca mắc, 6 ca tử vong.

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bộ Y tế cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, sổ mắc cả nước giảm 25,3% số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh chóng trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Các chuyên gia dự báo dịch bệnh TCM cả nước có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện bệnh chưa có vắc xin phòng…(Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/12/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận