Điểm báo ngày 02/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 02/10/2018

Dịch tay chân miệng bùng phát, Bộ Y tế ra công văn khẩn; Đình chỉ thai nghén 289 ca khuyết tật bẩm sinh nhờ sàng lọc; Sổ hồng theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em; Lo ngại gia tăng người mắc bệnh trầm cảm; Cảnh báo kháng kháng sinh…

 

Dịch tay chân miệng bùng phát, Bộ Y tế ra công văn khẩn

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh thành phố khu vực phía Nam.

Ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết: So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

“Dự báo dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh”- ông Tấn nói.

Theo chuyên gia Cục Y tế dự phòng, bệnh  tay chân miệngà bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

“Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời”- Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, ngày 1.10, Bộ Y tế đã ra công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên toàn quốc.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tăng cường truyền thông cho người dân thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch và đồ chơi sạch… Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện…

“Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác”- đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời. (Lao động, trang 3; Nhân dân, trang 5; Công an nhân dân, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 1).

 

Đình chỉ thai nghén 289 ca khuyết tật bẩm sinh nhờ sàng lọc

Riêng tại Hà Nội, năm 2017, qua sàng lọc trước sinh (SLTS), đã đình chỉ thai nghén 289 ca do bệnh lý và khuyết tật thai nhi. Cũng qua sàng lọc sơ sinh (SLSS), đã nghi ngờ 1.225 ca thiếu men G6PD, 49 ca suy giáp trạng bẩm sinh,121 trường hợp tim bẩm sinh…

Theo thông tin từ Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) Hà Nội, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5 – 2% số trẻ mới sinh. Số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ.

Đáng chú ý, số lượng bà mẹ mang thai đến kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế khá cao nhưng nhiều người chỉ đi khám để biết con trai hay con gái, chưa mặn mà với việc khám sàng lọc, chẩn đoán dị tật thai nhi. Ngay cả việc triển khai lấy mẫu máu gót chân trẻ sau khi sinh tại các cơ sở y tế để phát hiện dị tật thường, nhiều bà mẹ cũng chưa ủng hộ vì cho rằng trẻ mới sinh còn non yếu…

Trong khi đó, những đứa trẻ sinh ra không may bị dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Hà Nội cho biết, cả SLTS và SLSS đều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ. Bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này.

Tính từ đầu năm đến tháng 8-2018, tỷ lệ SLTS toàn Thành phố Hà Nội đạt 78,9%, tỷ lệ SLSS đạt 81,1%. Trong năm 2017, tỷ lệ SLTS của Hà Nội đạt 74%, qua đó đình chỉ thai nghén 289 ca do bệnh lý và khuyết tật thai nhi. Tỷ lệ SLSS đạt 83,9%, kết quả nghi ngờ 1.225 ca thiếu men G6PD, 49 ca suy giáp trạng bẩm sinh,121 trường hợp tim bẩm sinh.

Trước thực trạng đó, Hà Nội đặt mục tiêu tăng tỷ lệ SLTS và SLSS trong năm 2018, phấn đấu ít nhất 90% phụ nữ mang thai được tầm soát tối thiểu 4 loại bệnh phổ biến. Đây cũng là một trong những hoạt động để nâng cao chất lượng dân số Thủ đô theo kế hoạch Phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND TP ban hành. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Sổ hồng theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Không chỉ là cuốn nhật ký tiện lợi cung cấp thông tin hữu ích cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sổ hồng theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn là công cụ hữu hiệu hỗ trợ bác sĩ trong quá trình theo dõi và chăm sóc liên tục cho mẹ và trẻ …  (Hà Nội mới, trang 5).

 

Lo ngại gia tăng người mắc bệnh trầm cảm

Hiện nay, số người mắc bệnh trầm cảm đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại, bệnh trầm cảm chủ yếu tập trung ở các lứa tuổi từ 16-27 tuổi và từ 60-65 tuổi … (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cảnh báo kháng kháng sinh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng kháng sinh khiến 700.000 người trên thế giới tử vong mỗi năm, chi phí điều trị tăng hàng chục lần. Ở Việt Nam, thực trạng mua bán và sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong điều trị khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng báo động. Hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng thuốc.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố đã phẫu thuật thành công cho bé gái tên N.T.N.Y. (10 tháng tuổi, ngụ tỉnh An Giang) bị kháng kháng sinh gây thủng thực quản, tràn màng phổi, nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao hơn 7 ngày, ho cơn.

Trước đó, bé từng điều trị kháng sinh tại địa phương suốt 10 ngày nhưng không thuyên giảm. Tại BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm, siêu âm ngực và chụp CT ngực cho thấy khoang màng phổi có lớp dịch dày 14mm, dịch dẫn lưu chọc hút xét nghiệm lợn cợn mủ và nhầy trắng đục, kết quả nuôi cấy dịch màng phổi xét nghiệm đều ra dương tính với 2 loại siêu vi khuẩn Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae. Đây là 2 vi khuẩn đa kháng, kháng tất cả các đĩa kháng sinh nuôi cấy.

Theo Th.S Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Nhi đồng Thành phố, vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae là các loại vi khuẩn nguy hiểm, có khả năng gây bội nhiễm ở phổi, máu và nhiều cơ quan nội tạng khác, việc điều trị hết sức khó khăn. Vi khuẩn này có thể sinh sống trên da người và một số nơi trong môi trường ẩm ướt.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay luôn ở mức cao, tiền thuốc kháng sinh chiếm 33% tổng chi phí điều trị bệnh, thuốc kháng sinh được mua bán một cách dễ dãi, mà nhiều người vẫn ví “dễ như mua rau”.

WHO ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, tức là cứ 3 giây có 1 trường hợp tử vong, lớn hơn cả nguyên nhân tử vong vì ung thư hiện nay. Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kỳ nhóm tuổi nào và bất kỳ quốc gia nào. Trong tương lai, các phương pháp hóa trị hay phẫu thuật sẽ không thể thực hiện được, thậm chí phẫu thuật như mổ xẻ hay viêm phổi nhẹ cũng đe dọa đến tính mạng vì không chống được nhiễm trùng.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Một khảo sát của Bộ Y tế trong năm 2011 cho thấy, ở khu vực thành thị có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi ở nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn – lên đến 91%. Người dân vẫn mơ hồ về mối đe dọa ngày càng tăng từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh đối với sức khỏe. Ghi nhận chưa đầy 30 phút tại cửa hàng thuốc trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) có 6 người dân đến mua thuốc trị bệnh cảm cúm, ho, viêm họng, dị ứng thông thường do thời tiết… Nhân viên cửa hàng bắt bệnh qua vài câu “phỏng vấn” đơn giản.

Theo cảnh báo của WHO, cơ chế kháng thuốc mới đang nổi lên và lan rộng trên toàn cầu, đe dọa khả năng điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường. Danh sách các bệnh nhiễm trùng ngày càng nhiều và đang trở nên khó khăn, phức tạp hơn đối với công tác điều trị, một số trường hợp không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, hoặc điều trị trở nên kém hiệu quả. Hiện tượng dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần kê toa ở một số quốc gia, kể cả mua kháng sinh phục vụ chăn nuôi động vật, gia cầm… sẽ góp phần cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng xấu hơn.

Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TPHCM), để kéo giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, cần sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Riêng đối với nhân viên y tế, cần phòng ngừa nhiễm trùng BV bằng cách rửa tay, khử khuẩn dụng cụ và vệ sinh môi trường đúng quy định; chỉ kê đơn kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn hiện hành; báo cáo đầy đủ vi khuẩn kháng kháng sinh cho nhóm giám sát.

Bên cạnh đó, lực lượng y tế cần hướng dẫn bệnh nhân cách dùng kháng sinh đúng cách, tránh lạm dụng kháng sinh; tuyên truyền, phổ biến cho bệnh nhân về cách phòng ngừa nhiễm trùng như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn, che mũi và miệng khi hắt hơi. Mỗi cá nhân cần phải hiểu đúng để sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm. Đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt việc bán và sử dụng thuốc theo đơn, xử lý nghiêm những cửa hàng, hiệu thuốc làm trái quy định.

Sở Y tế TPHCM vừa khai giảng khóa đào tạo liên tục với chuyên đề “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”. Đây là hoạt động nối tiếp sau khi Sở Y tế chính thức ban hành tài liệu hướng dẫn cách chọn lựa và sử dụng kháng sinh thích hợp dựa vào độ nặng lâm sàng  tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân, cũng như dựa vào tình hình thực tế kháng thuốc của vi khuẩn phân lập được tại các BV đầu ngành trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Siết chặt việc kinh doanh thuốc

Nhằm đảm bảo an toàn trong việc sử dụng thuốc cho người bệnh và đảm bảo chất lượng thuốc cho công tác phòng, chữa bệnh, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố về việc thực hiện kinh doanh thuốc theo đúng quy chế chuyên môn.

Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, chỉ được bán thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện (các cơ sở khám chữa bệnh khác chỉ được mua thuốc phục vụ cho công tác cấp cứu và thực hiện các thủ thuật chuyên môn phù hợp theo phạm vi hoạt động của giấy phép hoạt động), các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và giấy chứng nhận thực hành tốt với phạm vi kinh doanh phù hợp.

Phải thực hiện lưu đầy đủ hồ sơ pháp lý của nhà cung cấp và khách hàng khi thực hiện việc mua và bán thuốc.

Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc, chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn thuốc và thực hiện tư vấn khi bán thuốc không kê đơn; lưu giữ thông tin về đơn thuốc và dữ liệu bệnh nhân để truy xuất khi cần thiết. Những cơ sở kinh doanh thuốc không thực hiện đúng các quy định về chuyên môn dược, Sở Y tế TPHCM sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. (Sài Gòn Giải phóng, trang 3).

 

Số lượt không hài lòng của người bệnh tăng nhẹ

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tháng 9-2018, số lượt ý kiến không hài lòng của người bệnh tăng rõ ở 3 nội dung: dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh, dịch vụ giữ xe, an ninh trật tự bệnh viện.

Trong đó, với 298 lượt ý kiến phản ánh không hài lòng ở nội dung dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và 315 lượt phản ánh không hài lòng ở nội dung dịch vụ giữ xe khi đến bệnh viện khám bệnh là 2 nội dung có lượt khảo sát không hài lòng tăng nhiều nhất so với tháng 8-2018 và cùng kỳ.

Cũng theo Sở Y tế, phần mềm tổng hợp kết quả của hệ thống ki-ốt khảo sát không hài lòng của người bệnh (đặt tại khoa khám bệnh của các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế TPHCM) cho thấy trong tháng 9 có tổng cộng 6.126 lượt ý kiến không hài lòng, tăng  2% so với tháng cùng kỳ năm 2017.

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện chủ động tìm nguyên nhân để cải tiến chất lượng đối với các nội dung có biến động tăng về số lượt ý kiến không hài lòng; phòng quản lý chất lượng cần tham mưu ngay cho ban giám đốc bệnh viện các vấn đề để cải tiến chất lượng, hướng đến phục vụ tốt người bệnh. (Sài Gòn Giải phóng, trang 3).

 

 “Chìa khoá vàng” phát hiện sớm nhất ung thư dạ dày

Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Thống kê khác cho thấy, 70% dân số nước ta mắc vi khuẩn HP – nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư. Cách nào để phát hiện sớm căn bệnh quái ác này?

Nội soi – cách duy nhất để phát hiện sớm ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp. Theo GLOBOCAN (ghi nhận ung thư thế giới) năm 2012 có khoảng 952.000 ca ung thư dạ dày mắc mới, đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư hay gặp. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày xếp thứ 2 về mức độ phổ biến trong các bệnh ung thư (đối với nam giới, chỉ sau ung thư phổi). Với nữ giới, ung thư dạ dày xếp thứ 5.

PGS.TS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Việc chẩn đoán sớm và chính xác là mục tiêu tiêu nhằm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày gây nên. Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ sống sau 5 năm với bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị lên tới 95%.

Theo phân loại của Nhật Bản, ung thư dạ dày sớm là tổn thương ung thư còn ở lớp niêm mạc, chưa xâm lấn xuống lớp dưới niêm mạc dạ dày. “Để phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày, chỉ có cách duy nhất là nội soi kiểm tra dạ dày”, PGS.TS Vũ Trường Khanh khẳng định.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ phát hiện sớm ung thư dạ dày ở Việt Nam rất thấp, chưa đến 10% bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện sớm qua nội soi.

“Tại Nhật Bản, hơn 70% người dân được phát hiện sớm ung thư dạ dày nhờ phương pháp nội soi đối với những người có nguy cơ cao. Còn tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh này ở giai đoạn muộn, phải áp dụng phương pháp phẫu thuật hoặc hóa trị. Trong khi nếu phát hiện sớm thì chỉ cần cắt bớt niêm mạc dạ dày hoặc cắt bỏ polyp là có thể khỏi bệnh”, GS Hidemi Goto, giảng viên tại Khoa Nội tiêu hóa, Trường ĐH Nagoya (Nhật Bản) trao đổi bên lề hội thảo về tiêu hoá mới được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai. Một thông tin khác, cũng tại xứ sở mặt trời mọc này, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư dạ dày ở nước này rất cao, gần như cao nhất thế giới (trên 80%) do họ có chiến dịch sàng lọc phát hiện sớm, tất cả những người trên 40 tuổi đều được sàng lọc.

Trong những năm gần đây, các bác sĩ chuyên ngành Tiêu hoá của Việt Nam nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã được các bác sĩ Nhật Bản hỗ trợ rất lớn trong chuyển giao công nghệ, đào tạo bác sĩ để thay đổi hiệu quả sàng lọc ung thư sớm.

“Ví dụ, để nội soi dạ dày tốt, họ hướng dẫn chúng tôi cho uống thuốc chống tạo bọt để bọt không che tổn thương, bơm căng dạ dày để nhìn rõ tổn thương, chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân”, PGS.TS Vũ Trường Khanh cho hay.

“Ứng phó” với vi khuẩn HP

Một con số thống kê cho thấy, 70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn HP – nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư. Rất nhiều người hiện nay khi đi khám bệnh phát hiện thấy vi khuẩn HP trong đường ruột đã rất hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành Tiêu hoá cũng lưu ý, không phải ai nhiễm khuẩn HP cũng mắc ung thư dạ dày.

TS Nguyễn Công Long – Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi khuẩn HP sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease, chất này phá huỷ thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.

Theo một nghiên cứu mới công bố, tại Hà Nội, cứ 1.000 người có tới 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TPHCM, có tới 90% người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này. Tuy nhiên TS Nguyễn Công Long nhấn mạnh không nên “hoang mang vì con số này”.

“50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày – tá tràng, chỉ rất ít trường hợp mới thật sự tiến triển thành ung thư dạ dày. Điều này là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống (đặc biệt là hút thuốc lá, ăn các thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản…) của người bị nhiễm. Hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng”, TS Nguyễn Công Long nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.

Diệt trừ HP thường sử dụng phác đồ điều trị ba thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, có trường hợp cần phải điều trị nhiều lần bằng những phác đồ khác nhau.

Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…), không có những tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày khi đã được thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết, vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao. Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng, thực thể và được khám bởi bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa.

Hiện nay, y học chỉ ra có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP khá rõ nét là qua đường ăn uống và qua phân. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Để giảm các triệu chứng gây ra của viêm loét dạ dày, TS Nguyễn Công Long khuyến cáo, nên thực hiện việc ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress do công việc cũng như cuộc sống riêng, năng tập thể dục, ngủ đủ giấc rất quan trọng giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi. Bên cạnh đó, cần tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ axit quá cao, tránh rượu bia… bởi nếu không tuân thủ các phương pháp trên thì rất có thể khi đã chữa khỏi, vi khuẩn HP vẫn bị tái phát. Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Theo khuyến cáo, những trường hợp cần diệt vi khuẩn HP để tránh gây hại đến sức khỏe và tính mạng của mỗi người:

– Loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP (vì không diệt HP thì ổ loét dạ dày, hành tá tràng có thể tái phát).

-Chứng khó tiêu chức năng; thiếu máu, thiếu sắt; Viêm teo niêm mạc dạ dày; xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên căn.

– Ung thư dạ dày đã phẫu thuật; ung thư dạ dày đã được cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi. Khối u dạ dày: Adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc.

-Những trường hợp trong gia đình có người bị ung thư dạ dày: Bố, mẹ, anh, chị em ruột.

– Người làm việc ở những môi trường có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày: Khai thác than, quặng… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/11/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận