Điểm báo ngày 03/11/2020

(CDC Hà Nam)
60 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác y tế tại Quảng Nam

60 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng

Chiều tối nay 2-11, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc ghi nhận tại Việt Nam từ đầu mùa dịch lên 1.192 ca, đứng thứ 165/213 quốc gia, vùng lãnh thổ về số ca mắc bệnh. 12 ca mắc mới (BN1181-1192) đều là ca nhập cảnh, được cách ly ngay.

Tuy nhiên, đến 2-11 đã qua 60 ngày cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng (trong đó Hà Nội 78 ngày, TP.HCM 93 ngày không ghi nhận ca bệnh mới). (Tuổi trẻ, trang 5).

 

Rà soát tất cả các kịch bản, chuẩn bị ứng phó với tình huống dịch COVID-19 trong mùa đông

Thời gian qua ngành y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát lại toàn bộ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng chống dịch; rà soát tất cả các kịch bản, chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch trong mùa đông… Điều này được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, chiều 2/11. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Bộ Y tế thành lập 6 đoàn kiểm tra, giám sát công tác xét nghiệm SARS-CoV-2

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên thế giới sắp đạt mốc 47 triệu người, trong đó có 1,2 triệu người tử vong. Mỹ là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất với 9,4 triệu người, hơn 236 ca tử vong. Số lượng người mắc vẫn tiếp tục gia tăng nhanh, chỉ trong 2 tuần qua đã tăng 10% số ca mắc.

Châu Âu hiện đang là tâm dịch của COVID-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này bước vào mùa đông. Nhiều nước châu Âu tái phong tỏa toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các quán cà phê, nhà hàng, quán bar.

Tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua 60 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế) và số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng. Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.

Thời gian qua, cùng với các hoạt động chuyên môn, Bộ Y tế triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn) nhằm kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống COVID-19.

Hiện tại danh sách 1.530 bệnh viện toàn quốc,145 trung tâm cách ly, 6.539 khách sạn từ 3 sao trở lên, 53.839 trường học đã được cập nhật lên bản đồ. Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác, nghiên cứu sản xuất vaccine, ứng dụng khoa học – công nghệ trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận vaccine phòng COVID-19.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các địa phương trong công tác chuẩn bị, đáp ứng với dịch COVID-19, Bộ Y tế đã thành lập 6 đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và đã thực hiện giám sát tại Hà Nội (ngày 30/10). Dự kiến, bộ sẽ tiếp tục thực hiện giám sát tại Nha Trang (3/11) và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/11.

Ngành y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát lại toàn bộ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng chống dịch để cập nhật bổ sung; tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại các bộ ngành, địa phương; tăng cường công tác truyền thông; rà soát tất cả các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch trong mùa đông…

Phải thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận kỹ và thống nhất một số giải pháp phòng, chống dịch cần phải thực hiện nghiêm trong thời gian tới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang theo đúng chỉ thị của Thủ tướng, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu phòng, chống COVID-19. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm.

Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang, đặc biệt tại cơ sở y tế; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; phương tiện giao thông công cộng; cơ sở lưu trú, khách sạn; các cơ sở thực hiện cách ly; bến xe, cảng hàng không, ga tàu; nhà máy, xí nghiệp; các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người… Thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang không chỉ ở những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại mà cả các những thị trấn, thị tứ..

Trên tinh thần “làm từng bước, chắc chắn, đảm bảo an toàn”, các chuyên gia cho ý kiến về việc giao cho các hãng hàng không Việt Nam có phương án cụ thể nhằm tổ chức các chuyến bay an toàn, dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế, các ngành chức năng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo bàn rất kỹ phương án, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ về mở chuyến bay thương mại với một số nước để đón nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, phục vụ mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tinh thần là làm từng bước, chọn nơi an toàn, thận trọng, chắc chắn.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định quyết tâm phải giữ an toàn khi mùa đông đến. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Hà Nội mới, trang 1).

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác y tế tại Quảng Nam

Vệ sinh tốt môi trường sau thiên tai, không được để dịch bệnh diễn ra, không được để dân ăn mỳ gói dài ngày là những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đối với ngành y tế Quảng Nam khi ông dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác y tế trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Quảng Nam ngày 2/11.

Sáng 2/11 đoàn tới Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My, nơi đang điều trị các nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. “Hiện trường các vụ lở đất tang thương lắm, trên mặt đất không còn lại gì ngoài bùn đất” – Bs Trần Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xúc động nói.

Tối 28/10, các nhân viên y tế của TTYT Nam Trà My đã băng rừng đi bộ tới các xã bị sạt lở như Trà Leng (2 điểm), Trà Mai, Trà Vinh… để tìm kiếm các nạn nhân và khiêng họ bằng võng hàng chục cây số tới cơ sở y tế để cấp cứu, phân loại và chuyển những người bị nặng tới BVĐK Quảng Nam.

Có điểm sạt lở trên đất Nam Trà My nhưng TTTT Nam Trà My lại không tiếp cận được do đường bị chia cắt. TTYT Bắc Trà My đã kịp thời chi viện. “Ngay sau khi có tin xảy ra các vụ sạt lở đất trên địa bàn tại những nơi không có dân cư và tại huyện Nam Trà My, Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My đã cử các tổ y tế tới hiện trường phối hợp với quân y thu dung, phân loại bệnh nhân, chuyển những người bị thương nặng tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để mổ cấp cứu kị thời”, Bs Nguyễn Lương Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho hay.

Hiện Trung tâm Y tế Bắc Trà My đang điều trị 9 nạn nhân, họ đã được kiểm tra các vết thương, được điều trị bằng những loại thuốc tốt nhất, đồng thời cũng được trợ giúp về tâm lý, bởi một số bệnh nhân có người thân tử vong hoặc vẫn đang bị mất tích. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Bắc Trà My cũng khẩn trương thực hiện các biệnpháp dự phòng, tiến hành khử trùng tiêu độc tại các địa điểm sạt lở đất, chôn xác gia súc gia cầm để không gây ô nhiễm môi trường.

Các nhân viên y tế của huyện Nam Trà My an toàn, nhưng nhiều người có người thân bị mất trong đợt sạt lở đất vừa rồi. Bs Thu cho hay Trung tâm Y tế Nam Trà My chỉ có một chiếc xe cấp cứu, đang phải hoạt động quá công suất và đang cần thêm một chiếc xe nữa. Máy phát điện 100KVA của Trung tâm đã bị hư hỏng và Trung tâm đang rất cần chiếc máy phát điện khác thay thế.

Các bệnh viện tuyến trung ương tại miền Trung như Bệnh viện C Đà Nẵng, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam sẵn sàng đưa xe cấp cứu, trang thiết bị, nhân viên y tế trợ giúp các Trung tâm Y tế của hai huyện Bắc và Nam Trà My. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng sẵn sàng chuyển cho Trung tâm Y tế Nam Trà My máy siêu âm, máy phát điện 25 KVA và một số trang thiết bị khác theo nhu cầu cụ thể của hai Trung tâm Y tế Bắc và Nam Trà My.

Lãnh đạo các Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Viện Dinh dưỡng có mặt trong đoàn đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Y tế các huyện có thiên tai xảy ra trên địa bàn cần thực hiện tốt các văn bản của Bộ Y tế hướng dẫn công tác y tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ những đau thương, tổn thất mà người dân Quảng Nam phải gánh chịu trong những thiên tai vừa qua, đồng thời biểu dương những nỗ lực của ngành y tế tỉnh trong việc ứng phó với thiên tai, cấp cứu các nạn nhân bị sạt lở đất.

“Các việc cần làm lúc này là vệ sinh tốt môi trường không được để dịch bệnh xảy ra; tăng cường dinh dưỡng cho người dân ở những khu vực vừa có thiên tai, không được để người dân phải ăn mì gói dài ngày; trợ giúp tâm lý cho những người có gia đình bị mất do lở đất và lũ lụt” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Thứ trưởng yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt việc xử lý môi trường theo những văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần rà soát, rút kinh nghiệm để ứng phó với cơn bão số 10.

“Các máy móc, trang thiết bị cần được di chuyển lên những tầng cao hơn tại các cơ sở y tế để không bị ngập. Bảo đảm an toàn cho cơ sở y tế, bảo đảm an toàn các nguồn lực để ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế để ứng phó với thiên tai và chăm sóc sức khoẻ người dân sau thiên tai”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của y tế địa phương để kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính trợ giúp.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã tặng ngành y tế Quảng Nam 25 bộ dụng cụ phòng chống bão lụt, 500 nghìn viên xử lý nước Aquatabs.

Thứ trưởng đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà các bệnh nhân bị thương do sạt lở đất đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My và BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam, một số gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 9 tại xã Tam Phú thành phố Tam Kỳ. Thứ trưởng cũng tới thăm Trạm y tế xã Tam Phú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Hơn 84.000 trường hợp trên cả nước mắc sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2020, cả nước có 84.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong.

Theo chu kỳ dịch bệnh, tháng 11 hằng năm thường là thời điểm sốt xuất huyết tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó hằng tuần cần tổ chức tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy, loại bỏ phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh… Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

* Ngày 2-11, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 26-10 đến 1-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 384 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 169 xã, phường, thị trấn (giảm 68 trường hợp so với tuần trước đó). Lũy tích từ đầu năm 2020 cho đến nay, thành phố ghi nhận 4.883 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 2 trường hợp tử vong. (Hà nội mới, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/8/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận