Điểm báo ngày 04/2/2021

(CDC Hà Nam)
Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch toàn tỉnh Gia Lai, không để dịch lây lan ra cộng đồng; Chạy đua với thời gian để người dân đón Tết an toàn; Chi viện các điểm nóng chống dịch…

 

 Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch toàn tỉnh Gia Lai, không để dịch lây lan ra cộng đồng

Ngày 3/2, Đoàn Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai do đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác công tác phòng chống dịch COVID-19 nhằm ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Cùng tham gia đoàn công tác có các thành viên là chuyên gia y tế dự phòng, xét nghiệm, quản lý môi trường y tế, khám chữa bệnh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, truyền thông…

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng đại điện các Sở, ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Gia Lai…

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 3/2, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đến thời điểm này, ngành y tế của tỉnh đã tập trung điều tra dịch tễ các ổ dịch và truy vết được 5.473 trường hợp, trong đó liên quan tiếp xúc gần với ca bệnh 1.197 trường hợp (F1) và 4.276 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).

Sở Y tế đã huy động 50 cán bộ y tế tăng cường hỗ trợ 3 địa phương là Ia Pa, Krông Pa, Thị xã Ayun Pa, tập trung điều tra xác minh, truy vết các trường hợp có liên quan.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm đã lấy 1.007 mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, cho kết quả là 14 mẫu dương tính, 734 mẫu âm tính, còn 259 mẫu đợi kết quả. Hiện tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh đang tiếp nhận điều trị 14 trường hợp dương tính.

Hiện tại đa số các trường hợp trên chưa ghi nhân các dấu hiệu suy hô hấp và các biến chứng nặng…

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác là chuyên gia y tế dự phòng, xét nghiệm, quản lý môi trường y tế, khám chữa bệnh,… cũng đã có những  trao đổi, hướng dẫn, góp ý đối với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai về công tác tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành chia sẻ, lần đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 trên địa bàn nên địa phương cũng có sự lúng túng.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có chỉ đạo, hỗ trợ rất kịp thời cho tỉnh Gia Lai trong công tác phòng chống dịch. Hiện tỉnh đã có chỉ thị tạm dừng các sự kiện, lễ hội không cần thiết diễn ra trong thời điểm này để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Đồng chí Võ Ngọc Thành cũng cảm ơn những ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác về những mặt đạt được và chưa được của tỉnh Gia Lai trong công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có những vấn đề tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo đồng chí Võ Ngọc Thành, cần có thêm kênh thông tin chính thông, cập nhật thường xuyên, để người dân kịp thời tiếp nhận và có trách nhiệm khai báo.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ với những khó khăn của tỉnh khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại địa phương.

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên tham gia đoàn công tác để tham mưu cho tỉnh có những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Hiện nay dịch đã có vi rút biến chủng, có tốc độ lây lan rất nhanh do vậy tỉnh cần triển khai khẩn trương truy vết thần tốc, kịp thời khoanh vùng, thực hiện cách ly, tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, khi có tình huống kịp thời xử lý ngay, không chờ đợi cấp trên.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Gia Lai kích hoạt lại hệ thống phòng chống dịch toàn tỉnh, triển khai họp BCĐ tỉnh với các huyện, huyện với các xã để có phương án sẵn sàng ứng phó khi có tình huống mới, có thể xử lý kịp thời ngay. Cùng đó, thực hiện truy vết thần tốc các đối tượng F1; đẩy nhanh xét nghiệm, trong đó ưu tiên xét nghiệm cho đối tượng F1.

Đặc biệt, phải chú ý đến vấn đề tiền sử dịch tễ, nếu có trường hợp nghi ngờ, phải xử lý ngay. Về điều trị, các địa phương trong tỉnh cần bố trí cơ sở điều trị, phân luồng để kịp thời xử lý khi có ca bệnh nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 cũng như để điều trị các bệnh nhân nặng.

Về việc triển khai bệnh viện dã chiến, cần phải xây dựng phương án để khi có tình huống kịp thời triển khai ngay; xây dựng lực lượng; số lượng khoa phòng, trang thiết bị, vật tư,…để kịp thời thu dung, điều trị cho các bệnh nhân.

Trước đó, Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chốt kiểm dịch phường Cheo Reo, Thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa; BVĐK tỉnh Gia Lai nơi có bệnh nhân vào điều trị qua sàng lọc đã phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.

Tại BVĐK tỉnh Gia Lai, sau khi nghe Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Bá Mỹ báo cáo sơ bộ tình hình bệnh viện, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý bệnh viện cần đảm báo về cơ số thuốc, vật tư tiêu hao để điều trị cho các bệnh nhân; chú ý công tác phân luồng bệnh nhân, khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ cần đặc biệt chú ý đến tiền sử dịch tễ, thông báo ngay cho trung tâm kiểm soát bệnh tật để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm.

Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, bệnh viện cần sẵn sàng khoa nhiệt đới để thu dung, điều trị nhưng phải có phân khu để tránh lây nhiễm chéo; … (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

 Chạy đua với thời gian để người dân đón Tết an toàn

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, sáng 03/02/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn … (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Chi viện các điểm nóng chống dịch

BYT đã tăng cường nhân lực hỗ trợ toàn diện chống dịch Covid-19 tại Hải Dương và Gia Lai, huy động các chuyên gia truy vết, xét nghiệm và điều trị ca bệnh Covid-19.

Ngày 3.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trong đó, nội dung quan trọng được thảo luận là vấn đề T.Ư chi viện, hỗ trợ các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp. Đội phản ứng nhanh lên đường

Trước diễn biến mới tại Gia Lai, Bộ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long cho rằng đây là khu vực chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu. Bộ Y tế đã cử các đoàn vào “cắm chốt” tại Gia Lai. Sáng 3.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), BV Chợ Rẫy (TP.HCM) đã về hỗ trợ tỉnh này. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Rạng sáng 3.2, Đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy đã lên đường hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Gia Lai. Đội có 3 thành viên: TS-BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (đội trưởng), Th.S-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới và BS CK1 Nguyễn Lý Minh Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu. BS Thắng từng đi hỗ trợ tại Bình Thuận, Tây Ninh; BS Thơ từng đi hỗ trợ tại Bình Thuận.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, cho biết lực lượng quân đội đã tổ chức 2 địa điểm cách ly tập trung tại Gia Lai. Lực lượng quân y trên địa bàn thường xuyên phối hợp với lực lượng y tế địa phương trong phòng chống dịch; khi cần thiết, Cục Quân y sẽ tăng cường chuyên gia vào hỗ trợ truy vết…

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Hải Dương cho hay, với sự hỗ trợ của T.Ư, tỉnh này cũng đã thiết lập BV dã chiến thứ 3 để tiến hành thu dung, điều trị người bệnh, sẵn sàng đối phó trong trường hợp bệnh lan rộng. Hải Dương cũng kiến nghị T.Ư tiếp tục hỗ trợ tỉnh để tiếp tục nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, điều trị. Đại diện tỉnh Hải Dương khẳng định đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, 2 ca ở Cẩm Giàng và Ninh Giang (ghi nhận ngày 2.2) chưa tìm thấy mối liên hệ. Hiện địa phương này đang tập trung khẩn trương truy vết, tìm nguồn gốc lây của 2 ca này.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định đến nay đã kiểm soát được ổ dịch ở sân bay Vân Đồn, còn tại TP.Hạ Long đã phát hiện 3 ca dương tính vào tối 2.2, và các trường hợp này tỉnh phát hiện qua thí điểm xét nghiệm sàng lọc. Tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư thêm dàn máy để nâng cao năng lực xét nghiệm; nâng cao năng lực cách ly… và đặt mục tiêu phấn đấu tới ngày 28 tết sẽ khoanh vùng được tất cả các ổ dịch. Quảng Ninh đề xuất T.Ư hỗ trợ về nghiệp vụ điều trị; đề xuất điều chỉnh quy định về chế độ phụ cấp cho người thực hiện nhiệm vụ chống dịch cho phù hợp.

Thiết lập bệnh viện chuyên biệt

TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), một trong 27 người đầu tiên của BV Bạch Mai có mặt tại Hải Dương tham gia thiết lập, vận hành BV dã chiến, cho hay: “BV Bạch Mai cũng đã từng phong tỏa và cách ly, chống dịch, sau đó tham gia hỗ trợ Đà Nẵng. Bởi vậy, chúng tôi đã có những kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 trong BV. Với sự nhiệt huyết và kinh nghiệm đã có, chúng tôi có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình thiết lập và xây dựng những BV dã chiến”.

Là người trực tiếp giám sát thiết lập toàn bộ hệ thống BV dã chiến số 2 của Hải Dương (đặt tại Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương) trong đợt dịch Covid-19 này, TS Sơn cho rằng, về bản chất, các BV dã chiến cũng là nơi đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho một nhóm bệnh nhân mắc phải các bệnh truyền nhiễm, mà cụ thể ở đây là

Covid-19, trong những tình huống khẩn cấp. Theo TS Sơn, có sự khác nhau giữa lần dịch này so với vụ dịch tại Đà Nẵng, do tình huống bùng phát dịch khác nhau. Như tại Đà Nẵng hồi tháng 7.2020, dịch Covid-19 bùng phát ngay tại các cơ sở y tế khiến nhiều y, bác sĩ nhiễm bệnh, thì việc thiết lập một BV dã chiến phục vụ công tác phòng dịch và điều trị cho các bệnh nhân là vô cùng quan trọng và cấp bách. “Còn với Hải Dương, khi chưa thể xác định chính xác số ca nhiễm trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây thì BV dã chiến chính là nơi tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp nghi nhiễm để theo dõi, điều trị và sàng lọc, giải pháp hiệu quả ngăn dịch lan rộng, đặc biệt là khi vi rút trong đợt dịch này có khả năng lây lan rất nhanh”, TS Sơn lý giải.
“Khi chúng tôi đến Hải Dương để thiết lập BV dã chiến tại Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất ở đây tương đối tốt. Chính vì vậy, việc thiết lập BV dã chiến diễn ra rất thuận lợi. So với các BV dã chiến thông thường dưới 500 giường bệnh, thì ở đây chúng tôi có thể thiết lập trên 500 giường bệnh”, TS Sơn nói. Thông tin từ Bộ Y tế trước đó cũng cho hay, BV dã chiến số 2 tại Hải Dương đã được thiết lập thần tốc, sáng 28.1 khảo sát, tối 29.1 đã có thể tiếp nhận ca bệnh.

Tăng cường nhân lực giỏi

Trước đó, chiều 2.2, sau cuộc họp chống dịch với các địa phương, đánh giá diễn biến dịch tại Gia Lai có những tình huống khó khăn trong truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và nguy cơ xuất hiện ổ dịch trong cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu lãnh đạo BV Bạch Mai tăng cường nhân lực giỏi về Gia Lai, hỗ trợ y tế tỉnh; còn Viện Pasteur TP.HCM có nhiệm vụ hỗ trợ Gia Lai thiết lập đơn vị xét nghiệm Covid-19.

Theo đánh giá của chuyên gia thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Gia Lai hiện là “điểm nóng” về nguy cơ gia tăng ca bệnh do F0 tại đây đã có từ hôm 18.1, và được phát hiện sau đó 14 ngày, có thể đã qua 3 – 4 chu kỳ lây nhiễm. Riêng BV đa khoa tỉnh Gia Lai vừa qua có 1 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, khởi đầu đi khám chuyên khoa tiêu hóa, do đó đã đi qua một số khoa, phòng, tiếp xúc với các nhân viên y tế, trước khi được xét nghiệm xác định là ca bệnh Covid-19 (Thanh niên, trang 1).

 

Ghi nhận thêm 28 bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng

Ngày 3.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 29 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới. Trong đó, 28 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương (16 ca), Gia Lai (5 ca), Quảng Ninh (4 ca), Bình Dương (2 ca), Hà Nội (1 ca) và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Nam. Hiện 48.829 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19. Trong số 1.911 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.461 ca đã được điều trị khỏi; 1.022 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Từ ngày 27.1 (thời điểm ghi nhận ca đầu tiên tại ổ dịch TP.Chí Linh, Hải Dương và H.Vân Đồn, Quảng Ninh) đến nay, đã có 329 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 9 tỉnh, thành: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Hòa Bình, Bình Dương và Bắc Giang.

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng: “Để vừa duy trì công tác chuyên môn, vừa an toàn chống dịch, BV đa khoa Gia Lai cần xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân; phong tỏa khoa phòng mà bệnh nhân Covid-19 đã đến khám; cách ly nhân viên y tế từng tiếp xúc bệnh nhân này”.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, bác sĩ giỏi của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy ngay trong đêm 2.2 đã đi Gia Lai hỗ trợ và trực tiếp tham gia công tác phòng dịch tại BV tỉnh và một số đơn vị y tế. TS Đỗ Ngọc Sơn, sau khi tham gia thiết lập các BV dã chiến tại Hải Dương, cũng đã đến Gia Lai trực tiếp tham gia hỗ trợ y tế địa phương triển khai tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, phòng dịch trong BV (Thanh niên, trang 1).

 

Dịch Covid-19 ở Gia Lai đang có xu hướng lan rộng

Theo UBND tỉnh Gia Lai, dịch Covid-19 ở Gia Lai đang có xu hướng lan rộng và có những diễn biến phức tạpChiều 3.2, đoàn công tác của BYT do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai để tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh này. Cùng tham dự có đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Pasteur TP.HCM, các BV Bạch Mai, Chợ Rẫy. Theo UBND tỉnh Gia Lai, dịch Covid-19 ở Gia Lai đang có xu hướng lan rộng và có những diễn biến phức tạp. Đến chiều 3.2, Gia Lai có 14 trường hợp dương tính với SARS- CoV-2 , dịch bệnh đã lan rộng đến 5 huyện, thị xã, thành phố gồm: Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và Pleiku. Sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, ngành y tế Gia Lai đã tập trung điều tra dịch tễ các ổ dịch và truy vết được gần 5.500 trường hợp; trong đó có liên quan tiếp xúc gần với ca bệnh là 1.197 trường hợp F1 và gần 4.300 trường hợp F2. Tại 17 huyện, thị xã, thành phố đều có đội lấy mẫu và khi phát hiện ca dương tính thứ 14 thì công tác lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục đẩy mạnh. Gia Lai có 33 điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh với khoảng trên 5.000 người. Hiện nay đã tiếp nhận tại 14 điểm với số lượng 1.321 người đang cách ly tập trung.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, cho biết: “Hiện đã truy vết được 259 F1, và hầu hết đều đã được xét nghiệm. Ngành y tế cũng đã truy vết được hơn 1.000 F2. Sắp tới, nếu dịch lan rộng, nếu lấy cả F1, F2 để truy vết thì sẽ xét nghiệm khoảng 3.000 mẫu/ngày. Chúng ta đang thiếu lực lượng lấy mẫu, tuy vậy cán bộ, nhân viên của viện sẽ bám trụ đến cùng ở điểm nóng cho đến khi hết dịch”.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nói: “Chúng tôi đang điều 2 máy tự động tách chiết mẫu hiện đại từ Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM ra giúp CDC Gia Lai nhằm tăng công suất tách chiết mẫu, nhằm giải phóng sức lao động cho kỹ thuật viên xét nghiệm”. Theo ông Lân, kể cả sau này khi có vắc xin thì công cuộc phòng chống dịch còn lâu dài, cần thiết phải có sẵn kịch bản chống dịch để chủ động. Bên cạnh đó, ông Tuyên đề nghị nâng công suất xét nghiệm, ít nhất 3.000 mẫu/ngày. (Thanh niên, trang 2).

 

Hà Nội xét nghiệm diện rộng, chia mẫu cho các cơ sở

Hà Nội sẽ mở rộng vùng và đối tượng xét nghiệm, trong đó, các địa phương đề nghị lấy 1.000 mẫu tại thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, H.Mê Linh) và 8.000 mẫu tại H.Đông Anh. Chiều 3.2, tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.TP.Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh thông báo trong ngày TP không phát hiện ca dương tính mới. Ông Hạnh cho rằng Hà Nội đã xét nghiệm trên 17.000 mẫu, nhưng chỉ có 4 ca dương tính, là chỉ số cho thấy có thể tạm yên tâm. Sau nhiều ngày bị kêu vì chậm triển khai khu cách ly F1, ngày 3.2 Hà Nội đã triển khai khu nhà ở sinh viên ở Pháp Vân – Tứ Hiệp làm khu cách ly, như đợt dịch trước đây. Tuy có những tín hiệu khả quan, nhưng ông Hạnh cảnh báo dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và có khả năng xuất hiện ca F0 mới ngoài cộng đồng.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam à những khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Hà Nội sẽ mở rộng vùng và đối tượng xét nghiệm, trong đó, các địa phương đề nghị lấy 1.000 mẫu tại thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, H.Mê Linh) và 8.000 mẫu tại H.Đông Anh, nên Hà Nội dự kiến sẽ phân bổ mẫu cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã được chỉ định hỗ trợ cho TP.  (Thanh niên, trang 2).

 

Thiếu 13.000 đơn vị máu dịp Tết, Viện Huyết học kêu gọi cộng đồng hiến máu và tiểu cầu

Tết Nguyên đán sắp đến cùng với những ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương đã khiến lượng máu tiếp nhận của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giảm nghiêm trọng. Hiện tại, Viện còn thiếu khoảng 13.000 đơn vị máu để cung cấp cho cấp cứu và điều trị.

Đã có 30 đơn vị xin hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu với hơn 8.000 đơn vị máu dự kiến tiếp nhận. Trong 4 ngày (29/1 – 1/2), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được hơn 1.300 đơn vị máu; trong khi nhu cầu máu các ngày bình thường cần cung cấp là 1.200 – 1.500 đơn vị. Cả tuần trước khi nghỉ Tết (1 – 7/2/2021), Viện cũng chỉ dự kiến tiếp nhận được 3.000 đơn vị máu. Tính đến 9h sáng ngày 2/2/2021, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 7.500 đơn vị máu. Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố (với diện bao phủ xấp xỉ 41 triệu dân).

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Áp lực tiếp nhận và cung cấp máu vào trước, trong và sau Tết luôn là nỗi lo thường trực cho các cơ sở truyền máu; nhất là đối với các chế phẩm có thời hạn bảo quản ngắn như khối tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ 3 – 5 ngày.

Kỳ nghỉ Tết dài và dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã khiến nỗi lo càng trầm trọng hơn. Với kế hoạch tiếp nhận máu hiện tại, Viện còn thiếu khoảng 13.000 đơn vị máu để cung cấp cho cấp cứu và điều trị dịp trước, trong và sau Tết”. Viện Huyết học – Truyền máu TW kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia HIẾN MÁU (đặc biệt là NHÓM O, NHÓM A) và HIẾN TIỂU CẦU từ nay đến hết tháng 2/2021; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần gia tăng lượng máu tiếp nhận trong dịp Tết, đồng thời tri ân người hiến máu trong thời điểm rất thiếu máu (trước và sau Tết Nguyên đán), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương triển khai tặng thêm gói quà tặng xét nghiệm và lì xì cho người hiến máu trong thời gian từ 3/2 – 23/2 (22 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng).

Tại các điểm hiến máu, các biện pháp phòng chống dịch được Viện Huyết học – Truyền máu TW và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận máu thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người hiến máu, người nhận máu, nhân viên y tế và những người làm công tác tuyên truyền, vận động, công tác tổ chức điểm hiến máu.

Trước đó, ngày 7/12/2020, Công đoàn Y tế Việt Nam đã ban hành công văn số 379/CĐYT gửi Công đoàn cơ sở trực thuộc về việc tham gia hiến máu tình nguyện trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hưởng ứng phát động này, ngành y tế của nhiều tỉnh, thành phố và các bệnh viện tại Hà Nội cũng đã dự kiến kế hoạch tổ chức hiến máu. Tuy nhiên, dịch bùng phát cũng khiến các đơn vị này phải ưu tiên công tác phòng chống dịch.

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội ở địa chỉ: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa); từ 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 2 đến thứ 7. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 2).

 

F0, F1 cố tình trốn hoặc không khai báo: Sẽ bị xử nặng

Nghị định 117/2020 và các Điều 240, 295 BLHS đều quy định cụ thể các hình thức chế tài đối với hành vi cố tình trốn hoặc không khai báo y tế. Sáng 1-2, Bộ Y tế phát đi thông báo kêu gọi người dân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam rơi vào đợt bùng phát dịch thứ ba. Rất nhiều tổn thất không thể kể được bằng con số như trường học đóng cửa, lao động mất việc, toàn dân lo âu mất tết.

Có đầy đủ quy định để xử lý

Thế nhưng tới 20% các F0 (bệnh nhân nhiễm COVID-19) khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Cá biệt, có ca F0 và hàng trăm ca F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do: “Tôi rất khỏe, tôi có làm sao đâu”. Pháp luật TP. HCM (trang 6), Sài Gòn Giải phóng (trang 1). 

Những vụ vi phạm gần đây

 Tháng 1-2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines DTH (ngụ huyện Hóc Môn; là BN 1342) để điều tra về tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo Điều 240 BLHS.

Theo đó, quá trình cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines, mỗi chuyến bay sẽ cách ly một khu riêng. Tuy nhiên, trong thời gian bốn ngày cách ly, BN1342 đã vi phạm quy định và di chuyển từ khu này sang khu khác. Từ đó, BN nhiễm bệnh và lây cho BN1347 khi đang cách ly tại nhà.

Tối 1-2, cơ quan chức năng phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) kiểm tra, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 14 người (gồm sáu nam, tám nữ) cố tình không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Nhóm người này tham gia hát karaoke tại quán nằm trong khuôn viên quản lý của khách sạn Vườn Đào, địa chỉ tại tổ 7, khu 4, phường Bãi Cháy.

Ngoài việc sẽ bị phạt hành chính, nhóm người này bị áp dụng biện pháp cách ly có trả phí và gửi thông tin về địa chỉ nơi cư trú. Cơ quan chức năng cũng phong tỏa quán karaoke, xử phạt chủ cơ sở và cách ly các nhân viên phục vụ ngay tại khách sạn Vườn Đào…

Dư luận lo lắng về những trường hợp né khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực tình trạng sức khỏe bản thân, từ đó làm lây lan dịch bệnh cho người thân và xã hội. Vậy về quy định pháp lý hiện có quy định nào để xử ký những “ca khó” này không?

Luật sư (LS) Bùi Viết Nông, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng quy định hiện hành có đầy đủ biện pháp chế tài để xử lý.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế. Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì F0 là người được xác định nhiễm SARS-CoV-2. F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0.

LS Nông nói: Hành vi không khai báo hoặc khai báo gian dối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Về hình sự, theo LS Nông, hành vi trên có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS 2015; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS 2015.

Về hành chính, Nghị định 117/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã có chế tài cụ thể cho hành vi cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối. Theo nghị định này, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh thì tùy từng trường hợp sẽ bị phạt tiền 500.000-1 triệu đồng, 1-3 triệu đồng hoặc 10-20 triệu đồng.

Cũng theo LS Nông, trong bối cảnh hiện nay cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định trên, xử lý nghiêm khắc để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Ngoài ra, mỗi cá nhân, mỗi người dân phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Truyền thông, báo chí phải tuyên truyền về trách nhiệm cũng như hành vi chưa đúng đối với cộng đồng khi không khai báo y tế hoặc khai không trung thực.

Lực lượng chức năng cần ghi nhận, phát hiện sớm nhất có thể các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra phải triển khai giám sát, cách ly chặt chẽ hơn nữa; liệt kê đầy đủ danh sách tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm, kể cả những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bệnh.

TAND Tối cao kịp thời hướng dẫn

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn 45 ngày 30-3-2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

LS Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, nhìn nhận: Công văn này ra đời đã kịp thời hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo hướng dẫn tại công văn thì người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện những hành vi làm lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Đó là hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Ngoài ra, người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS. Đó là hành vi trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam” do Trường ĐH Văn Lang tổ chức ngày 21-1, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Cạnh kênh phổ biến như họp báo, báo in, loa truyền thanh, nhiều nơi đã tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0 kịp thời đưa ra những ứng dụng công nghệ (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch và khai báo y tế.

Hình thức khác là sáng tác bài hát, thơ, vè… cũng đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch. Quận Đống Đa (TP Hà Nội) tuyên truyền bằng hình thức phát thanh lưu động. Các xe máy, xe kéo đi đến từng ngõ ngách để tuyên truyền và phát huy tác dụng như thời chiến. Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) gắn panô trên xe tuyên truyền lưu động để phổ biến các văn bản hướng dẫn khai báo y tế…  (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 6; SGGP, trang 1)

 

Chạy đua với dịch

“Phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn”, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/2.

Hỗ trợ tối đa, kiểm soát dần các ổ dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn…

Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu. Ngay lập tức Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai: Điều Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sang hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm của Gia Lai từ 200 mẫu /ngày lên 1.000 mẫu; Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều chuyên gia của Viện Pasteur TPHCM lên thiết lập thêm 1 labo xét nghiệm tại Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm tại đây. Đồng thời đề nghị ngành y tế Đà Nẵng điều động ngay đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng lên hỗ trợ Gia Lai về công tác truy vết. Sáng 3/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh Gia Lai. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện 2 nguồn lây nhiễm đã từng bước được kiểm soát do xác định trúng tâm dịch ngay từ đầu, triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Dự báo, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian tới. Bộ Y tế tiến hành triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các công ty, khu vực trọng điểm và toàn bộ cộng đồng dân cư ở các điểm có nguy cơ cao. Cả nước đang có 94 phòng xét nghiệm có đủ năng lực khẳng định với công suất hơn 42.000 mẫu/ngày.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã khoanh vùng được, kiểm soát tốt dịch COVID-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, số lượng ca dương tính chưa thể dừng lại tại đây vì hiện nay vẫn còn khoảng 124 ca F1. “Cố gắng đến 28 Tết, Quảng Ninh khoanh vùng được dịch bệnh; đồng thời, cố gắng không có bệnh nhân chuyển biến nặng, không có bệnh nhân tử vong do COVID-19”, bà Hạnh nói.

Hà Nội nâng cao 1 mức phòng chống dịch

Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca dương tính mắc ngoài cộng đồng. Trong đó đáng lo ngại nhất ca công chứng viên mắc COVID-19 (đã xác định được 22 trường hợp F1) có lịch trình di chuyển khá phức tạp, đến cả một số địa phương khác. Hiện Hà Nội đang đẩy mạnh điều tra, xét nghiệm. Tổng số 653 F1 đều đã được xét nghiệm (trừ số 22 F1 phát hiện mới ngày 2/2), tất cả F1 đều được cách ly tập trung. Hà Nội cũng tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp F2 cách ly tại nhà… Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ 17.752 người về từ Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1/11 và người về từ các khu vực có ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5/1, trong đó phát hiện 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngành Y tế Thủ đô đang tiếp tục khẩn trương khoanh vùng, điều tra, truy vết các trường hợp mắc bệnh và những người có liên quan để lấy mẫu sớm nhất, đồng thời tiến hành công tác phong tỏa phù hợp để không ảnh hưởng rộng.

Thêm 28 ca lây nhiễm cộng đồng

Ngày 3/2 Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có thêm 28 ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng. Trong đó tỉnh Hải Dương có 16 bệnh nhân là công nhân tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.  Quảng Ninh có 4 ca là 4 F1 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại Gia Lai thêm 5 trường hợp, trong đó 3 người là F1 liên quan ổ dịch Công ty POYUN, tỉnh Hải Dương; 1 ca bệnh đang được điều tra dịch tễ và 1 bệnh nhân là F1 liên quan ổ dịch huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Tại Bình Dương 2 bệnh nhân đều là F1 của BN1843, BN1801 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết, hiện Hà Nội đã nâng cao hơn một mức công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Theo đó yêu cầu các nhà hàng, karaoke, quán bar, vũ trường, quán game… tạm dừng hoạt động; hạn chế các lễ hội, hoạt động tập trung đông người trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Yêu cầu tất cả các địa phương rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; đồng thời tập trung xét nghiệm các ca F1, F2 trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bằng kinh nghiệm “bắt kịp, truy vết kịp” trong những đợt chống dịch trước đây, toàn lực lượng nỗ lực rút ngắn thời gian truy vết sớm hơn 1 tuần (từ 11 ngày, giảm xuống còn 3 ngày) so với đợt chống dịch ở Đà Nẵng. “Chúng ta đã chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút. Nhờ nỗ lực đó đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của tất cả các cơ quan chuyên môn và địa phương, ổ dịch ở Vân Đồn đã kiểm soát được, ổ dịch ở Chí Linh đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt. Hà Nội vì vậy đã cơ bản kiểm soát được nguồn từ ổ dịch Chí Linh”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nêu rõ: “Muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Một trong những biện pháp sẵn sàng là phải khai báo y tế. Các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra yêu cầu phải khai báo y tế. Trường hợp nào cố tình không khai báo y tế sau khi đã có khuyến cáo sẽ bị từ chối dịch vụ.

Lây nhiễm chủ yếu do không đeo khẩu trang

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết, về đặc điểm tình hình đợt dịch này, các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần (tiếp xúc trong gia đình, không gian kín); chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày); tải lượng virus cao khiến virus lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn. Đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang. Trước nhận định của các chuyên gia “đeo khẩu trang cơ bản vẫn là biện pháp an toàn nhất để phòng, chống dịch bệnh”, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, tất cả các địa phương kiên quyết xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn bà con nhân dân trong vùng dịch nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đón Tết Nguyên đán an toàn. “Muốn làm được điều đó, phải thần tốc hơn nữa, rút ngắn thời gian bắt kịp dịch”, Phó Thủ tướng yêu cầu. (Tiền phong, trang 4).

 

Chủ tịch tỉnh Gia Lai thừa nhận lúng túng khi chống dịch COVID-19

Ông Võ Ngọc Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thừa nhận công tác chống dịch COVID của tỉnh này còn “lúng túng” trong buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác đến Gia Lai làm việc (chiều tối 3/2) về công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tỉnh này đã ghi nhận ít nhất 14 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Đầu buổi họp, ông Thành thẳng thắn thừa nhận việc phòng chống COVID-19 trên địa bàn còn nhiều lúng túng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (ngày 30/1), UBND  tỉnh Gia Lai đã họp, lên phương án toàn bộ; khoanh vùng, truy vết, thảo luận về yếu tố dịch… Cụ thể, 2 bệnh nhân dương tính đầu tiên này bắt nguồn từ Hải Dương về Gia Lai 9 ngày sau mới phát hiện. Từ đây, tỉnh Gia Lai đã khoanh vùng 2 ổ dịch (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa và đám cưới ở xã Ia Trốk, huyện Ia Pa); sau đó phát hiện ít nhất 12 ca dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 liên quan đến 2 ổ dịch này. Tại thị xã Ayun Pa, 3 huyện (Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa) và TP Pleiku của tỉnh Gia Lai đã có người dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Sau khi nghe báo cáo từ các ngành, cũng như những khó khăn của tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói hết sức chia sẻ với tỉnh Gia Lai, do “buổi đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng”, công tác triển khai còn lúng túng, hy vọng không để xảy ra lần 2.

Thứ trưởng nhận định, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, trong khi chủng biến thể mới (ký hiệu B.1.1.7) tốc độ lây lan ra cộng đồng tăng 70% (chủng mới 3 ngày, trong khi chủng cũ 7 ngày) nên Gia Lai nói riêng phải truy vết thật nhanh. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, Gia Lai có khoảng 46% người đồng bào dân tộc thiểu số, nên cần tuyên truyền phù hợp phong tục, tập quán ma chay của họ, để làm việc này hiệu quả cần già làng, trưởng bản, bộ đội.

Để chống dịch, Thứ trưởng yêu cầu Gia Lai phải tuân thủ nguyên tắc “Phát hiện sớm, cách ly nhanh, kịp thời, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực”, cùng với đó đảm bảo phương án “4 tại chỗ”, đặc biệt phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ưu tiên chống dịch.

Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Gia Lai không để dịch chồng dịch; không mải chống dịch COVID-19 mà để bùng phát sốt rét, bạch hầu… Để chống dịch COVID-19 hiệu quả, theo Thứ trưởng phải kích hoạt lại hệ thống chống dịch toàn tỉnh từ thôn, xã; chưa có dịch cũng phải coi như có dịch; đặc biệt là đơn vị y tế; cùng với đó, thần tốc truy vết F1.

Riêng khu vực phong toả, Thứ trưởng nói 100% người dân phải được lấy mẫu xét nghiệm; đề nghị nâng công suất xét nghiệm tại Gia Lai ít nhất đạt 3 nghìn mẫu/ngày, việc này cần huy động Viện Pasteur Nha Trang và TP HCM. Cùng với đó, Thứ trưởng lưu ý Gia Lai phải chuẩn bị thêm khu cách ly, bởi hiện giờ sức chứa ở Gia Lai còn 3,5 nghìn người.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Gia Lai phải tuyên truyền để cơ sở y tế tư nhân phòng chống dịch. Thứ trưởng lấy ví dụ, như người dược sĩ không chỉ đơn thuần là bán thuốc, nếu tham ra chống dịch họ sẽ hỏi sốt ho như thế nào, hay đi từ vùng dịch về sẽ lấy ngay họ tên, điện thoại, báo cơ sở y tế kiểm tra…  (Tiền phong, trang 4).

 

Tăng sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công

Trên cơ sở kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho người dân. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã có hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và ban hành mẫu phiếu khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và nhân viên y tế. Mẫu phiếu này bao gồm sự đánh giá của người bệnh từ khi nhập viện, làm các xét nghiệm, thủ thuật, nằm điều trị, trải nghiệm thái độ nhân viên y tế, kết quả điều trị… và có so sánh với mong đợi. Việc triển khai khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và nhân viên y tế thống nhất trên toàn quốc theo một mẫu là một trong những giải pháp cụ thể bảo đảm mục tiêu cải tiến chất lượng bệnh viện, mang lại sự hài lòng cho người bệnh theo định hướng của Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam.

Ðến nay công tác đo lường sự hài lòng của người bệnh trong các bệnh viện đã trở thành hoạt động thường quy và được thực hiện trên tất cả các bệnh viện từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương, kể cả khối bệnh viện tư nhân. Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng phần mềm trực tuyến khảo sát sự hài lòng của người bệnh và triển khai tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Phần mềm được thiết kế theo hướng thân thiện với người phỏng vấn và cả chính người bệnh, người nhà người bệnh. Phần mềm khảo sát vận hành tốt trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh… Ðây là giải pháp tốt trong việc thu thập, lấy ý kiến người bệnh và cũng là giải pháp hiệu quả giúp các bệnh viện có được kết quả khảo sát một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Số phiếu khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú được các bệnh viện thực hiện tăng dần hằng năm. Ðến năm 2019 đã đạt hơn 500 nghìn lượt, cho thấy toàn hệ thống khám, chữa bệnh đang rất nỗ lực hướng tới sự hài lòng người bệnh. Kết quả phân tích phiếu cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng dần qua các năm, phản ánh tương đối chính xác những đánh giá của người bệnh với hoạt động khám, chữa bệnh. Phần lớn các tuyến bệnh viện có tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng dần theo các năm. Riêng tuyến trung ương, tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú tăng từ 74,83% (năm 2016) lên 90,78% (năm 2019). Ðiều này chứng minh chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở tuyến trung ương ngày càng được nâng cao. Còn tại tuyến tỉnh, thành phố và quận, huyện tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú tuy tăng theo các năm nhưng mức tăng tương đối hạn chế, đòi hỏi lãnh đạo các bệnh viện cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhằm tăng tỷ lệ hài lòng người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.

Trong năm lĩnh vực khảo sát thì người bệnh kém hài lòng nhất về cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh (nhà vệ sinh, nhà tắm, nước uống…). Trong khi đó, thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế là khía cạnh có tỷ lệ hài lòng người bệnh cao nhất. Ðiều này cho thấy ngành y tế đã nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao y đức, tích cực trong việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Qua khảo sát, người bệnh cũng có những ý kiến phản hồi về những điều không hài lòng, chủ yếu về nhà vệ sinh chưa bảo đảm vệ sinh; thủ tục nhập viện phức tạp; an ninh trật tự ở một số nơi không được bảo đảm, vẫn còn hiện tượng trộm cắp; còn hiện tượng nằm ghép; ga giường, quần áo không được thay thường xuyên; căng-tin giá cao, đồ ăn không ngon, thái độ phục vụ chưa tốt…Không chỉ khảo sát người bệnh nội trú, các cơ sở khám, chữa bệnh cũng khảo sát hài lòng người bệnh ngoại trú. Ðến nay, tỷ lệ hài lòng người bệnh ngoại trú cao nhất ở các bệnh viện tư nhân (90,11%), thấp nhất ở bệnh viện bộ, ngành (72,18%) và tuyến quận, huyện (75,9%). Trong khi đó, tuyến trung ương có tỷ lệ này tăng lên một cách rõ rệt, tăng 17,5% (từ năm 2016 đến 2019). Kết quả này cho thấy các bệnh viện đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến thay đổi cách tiếp cận trong việc khám và phục vụ người bệnh.

Khác với kết quả khảo sát hài lòng người bệnh nội trú, tỷ lệ người bệnh ngoại trú hài lòng thấp nhất đối với khả năng tiếp cận. Người bệnh vẫn thấy chưa thuận tiện trong việc tìm kiếm các khoa, phòng khám, chữa bệnh; biển chỉ dẫn, quy trình khám bệnh ở một số nơi còn chưa rõ ràng. Còn các ý kiến phản hồi chưa hài lòng của người bệnh ngoại trú chủ yếu về thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh cũng như thời gian chờ làm cận lâm sàng, chờ nhận kết quả, chờ cấp phát thuốc; nhà vệ sinh chưa bảo đảm vệ sinh; một số nhân viên y tế có thái độ chưa được niềm nở với người bệnh, giải thích về bệnh chưa được tận tình, thiếu ghế ngồi chờ; có tình trạng chen ngang khi khám, chữa bệnh…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, đến nay, việc triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người bệnh đã trở thành việc làm định kỳ tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo đúng tinh thần và nhiệm vụ được giao. Một số cơ sở đã áp dụng kết quả khảo sát hài lòng vào việc cải tiến chất lượng bệnh viện nhằm hướng đến lấy người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một phần không nhỏ các bệnh viện thực hiện chưa nghiêm túc, mang tính hình thức, đối phó các đợt kiểm tra. Ðiều này dẫn đến kết quả khảo sát chưa trung thực, chưa đúng với thực tế tại bệnh viện. Do đó, các bệnh viện cần tiếp tục triển khai khảo sát sự hài lòng người bệnh có chất lượng, trung thực, khách quan, khoa học. Ðồng thời, áp dụng ngay kết quả khảo sát vào việc cải tiến, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho người dân. (Nhân dân, trang 5).

Phan Hạnh tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận