Điểm báo ngày 05/10/2020

(CDC Hà Nam)
32 ngày Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng; Phòng ngộ độc trong trường học: Trách nhiệm không của riêng ai; Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo; Bệnh tay chân miệng gia tăng nhưng thiếu thuốc điều trị

32 ngày Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

Chiều tối 4-10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 và 32 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng. Hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 1.096 người, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.477 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 718 người. Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 1.020 người. Đến thời điểm này, nước ta không còn bệnh nhân nào nặng. Số bệnh nhân tử vong ở nước ta đến nay là 35.

Dù tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất cao. Do đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ban hành Chỉ thị số 21 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, chỉ thị nêu rõ, giám đốc sở y tế các tỉnh thành, y tế ngành, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24-9 về việc phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh thành triển khai các biện pháp phòng chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo các hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan.

Đối với người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh; triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh an toàn; thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh. Bệnh viện phải mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa. Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại bệnh viện và các biện pháp đảm bảo an toàn cho các đối tượng có nguy cơ cao (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

Phòng ngộ độc trong trường học: Trách nhiệm không của riêng ai

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) thông tin, toàn thành phố hiện có gần 2.200 bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể… Ngay từ đầu năm học 2020-2021, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn, vệ sinh thực phẩm; thành lập tổ giám sát, gồm có đại diện ban phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên… để cùng giám sát nguồn thực phẩm cung ứng.

Tại Trường Tiểu học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) hằng ngày tổ chức cho gần 400 học sinh ăn bán trú. Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thanh Hoa cho biết, do điều kiện chưa có bếp nấu, nhà trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng vận chuyển suất ăn đến trường. Quy trình lựa chọn đơn vị cung ứng được triển khai chặt chẽ. Đại diện nhà trường và phụ huynh học sinh trực tiếp khảo sát cơ sở vật chất, năng lực và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm về tính pháp lý, thực tế hoạt động của đơn vị cung ứng, rồi mới quyết định lựa chọn.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) Vũ Thị Hải Ngọc, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn, hai yếu tố chất lượng thực phẩm và đội ngũ nhân viên nấu ăn được quan tâm hàng đầu. Trong đó, nhân viên nhà bếp phải được khám sức khỏe định kỳ, thông tin về tình hình sức khỏe hằng ngày. Nhà trường cũng công khai thực đơn, huy động phụ huynh cùng tham gia giám sát chất lượng bữa ăn tại trường, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra nguồn gốc của các thực phẩm do đơn vị cung ứng cung cấp.

Thế nhưng, không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Ngay trong tháng 9-2020, khi năm học mới vừa bắt đầu, 22 học sinh của Trường Tiểu học Tiên Dương và 11 học sinh của Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu trên địa bàn huyện Đông Anh đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, sốt nhẹ…; một số trường hợp phải nhập viện. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Tiểu học Tiên Dương không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, nhà kho của đơn vị cung ứng đặt gần nhà vệ sinh; khu vực chế biến có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi học sinh ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, khiến vi sinh vật có hại bị nhiễm vào thức ăn gây ngộ độc. Với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Tiếp đến, khu vực bếp ăn, các dụng cụ nấu ăn, quy trình vận chuyển suất ăn phải tuân thủ đầy đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm cao nhất, nếu xảy ra ngộ độc

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó có việc bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh, trong đó có việc thực hiện quy trình cung ứng thực phẩm. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm kiểm soát quy trình này, kiên quyết nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng. Đơn vị nào để xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Để bữa ăn học đường được an toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng rất cần sự chung tay, trách nhiệm của nhà trường, sự giám sát của phụ huynh. Nhà trường cần tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Chỉ cần quan sát, kiểm tra bằng mắt thường, phụ huynh sẽ nhận biết được công đoạn chế biến, dụng cụ chế biến có bảo đảm vệ sinh hay không, thậm chí có thể phát hiện được thực phẩm bị ôi thiu, đổi màu, hay đã hết hạn sử dụng…

Theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên phụ trách nhà bếp. Mặt khác, nhà trường thường xuyên tự kiểm tra chất lượng và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với đơn vị cung ứng. Hiện tại, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai Đường dây nóng: 0243.2321556 hoặc 0911.811.556 hoạt động 24/24 giờ hằng ngày để tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Phụ huynh có thông tin thực phẩm “bẩn” hãy gọi đến đường dây nóng. Cục An toàn thực phẩm sẽ lập tức thanh tra đột xuất và có thể sẽ đến trực tiếp cơ sở để kiểm tra (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo

Nghị quyết số 76 /2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 24-6-2014 tại kỳ họp thứ bảy. Có thể thấy, cùng với  thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, ưu tiên phân bổ nguồn lực và các cơ chế, chính sách cho công tác giảm nghèo…, thì công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế cho người nghèo, người cận nghèo được xem là một “điểm sáng”, kết quả nổi bật trong sáu năm thực hiện Nghị quyết 76.

Theo mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 76, phải bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia BHYT, 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, hơn 90% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYT để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.

Báo cáo  của Chính phủ về kết quả sáu năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội cho thấy, đến năm 2018 đã có 2.308.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, chiếm khoảng 95,3%; đến năm 2019 có 2.327.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, chiếm khoảng 96%, vượt chỉ tiêu đề ra. Có kết quả nêu trên là do phần lớn các địa phương đều xây dựng chính sách giảm nghèo đặc thù và có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo từ các nguồn kinh phí tại ngân sách địa phương và các tổ chức khác, ngoài phần được ngân sách hỗ trợ 70%. Như, tại Hà Nội, thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (không phân biệt có thiếu hụt tiếp cận dịch vụ y tế hay không); ngoài ra còn hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo (tối đa 36 tháng sau khi thoát cận nghèo). Tại tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 riêng của tỉnh cao hơn mặt bằng cả nước, trong đó, ngoài việc hỗ trợ 100% thẻ BHYT  cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ ngày 1-5-2019 đến 13-1-2020, Bình Dương còn có chính sách hỗ trợ BHYT cho nhóm học sinh, sinh viên tới 30% ngoài mức hỗ trợ tối thiểu 30% từ ngân sách Nhà nước, nâng mức hỗ trợ lên tới 60% (học sinh, sinh viên chỉ còn phải đóng 40% kinh phí tham gia BHYT); đối với nhóm hộ gia đình nông – lâm – ngư nghiệp có mức sống trung bình, ngoài phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng theo quy định, được hỗ trợ thêm 70%, nâng tổng mức hỗ trợ lên 100%; đối với thành viên hộ gia đình tham gia BHYT chưa được hỗ trợ từ ngân sách, được hỗ trợ thêm 20%, cho nên chỉ còn phải đóng 80% kinh phí tham gia BHYT; người nhiễm HIV khi tham gia BHYT được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ…

Hay, tại Vĩnh Phúc, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, như: hỗ trợ cho 100% người cận nghèo tham gia BHYT từ năm 2013; hỗ trợ phần cùng chi trả khám, chữa bệnh BHYT, tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo, người bị ung thư, chạy thận nhân tạo khi điều trị nội trú; ban hành Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2015 và 2020; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… Đồng thời, cơ sở vật chất của các trạm y tế xã từng bước được đầu tư nâng cấp. Đến hết năm 2019, đã có 90,2% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 91,4%, hơn 90% số xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 76 đề ra.

Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến huyện được quyền lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện khác trên địa bàn tỉnh mà không cần giấy chuyển viện. Người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời, mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo…

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT vẫn chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng với thủ tục trong khám, chữa bệnh, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT. Nhóm đối tượng người cận nghèo là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nên khả năng tham gia BHYT còn hạn chế, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ tới 70% mệnh giá thẻ. Trong khi đó, nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn người, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT. Các địa bàn nghèo phần lớn thuộc các tỉnh nhận hỗ trợ, phân bổ từ ngân sách Trung ương cho nên việc bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các trạm y tế cấp xã hiện rất khó khăn… Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 76 của Quốc hội đề ra, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo…, hiện các bộ, ngành, địa phương đang tăng cường đẩy mạnh các giải pháp, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT, bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo (Nhân dân, trang 4).

 

Bệnh tay chân miệng gia tăng nhưng thiếu thuốc điều trị

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay toàn địa bàn TP có 6.358 ca bệnh tay chân miệng (TCM). Số ca bệnh TCM trong tuần qua ghi nhận 640 ca, cao nhất trong các tuần tính từ đầu năm đến nay. Đã có 19 quận, huyện có số ca bệnh gia tăng và đang ở mức độ cảnh báo cao.

Hiện nay do trẻ em, học sinh tập trung đi học trở lại, là thời điểm TCM có thể bùng phát, đặc biệt là ở trường mẫu giáo, nhóm trẻ. HCDC khuyến cáo người dân cần vệ sinh tay chân, nhà cửa, đồ chơi cho trẻ sạch sẽ.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 cũng cho biết số ca bệnh vào viện bắt đầu gia tăng. Tuy nhiên, loại thuốc điều trị chống co giật cho TCM là phenobarbita đã hết. Thuốc được nhập về có hạn dùng đến 27.9 và công ty cung cấp thông báo chưa nhập về được.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1), loại thuốc này được sử dụng cho đa số bệnh nhân TCM (từ độ 2A, 2B). Thuốc không chỉ dành riêng chống co giật cho trẻ mắc TCM, mà còn chống co giật cho trẻ sơ sinh và người lớn. Nếu không có thuốc này thì việc theo dõi trẻ TCM vất vả hơn, mặt khác thì phải dùng loại chế phẩm máu (gamma) có chi phí rất cao và nguy cơ ngưng thở do ức chế hô hấp. Bệnh viện đã báo cáo tình hình cho Sở Y tế TP.HCM (Thanh niên, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 31/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận