Điểm báo ngày 16/12/2021

(CDC Hà Nam)
Ngăn ngừa biến thể Omicron xâm nhập qua biên giới Tây Nam; Dịch COVID-19 tại Hà Nội: Vẫn đang trong tầm kiểm soát; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Thích ứng là chưa đủ, cần chủ động kiến tạo và sáng tạo; Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị cách tất cả chức vụ trong Đảng; Sản xuất Monulpiravir tại Việt Nam, nghẽn ở đâu?; Cẩn trọng thuốc ngủ, an thần mùa dịch COVID-19

 

Ngăn ngừa biến thể Omicron xâm nhập qua biên giới Tây Nam

Trước việc Campuchia ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên, nhằm ngăn ngừa biến thể này có thể xâm nhập vào nước ta qua đường biên giới, hiện nhiều tỉnh thành phía Nam đã tăng cường lực lượng chốt chặn để chống buôn lậu kết hợp kiểm soát dịch.

Tại Kiên Giang, ngày 15-12, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh đã nắm thông tin biến thể Omicron xuất hiện ở nước bạn Campuchia. Từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư (giữa tháng 6-2021) tới nay, toàn tuyến biên giới bộ dài 56km của Kiên Giang giáp với Campuchia đã được khóa chặt, không cho người nước ngoài nhập cảnh. Tỉnh đã huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng (quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế) lập trên 180 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới từ Giang Thành qua TP Hà Tiên. Cứ 3 chốt cố định sẽ có 1 tổ tuần tra lưu động túc trực liên tục.

Trong khi đó, ở trên vùng biển từ Kiên Hải ra Phú Quốc và ra đảo Thổ Châu, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang cũng tăng cường tuần tra; cộng với nhiều xuồng cao tốc cỡ nhỏ trang bị động cơ công suất lớn hỗ trợ thêm, chủ yếu vào ban đêm.

Tỉnh An Giang cũng duy trì 210 tổ, chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới dài 96km giáp với Campuchia, trong đó có 15 tổ tuần tra lưu động. Đường biên giới bộ của An Giang với Campuchia có nhiều kênh rạch chằng chịch nên các lực lượng tuần tra phải cơ động bằng vỏ lãi để kiểm soát. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, do đây là thời điểm cuối năm, nên hoạt động nhập lậu hàng hóa qua biên giới diễn ra hết sức phức tạp. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu cũng nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Long An, theo Đại tá Đoàn Văn An, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì 36 chốt cố định, 9 tổ kiểm soát lưu động, huy động gần 600 cán bộ, chiến sĩ tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép kết hợp phòng chống tội phạm. Ngoài ra, còn thường xuyên duy trì trao đổi thông tin bằng các hình thức phù hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới phía Campuchia trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm và phòng chống dịch Covid-19.

Còn ở Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, cho biết đã chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, ngăn chặn biến thể Omicron lây lan vào nội địa. Tây Ninh có 240km đường biên giáp Campuchia, 6 cửa khẩu chính trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam và 10 cửa khẩu phụ nên tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới diễn ra phức tạp, nguy cơ lây lan biến thể Omicron vào nội địa rất cao.

Tại Bình Phước, có đường biên giới giáp Campuchia hơn 260km, với 4 cửa khẩu và hàng trăm lối mòn. Hiện Bình Phước đang duy trì 65 chốt phòng chống dịch Covid-19 cố định tại biên giới, tập trung kiểm soát các cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu, Lộc Thịnh nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép từ Campuchia, xét nghiệm, cách ly đối với người nhập cảnh vào địa phương (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Dịch COVID-19 tại Hà Nội: Vẫn đang trong tầm kiểm soát

Với việc ca mắc COVID-19 ngày một tăng cao, y tế, chính quyền cơ sở ở Hà Nội gặp rất nhiều áp lực. Nhiều trường hợp F0 phản ánh không được đưa đi điều trị, phát thuốc kịp thời.

Quá tải

Ngày 14/12, anh Vũ Đình Phong (40 tuổi, trú tại tầng 16, chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đại diện cho cư dân sống cùng tầng có đơn cầu cứu gửi lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt. Theo đơn của anh Phong, tại tầng 16 có gia đình 4 trường hợp F0 nhưng đến nay, sau 5 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vẫn chưa được đưa đi cách ly hay có biện pháp gì trong công tác phòng chống dịch.

“Tối 8/12, một phụ nữ sống cùng chồng và hai con tại tầng 16 báo với tôi đã bị dương tính SARS-CoV-2. Tôi trình báo lên tổ dân phố, Ban Quản lý toà nhà và toàn bộ cư dân. 10 giờ sáng ngày 9/12, cán bộ y tế phường có lên xét nghiệm COVID-19 cho cả tầng (trừ F0 ban đầu). Ngày 11/12, F0 ban đầu báo cho tôi cả nhà họ đã dương tính. Ngay ngày hôm đó tổ trưởng dân phố có phát trang phục bảo hộ và yêu cầu gia đình F0 chuẩn bị đi cách ly. Tuy nhiên, đã 5 ngày trôi qua, nhưng chính quyền cơ sở, y tế phường vẫn chưa có động thái cụ thể nào để đưa 4 F0 (trong đó 2 trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin) đi thăm khám và cách ly”, anh Phong nêu.

Theo anh Phong, những ngày qua gia đình nhiễm cũng như cư dân trong tầng rất hoang mang, bức xúc, lo lắng không yên.

Trao đổi với PV Tiền Phong trưa 15/12, đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc. Theo vị này, do chưa có thông tin xác nhận chính thức F0 từ đơn vị chuyên môn cao nhất là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nên chưa thể ra quyết định cách ly, điều trị như trường hợp F0. Cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cũng đã có dấu hiệu quá tải, nên rất khó bố trí. “Hơn nữa, hiện nay thành phố có chủ trương điều trị F0 tại nhà. Chúng tôi cho lấy mẫu lại, xét nghiệm nếu khẳng định là F0 sẽ cho điều trị, cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện”, vị này cho biết.

Cũng theo đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt, hiện nay, do F0 tăng cao, áp lực lên hệ thống chính quyền, y tế cơ sở là rất lớn. “Nếu có điều kiện, các phóng viên nên đến tìm hiểu thực tế về việc cơ sở làm việc, ăn, ngủ, nghỉ thế nào trong những ngày này. Rất vất vả”, vị này thông tin.

Một người dân sinh sống trên địa bàn phường Trung Phụng (quận Đống Đa) cho biết, gia đình chị có 8 người. Ngày 9/12 có 1 trường hợp là F0 được đưa đi cách ly điều trị. Ngày 11/12 có kết quả dương tính thêm 3 người nữa, trong đó có một người bị bệnh nền bại não, động kinh (9 tuổi). Theo chị này, từ thời điểm đó, các trường hợp F0 không được đưa đi điều trị, trong khi y tế phường nói tiếp tục chờ vì quá tải, chưa có nơi tiếp nhận. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo phường Trung Phụng cho biết, địa phương đã trao đổi lại, sẽ bố trí đưa các F0 đi điều trị sớm nhất có thể.

Lấy y tế cơ sở làm nòng cốt

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 15/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, số bệnh nhân mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ông Dũng cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Theo đó, từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ngành Y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh. “Chúng ta phải tổ chức thực hiện theo hướng lấy y tế cơ sở làm nòng cốt để chiến thắng dịch bệnh. Quá trình thực hiện vừa làm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức diện rộng toàn thành phố”, ông Dũng nêu rõ.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống (Tiền phong, trang 10).

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Thích ứng là chưa đủ, cần chủ động kiến tạo và sáng tạo

Sáng 15-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM giao ban với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi giao ban.

Bảo vệ người có nguy cơ, giám sát vùng có nguy cơ

Phát biểu tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp và phải ngăn chặn với biến thể mới Omicron. Tại TPHCM, tình hình dịch Covid-19 diễn biến tương đối giống như với thế giới – lúc tăng lúc giảm không ổn định – tuy nhiên, TPHCM đã cơ bản kìm chế số ca mắc, số trường hợp tử vong.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và các quận, huyện, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các đơn vị liên quan. Nổi bật là TPHCM đã triển khai bài bản chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; có từng kế hoạch cụ thể, nêu rõ công việc cụ thể.

Thành phố cũng có chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, có kế hoạch giám sát các nơi có nguy cơ cao. Đồng chí cũng đánh giá cao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron, đưa ra 8 giải pháp cụ thể; huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia phòng chống dịch; củng cố bệnh viện dã chiến 3 tầng, củng cố trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng…

Theo đồng chí, các chiến dịch và kế hoạch mang tinh thần trách nhiệm, là sự sáng tạo từ thực tế phòng chống dịch của TPHCM, nhằm cố gắng tối đa bảo vệ an toàn sức khỏe người dân. Quá trình triển khai đã có sự phối hợp liên ngành, liên đơn vị một cách chặt chẽ. Đó là nền tảng để TPHCM chiến đấu lâu dài trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covdi-19. Trọng tâm các công việc thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM đặc biệt lưu ý đến việc bao phủ vaccine cho người dân.

Trong chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, việc đầu tiên là các quận huyện, TP Thủ Đức phải thống kê, rà soát, nắm kỹ số lượng người có nguy cơ cao trên địa bàn. Từ đó, đưa vào cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, nắm kỹ từng hoàn cảnh, đặc điểm sống, môi trường sống để triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe người dân.

Đánh giá cao ngành y tế đã có 10 lời khuyên dành cho người cao tuổi, trong có lời đầu tiên “hãy ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài”, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, lời khuyên này nghe có vẻ rất phù hợp, nhưng cũng cần xem lại, bởi có khi chính gia đình lại là nơi lây nhiễm do người thân đi từ nơi khác mang dịch Covid-19 về nhà.

Vì thế, phải tính cách bảo vệ người lớn tuổi ngay ở trong gia đình, cần nâng lên một bước là người cao tuổi cũng cần thận trọng khi tiếp xúc với người thân ở trong nhà. Ngược lại, bản thân mỗi người, ngoài bảo vệ bản thân, cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người thân trong gia đình mình – nhất là người lớn tuổi – và cộng đồng.

Đơn cử một dẫn chứng như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ phải được thực hiện một cách thấu đáo bằng lương tâm và trách nhiệm. Đồng thời, chú trọng giám sát vùng có nguy cơ cao như các quận Bình Tân, quận 4, quận 12, huyện Bình Chánh, các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân cư…

Bảo đảm quyền lợi người tham gia phòng chống dịch

Ứng phó với biến thể mới Omicron, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, thế trận y tế ứng phó với biến thể mới phải thực hiện một cách chủ động. Ngoài giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, cần phải chú ý cả đường bộ, đường thủy, làm sao chủ động ngay từ bên ngoài chứ không đợi lọt vô TPHCM mới ứng phó.

Trong việc huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia phòng chống dịch, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cần nghiên cứu có chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thuốc. Tương tự, trong việc huy động y tế tư nhân, bác sĩ tư nhân, cũng phải hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi.

Trả lời câu hỏi TPHCM làm gì trong giai đoạn tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, ngoài các giải pháp đã đề cập ở trên, trong chiến lược về y tế, phải tính đến lực lượng là con người để tổ chức hình thành lên các trạm y tế lưu động, tổ tự quản, bệnh viện dã chiến… Cùng với nhân sự y tế TPHCM và đội ngũ quân y, điểm rất mừng là TPHCM có khoảng 15.000 sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia phòng chống dịch, bổ sung cho y tế cơ sở.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần có quy định rõ ràng về nghĩa vụ và quyền lợi để thu hút sinh viên ngành y, bác sĩ sắp ra trường tham gia phòng chống dịch, sẵn sàng thực hành ở y tế cơ sở. Phải nhanh chóng có chính sách cụ thể đối với y tế cơ sở.  Đối với thuốc điều trị Covid-19, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, TPHCM không thiếu thuốc. Quan trọng là phải quản lý chặt chẽ, có quy trình, có giám sát cụ thể.

Trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị, phải tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi mở lại các hoạt động. Tránh tình trạng mở ra nhưng không kiểm soát kỹ. Đồng chí cũng lưu ý khởi động chiến lược an sinh xã hội cho người dân.

Bình thường mới đòi hỏi lãnh đạo phải có tư duy mới

Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, TPHCM đang ở thời điểm bình thường mới – có nghĩa là sống chung với dịch Covid-19, thậm chí là chuẩn bị tinh thần sống chung với biến thể mới Omicron. Bình thường mới đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải có tư duy mới.

Theo đồng chí, thay vì ngồi than phiền thì cán bộ và người dân cần hành động để vượt qua các vấn đề, vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình. Người lãnh đạo và cán bộ phải thay đổi ngay từ trong tư duy, thái độ, phong cách – kể cả trong lao động, làm việc, học hành, vui chơi và trong lãnh đạo – để vượt qua các thách thức. Tinh thần mỗi người là một chiến binh, đã nói là phải hành động, hành động phải quyết liệt và thần tốc, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu đảm bảo sự bình yên cho người dân trong thời điểm cuối năm và chuẩn bị đón Tết 2022.  Đề cập một số tỉnh thành đang có nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của TPHCM đối với các tỉnh, thành, với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tinh thần là thành phố không chỉ lo cho mình mà phải có trách nhiệm của TPHCM cùng cả nước, vì cả nước (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

Ám ảnh nơi đầu sóng…

“Hương ơi, bệnh nhân này trào ngược”! Tiếng gọi bất ngờ vang lên, nữ điều dưỡng bỏ vội ống tiêm xuống bàn, chạy nhanh về phía cuối phòng hồi sức tích cực 2. Người đàn ông chừng hơn 60 tuổi mắt nhắm nghiền, cơ thể rung lên từng cơn, tiếng tít tít của hệ thống hỗ trợ hô hấp cũng phát ra những âm thanh khẩn cấp hơn…

Rất nhanh tôi thấy bác sĩ nội trú Dương Liên và Đặng Thị Thu Hương, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) thao tác ăn í, một ống nhựa được luồn vào họng bệnh nhân hút đờm dãi. Chừng vài phút sau, bệnh nhân thở nhè nhẹ, không còn những cơn gồng mình như ban nãy. Chưa kịp hỏi thăm về ca xử lí vừa rồi tôi đã thấy bác sĩ Liên thoăn thoắt quay ngược lại phía đầu phòng bệnh. Ở đó, người đàn ông tầm hơn 70 tuổi đang lên cơn co giật. Mắt nhắm chặt, thi thoảng cụ ông lại giật tung phần đầu cổ lên, hai chân liên tục chuyển động dù đã được buộc vào thành giường.

Bác sĩ Liên một tay giữ phần đầu bệnh nhân, một tay giữ ống thở để điều dưỡng Hương thông đờm dãi cho bệnh nhân. Dường như thấy thông số sinh tồn của cụ ông trên màn hình theo dõi có vấn đề, Liên thực hiện một loạt thao tác. Chỉ vài phút chứng kiến những gấp gáp để giữ mạng sống cho người bệnh, tôi có cảm giác mồ hôi túa ra trên cơ thể mình. Nhưng tịnh không thấy sự bất an nào trong ánh mắt những cô gái trẻ đang khoác trên người bộ đồ bảo hộ.

Tôi chợt lặng đi khi nhận ra nơi đây không chỉ có tiếng máy móc hỗ trợ sự sống. “Ông ơi, ông thở đi, nào ông thở nhé, cố lên ông, cháu sẽ rút ống thở để ông thở bằng ô xy nhé”, đó là tiếng Liên đang trò chuyện cùng một bệnh nhân khác. Khẽ mở mắt, rồi cụ ông chớp chớp đôi mi như đã hiểu ý bác sĩ Liên. Cô rút ống thở, thay thế bằng mặt nạ ô xy cho bệnh nhân. Tiếp đó Liên nghe tim, phổi, kiểm tra sức khỏe cho cụ ông rồi với tay đắp lại tấm chăn mỏng lên cơ thể người bệnh, dặn dò ông cố nghỉ ngơi.

Những ngày này bệnh nhân nhập viện liên tục, đông hơn nhiều lần so với trước đây. Khối lượng công việc vì thế tăng lên nhiều lần. “Mỗi lần đi trực cảm giác rất kinh khủng. Mỗi bệnh nhân là một tình trạng bệnh, tính cách khác nhau. Bệnh nhân thở ô xy thở mask luồng khí vào mũi cảm giác khó chịu nên họ thường xuyên muốn dứt dây ra, nếu không ở bên động viên, an ủi bệnh nhân sẽ không chịu thở, khi đó sẽ phải đặt ống thở lại sẽ càng vất vả cho nhân viên y tế hơn và chính bệnh nhân cũng khó qua giai đoạn nguy hiểm hơn”, điều dưỡng Hương vừa nói vừa chăm sóc một cụ bà.

Hương cùng bác sĩ Liên và 5 đồng nghiệp khác được giao phụ trách 30 bệnh nhân nặng, nhiều người thở máy, thở ô xy liều cao, HFNC, có bệnh lí nền. Chăm bệnh nhân lâu ngày giúp cô hiểu tính cách của họ. Có những người qua được giai đoạn nguy hiểm, được rút ống thở, nhưng vì tỉnh táo hơn nên họ có rất nhiều yêu cầu. Một số bệnh nhân chịu khó hợp tác với nhân viên y tế nhưng cũng có trường hợp tinh thần bất an, lo lắng, hoảng sợ nên y bác sĩ rất vất vả. Không ít bệnh nhân phải dùng thuốc an thần, lúc lơ mơ họ có thể giật dây dẫn ô xy hoặc ống thở, mặt nạ thở, xông dạ dày, rút máy thở, nếu nhân viên y tế không kịp thời phát hiện, không đặt lại máy ống thở thì bệnh nhân có thể sẽ ngừng tim, ngừng thở bất cứ lúc nào.

Thâm niên 11 năm làm điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực – nơi được ví là “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, Hương từng chứng kiến rất nhiều ca bệnh nguy kịch. Nhưng với đại dịch COVID-19, cô thực sự thấy mình bất lực khi phải chứng kiến bệnh nhân tử vong trong ca trực của mình. Những bệnh nhân hằng ngày được cô chăm sóc, người nằm ở đây 1-2 tuần, có ca nằm mấy tháng tùy tình trạng bệnh. Phần lớn họ đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, lại kèm theo bệnh lí nền. Chưa kể có những thai phụ không tiêm vắc xin, khi nhiễm bệnh cũng trở nặng khiến khối lượng công việc của nhân viên y tế tăng lên nhiều lần vì phải theo dõi sức khỏe cả thai phụ lẫn thai nhi. “May mắn bà bầu qua khỏi đợt này khá cao, nhưng cũng có những thai phụ phải thở máy, đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) liên tục, hoặc có người đang mang thai 22 tuần đang phải lọc máu thường xuyên”, Hương chia sẻ. Nghĩa nặng, tình thâm.

“Áp lực nhất vẫn là từ bệnh nhân nặng, công việc nhiều, bọn em lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, cố gắng làm tốt nhất cho bệnh nhân nhanh khỏi”, Hương nói. Nhắc đến những bệnh nhân tử vong, Hương im lặng vài chục giây, giọng nghẹn lại: “Có những đợt thực sự ám ảnh. Nghĩ lại buồn và thương nhiều lắm. Trong đầu em vẫn nhớ như in nhiều bệnh nhân không qua khỏi. Có một số trường hợp để lại trong em day dứt không nguôi. Cô ấy còn trẻ, mới 28 tuổi, ở Hà Nội, không tiêm phòng, mang thai gần 30 tuần. Trước khi bạn ấy ra đi thì thai nhi mất vì sinh non”, Hương lấy tay khẽ lau những giọt nước mắt. Hơn ai hết, cùng trang lứa, cùng có con nhỏ, lại hằng ngày chăm sóc bệnh nhân, Hương coi cô ấy như chị em. “Khi bạn ấy ra đi em là người trực tiếp thay mặt gia đình khâm liệm. Hình ảnh cô ấy làm em rất đau lòng, khi ra đi không có người thân nào bên cạnh”, giọng Hương nghẹn lại, cảm giác nỗi đau, mất mát vẫn còn hằn trong đôi mắt cô gái trẻ.

Cũng như cô gái xấu số đó, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đều lặng lẽ “đi” vào ban đêm. Họ hấp hối không nói được gì vì bệnh nặng, thường đã hôn mê lâu ngày. Thậm chí, những bệnh nhân tỉnh táo hơn cũng rất khó nói vì đặt ống thở ở cổ họng. Không ít bệnh nhân khi vào viện còn hơi tỉnh táo, nhưng nặng dần lên rồi vĩnh viễn lìa xa cuộc sống mà không một lời trăng trối. Có gia đình cả bố mẹ cùng nằm viện, có trường hợp cả hai vợ chồng không qua khỏi. Khi ấy cả kíp trực cùng nhau xúm vào lo cho bệnh nhân. Đã bao năm làm việc nơi sinh tử cận kề, chứng kiến nhiều sinh mạng rời xa cõi trần, nhưng với Hương cảm giác lần đầu chứng kiến và bây giờ không khác nhau mấy… Cái chết, có lẽ không là sự ám ảnh của riêng ai. Càng chứng kiến nhiều nỗi đau, cô gái nhỏ nhắn càng muốn cố gắng chăm sóc bệnh nhân tốt nhất để cứu được thêm nhiều sinh mạng, mang họ về với gia đình. “Đó là hạnh phúc nhất của em và các đồng nghiệp”, đã nghe trong giọng nói của cô niềm hi vọng và sự tự tin (Tiền phong, trang 8).

 

Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Ngày 15-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật các nguyên lãnh đạo gồm:

Ông Cao Minh Quang – nguyên ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên đảng ủy viên, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế.

Đại tá Phạm Thái Sơn – phó chủ nhiệm Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, nguyên tỉnh ủy viên, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh.

Ông Đàm Quang Vinh – tỉnh ủy viên, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, bí thư Đảng ủy, chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.

Ông Lê Hùng Sơn – tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy:

Ông Cao Minh Quang khi giữ các chức vụ đảng ủy viên, ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc của Đảng, quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lưu hành thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ, để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và xã hội.

Những vi phạm của ông Quang đã ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành y tế và cá nhân ông.

Đại tá Phạm Thái Sơn khi giữ chức vụ tỉnh ủy viên, phó bí thư Đảng ủy, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh đã vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao, quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, Luật phòng, chống tham nhũng, quy định của Bộ Quốc phòng về trách nhiệm người chỉ huy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, quân đội và cá nhân ông.

Ông Đàm Quang Vinh, tỉnh ủy viên, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, bí thư Đảng ủy, chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai, đã sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước; thiếu trung thực trong báo cáo, kê khai lý lịch để được kết nạp vào Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên, vi phạm về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, quy định về những điều đảng viên không được làm.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, trong kiểm điểm tự phê bình còn giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận khuyết điểm. Những vi phạm của ông Đàm Quang Vinh là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền, ngành thanh tra tỉnh Lào Cai và cá nhân ông.

Ông Lê Hùng Sơn với cương vị là tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm của Ban thường vụ Huyện ủy Cô Tô; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp ủy viên.

Những vi phạm của ông Lê Hùng Sơn gây dư luận rất xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm mất uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông.

Vi phạm của các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị công tác và của mỗi cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định:

Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn và Đàm Quang Vinh.

Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Minh Quang và đại tá Phạm Thái Sơn.

Giao các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ đối với các cá nhân nêu trên theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Tuổi trẻ, trang 4; Tiền phong, trang 2).

 

Sản xuất Monulpiravir tại Việt Nam, nghẽn ở đâu?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay đã có 44 tỉnh thành triển khai chương trình điều trị có kiểm soát bằng Monulpiravir, trong khi vào thời điểm đầu tháng 11 mới có 32 địa phương.
Số lượng người bệnh có nhu cầu/chỉ định sử dụng cũng tăng lên, nhưng thuốc nhập về cho chương trình điều trị có kiểm soát lại hạn chế nên nhiều người mắc COVID-19 (F0) cần thuốc không được nhận thuốc điều trị.

Tỉnh Cà Mau vừa có thông báo cần 40.000 liều Monulpiravir, TP.HCM cần thêm 100.000 liều nhưng mới được nhận 25.000 liều…

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết hiện có 5 – 6 doanh nghiệp dược sẵn sàng sản xuất thuốc này nếu thuốc được cấp số đăng ký. Khi đó, số lượng thuốc sản xuất hoàn toàn đủ nhu cầu điều trị.

Tuy nhiên hiện đang có vướng mắc về thủ tục pháp lý khi Luật dược hiện hành đang có quy định rất chặt về đăng ký thuốc mới, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sửa đổi điểm tắc nghẽn thì Bộ Y tế mới có thể cho đăng ký thuốc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức của Bộ Y tế cho biết mong muốn cấp phép thuốc sớm nhưng nhiều quốc gia đang phải nghiên cứu thêm trước khi quyết định cho phép sản xuất thuốc, do khi mở rộng thử nghiệm hiệu quả của thuốc lại không tốt bằng khi thử nghiệm quy mô nhỏ.

Trả lời về việc nhiều tỉnh thành đang thiếu Molnupiravir, quan chức này cho biết hiện còn 600.000 – 700.000 liều Molnupiravir được tài trợ. Số thuốc này đang được cấp cho các địa phương, trong thời gian đó cơ quan chức năng phải nhanh chóng cho tiến hành các thủ tục pháp lý (Tuổi trẻ, trang 13).

 

Cẩn trọng thuốc ngủ, an thần mùa dịch COVID-19

Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến người mắc các bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… tăng mạnh, họ đã tìm đến thuốc ngủ, thuốc an thần để giải tỏa và dần lệ thuộc thuốc gây nhiều hệ lụy.
Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nếu không sớm kiểm soát.

Thuốc thay đổi cơ thể

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.

Sau dịch COVID-19 nhiều người trong đó có nhiều bạn trẻ cho biết bị rơi vào trạng thái trầm cảm, do áp lực về kinh tế, khó khăn trong công việc, nỗi lo những người thân trong gia đình mắc COVID-19… dẫn đến lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần. Sau một thời gian dùng thuốc mới nhận ra cơ thể mình có nhiều thay đổi.

Anh A.T. (TP.HCM) cho biết dịch COVID-19 khiến anh mất ngủ liên tục, do vậy suốt nhiều tháng qua anh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần thường xuyên. Sau một thời gian, cảm thấy cơ thể ngày càng mệt mỏi tồi tệ, béo lên nhiều, không muốn đi làm, không khiêng vác được các vật nặng, thường xuyên đau ốm.

“Tôi cảm thấy cơ thể hoàn toàn thay đổi khi dùng thuốc, tính tình cũng thay đổi, dễ nổi cáu, không còn vui vẻ hòa đồng như trước đây”, anh T. tâm sự.

Còn anh V.D. (TP Thủ Đức) cho biết sau khi thấy mình có biểu hiện bị trầm cảm, anh sử dụng thuốc ngủ, kèm theo thuốc chống trầm cảm thời gian dài, thời gian đầu cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh nhưng những tháng gần đây thấy cơ thể ngày càng yếu.

Anh thường xuyên không ăn được cơm, không còn hứng thú với công việc, chuyện chăn gối, người luôn trong trạng thái mệt mỏi buồn chán, thậm chí đã từng nghĩ đến cách tự tử.

Nhiều người cho biết sau khi dùng nhiều thuốc ngủ, thuốc an thần được một thời gian cảm thấy cơ thể gần như rệu rã không còn sức sống, không kiểm soát được cảm xúc.

Dễ mua, uống tràn lan

ThS.BS Trần Tuấn Thành, khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có lạm dụng thêm các thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm.

Không chỉ thuốc chống trầm cảm, nhiều người còn lạm dụng luôn các thuốc khác như đông máu, huyết áp, đái tháo đường… mà không có kê đơn. Các bác sĩ phải khai thác kỹ bệnh sử, xét nghiệm tầm soát để điều chỉnh lại lượng thuốc bệnh nhân đã sử dụng.

Bác sĩ Thành cho biết hiện nay do tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân hay ra các tiệm thuốc tìm mua thuốc an thần, thuốc ngủ… Tuy nhiên, nhiều nơi lại không tư vấn cho người bệnh mà bán bất chấp.

“Thuốc trầm cảm, thuốc ngủ trong đó sẽ có các chất dẫn truyền thần kinh giúp tạo cho người bệnh có cảm giác hưng phấn, bớt suy nghĩ tiêu cực hơn.

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân dùng thuốc lâu dài khi dừng đột ngột bệnh nhân sẽ dễ rơi vào trạng thái “cai”, dẫn đến người bệnh quay về cảm xúc tiêu cực, ăn nhiều, không kiểm soát được cảm xúc.

Các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay bắt buộc phải kê đơn, được sự chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng sau này sẽ gây ra rất nhiều hệ quả như: mất ngủ, hoang mang, lo sợ, nhiều thứ kèm theo”, bác sĩ Thành cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết trầm cảm là vấn đề về tâm lý, do đó cốt lõi của vấn đề là giải tỏa tâm lý cho người bệnh, phải tư vấn tâm lý cho người bệnh, thuốc không thể giải quyết hết các vấn đề về trầm cảm.

“Khi gặp các vấn đề về trầm cảm, cách tốt nhất là người bệnh phải được đến các bác sĩ khám, tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Đến nay các phương pháp châm cứu, xoa bóp, dược liệu… chỉ có tác dụng hỗ trợ, giảm nhẹ cho người bệnh. Người bệnh phải đến các cơ sở uy tín để thăm khám, bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực đó sẽ đưa ra lời khuyên”, bác sĩ Tuyên khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 13).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/11/2020

CDC Hà Nam