Điểm báo ngày 05/8/2021

(CDC Hà Nam)

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết liệt bảo vệ “vùng xanh” là chìa khóa thành công chống dịch ở Thủ đô; Bệnh viện quá tải, bác sĩ nhiễm Covid-19 tự điều trị tại nhà để nhường chỗ cho bệnh nhân; Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; Xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp vắc xin Covid-19 ‘Made in Vietnam’ Nanocovax; Vượt qua cửa tử…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết liệt bảo vệ “vùng xanh” là chìa khóa thành công chống dịch ở Thủ đô

Sáng 4-8, sau khi thị sát thực địa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch thành phố Hà Nội.  Phó Thủ tướng đánh giá Hà Nội luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, tuy nhiên, thành phố đã có quyết định rất kịp thời, đúng thời điểm khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ…

Quyết sách đúng, sáng tạo…

Tại buổi làm việc với Sở chỉ huy phòng chống dịch của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội đến giờ phút này, luôn là địa bàn có nguy cơ cao nhất, giữ được thế này là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống, nhân dân Thủ đô”.

Kết quả đó là nhờ những quyết sách đúng, sáng tạo của thành phố; thường xuyên trao đổi với Trung ương, các bộ ngành chuyên môn, là minh chứng cho cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương.

“Khi các đồng chí lãnh đạo hỏi, tôi đều khẳng định các quyết định của Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Trung ương đều hết sức ủng hộ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý tình hình trước mắt còn nhiều phức tạp, chủng virus lây lan nhanh. Từ đó, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi ngoài các nguyên tắc cụ thể đã được đặt ra từ đầu vẫn còn nguyên giá trị thì cần thêm những biện pháp gì?

Theo phân tích của Phó Thủ tướng tại buổi kiểm tra, quận Hai Bà Trưng có đề nghị kéo dài thêm giãn cách xã hội để xử lý triệt để dịch bệnh và nêu rõ: “Việc giãn cách từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 14 phải làm những gì mỗi ngày, người dân được làm gì, tuân thủ gì phải rõ ràng nếu không sẽ rất khó làm. Các đồng chí đã làm rồi nhưng cần quyết liệt, triệt để hơn. Cần có cơ chế tiếp thu ý kiến phản ánh người dân thì mới rõ được các việc”.

Về các giải pháp hiện nay, Hà Nội cứ thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là đủ. Do thực hiện không nghiêm nên mới phải điều chỉnh.

Công tác chống dịch “thần tốc” nhưng phải “chắc” để không phải thay đổi để giữ sức cho lực lượng tuyến đầu, đồng thời tạo điều kiện cho người dân sớm hoạt động bình thường. Phó Thủ tướng nêu, cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra mà tốt nhất là từ phản ánh của người dân.

Đặc biệt lưu ý về việc phát động mô hình “vùng xanh” an toàn chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chống dịch như chống giặc… đây là ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân… Việc bảo vệ Hà Nội- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng.

Chính vì thế, Hà Nội cần phân định rõ ràng hơn trách nhiệm, kiểm soát triệt để hơn, có cơ chế tiếp thu ý kiến của người dân; luôn có phương án dự phòng, chủ động trong mọi tình huống; truy vết chỗ nào chắc chỗ đó, không bỏ lọt.

Ngay từ khi vùng đỏ đang có ít, thì bảo giữ bằng được, bảo vệ bằng được “vùng xanh”. “Tôi tin nếu làm tốt việc phát động vùng xanh ở từng khu, từng cụm sẽ là chìa khóa thành công” – Phó Thủ tướng nói.

Trao quyền chủ động cho cơ sở

Từ thực tế khi trao đổi với cơ sở trong buổi kiểm tra thực địa sáng 4/8, Phó Thủ tướng khẳng định, công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trong, quyết định thành bại của chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội xem lại năng lực xét nghiệm từ máy móc đến việc cải tiến quy trình để nâng công suất, chủ động triển khai phần mềm để liên thông kết quả xét nghiệm của các đơn vị; huy động toàn bộ lực lượng bệnh viện tư nhân tham gia…

Phó Thủ tướng tin tưởng vào trí lực của Thủ đô để làm được việc này và chỉ đạo “cơ sở nào có năng lực, máy móc xét nghiệm PCR cứ triển khai, chỉ cần CDC Hà Nội khẳng định làm được thì triển khai ngay, giấy phép nộp lên bộ sẽ xử lý sau”.

Việc cần làm ngay là thực hiện xét nghiệm nhanh không dùng lực lượng nhân viên y tế mà “hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu. Đây là việc rất đơn giản, người dân làm được thì lực lượng y tế sẽ tập trung nhân lực cho nhiệm vụ chuyên môn chống dịch”.

Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần rà soát lại năng lực xét nghiệm, nhanh chóng tìm phần mềm để liên thông kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị thực hiện xét nghiệm từ cấp xã phường lên đến Thành phố.

Phó Thủ tướng đánh giá cao TP đã chú ý đến các đối tượng shipper, chợ, siêu thị, nhà trọ… và cho rằng đơn vị, doanh nghiệp lớn của Trung ương trên địa bàn phải thực hiện nghiêm hơn nữa giãn cách theo quy định của TP, như thế mới hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, Hà Nội cần tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất hiện có để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; Bên cạnh đó, cần trách nhiệm, sáng tạo, nắm bắt thực tế, kết hợp với những hướng dẫn chuyên môn của các bộ ngành để vận dụng linh hoạt, phù hợp hơn với từng địa bàn, để bảo vệ an toàn cho Hà Nội. Hà Nội đang thực hiện tốt chỉ thị 16, và đang có thời gian để bình tĩnh xử lý mọi tình huống.

“Hà Nội cần nỗ lực, giữ được yên, làm việc với tinh thần cao nhất bảo vệ Thủ đô, sau đó sẽ có vai trò như “anh cả” chi viện cho các tỉnh thành khác, quét sạch dịch bệnh”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định các phần việc cụ thể sẽ được TP triển khai ngay lập tức trên tinh thần quyết tâm cao nhất.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn sát sao với công tác phòng chống dịch, thường xuyên chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra cơ sở nhằm chấn chỉnh để công tác phòng chống dịch bệnh của TP tốt hơn nữa và đề ra các giải pháp kịp thời phù hợp với thực tiễn.

“TP sẽ có tổng đài hỏi đáp để ghi nhận trả lời phản ánh của người dân, kể cả điều phối hoạt động giữa các tầng điều trị và quyết tâm cao nhất để bảo vệ thành quả chống dịch ở Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP cho biết. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Bệnh viện quá tải, bác sĩ nhiễm Covid-19 tự điều trị tại nhà để nhường chỗ cho bệnh nhân

Số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong liên tục tăng vọt ở Indonesia, các nhân viên y tế đang chịu gánh nặng áp lực công việc đến suy kiệt, nhưng virus không “tha” cho bất kỳ ai, chính bản thân họ cũng bị lây nhiễm. Anh Irman Pahlepi, 30 tuổi, bác sĩ tại bệnh viện Suyoto ở Thủ đô Jakarta, Indonesia dù hai lần nhiễm Covid-19 nhưng đã quay trở lại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân ngay sau khi tự chữa khỏi bệnh cho chính mình.

Áp lực công việc quá tải khiến bác sĩ dễ bị lây nhiễm hơn

“Chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân phải điều trị so với năm ngoái. Số lượng bệnh nhân Covid-19 hiện nay cao gấp 4 lần so với thời kỳ tăng đột biến cao nhất trước đó vào tháng 1-2021. Các nhân viên y tế đều phải cố gắng hết sức” – bác sĩ Irman Pahlepi cho biết. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã có ngày chết chóc nhất với 2.069 người tử vong vì Covid-19 vào hôm thứ ba tuần trước và hiện số ca tử vong vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 2-8, tổng số ca nhiễm được báo cáo chính thức là hơn 3,4 triệu ca với 97.291 trường hợp tử vong, tuy nhiên, con số thực có thể còn cao hơn đáng kể bởi nhiều người tử vong tại nhà.

Trong khi các quốc gia Đông Nam Á phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới do biến thể Delta siêu lây nhiễm, tỷ lệ tử vong của Indonesia chỉ đứng sau Myanmar và cao hơn nhiều so với tỷ lệ cao nhất của Ấn Độ trong đợt bùng phát hồi tháng 5 vừa qua. Trong số những người thiệt mạng ở Indonesia có hơn 1.200 nhân viên y tế, bao gồm 598 bác sĩ. Nhiều nhân viên y tế bị kiệt sức bởi khối lượng công việc liên tục quá tải. Và không ít bác sĩ đã bị lây nhiễm, như bác sĩ Pahlepi. “Chúng tôi lo lắng về khối lượng công việc quá tải kéo dài trong thời gian dài, có thể gây ra tình trạng kiệt sức. Sự mệt mỏi này đã làm giảm khả năng miễn dịch của các nhân viên y tế, khiến họ dễ bị lây nhiễm hơn” – Bác sĩ Paranadipa nói.

Thừa nhận những rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin ngày 2-8 cho rằng, hiện ưu tiên hàng đầu là tiêm vaccine tăng cường liều thứ 3 cho các nhân viên y tế. Hầu hết các nhân viên y tế đã được tiêm phòng vaccine Sinovac và Indonesia đang bắt đầu thực hiện các mũi tiêm nhắc lại. Bên cạnh việc thiếu nhân sự y tế, Indonesia còn đang gặp khó khăn về nguồn cung. Bác sĩ Pahlepi cho biết bệnh viện của anh thiếu nguồn cung ôxy và số lượng bệnh nhân luôn quá tải khiến cho việc chữa trị càng khó khăn hơn.

Trong hai tháng qua, cảnh tượng thường xuyên diễn ra tại các bệnh viện là hàng chục bệnh nhân với các triệu chứng nghiêm trọng xếp hàng chờ giường tại khoa cấp cứu của bệnh viện, và cả hàng dài người chờ đợi được điều trị trong các khu cách ly. Một số bệnh nhân đã mang theo bình ôxy riêng mà người nhà họ vất vả lắm mới mua được, và khi nguồn cung của bệnh viện cạn kiệt, các bác sĩ và y tá đã phải đề nghị các bệnh nhân này chia sẻ bình ôxy với những người khác.

Gia tăng bệnh nhân nặng là trẻ em

Năm ngoái, hầu hết những bệnh nhân nặng mà bác sĩ Pahlepi điều trị là người cao tuổi. Hiện nay, khi biến thể Delta lây lan khắp đất nước, hầu hết bệnh nhân đến phòng cấp cứu với các triệu chứng vừa và nặng là trẻ em và thanh thiếu niên. Bản thân bác sĩ Pahlepi cũng bị lây nhiễm Covid-19, anh mới cưới vợ và có con gái đầu lòng được 5 tháng tuổi. “Là một người cha, thật đau buồn khi phải chứng kiến nhiều trẻ em nhập viện điều trị với các triệu chứng tương đối nghiêm trọng. Việc đặt ống thở ôxy cho trẻ em vô cùng khó khăn vì chúng còn quá nhỏ, chưa biết hợp tác. Vì vậy, lại phải cần thêm bố mẹ ở bên cạnh. Những đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm Covid-19 khiến tôi vô cùng buồn, chúng cũng giống như con gái của tôi vậy” – bác sĩ Pahlepi nói.

Bác sĩ Pahlepi đã tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, với tư cách là bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội Gatot Soebroto, được chính phủ chỉ định là bệnh viện chuyển tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19. Vào tháng 11-2020, anh xét nghiệm và kết quả là dương tính mặc dù luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Cũng may, trường hợp của anh là tương đối nhẹ và anh đã trở lại làm việc sau khi cách ly trong hai tuần. Đến ngày 14-7 vừa qua, Pahlepi lại có kết quả dương tính trong khi làm việc thêm ca để tăng cường điều trị cho số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Trong khi lần nhiễm thứ nhất không có triệu chứng đáng kể, thì lần nhiễm thứ hai này Pahlepi bị đau đầu, đau nhức dữ dội.

Giống như nhiều bệnh nhân khác, do hầu hết các bệnh viện đều quá tải, Pahlepi quyết định cách ly tại nhà. Cùng với quá trình tập luyện, anh tự theo dõi cẩn thận sức khỏe của mình, đảm bảo lượng oxy trong máu ở mức đủ và không cần điều trị nâng cao hơn. “Có rất nhiều người mắc Covid-19 với các triệu chứng nặng hơn cần được điều trị tại bệnh viện hơn tôi” – Pahlepi nói qua cuộc gọi video khi đang cách ly tự điều trị. Và ngay sau khi thấy khỏe hơn, bác sĩ Pahlepi đã quay lại ngay để hỗ trợ đồng nghiệp, những người cũng đều đang phải làm việc quá sức. “Phòng cấp cứu luôn đầy ắp bệnh nhân, số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng quán xuyến của chúng tôi, các bác sĩ đều phải làm việc vượt quá 200-300% mỗi ca”- Pahlepi chia sẻ về lý do sớm quay lại làm việc.

Mặc dù hiện làn sóng Covid-19 ở Indonesia chưa có hồi kết, nhưng Pahlepi luôn có những suy nhĩ về một ngày gần nhất tới đây, cuộc sống sẽ trở lại binh thường đối với anh, với gia đình bé nhỏ của anh và với cả quốc gia vạn đảo. “Tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, có lúc kiệt sức… nhưng chúng tôi luôn phải giữ vững tinh thần để giúp đất nước đánh bại kẻ thù Covid-19 thành công” – bác sĩ Pahlepi tin tưởng. (An ninh Thủ đô, trang 16).

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Nhằm ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục căng thẳng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là tại các địa phương đang là “điểm nóng”. Hiện nay các địa phương đang nỗ lực điều chỉnh quy trình để đẩy nhanh tiến độ; Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương điều chỉnh mở rộng đối tượng và hạn chế bớt chống chỉ định… Các yêu cầu và hướng dẫn đã có đủ. Bây giờ là lúc cần tăng tốc để đạt độ bao phủ kỳ vọng với tốc độ nhanh nhất.

Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có công văn cho Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng và các quân khu về việc hỗ trợ vận chuyển vắc-xin về các tỉnh. Theo đó, vắc-xin ngay khi có chứng nhận đủ điều kiện sử dụng của Viện Kiểm định vắc-xin và Sinh phẩm quốc gia sẽ được xuất khỏi kho quốc gia về các tỉnh bằng xe tải lạnh chuyên dụng đã được bàn giao cho các quân khu.

Để chuẩn bị cho điều này, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiến hành đào tạo và hỗ trợ các quân khu đạt chuẩn về bảo quản tốt kho vắc-xin cũng như kiểm chuẩn hệ thống xe tải lạnh. Với sự tham gia của lực lượng quân đội, việc vận chuyển vắc-xin sẽ rút ngắn đáng kể.

Trước đây cần tới hai tuần mới có thể phân bổ hết số lượng vắc-xin đó, thì giờ có thể chỉ cần hai ngày để hoàn thành. Việc này cũng phù hợp ngay cả trong trường hợp vắc-xin về dồn dập thì khả năng đáp ứng của Quân đội vẫn bảo đảm cho việc cung ứng tới từng tỉnh. Trong những tình huống cần khẩn trương hơn, xe tải lạnh có thể hỗ trợ cho tỉnh để đưa vắc-xin đến tận các quận/huyện để giảm thời gian trễ do chờ vận chuyển vắc-xin.

Ngày 3/8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp hội đồng chuyên môn để điều chỉnh hướng dẫn khám sàng lọc lần thứ ba. Điều kiện được tiêm chủng đã được nới ra nhiều tiệm cận với những hướng dẫn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo. Việc từng bước nới các quy định về điều kiện tiêm là do vắc-xin phòng Covid-19 được phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp, cần kiểm chứng thêm một cách thận trọng trước khi tiêm đại trà như những vắc-xin đã có lịch sử phát triển lâu dài.

Cụ thể như việc mở rộng các nhóm đối tượng có thể tiêm chủng tại tuyến xã, phường và các điểm tiêm ngoài bệnh viện như nhóm có bệnh lý nền không trong đợt cấp; giảm bớt các nhóm đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng hay các đối tượng nên thận trọng tiêm chủng như nhóm có tiền sử dị ứng. Sự điều chỉnh này là rất cần thiết giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Đồng thời, điều này phản ánh năng lực xử trí sau tiêm chủng của đội ngũ nhân viên y tế đã được tăng cường trong suốt thời gian vừa qua đã có thể đáp ứng với những nguy cơ biến cố bất lợi sau tiêm chủng.

Thời điểm mới tổ chức tiêm chủng, ngành y tế khá dè dặt trong việc tiêm chủng cho người cao tuổi bởi đây là nhóm đối tượng có nhiều bệnh nền, kể cả bệnh cấp tính và nhiều yếu tố nguy cơ… Tuy nhiên với việc cập nhật khuyến cáo về tiêm chủng như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi đã được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để thiết lập hàng rào bảo vệ cho bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng tại những địa phương có dịch khi mà người có bệnh lý nền và người cao tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất nếu mắc Covid-19.

Hiên nay, Bộ Y tế khuyến khích các địa phương vận dụng sáng tạo mọi nguồn lực để có phương án tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Hình thức sử dụng nhà thi đấu đa năng có bổ sung thông khí và vách ngăn theo mô hình bệnh viện dã chiến đang là một sáng kiến tốt, đã được thực hiện thành công tại Hà Nội. Theo cách này, người đến tiêm được di chuyển theo hình thức một chiều, hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung trong khi vẫn bảo đảm tốc độ triển khai tiêm chủng.

Đồng thời, chỉ phải chuẩn bị một đơn vị cấp cứu phục vụ cho nhiều dây tiêm thay vì tốn nhiều nhóm cấp cứu để hỗ trợ cho các đơn vị xã, phường nhất là trong điều kiện các trạm y tế phường tại Hà Nội hay các thành phố lớn có diện tích rất hạn chế. Tuy nhiên, tại khu vực ngoại ô, các trạm y tế xã thường rộng hơn và dễ dàng hơn trong triển khai tiêm chiến dịch.

Khi đó, hình thức tiêm tại trạm y tế lại hiệu quả hơn và có thể tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng. Theo cách này, mỗi ngày có thể triển khai hàng triệu mũi tiêm với điều kiện các đơn vị cấp cứu được triển khai theo cụm xã để sẵn sàng hỗ trợ khi cần.

Để đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thời gian tới, Bộ Y tế đã và sẽ huy động sự vào cuộc của các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện quân y, thậm chí tổ chức cả các điểm tiêm lưu động. Bộ đã triển khai bộ tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng nhằm giúp chuẩn hóa các đơn vị tiêm chủng được chu đáo hơn, tin cậy hơn.

Đồng thời, việc chuẩn hóa này cũng là tiền đề giúp các cơ sở y tế nâng cao năng lực ứng phó trong trường hợp nếu có phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch thì cũng sẽ đầy đủ trang bị hơn cho hỗ trợ điều trị người nhiễm Covid-19. Thời gian qua, việc tập huấn và cấp phép về chứng chỉ an toàn tiêm chủng cũng như sự tăng cường giám sát hỗ trợ của các Văn phòng tiêm chủng quốc gia và khu vực đã được đẩy mạnh. Chỉ trong vòng ba tháng, hàng nghìn lượt cán bộ y tế được chuẩn hóa kiến thức về tiêm chủng và sẵn sàng tham gia vào các dây chuyền tiêm chủng.

Ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về vắc-xin và tiêm chủng cũng đang được tập trung. Qua đó, cung cấp những thông tin hết sức hữu ích đến với người dân, từ việc chuẩn bị trước khi đi tiêm chủng, hướng dẫn khai thông tin cá nhân trên phần mềm, hướng dẫn chuẩn bị giấy tờ cá nhân, chuẩn bị về sức khỏe trước khi đi tiêm cho đến việc theo dõi phản ứng sau tiêm chủng…

Những thông tin đầy đủ đó giúp người dân yên tâm hơn khi đi tiêm chủng cũng như giúp các điểm tiêm giảm bớt nội dung liên quan đến giải thích, tư vấn đối với người đi tiêm. Mặt khác, việc chủ động theo dõi sức khỏe sau tiêm của người đi tiêm cũng góp phần hạn chế những rủi ro có thể có liên quan đến tiêm chủng. (Nhân dân, trang 5).

 

Xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp vắc xin Covid-19 ‘Made in Vietnam’ Nanocovax

BYT đang xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp  cho vắc xin Covid-19 Nanocovax. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nàySáng 4.8, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn chuyên gia về thẩm định dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) và phê duyệt vắc xin Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.

Hội thảo trực tuyến có sự tham gia của Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch TNLS giai đoạn 3 vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Tại hội thảo, GS – TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định chiến lược vắc xin là mấu chốt, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống dịch.

Việt Nam có 2 ứng viên vắc xin đang TNLS giai đoạn 2 – 3 và đang cân nhắc xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Covid-19 Nanocovax. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.

Do đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ mong muốn thu nhận nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia của WHO, MFDS Hàn Quốc và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, TNLS vắc xin, đặc biệt là vấn đề cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết  2 ứng viên vắc xin trong nước gồm Nanocovax và Covivac đang trong giai đoạn TNLS giai đoạn 3 và thứ 2

Trong đó, vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen do Học viện Quân y nghiên cứu đang TNLS giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) thực hiện đánh giá 3 yếu tố: tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên người Việt Nam tình nguyện từ 18 tuổi.

Trong giai đoạn TNLS 3a của vắc xin này, đơn vị nghiên cứu đã tiêm cho 1.000 trường hợp, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch.

Giai đoạn 3b đã tiêm vắc xin trên 12.000 đối tượng.

Theo TS Ngô Quang, dự kiến ngày 7.8 sẽ đánh giá tổng thể kết quả cuối cùng của giai đoạn 2 và trước ngày 15.8 sẽ có đánh giá kết quả TNLS giai đoạn 3a.

Các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin trong giai đoạn 3a.

TS Quang đánh giá: “Nanocovax là một trong những vắc xin được tạo điều kiện để triển khai nghiên cứu, phát triển nhanh chóng trong thời gian qua”.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, qua nghiên cứu TNLS giai đoạn 1 và 2, Nanocovax an toàn và có tỷ lệ sinh miễn dịch cao, đang tiếp tục được đánh giá về hiệu quả.

Với vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, nhóm nghiên cứu TNLS đang đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 để chuyển sang giai đoạn 2. Kỳ vọng cuối quý 3 đầu quý 4 năm nay sẽ có kết quả đánh giá TNLS của giai đoạn 2 vắc xin này, để bước sang giai đoạn 3. (Tiền phong, trang 4).

 

Vượt qua cửa tử

Nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh sau khi mắc COVID-19, nhiều người đã cầm chắc cái chết. Nhưng nỗ lực cứu chữa không biết mệt mỏi của các y bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt lên chính mình, trở lại cuộc sống bình thường.

F0 chiến thắng COVID-19

“Em đang tập thể dục anh ơi… từ khi xuất viện đến giờ ngày nào em cũng tăng cường tập luyện. Em đang mong được sớm hết thời gian cách ly để trở lại công ty đi làm. Nằm viện thời gian dài, giờ em thấy thèm được tiếp xúc, thèm được gặp lại mọi người quá” – Danh Hoàng Sa (SN 1990, quê Kiên Giang), người vừa chiến thắng tử thần COVID-19 nói qua điện thoại với phóng viên báo Tiền Phong, ngày 4/8.

Cuối tháng 6/2021, Hoàng Sa đang làm việc tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), một đồng nghiệp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Ít ngày sau, Hoàng Sa có biểu hiện sốt, khó thở. Khi đến công ty lấy mẫu xét nghiệm, anh choáng váng với kết quả test nhanh dương tính. Sau hơn 1 tuần cách ly tập trung, Sa phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ho ra máu, suy hô hấp cấp.

“Phổi của em như có người bóp nghẹt, mỗi lần ho là bắn máu rồi bất tỉnh. Toàn thân em lúc nào cũng lạnh toát, da trắng bệch, sần sùi, không ăn uống được, không tự tiểu tiện được. Khi mới đến Bệnh viện Hồi sức lúc nào em cũng trong tình trạng mơ màng, không nhận biết được xung quanh. Mỗi khi tỉnh lại em đều nghĩ mình sắp chết rồi”, Sa nhớ lại.

Trong lúc chới với giữa sự sống và cái chết, Hoàng Sa đã nhận được liều thuốc quý. “Mẹ em đã gọi điện và khóc rất nhiều, cả xóm nghèo ở quê cùng nhau cầu nguyện cho em qua nguy kịch. Em đã mất cha, không thể để mẹ đau khổ thêm nên quyết tâm vượt lên chính mình. Những ngụm sữa được y bác sĩ bón từng muỗng, rồi đến từng bữa cơm tuy không có mùi vị nhưng em đã cố nuốt. Em quyết tâm phải sống để được về gặp mẹ, mỗi ngày một chút một, cuối cùng em đã chiến thắng chính bản thân. Sau gần 4 tuần điều trị, em cai đường ô xy và xuất viện ngày 26/7”, Sa kể.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (42 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng vừa vượt qua cửa tử. Em gái chị Phương buôn bán ở chợ Bình Điền, vô tình nhiễm bệnh rồi lây cho cả 14 người trong gia đình, tất cả phải nhập viện. Chị là người bị nặng nhất vì có bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên liên tục lên cơn khó thở, nhiều lần ngất xỉu.

“Tôi định buông xuôi, phó mặc cho số phận nhưng các bác sĩ đã không buông tay. Có lúc tôi tỉnh lại thì thấy họ đang hô hấp nhấn tim mình. Họ liên tục động viên tôi cố gắng hít thở. Mỗi khi hôn mê rồi tỉnh lại, các y bác sĩ luôn bên cạnh động viên. Tôi đã cố gắng để chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng”, chị Thu Phương chia sẻ.

Nỗ lực giảm tử vong

“Từ khi bệnh viện đi vào hoạt động đến nay, ngày nào cũng phải đối mặt giữa sự sống và cái chết của người bệnh, tụi tôi rất mệt nhưng đang cố gắng hết khả năng có thể. Bây giờ y bác sĩ mà buông xuôi thì không ai cứu được người bệnh cả. Lượng bệnh nặng rất nhiều nhưng các y bác sĩ từ nhiều bệnh viện, nhiều tỉnh thành đang tạo được khối đoàn kết chung, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống” – Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chia sẻ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang thiết lập thêm 4 Trung tâm Hồi sức COVID-19 nâng công suất cứu chữa cho các ca bệnh nặng và nguy kịch lên 3.000 giường. Tuy nhiên, mới chỉ có Trung tâm Hồi sức do Bệnh viện Đại học Y Dược đảm nhiệm tại Bệnh viện Quốc tế City đi vào hoạt động, tiếp nhận 70 bệnh nhân đầu tiên.

BS Trần Thanh Linh cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 500 bệnh nhân, những trường hợp được chuyển tới đây đều là bệnh rất nặng, nguy kịch. Nhiều người khi vào viện đã ngừng tuần hoàn, các bác sĩ phải nỗ lực đặt máy thở. Có những trường hợp phải lọc máu, chạy ECMO, điều trị liên tục theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Toàn bệnh viện đang nỗ lực hết sức để giảm số người tử vong.

Đến ngày 4/8, trong tổng số hơn 105.000 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM, đã có gần 44.000 người được xuất viện. Riêng số ca bệnh nặng, nguy kịch khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là 31 trường hợp.

“Thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân phải nhập viện với mức độ nặng, nguy kịch nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chống dịch tuyến đầu trên khắp cả nước, chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều bệnh nhân nguy kịch được cứu sống. Đội ngũ làm công tác chuyên môn chúng tôi tiếp tục chiến đấu và tin tưởng sẽ chiến thắng”, BS Trần Thanh Linh nói.

Dịch COVID-19 tại TPHCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp, những ngày qua số ca bệnh nặng, tử vong có xu hướng tăng. Trước tình hình trên, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: “Thành phố đã xác định chuyển sang chiến lược điều trị, hạn chế tử vong. Giai đoạn này sẽ tập trung đếm số ca tiếp nhận điều trị, số ca được điều trị khỏi và bao nhiêu ca chuyển nặng, đặc biệt số ca tử vong để có những biện pháp mạnh hơn, hạn chế các ca tử vong xuống mức thấp nhất”. (Tiền phong, trang 5).

 

Vắc xin ở Bình Dương đang nằm trong kho vì thiếu nhân lực

Với 311.000 liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, Bình Dương hiện mới chỉ tiêm cho khoảng 88.500 người. Lý do triển khai tiêm vắc xin chậm của tỉnh này vì thiếu nhân lực.

Ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay đã nhận khoảng 311.000 liều vắc xin phân bổ từ Bộ Y tế. Bình Dương đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà để miễn dịch toàn dân trong bối cảnh địa phương đã ghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, tính đến nay, Bình Dương mới có hơn 88.500 người được tiêm vắc xin, trong đó chỉ có hơn 7.400 người được tiêm đủ cả hai mũi. Như vậy, hiện Bình Dương đang “tồn kho” đến hơn 2/3 lượng vắc xin được phân bổ vì tốc độ tiêm vắc xin rất thấp so với nhu cầu cấp bách và kế hoạch đề ra của địa phương này.

Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, để bổ sung nhân sự Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo huy động trên 50% cán bộ công chức, viên chức tham gia hỗ trợ ngành y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vắc xin, chính sách an sinh xã hội.

“Bình Dương sẽ huy động các cơ sở y tế tư nhân. Hệ thống y tế công, ngoài việc tiêm vắc xin sẽ giám sát, phối hợp với các đơn vị để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói về kế hoạch đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương – giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết thêm, địa phương sẽ triển khai tiêm vắc xin tại 275 điểm gồm: các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế cấp phường, xã (175 điểm cố định) và khoảng 100 điểm tiêm vắc xin lưu động.

Theo tiến sĩ Chương, việc tiêm vắc xin trên địa bàn còn chậm do đang tập trung vào các hoạt động chống dịch cấp thiết, trong khi đó lực lượng ít.

“Lực lượng vừa phải truy vết phân loại F0 vừa tập trung điều trị cấp cứu bệnh nhân tại 16 khu điều trị COVID-19. Dù được các đơn vị ngoài tỉnh đến hỗ trợ nhưng nhân lực để đáp ứng còn cần nhiều”, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương nói. (Tiền phong, trang 4).

 

7.623 ca mắc mới, 256 bệnh nhân tử vong

Tối 4/8, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.352 ca nhiễm mới với 1 ca nhập cảnh và 3.351 ca ghi nhận trong nước (821 ca trong cộng đồng). Lần đầu tiên Bình Dương vượt TPHCM số ca mắc trong cùng lần công bố kể từ khi dịch bùng phát những ngày vừa qua. Như vậy trong ngày 4/8 Việt Nam ghi nhận 7.623 ca nhiễm mới.

Cụ thể, Bình Dương (1.111), TP. Hồ Chí Minh (935), Long An (281), Đồng Nai (225), Khánh Hòa (150), Đồng Tháp (142), Cần Thơ (113), Bình Thuận (84), Sóc Trăng (49), Phú Yên (33), Ninh Thuận (29), Bến Tre (24), Hà Nội (24), Thừa Thiên Huế (19), Thanh Hóa (17), Quảng Ngãi (15), Đắk Lắk (15), Hà Tĩnh (14), Hậu Giang (10), Quảng Nam (10), Gia Lai (10), Nghệ An (6), Bình Phước (6), Quảng Bình (5), Hải Dương (4), Hưng Yên (3), Quảng Trị (3), Kon Tum (2), Sơn La (2), Lào Cai (2), Bắc Ninh (2), Đắk Nông (1), Yên Bái (1), Vĩnh Phúc (1), Nam Định (1), Hà Giang (1), Bạc Liêu (1).

Tính đến chiều ngày 4/8, Việt Nam có 177.813 ca nhiễm trong đó có 2.329 ca nhập cảnh và 175.484 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 173.914 ca, trong đó có 51.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình.

Có 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Để công khai kịp thời, chính xác thông tin, diễn biến dịch COVID-19 cho người dân, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6289/BYT-KCB ngày 04/8/2021 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động công bố thông tin dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cụ thể như sau:

Giao cho các cơ quan chức năng chủ động công bố số ca mắc mới, ca đang điều trị, ca khỏi bệnh, ca tử vong trong ngày và cộng dồn từ đầu dịch qua Cổng thông tin chính thức của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Thời điểm công bố hàng ngày vào 6 giờ và 18 giờ.

Chỉ đạo Sở Y tế vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm thống kê, báo cáo gửi về Bộ Y tế theo các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 và của Bộ Y tế để kịp thời tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan. (Tiền phong, trang 4; Hà Nội mới, trang 7).

 

Khoảng 18 triệu liều vắc xin Covid-19 đã phân bổ cho các địa phương

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, BYT cho biết, khi tiếp nhận vắc xin Covid-19 được phân bổ, các địa phương hoàn toàn chủ động triển khai. Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, đến ngày 4.8, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 18 triệu liều vắc xin Covid-19. Số vắc xin Bộ Y tế tiếp nhận đều đã phân bổ ngay cho các địa phương. Tuy nhiên theo Bộ Y tế, có thể một số địa phương chưa nhận được hết do vắc xin mới về, cần thêm vài ngày để vận chuyển.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông báo, từ nay đến tháng 9, số lượng vắc xin về có thể chưa nhiều, nhưng các tháng cuối năm nay thì lượng vắc xin sẽ về dồn dập. Riêng vắc xin Pfizer sẽ về VN khoảng 47 – 50 triệu liều. Hiện TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương được phân bổ vắc xin nhiều nhất. Trong đó, TP.HCM được phân bổ số lượng đứng đầu, với hơn 4 triệu liều (bao gồm cả số vắc xin phân bổ cho các đơn vị T.Ư triển khai tiêm chủng trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin/dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. Tiếp theo, TP.Hà Nội đã được phân bổ 2,943 triệu liều (bao gồm cả số lượng vắc xin phân bổ cho các đơn vị T.Ư có triển khai tiêm chủng trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%. Các loại vắc xin Covid-19 tại VN đang được tiêm miễn phí cho người dân.

Về tiến độ tiêm chủng, liên quan đến độ bao phủ vắc xin, theo thông tin được cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn), đến 16 giờ ngày 4.8, tỷ lệ bao phủ vắc xin tại TP.HCM hiện đạt 24,57% dân số đã tiêm ít nhất 1 mũi, và TP.Hà Nội đạt 14,6%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, thực tế có thể cao hơn, do lực lượng y tế chưa kịp cập nhật sát với số liệu thực tế.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, khi tiếp nhận vắc xin được phân bổ, các địa phương hoàn toàn chủ động triển khai. Bộ Y tế đã có các hướng dẫn, tập huấn về tổ chức, quy trình vận chuyển. Đồng thời có văn bản yêu cầu các địa phương huy động tổng lực ngành y tế, gồm cả y tế tư nhân, tham gia vào công tác tiêm chủng để tăng độ bao phủ.

Họp trực tuyến triển khai gói hỗ trợ Covid-19

Ngoài tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng là vấn đề được các bộ, ngành, địa phương liên quan đặc biệt chú trọng.

Theo ông Đặng Đức Thuận, Phó chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, đối tượng người yếu thế gặp khó khăn do Covid-19 nằm trong nhóm NLĐTD và các đối tượng đặc thù được quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng. Theo hướng dẫn, mức hỗ trợ tối thiểu không dưới 1,5 triệu đồng/người/lần và tối thiểu không dưới 50.000 đồng/người/ngày. Các địa phương căn cứ thực tiễn, chủ động ban hành kế hoạch hoặc quyết định phê duyệt danh mục công việc, điều kiện, mức hỗ trợ. Một số địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng… cũng đã xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết 68; còn một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Nam, Ninh Thuận, TP.HCM… đã ủy quyền cho đơn vị cấp sở và UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ một số nhóm đối tượng lao động, đồng thời có các quy định đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sớm nhận được kinh phí hỗ trợ. (Thanh niên, trang 3).

3.000 y, bác sĩ chi viện các tỉnh phía nam chống dịch

Ngày 4.8, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt các y bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện T.Ư tăng cường cho các tỉnh, thành phía nam phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, gần 3.000 y bác sĩ, nhân viên y tế của 22 bệnh viện (BV) T.Ư sẽ lên đường tăng cường lực lượng phòng, chống dịch cho TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam.

Mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của thầy thuốc

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến cho biết, việc gần 3.000 y bác sĩ lên đường nhận nhiệm vụ lần này không chỉ là chấp hành quyết định của cấp trên, mà còn là mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của người thầy thuốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, việc gần 3.000 y bác sĩ lên đường chi viện phía nam thể hiện nghĩa cử, sự chia sẻ, tinh thần trách nhiệm cao với TP.HCM và các tỉnh phía nam của các y bác sĩ. “Hiện nay, Hà Nội và các tỉnh phía bắc cũng rất cấp bách, rất cần y bác sĩ, nhưng lúc này TP.HCM và các tỉnh phía nam còn cần hơn, cấp bách hơn”, ông Huệ nhấn mạnh.

Thay mặt cán bộ y tế các bệnh viện T.Ư tình nguyện tại buổi gặp mặt, tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Văn Lợi, Phó trưởng Khoa phẫu thuật – gây mê, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chia sẻ trước những khó khăn và cấp bách của tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía nam, với tinh thần giúp đỡ đồng bào, đồng nghiệp, đội ngũ y bác sĩ sẽ làm tròn bổn phận của người thầy thuốc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, thực hiện đúng theo lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến 31.7.2021, riêng TP.HCM đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ của 44 BV thuộc các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, thành trên cả nước với 2.521 người, trong đó có 750 bác sĩ, 1.662 điều dưỡng viên, 135 kỹ thuật viên. Ngoài ra, còn hơn 5.050 tình nguyện viên ở các hội đoàn thể, tôn giáo của cả nước chi viện cho TP.

Tại buổi gặp mặt, Ủy ban T.Ư MTTQ VN đã phân bổ số tiền 8,547 tỉ đồng từ nguồn vận động phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban T.Ư MTTQ VN vận động, tiếp nhận để hỗ trợ các y bác sĩ, nhân viên y tế các BV T.Ư tăng cường các tỉnh, thành phía nam. Giữ “vùng xanh” để kiểm soát dịch tại Hà Nội

Sáng qua 4.8,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra một số cơ sở cách ly, khu phong tỏa, điểm tiêm chủng và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội. Theo Phó thủ tướng, Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ dịch xâm nhập rất cao, song TP đã rất nỗ lực để khống chế, kiểm soát dịch bệnh.

Về các giải pháp sắp tới, Phó thủ tướng cho rằng Hà Nội phải kiên trì, thực hiện nghiêm phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực”. Việc thực hiện Chỉ thị 16 phải thật chặt, thật nghiêm, triệt để, đặc biệt trong các khu vực phong tỏa, cách ly, không để “ngoài chặt, trong lỏng”. Khi triển khai các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng, làm sạch các ổ dịch, cần xử lý dứt điểm. Mục tiêu thiết lập các vùng an toàn (vùng xanh) vững chắc, khoanh gọn những ổ dịch lớn, từng bước đưa các vùng nguy cơ cao, rất cao về mức thấp hơn và dần an toàn trở lại. “Từng khu, từng cụm, chúng ta phát động người dân giữ vùng xanh. Đây là một trong những chìa khóa để kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn TP”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Về công tác xét nghiệm, Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội rà soát năng lực, công tác tổ chức xét nghiệm. Trong vòng 2 ngày tới, Hà Nội phải thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia xét nghiệm. Đồng thời triển khai ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh để lực lượng y tế chi viện cho các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, tiếp nhận F0. (Thanh niên, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

Quảng Ngãi lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19

Ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát địa điểm để thành lập bệnh viện dã chiến phù hợp.

Ngày 4.8, thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ngãi về việc thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, qua khảo sát ban đầu, đơn vị chọn hai địa điểm có thể thành lập bệnh viện dã chiến gồm: Trung Quảng Ngãi) và khu ký túc xá Trường đại học Công nghiệp 4 (đường Nguyễn Du, TP.Quảng Ngãi).

Bệnh viện dã chiến có quy mô ban đầu từ 300 – 500 giường và tùy tình hình có thể nâng cấp lên 1.000 giường hoặc lên tối đa 10.000 giường bệnh.

Tại buổi làm việc, ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát địa điểm để thành lập bệnh viện dã chiến phù hợp.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến giao Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi phối hợp các sở, ban, ngành và các đơn vị đứng chân trên địa bàn Quảng Ngãi tiếp tục khảo sát lại địa điểm, đồng thời phải chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, huy động lực lượng, phương tiện cao nhất để sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 khi có lệnh từ cấp trên. (Thanh niên, trang 4).

 

WHO tin tưởng Việt Nam vượt qua đại dịch

Chiều 3-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, dù đợt dịch Covid -19 này rất khó khăn nhưng các ứng phó của VN đã đi đúng hướng. Ông tin tưởng VN có thể vượt qua đại dịch (Chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Vụ 1 ngày ban hành 3 văn bản, thu hồi 2: Sở Y tế TP. HCM vi phạm công tác văn thư

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch: “3 văn bản điều chỉnh cùng một vấn đề với 3 nội dung hoàn toàn khác nhau và sau đó không có văn bản nào có giá trị sử dụng. Cả 3 văn bản do Sở Y tế TP.HCM ban hành đều có những sai sót nghiêm trọng”.

Chỉ trong vòng 1 ngày (3-8), Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 3 văn bản, trong đó có 2 văn bản để thu hồi văn bản đã ban hành trước đó.

Có ý kiến về việc này, TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng Sở Y tế TP.HCM đã vi phạm quy định về văn thư, vi phạm Luật đấu thầu và khuyên dùng thuốc ngoài phác đồ của Bộ Y tế.

Không có văn bản nào có giá trị sử dụng

Theo ông Trạch, Sở Y tế TP.HCM trong 1 ngày ban hành 3 văn bản điều chỉnh cùng một vấn đề với 3 nội dung hoàn toàn khác nhau và sau đó không có văn bản nào có giá trị sử dụng “là vi phạm về công tác văn thư theo quy định tại nghị định 30/2020/NĐ-CP”.

Ông Trạch cũng cho biết cả 3 văn bản do Sở Y tế TP.HCM ban hành đều có những sai sót nghiêm trọng. Văn bản số 5216 về việc “mua thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19”, sai sót là Sở Y tế đã đề nghị các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 mua 2 loại thuốc (ghi rõ tên thương mại của thuốc) là Medrol và Xarelto, chỉ định liều dùng và liên hệ với nhà cung cấp cụ thể là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2.

“Trong khi việc chỉ định liều dùng thuộc thẩm quyền của nhà sản xuất hoặc bác sĩ điều trị cho mỗi trường hợp bệnh nhân (khoản 2 điều 42 và khoản 5 điều 76 Luật dược). Với văn bản này, Sở Y tế đã “cào bằng” tất cả bệnh nhân đều được sử dụng liều thuốc như nhau, làm thay chức năng của bác sĩ điều trị; của nhà sản xuất thuốc. Trong khi đó, người chịu trách nhiệm đối với sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân lại là bác sĩ điều trị và nhà sản xuất thuốc” – luật sư Trạch nói.

Ngoài ra, ông Trạch còn cho rằng việc nêu tên thuốc, nhà sản xuất và công ty bán thuốc mang tính “chỉ định” là vi phạm điều 22 Luật đấu thầu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Từ đó có thể đẩy những loại thuốc có cùng hoạt chất (tên chung quốc tế của các thuốc có cùng tác dụng), những công ty sản xuất, phân phối các hoạt chất này vào tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối thuốc, nguy cơ tạo nên lợi ích nhóm là rõ ràng.

Song song đó sẽ tạo tâm lý hoang mang khiến người dân đổ xô ra đường đi mua bằng được thuốc về trữ mặc dù chưa bị bệnh. Điều này có khả năng dẫn đến vi phạm các chỉ thị của Chính phủ, của TP gây nguy cơ lây lan bệnh tật nhiều hơn.

Còn công văn số 5279 thay thế văn bản số 5216 (thứ nhất), được ban hành vừa mang tính bào chữa cho cái sai ở văn bản thứ nhất, vừa răn đe cảnh báo đối với các cơ sở y tế, nhà thuốc. Tuy nhiên văn bản 5279 không thừa nhận những vấn đề sai sót, nội dung thay thế là gì, lý do vì sao thay thế cho văn bản thứ nhất. Như vậy văn bản 5279 đã đẩy sự nghi ngờ về sự minh bạch lên một nấc thang cao hơn.

Sau đó, Sở Y tế TP tiếp tục ban hành công văn số 5289 để thu hồi cả công văn số 5216 và 5279. Trong văn bản số 5289 có nội dung “thu hồi 2 văn bản nêu trên vì chưa phù hợp”. Nội dung văn bản này phủ nhận toàn bộ những nội dung, công lao, sức lực đã được nêu tại 2 văn bản trước đó.

Đưa thuốc ngoài phác đồ của Bộ Y tế

Trong 2 loại thuốc mà Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn mua điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong công văn 5216, có 1 loại thuốc không có trong phác đồ điều trị mới nhất mà Bộ Y tế vừa ban hành ngày 14-7.

Cụ thể, theo phác đồ 14-7, Bộ Y tế cho biết trong trường hợp bệnh nhân vừa và nặng có sử dụng thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Trong công văn 5216 của Sở Y tế TP.HCM có đưa loại thuốc kháng viêm giống như phác đồ điều trị của Bộ Y tế đưa ra nhưng thuốc chống đông lại khác.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn khuyến cáo khi điều trị cần đánh giá tình trạng cụ thể của bệnh nhân và xét nghiệm để cho sử dụng thuốc thích hợp. Như với thuốc kháng viêm, phác đồ của Bộ Y tế hướng dẫn thời gian sử dụng, số lượng thuốc sử dụng mỗi lần, khi nào ngưng sử dụng. Trong khi văn bản của Sở Y tế TP.HCM bỏ qua điều này.

Trước đó ngày 24-7, Bộ Y tế cũng ban hành một văn bản có “thông tin lạ”, khuyên dùng, lựa chọn, mua, đấu thầu 26 sản phẩm y học cổ truyền (có ghi tên thương mại, nhà sản xuất). Và hai ngày sau, Bộ Y tế phải thu hồi công văn này. Câu chuyện này đã gây bão trong những ngày cuối tháng 7 do một số sản phẩm trong nhóm được khuyên dùng trên cũng bị đẩy giá lên cao. (Tuổi trẻ, trang 5).

 

TPHCM giảm hơn 800 ca mắc Covid-19

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu vừa ký văn bản khẩn về việc điều chỉnh phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm Covid-19.

Theo đó, yêu cầu Trung tâm Điều phối xét nghiệm Covid-19 chủ động phân bổ và điều phối mẫu xét nghiệm theo hướng mỗi phòng xét nghiệm phụ trách chính cho một số đơn vị gửi mẫu (Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận huyện; cơ sở cách ly, cơ sở điều trị Covid-19).

Khi phòng xét nghiệm chính nhận mẫu vượt công suất, số mẫu vượt sẽ được điều phối tiếp về phòng xét nghiệm khác tùy vào tình hình thực tế. Tất cả các đơn vị trước khi gửi mẫu xét nghiệm phải nhập đầy đủ thông tin của người được lấy mẫu. Các phòng xét nghiệm khi nhận mẫu phải kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phần mềm; ngay khi có kết quả xét nghiệm phải nhập kết quả trên phần mềm CDS.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa có công văn khẩn gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về đề nghị phân bổ vaccine cho TPHCM. Công văn cho biết, dự kiến trong tháng 8, TPHCM cần 4,5 triệu liều vaccine các loại để tiêm mũi 1 và 1 triệu liều vaccine để tiêm mũi 2 cho người dân. Với người tiêm mũi 2, nhu cầu cụ thể của TP là 800.000 người đã tiêm AstraZeneca từ 8-12 tuần; 200.000 người đã tiêm Moderna từ 4 tuần.

Như vậy, TPHCM cần tổng cộng 5,5 triệu liều vaccine từ 5-8 đến 31-8 cho cả 2 nhóm đối tượng trên. Trung bình mỗi ngày, TP cần 210.000 liều vaccine. Để đạt mục tiêu đặt ra, TP đề xuất được cấp sớm vaccine từ ngày 5-8 và theo tiến độ liên tục đến 31-8.

Ngày 4-8, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức, các quận huyện và các cơ sở y tế trên địa bàn TP về việc triển khai quản lý sức khỏe F0 cách ly tại nhà. Theo đó, để đảm bảo F0 cách ly tại nhà được quản lý và theo dõi sức khỏe, kịp thời được hỗ trợ y tế khi có các triệu chứng chuyển nặng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Thủ Đức, các quận huyện và phường xã chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe những người mắc mới được cách ly tại nhà hướng đến mục tiêu phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng và can thiệp, điều trị kịp thời.

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo chuyển đổi công năng một phần Bệnh viện Quận 4 (63-65 Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4) thành Bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Để đảm bảo kịp tiến độ đưa Bệnh viện điều trị Covid-19 quận 4 đi vào hoạt động, Sở Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện Quận 4 khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để chia tách bệnh viện thành 2 khu vực riêng biệt: một khu vực dành để điều trị người bệnh không mắc Covid-19; một khu vực chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19 với quy mô 120 giường (18 giường hồi sức cấp cứu).

Ngày 4-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong ngày, TPHCM có 3.300 ca, giảm hơn 800 ca so với ngày 3-8. TPHCM có thêm 2.778 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 43.751. Hiện TP không phát hiện thêm ổ dịch mới, 30 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Sớm đưa các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 vào hoạt động

Ngày 4-8, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM đã có buổi làm việc trực tuyến cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, đại diện lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt – Đức, Trung ương Huế về tiến độ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 đã cập nhật tiến độ triển khai các trung tâm, những khó khăn vướng mắc cũng như đề xuất các phương án nhân lực, vật lực để có thể sớm đưa các trung tâm đi vào hoạt động, nhanh chóng tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã gửi lời cảm ơn Bộ Y tế và các đơn vị Trung ương đã nỗ lực, cố gắng để sớm đưa các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 trên địa bàn TPHCM vào hoạt động. Hiện số trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM đã vượt hơn 100.000, nhiều trường hợp bệnh nhân nặng cần thở máy, áp lực rất lớn cho hệ thống điều trị của TP. “Thành phố rất lo lắng và mong muốn các trung tâm sớm đi vào hoạt động, trước mắt các trung tâm có thể triển khai với khả năng tiếp nhận điều trị tối thiểu, sau đó tiếp tục nâng dần”, PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thời gian tới sẽ kiểm tra, thẩm định và có thể sớm đưa một số trung tâm vào hoạt động, khởi động sớm và từng bước nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị. Bộ Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện trong việc chủ động mua sắm các trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc men… để phục vụ công tác điều trị. “Về các vấn đề như vệ sinh môi trường, dịch vụ vệ sinh, cung cấp suất ăn cho bệnh nhân… Bộ Y tế sẽ tiến hành làm việc cùng lãnh đạo TPHCM để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Cùng ngày, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm và kiểm tra tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM.  (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận