Điểm báo ngày 06/5/2022

(CDC Hà Nam)
Việt Nam chính thức tạm dừng khai báo y tế nội địa; Cảnh báo nguy cơ tử vong vì bệnh não mô cầu ở trẻ em; Giám đốc CDC Hà Giang nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á; ‘Giải mã’ virus đang gây bệnh viêm gan lạ ở trẻ em; Quản lý nguy cơ giúp TP.HCM gần 1 tháng không có ca tử vong do Covid-19

Việt Nam chính thức tạm dừng khai báo y tế nội địa

Bộ Y tế vừa có Công văn số 2213/BYT-DP về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế nội địa. Theo đó, Bộ Y tế cho phép tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca nhiễm, tử vong giảm rõ rệt (hiện chỉ còn dưới 10 ca tử vong/ngày).

Bên cạnh đó, vắc xin dự phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả với các biến thể vi rút SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc của nước ta ở mức cao (đạt trên 96% ở nhóm trên 12 tuổi) và đang triển khai tiêm vắc xin cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Căn cứ tình hình, khả năng đáp ứng dịch Covid-19 của nước ta và thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 ban hành Chương trình phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng…) kể từ 0h00 ngày 30-4-2022.

Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu, tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu, chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời (Hà Nội mới, trang 7).

 

Cảnh báo nguy cơ tử vong vì bệnh não mô cầu ở trẻ em

Bệnh não mô cầu đang gia tăng trong giai đoạn giao điểm giữa mùa khô và mùa mưa ở khu vực phía Nam. Bệnh khó phát hiện và nguy cơ gây tử vong cao đối với bệnh nhi. Thông tin trên được TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), đưa ra ngày 5/5 tại tọa đàm về “Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu – uốn ván – ho gà trên thanh thiếu niên” do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức tại TPHCM. Ông cho hay, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhiễm não mô cầu.

Hiện nay, khu vực các tỉnh phía Nam đang bước vào giao điểm giữa mùa nắng và mùa mưa. Đây là giai đoạn thuận lợi cho sự lây lan của bệnh não mô cầu. Não mô cầu sẽ vào mùa và tăng cao trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10. Não mô cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ người lành mang trùng (người mang vi khuẩn gây bệnh não mô cầu nhưng không phát bệnh) trong cộng đồng rất cao.

Theo TS.BS Nghĩa, chích ngừa cho nhóm thanh thiếu niên và người lớn là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Ông cho hay, hiện có 2 loại vắc xin ngừa não mô cầu, loại thứ nhất được chỉ định cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến người trưởng thành 45 tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 6 đến 8 tuần; loại thứ hai được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi cho tới người lớn 55 tuổi. Trong đó, trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi sẽ chích 2 mũi, nhóm còn lại chỉ chích 1 mũi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn có tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 10%, thường xảy ra trong vòng 24-48 giờ. Tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời. Nếu may mắn sống sót, sẽ có khoảng 10-20% bệnh nhân vẫn phải chịu những di chứng nặng nề của bệnh như tổn thương não, điếc, tàn tật (Tiền phong, trang 2).

 

Giám đốc CDC Hà Giang nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á

Ngoài việc kết luận ông Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang, cùng hai thuộc cấp nhận 770 triệu đồng tiền hoa hồng của Công ty Việt Á, thanh tra tỉnh Hà Giang còn làm rõ thêm hàng loạt bệnh viện dính sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn thu phí dịch vụ xét nghiệm COVID-19.

Thanh tra tỉnh Hà Giang vừa ban hành kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch COVID-19 và việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Theo đó, ông Nguyễn Trần Tuấn (Giám đốc CDC Hà Giang), bà Phan Thị Nga (Trưởng khoa xét nghiệm) và bà Tô Minh Huệ (Kế toán trưởng) đã thừa nhận có nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á, với tổng số 770 triệu đồng.

“Toàn bộ số tiền Công an tỉnh Hà Giang đã thu giữ vào ngày 6/4/2022. Việc các cá nhân nêu trên nhận tiền của Công ty Việt Á – đơn vị tham gia thực hiện 4 gói thầu cung cấp hàng hóa cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là trái quy định, vi phạm Khoản 1, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013”, thanh tra tỉnh Hà Giang chỉ rõ.

Về việc quản lý, sử dụng các trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch, thanh tra tỉnh Hà Giang cho hay, CDC tỉnh đã ứng trước 41.142 test LightPower IVASAR-CoV2 và 36.696 kit tách iVAaRNA của Công ty Việt Á; ứng 22.900 kit xét nghiệm nhanh Truelie Covid-19 Rapid Test của Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang để phục vụ công tác xét nghiệm, sau đó thực hiện đấu thầu để hoàn trả lại các đơn vị.

Qua kiểm tra, CDC Hà Giang mở 2 sổ theo dõi nhập, xuất kho vật tư, hóa chất, sinh phẩm bị xác định là chưa đúng quy định.

Đến thời điểm thanh tra, CDC Hà Giang đã thanh toán được một phần số kit tách chiết và kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á cũng như cho Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang.

Số kit xét nghiệm còn ứng chưa thanh toán cho Công ty Việt Á là 28.027 test LightPower và 25.584 kit tách chiết tay iVAaRNAtest. Số kit xét nghiệm còn tồn đến ngày 31/12/2021 chưa sử dụng là 2.924 test LightPower IVASAR-CoV2 và 993 kit tách chiết tay iVAaRNA.

Kiểm tra gói thầu mua sinh phẩm, vật tư tiêu hao xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV2, thanh tra tỉnh Hà Giang nhận thấy, CDC tỉnh Hà Giang đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang mua 3.000 test LightPower IVASAR-CoV2, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng và 3.000 kit tách chiết tay iVAaRNA, trị giá 126 triệu đồng, nhưng thực tế trên sổ sách nhập kho, sử dụng tại khoa Dược, khoa Xét nghiệm, toàn bộ số kit xét nghiệm COVID-19 được CDC tỉnh nhập chỉ của Công ty Cổ phần Việt Á, ngoài ra không nhập của doanh nghiệp nào khác.

Tại buổi làm việc với Đoàn thanh tra ngày 14/3/2022, ông Bùi Văn Tuyển (Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang) khẳng định công ty này đứng ra làm thủ tục dự thầu và ký kết hợp đồng cung ứng 3 mặt hàng với CDC tỉnh Hà Giang nhưng thực tế công ty chỉ cung cấp 1 mặt hàng là kit xét nghiệm nhanh Truelie Covid-19 Rapid Test, với số lượng 3.000 test, trị giá 299,2 triệu đồng; còn lại 2 mặt hàng kit xét nghiệm phát hiện COVID-19 LightPower VASAR-CoV2 trị giá 1,4 tỷ đồng và kit tách chiết tay iVAaRNA trị giá 126 triệu đồng do CDC tỉnh tự mua và lấy hàng của Công ty Việt Á. Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang chỉ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán cho phía CDC tỉnh Hà Giang.

Từ những dấu hiệu “mập mờ” nêu trên, thanh tra tỉnh Hà Giang kết luận, CDC tỉnh này thỏa thuận với Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang để hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ thanh toán 2 mặt hàng kit xét nghiệm COVID – 19, với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng là trái quy định, vi phạm Khoản 1, Điều 13 Luật Kế toán 2015.

Sử dụng nguồn thu phí xét nghiệm COVID-19 sai quy định

Vẫn theo kết luận thanh tra, CDC Hà Giang còn vướng sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí dịch vụ xét nghiệm COVID-19, với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng. Một số đơn vị khác như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang sai phạm số tiền hơn 297 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên sai phạm hơn 164 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Bắc Quang sai phạm hơn 106 triệu đồng.

Do đó, thanh tra tỉnh Hà Giang đề nghị Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất tại các đơn vị được tiếp nhận; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các khuyết điểm, sai phạm trong công tác đấu thầu và một số nội dung sai phạm như đã nêu trên (trong đó yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm trong thực hiện gói thầu theo Hợp đồng số 2608.1 ngày 26/8/2021 giữa CDC tỉnh Hà Giang với Công ty TNHH Liên hợp Dược Hà Giang) (Tiền phong, trang 11; Tuổi trẻ, trang 5).

 

‘Giải mã’ virus đang gây bệnh viêm gan lạ ở trẻ em

Dù chưa ghi nhận ở Việt Nam, nhưng loại virus gây bệnh viêm gan cấp tính (còn gọi là virus gây viêm gan bí ẩn) đang thực sự đe dọa sự an toàn của trẻ em.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đang theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 200 trường hợp trẻ em bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương…, trong đó có 4 ca đã tử vong.

Nguyên nhân chính do adenovirus?

PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM – cho biết các nhà nghiên cứu cho rằng căn nguyên “có lý” nhất gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đó là adenovirus (virus chứa DNA chuỗi kép, đường kính của virus từ 70-80nm, không có vỏ bọc bên ngoài).

Kết quả xét nghiệm phần lớn trẻ mắc viêm gan đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này. Trước đây cũng từng có ca mắc adenovirus bị suy gan nặng, phải ghép gan, thậm chí là tử vong. Nhưng điều kỳ lạ của bệnh viêm gan “lạ” gần đây là tỉ lệ mắc cao hơn, đối tượng mắc bệnh khác hơn.

“Nếu trước kia trẻ mắc bệnh thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể gặp ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến” – PGS Dũng phân tích.

Theo PGS Dũng, một số giả thuyết khác cũng được đặt ra, đó là khi trẻ cùng bị nhiễm COVID-19 và adenovirus, từ đó có hiện tượng trao đổi gene và khiến adenovirus dễ đột biến hơn. Có giả thuyết này là do việc đa số trẻ được phát hiện nhiễm viêm gan bí ẩn đều sống ở vùng trước đây từng chống chọi với dịch COVID-19.

Chuyên gia cho rằng đây là cơ chế bình thường, có thể xảy ra khi bất kỳ dịch bệnh nào lưu hành. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khoảng 10-20% trẻ nhiễm bệnh viêm gan trên từng mắc COVID-19, không thể nói COVID-19 là nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM – cho biết phần lớn các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là do adenovirus, đây là một hiện tượng mới, không thể gây thành dịch được.

Điều này hoàn toàn trùng hợp với nghiên cứu của WHO cho rằng hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên không loại trừ các tác nhân khác vẫn đang được điều tra.

Adenovirus thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc rối loạn tiêu hóa. Theo WHO, một số triệu chứng phổ biến về bệnh viêm gan cấp bí ẩn ở trẻ em là buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Nôn mửa và tiêu chảy là những triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhi trước khi nhập viện, một số còn có các vấn đề về đường hô hấp trên.

Hầu hết trẻ lúc nhập viện đều có biểu hiện gan to kèm theo vàng da, vàng mắt. Tất cả bệnh nhi có xét nghiệm âm tính với virus viêm gan A, B và C. Một số nguyên nhân khác gây ra bệnh viêm gan và nhiễm trùng ở trẻ em cũng được loại trừ. Song, adenovirus đã được phát hiện ở tất cả trường hợp.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và WHO, có một số trường hợp nghiêm trọng đến mức bệnh nhân phải được chuyển đến các đơn vị chuyên khoa gan trẻ em và được ghép gan.

Làm gì để phòng tránh?

Theo bác sĩ Hữu Khanh, nếu trẻ bị vàng da, da sậm màu và các triệu chứng kèm theo như sốt nhẹ, nôn ói, đau bụng… các bậc phụ huynh nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt các bậc phụ huynh cần chú ý phải hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thật sạch sẽ, ăn sạch, uống sạch”, bác sĩ Khanh nói.

Còn PGS Dũng cho rằng điều cần thiết hiện tại là phải giúp cho người dân hiểu COVID-19 vẫn là vấn đề cần quan tâm, vì nó không chỉ gây bệnh, tự biến chủng mà có thể góp phần tạo ra các biến chủng virus khác.

Do đó, phụ huynh nếu có điều kiện hãy cho trẻ tiêm vắc xin COVID-19. Khi thấy trẻ có triệu chứng như tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn, sốt, đau vùng gan, vàng da, có đốm xuất huyết nhỏ… phải đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

Các chuyên gia cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gây gia tăng ca mắc viêm gan thời gian gần đây là do phát hiện trễ.

“Khi thấy con bị nóng sốt, người dân có tâm lý nghĩ là “hậu COVID-19″ chứ không nghĩ là bệnh khác, dịch COVID-19 khiến người dân ngại đi điều trị, khiến bệnh có thời gian phát triển nặng hơn” – ông Dũng nêu ý kiến (Tuổi trẻ, trang 14).

Quản lý nguy cơ giúp TP.HCM gần 1 tháng không có ca tử vong do Covid-19

Ngày 5.5, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 15 năm 2022.

Tại hội nghị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết gần 1 tháng nay (tính từ ngày 8.4.2022), TP không có ca tử vong do Covid-19. Kết quả này có được là nhờ việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ tại TP.

Theo ông Thượng, TP đã trải qua 3 đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19. Đợt cao điểm thứ nhất vào ngày 6.9.2021 với 154.000 ca mắc và 1.058 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ hai vào ngày 8.12.2021 với 84.643 ca mắc và 455 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ ba vào ngày 13.3.2022 với 108.300 ca mắc nhưng chỉ có 80 ca thở máy xâm lấn. Ngày có số ca tử vong cao nhất là 380 ca (ngày 23.8.2021), nhưng đến hiện nay, gần 1 tháng qua không có ca tử vong dù số ca mắc tăng cao. Điều này cho thấy việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ đã cải thiện ca nặng và giảm tử vong ở đợt cao điểm thứ 3. Nguyên lý rất đơn giản, đó là xác định có nguy cơ, đánh giá nguy cơ, đưa ra biện pháp và đánh giá hiệu quả.

Theo đó, mỗi ngày TP phân tích và đã xác định được người nguy cơ tử vong. Kết quả cho thấy, tử vong tập trung vào nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi; người có bệnh nền hơn 90% tử vong; số tử vong chưa tiêm vắc xin chiếm 50%. Từ đó, ưu tiên nhóm trên 65 tuổi và người có bệnh nền; tập trung đánh giá những người chưa tiêm vắc xin, người chậm phát hiện ra bệnh (mắc bệnh mà không biết).

Sau đó, TP triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ bằng các giải pháp: giảm nguy cơ lây nhiễm trên người cao tuổi, người có bệnh nền, tiêm vắc xin; hạn chế tối đa tiếp xúc F0 trong gia đình; phát hiện và điều trị sớm bằng test nhanh định kỳ; kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Cụ thể, lên danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn phường, xã; cho xét nghiệm hàng loạt phát hiện F0 điều trị bằng thuốc kháng vi rút; phát hiện người chưa tiêm vắc xin thì tiêm ngay, tiêm tại nhà; tổ chức tư vấn từ xa…

“Sau khi triển khai các biện pháp, đánh giá kết quả, thấy rõ nhất là tử vong giảm hẳn, gần 1 tháng không có ca tử vong. Chỉ còn 9 ca thở máy (lúc cao điểm có 1.058 người thở máy/ngày). Chủ động phát hiện 637.000 người thuộc nhóm nguy cơ, 25.333 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin (đã tiêm được 13.874 người) và phát hiện 5.402 người mắc Covid-19 mà không biết, đưa vào điều trị sớm”, ông Thượng thông tin.

Tính đến ngày 5.5, TP chỉ còn 207 ca nằm viện, trong đó có 57 ca hỗ trợ hô hấp, 9 ca thở máy và 2.766 ca cách ly tại nhà. Bộ Y tế công bố tại TP đã có 609.530 ca mắc Covid-19 và 20.488 ca tử vong (tính từ khi có dịch Covid-19 đến ngày 5.5.2022) (Thanh niên, trang 4).

 

Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-5, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cục đã có một văn bản cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh và đang theo dõi sát sao. “Chúng tôi sẽ có một văn bản kế tiếp để hướng dẫn giám sát, ngăn chặn sớm nếu có ca bệnh” – đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.

Theo vị này, các căn nguyên gây viêm gan lạ ở trẻ em các nước hiện đều là giả thuyết và chưa có giả thuyết nào thực sự thuyết phục. Trước mắt các chuyên gia nghĩ nhiều lây lan thông qua đường tiêu hóa và đề nghị vệ sinh cá nhân cho trẻ để phòng bệnh.

Vị này cũng cho rằng về lâm sàng thì biểu hiện của trẻ mắc viêm gan lạ chưa đúng với lâm sàng các trường hợp nhiễm adenovirus thông thường khác.

“Có thể do virus hoặc do các độc tố khác. Các nghiên cứu hiện nay mới là nghiên cứu một chiều, xét nghiệm ca bệnh có adenovirus, nhưng biểu hiện toàn diện thì chưa đúng bản chất của virus này” – đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết (Tuổi trẻ, trang 14).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/11/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/6/2019

CDC Hà Nam