Điểm báo ngày 06/8/2020

(CDC Hà Nam)
 Thủ tướng gửi thư khen các chiến sĩ áo trắng; Hà Nội: người từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7 phải được xét nghiệm PCR thêm cho chắc

Thủ tướng gửi thư khen các chiến sĩ áo trắng

Ngày 4/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư khen các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Thư khen của Thủ tướng viết: Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đã có một số nhân viên y tế bị mắc bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng chống lại dịch COVID-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác chống dịch trên tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực, sử dụng biện pháp mạnh, đồng bộ để xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bộ Y tế và lực lượng quân y đã hết sức khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đã xuất hiện nhiều tấm gương, lòng quả cảm, sự cống hiến, nghĩa cử cao đẹp ở mọi lứa tuổi, mọi lực lượng, mọi ngành nghề và thành phần kinh tế, mà tiêu biểu là đông đảo đội ngũ thầy thuốc, y bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa – những người chiến sỹ áo trắng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và nhiều bệnh viện, các viện nghiên cứu, trường Đại học của ngành y tế trên toàn quốc đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh.

“Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến cao cả, tận tâm hết mình của những thầy thuốc yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Tôi cũng cảm ơn người nhà, gia đình của những thầy thuốc và cán bộ ngành y tế đã thông cảm, đồng hành và chia sẻ những khó khăn, thách thức này, luôn là hậu phương vững chắc để các chiến sỹ áo trắng có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”- Thủ tướng viết trong thư.

Cũng tại thư khen, Thủ tướng nêu rõ, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, ngành y tế cần dồn toàn lực lượng để khống chế dịch bệnh lây lan, trước hết phải trang bị đầy đủ, kịp thời để bảo vệ ở mức cao nhất sự an toàn của đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế của chúng ta.

Thủ tướng kêu gọi ngành y tế, các y bác sỹ, nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc tiếp tục phát huy các phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc luôn sẵn sàng, quyết tâm, trách nhiệm và dồn hết tâm sức, tri thức và kinh nghiệm để cùng với toàn Đảng, toàn dân chiến thắng đại dịch.

Trong thư khen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước đưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp hãy tiếp tục đoàn kết, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân cũng là một chiến sĩ phòng, chống dịch, cùng ủng hộ, động viên, chia sẻ và bảo vệ những người chiến sỹ áo trắng yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến đầy cam go và hiểm nguy với COVID-19.

Thủ tướng gửi lời chúc các thầy thuốc, các cán bộ ngành y tế – những người anh hùng của nhân dân luôn mạnh khỏe, sớm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang, giành chiến thắng trước dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho toàn thể nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Hà Nội: người từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7 phải được xét nghiệm PCR thêm cho chắc

Chiều 5-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR với tất cả người về từ Đà Nẵng từ ngày 15-7 đến nay dù đã được test nhanh COVID-19 trước đó.

Chiều 5-8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền – giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết qua rà soát đến nay, toàn thành phố có 95.442 người về từ Đà Nẵng.

Ông Hiền cũng cho biết đã xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR với 582 trường hợp, tất cả đều âm tính, đã xét nghiệm nhanh cho 72.051 trường hợp cũng có kết quả âm tính.

Cũng tại cuộc họp, ông Hiền cho biết thời gian tới dự kiến Hà Nội sẽ đón khoảng 800 người từ Đà Nẵng trở về, đây là những người đang “kẹt” ở Đà Nẵng thời gian qua.

“Đây là những người đã có khoảng thời gian lưu trú lâu tại Đà Nẵng nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Do vậy, Sở Y tế đề xuất với UBND TP Hà Nội tổ chức cách ly tập trung những người này ngay khi về Hà Nội” – ông Hiền nói.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, cần thực hiện quy trình chặt chẽ khi đón 800 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội. Ông Quý đồng tình với phương án phải cách ly tập trung với 800 người từ Đà Nẵng về thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, nêu lại số liệu thống kê đã rà soát được gần 94.000 người từ Đà Nẵng, Quảng Nam về từ ngày 8-7 đến nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Vì vậy, ông Chung yêu cầu các địa phương của Hà Nội tiếp tục rà soát các trường hợp có yếu tố dịch tễ từ Đà Nẵng về, đặc biệt là những người đi qua các nơi có liên quan đến bệnh nhân dương tính tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

“Ngoài khai báo và giám sát y tế, tất cả những trường hợp này phải tiếp tục cách ly y tế tại nhà. Tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng từ ngày 15-7 đến nay dù đã được test nhanh COVID-19 thì cũng phải làm xét nghiệm PCR.

Tới đây, Hà Nội có phải xét nghiệm PCR cho hàng trăm nghìn trường hợp thì cũng phải làm vì chỉ có xét nghiệm PCR mới chính xác được các ca dương tính với COVID-19” – ông Chung nhấn mạnh.

Về việc đón 800 người từ Đà Nẵng về trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế và Bộ Tư lệnh thủ đô chuẩn bị cơ sở vật chất cách ly tập trung.

“Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh thủ đô cùng các quận huyện khởi động lại ngay các trung tâm cách ly tập trung mà giai đoạn dịch cao điểm thành phố đã sử dụng như khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp và một số cơ sở của quân đội” – ông Chung nói. (Tuổi trẻ, trang 5; An ninh thủ đô, trang 4).

 

Bác sĩ chi viện cho miền Trung đều muốn ở lại đến khi hết dịch

Trả lời báo chí trước việc chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng cho đến khi hết dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, nhấn mạnh đây là nghĩa vụ cũng là mong muốn hết sức bình thường của đội ngũ thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung để giúp đẩy lùi dịch bệnh tại khu vực này.

Đề cập tới việc điều trị cho những cán bộ, nhân viên y tế mắc Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với các y bác sĩ mắc Covid-19, Bộ Y tế cũng chỉ định điều trị như các bệnh nhân Covid-19 khác. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị sẽ bố trí khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian điều trị, hồi phục sức khỏe cho các bác sĩ để sớm tiếp tục quay lại phục vụ công tác phòng chống dịch. Những ngày qua, qua khảo sát cho thấy Đà Nẵng có 3 bệnh viện công lớn nhất đã bị phong tỏa vì Covid-19. Như vậy áp lực cho các cơ sở y tế khác tại địa phương là rất lớn trong công tác đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do dó, Bộ Y tế đề xuất với Sở Y tế Đà Nẵng tận dụng các cơ sở y tế hiện có, đặc biệt là hệ thống bệnh viện tư nhân như: Bệnh viện Gia Đình và Bệnh viện Vinmec tham gia vào thu dung, khám chữa bệnh và tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-19, các trường hợp F1 tại Bệnh viện Đà Nẵng. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; An ninh thủ đô, trang 4).

 

Chuẩn bị nhân lực, vật chất cho tình huống dịch lan rộng

Ngày 5/8 tại cuộc họp giao ban với giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo dịch lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình, cần chuẩn bị nhân lực, vật lực.

Phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế

“Về đáp ứng phòng chống dịch, trong tiền lệ của Bộ Y tế, chưa bao giờ lại cử những cán bộ, giáo sư, chuyên gia đầu ngành vào quyết giữ cho được Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, làm sao khống chế triệt để đợt dịch lần này. Việc khống chế triệt để không chỉ Quảng Nam, Đà Nẵng mà với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, trên cơ sở các hướng dẫn Bộ đã ban hành, phải rà soát lại cơ sở vật chất, kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phải rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn; yêu cầu khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm, sao cho có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ, như vậy, mới phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

“Cần chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng. Ngay bây giờ, với các địa phương chưa có dịch cũng phải chuẩn bị tình huống này. Bài học của Đà Nẵng là dù chúng ta dồn toàn lực như vậy nhưng về mặt y tế, vẫn thiếu cán bộ y tế nên Đà Nẵng phải kêu gọi các địa phương khác hỗ trợ bác sĩ cho điều trị bệnh nhân trên địa bàn Đà Nẵng”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế là vấn đề lớn được ông Long đặc biệt nhấn mạnh trong buổi giao ban. Theo đó, khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế, hạn chế thăm nuôi, khám chữa bệnh định kỳ mà có thể chuyển về y tế cơ sở.

“Đừng để chỉ một bệnh nhân mà phải phong tỏa cả bệnh viện. Phải phân luồng phân tuyến thì lúc đó, chỉ có khu vực đó mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm. Ngoài ra, chúng ta phải bảo vệ những điểm yếu nhất trong cơ sở y tế là khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối… Phải coi đây là điểm phải bảo vệ cốt tử, vì nếu dịch đánh đúng vào đó, số tử vong sẽ lớn”, ông Long nói.

10 ngày tới là đỉnh dịch ở Ðà Nẵng

Chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong giai đoạn hiện nay, xét nghiệm là công cụ chủ đạo để phát hiện ra ca dương tính trong cộng đồng. Mặc dù Đà Nẵng đã nâng công xuất xét nghiệm lên đạt mức 8.000-1.0000 mẫu/ngày nhưng vẫn có thể tăng hơn nữa. Ông Sơn cho biết thêm, việc truy vết F0 tại Đà Nẵng không phải là mục tiêu chủ yếu của Bộ Y tế tại thời điểm này. Hiện giờ mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, phát hiện những trường hợp dương tính kháng thể (trường hợp nhiễm COVID-19 đã lâu) và truy vết những người tiếp xúc với những trường hợp đó để tìm ra trường hợp bị lây nhiễm gần.

Ba bệnh viện ở Đà Nẵng đã được làm sạch và sẽ được đánh giá về bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Sau đó cần có quy trình phân luồng bệnh nhân kiểm soát chặt chẽ các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp để không lây lan dịch trong bệnh viện như thời gian qua. Thời gian mở cửa của Bệnh viện C từ ngày 7/8; hai bệnh viện còn lại sẽ do UBND TP Đà Nẵng quyết định.

Nhận định về tình hình dịch thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh”. (Tiền phong, trang 4; Gia đình & Xã hội, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Đà Nẵng lấy mẫu theo nhóm xét nghiệm COVID-19

Sáng 5.8, bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) xác nhận thành phố sẽ triển khai lấy mẫu nhóm để tăng tốc độ xét nghiệm người mắc COVID-19.

Hình thức lấy mẫu trên nhằm tăng nhanh tốc độ xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm vẫn đảm bảo.

Cụ thể, 3-5 người trong một gia đình sẽ được lấy mẫu vào một ống để xét nghiệm. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, sẽ xét nghiệm lại từng mẫu một để xác định đúng đối tượng.

“3-5 người trong một gia đình được lấy vào một ống, thể tích của môi trường đó không thay đổi, kết quả xét nghiệm vẫn đảm bảo. Chứ không phải lấy 5 ống rồi trộn vào thì thể tích tăng lên gấp 5 lần, nồng độ có thể bị giảm, gây âm tính giả” -bác sĩ Thạnh nói.

Trong ngày 5.8, ngành y tế Đà Nẵng sẽ tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ lấy mẫu và triển khai luôn.

Được biết, từ ngày 25.7-3.8, Đà Nẵng đã thực hiện lấy 19.634 mẫu, trong đó 13.756 mẫu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. (Lao động, trang 3; Thanh niên, trang 2).

 

Tây Nguyên lập thêm nhiều khu cách ly, chốt kiểm soát chống dịch

Dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, tất cả các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, ngăn không để xuất hiện them ca nhiễm. Lực lượng chức năng các tỉnh trong vùng đã lập thêm nhiều khu cách ly, chốt kiểm soát để hạn chế tối đa nguồn lây lan dịch bệnh… (Lao động, trang 3).

 

Huy động tổng lực ngăn chặn dịch Covid-19

Việt Nam bước vào giai đoạn mới của dịch Covid-19 với diễn biến khó lường. Nhiều địa phương đã ghi nhận người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Đà Nẵng và Quảng Nam đang là tâm dịch. Nhằm sớm khoanh vùng, dập dịch, Bộ Y tế đã “tung” vào Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền trung nhiều lực lượng “thiện chiến”, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Covid-19 tại các tỉnh miền trung (nhất là Đà Nẵng) diễn biến phức tạp, có nhiều điểm khác so với đợt dịch lần trước. Nổi bật nhất là vi-rút SARS-CoV-2 phân lập được là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. Chính vì vậy, ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã tăng cường lực lượng tinh nhuệ nhất với hàng trăm lượt cán bộ y tế của các viện, bệnh viện đầu ngành cả nước vào tâm dịch Đà Nẵng. Bộ Y tế khẩn cấp thành lập và cử bốn đội công tác  vào hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho các cơ sở y tế ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Tham gia bốn đội công tác là những chuyên gia đầu ngành về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, cách ly, truyền nhiễm, xét nghiệm… có kinh nghiệm như điều trị thành công cho người bệnh 91; cách ly, khoang vùng dập dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), Bình Thuận… Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ đặt tại TP Đà Nẵng do Thứ trưởng, PGS,TS Nguyễn Trường Sơn phụ trách để tiếp tục hỗ trợ, phối hợp UBND TP Đà Nẵng và các địa phương khẩn trương ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn.

Đợt dịch Covid-19 này ghi nhận rất nhiều người đang có bệnh lý nền nguy hiểm như tim mạch, hô hấp, suy thận… Một số người bệnh có đến bốn, năm bệnh lý nền. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh… đều đã cử chuyên gia hồi sức tích cực, tim mạch, kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền nhiễm vào hỗ trợ các bệnh viện ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã cử gần 40 giáo sư, bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành vào hỗ trợ TP Đà Nẵng triển khai phân luồng chuyển người bệnh, nhất là những người bệnh nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế cơ sở 2.

Triển khai các biện pháp phong tỏa, cách ly ba bệnh viện (Đà Nẵng, C, Chỉnh hình và phục hồi chức năng) để cắt đứt nguồn lây. Việc tổ chức làm sạch Bệnh viện C Đà Nẵng cũng được tiến hành để cơ sở này thực hiện thu dung, điều trị các trường hợp người bệnh khác đến khám, chữa bệnh. Hằng ngày các ca bệnh nặng đều được các chuyên gia đầu ngành cả nước hội chẩn quốc gia để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Bộ Y tế và TP Đà Nẵng đang khẩn trương thiết lập hai trung tâm điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Nhóm chuyên gia về chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai trợ giúp thiết lập đơn nguyên chạy thận nhân tạo với 10 máy để tiếp nhận từ 50 đến 60 người bệnh chạy thận/ngày. Đáng chú ý, không chỉ điều động bác sĩ vào hỗ trợ điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đưa vào Đà Nẵng các chuyên gia hỗ trợ tâm lý. Ngoài kíp bác sĩ đã cứu chữa thành công cho người bệnh thứ 91 (phi công người Anh), Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử ra Đà Nẵng các bác sĩ khác để trợ giúp thiết lập các trung tâm điều trị Covid-19 vận chuyển người bệnh Covid-19 và điều trị các ca bệnh nặng…

Bộ Y tế điều động các đơn vị đầu ngành như Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh đưa vào Đà Nẵng các kíp nhân lực cùng với trang thiết bị xét nghiệm để hỗ trợ các đơn vị y tế trên địa bàn nâng cao năng lực xét nghiệm. Khoảng 1.000 người, bao gồm sinh viên trường đại học y dược và quân đội hỗ trợ, phục vụ công tác phòng, chống dịch của Đà Nẵng. Họ tham gia các khâu lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ… Nhờ đó, năng lực xét nghiệm của các đơn vị tại Đà Nẵng đạt tới 10 nghìn mẫu/ngày.

Sáng 5-8, đoàn hơn 30 bác sĩ, điều dưỡng của ba cơ sở y tế ở Hải Phòng lên đường vào tăng cường, hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Tỉnh Bình Định cũng quyết định chi viện nhân lực y tế cho Quảng Nam, Đà Nẵng trong cuộc chiến với dịch Covid-19… (Nhân dân, trang 5).

 

Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, phát hiện sớm người nhiễm Covid-19

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 ngày 5-8 thông báo xác nhận có thêm 43 người nhiễm Covid-19 tại: Quảng Nam (hai người), Đà Nẵng (34 người), Lạng Sơn (bốn người), Bắc Giang (hai người) và Bà Rịa – Vũng Tàu (một ca nhập cảnh được cách ly ngay).

Sáu ca bệnh ở Lạng Sơn và Bắc Giang (người bệnh từ 673 đến 678) đều cùng gia đình, cùng nhóm đi du lịch ở Đà Nẵng, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Trong những người bệnh được ghi nhận tại Đà Nẵng, có 10 ca là người bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, 14 ca là F1 của người bệnh liên quan Đà Nẵng, bảy ca là người chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng, một ca là nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà  Nẵng, một ca là công an canh phạm nhân tại Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng và một ca tại quận Liên Chiểu. Tính đến 18 giờ ngày 5-8, cả nước có 713 người mắc Covid-19, trong đó số lượng người mắc liên quan Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 264 trường hợp. Trong ngày 5-8 cũng có ba người bệnh (391, 393, 395) được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Ngoài ra, 22 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một và 11 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần hai trở lên với SARS-CoV-2.

* Ngày 5-8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh, thành phố. Tại cuộc họp quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, dịch Covid-19 lần này tốc độ lây lan nhanh, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng. Điều đó đặt ra thách thức lớn là phải khẩn trương, quyết liệt, triển khai rất mạnh tất cả biện pháp phòng dịch. Các địa phương, kể cả những tỉnh, thành phố chưa ghi nhận ca bệnh cần chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng, từ việc phân định cơ sở tiếp đón người bệnh đến đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế (cán bộ đang làm việc, đã nghỉ hưu hay sinh viên trường y). Mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi một cán bộ y tế là một chiến sĩ chống dịch Covid-19. Trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương cần rà soát cơ sở vật chất kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Đồng thời tăng cường giám sát, xét nghiệm để phát hiện sớm những người nhiễm Covid-19, từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

* Chiều 5-8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng. Bệnh viện dã chiến lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1. Hệ thống buồng, giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn… được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, bệnh viện sẽ tăng cường số buồng, giường với quy mô cao nhất đáp ứng 700 đến 1.000 giường bệnh. Chiều cùng ngày, đơn vị thi công đã bàn giao bệnh viện dã chiến này cho UBND thành phố Đà Nẵng để đưa vào vận hành.

* Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng sẽ triển khai xét nghiệm Covid-19 theo mẫu nhóm để tăng tốc độ xét nghiệm. Theo đó, từ ba đến năm người trong một gia đình sẽ được lấy mẫu vào một ống để xét nghiệm. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đơn vị sẽ xét nghiệm lại từng mẫu một để xác định đúng đối tượng nhiễm.

* Ngày 5-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng ban hành văn bản khẩn tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

* Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế tại khu 7, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, Lạng Sơn để thực hiện các biện pháp cách ly y tế, phòng, chống dịch Covid-19; thời gian cách ly từ 0 giờ ngày 5-8 cho đến khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố hết ca bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Đình Lập.

* Trưa 5-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, lực lượng y tế và các cơ quan có liên quan đã xác định được 26 hành khách đi cùng người bệnh thứ 620 (nữ, 44 tuổi; Phủ Lý, Hà Nam) trên xe ô-tô biển kiểm soát 43B-03126 (hãng Kim Chi) xuất phát từ Đà Nẵng ngày 27-7, đến Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội, ngày 28-7. Trong đó, đã tìm được 19 người (có tám người ở Hà Nội) và đã giám sát, quản lý sức khỏe. Hiện, bảy hành khách chưa liên hệ được. Sở Y tế đề nghị bảy hành khách trên chuyến xe hoặc người dân biết thông tin về các hành khách nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế nơi cư trú để được theo dõi sức khỏe.

* Trưa 5-8, đoàn cán bộ y tế của TP Hải Phòng gồm chín bác sĩ và 24 điều dưỡng do Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Trần Anh Cường dẫn đầu đã lên đường vào chi viện cho tâm dịch Đà Nẵng với quyết tâm kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19. Đoàn gồm những y, bác sĩ có kinh nghiệm thuộc các lĩnh vực mà Đà Nẵng đang cần: nội hô hấp, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm…  Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng đã có cuộc gặp mặt, động viên đoàn bác sĩ, điều dưỡng trước khi lên đường chi viện cho Đà Nẵng.

* Ngày 5-8, tại Trụ sở Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ 500 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên công đoàn Bộ Y tế đang tăng cường tại tâm dịch miền trung. Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam, Viện sức khỏe cộng đồng, Công ty cổ phần y tế Minh Anh trao tặng Bệnh viện K 75 nghìn khẩu trang y tế và 100 triệu đồng; tặng Viện Huyết Học – Truyền máu T.Ư 50 triệu đồng và 25 nghìn khẩu trang y tế. Tháng 3 và tháng 5-2020, Quỹ cũng đã trao tặng hơn 40 nghìn khẩu trang y tế và 360 triệu đồng cho năm bệnh viện: K, Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Ung bướu Hà Nội và Viện Huyết học Truyền máu T.Ư.

* Ngày 5-8, tại UBND thành phố Đà Nẵng, Công ty cổ phần DHC Suối Đôi trao tặng hệ thống trao đổi ô-xi qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho TP Đà Nẵng, trị giá 3,5 tỷ đồng.

Trong ngày, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phòng, chống dịch của tỉnh Quảng Nam như sau: Lãnh đạo UBND thành phố Tam Kỳ thăm và tặng ngành y tế 20 nghìn khẩu trang y tế; doanh nhân Võ Quang Huệ (quê ở Điện Bàn, Quảng Nam) tặng bốn máy thở xâm nhập VSMART VFS – 510 trị giá 740 triệu đồng; Công ty cổ phần Thương mại Vạn Xuân tặng 200 máy đo thân nhiệt cầm tay, mỗi máy trị giá 1,4 triệu đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Gia Hội An tặng một tỷ đồng; cán bộ, nhân viên Cảng Đà Nẵng tặng 200 triệu đồng; Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Tiên Phong; Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI và Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh ủng hộ 8,3 tỷ đồng. Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất trích Quỹ phòng, chống dịch bệnh hỗ trợ tỉnh Quảng Nam một tỷ đồng.

* Ngày 5-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, cần phun khử khuẩn toàn bộ các điểm thi trước ngày thi. Các điểm thi cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch như: Nơi rửa tay, nước sạch, xà-phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng y tế, có đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu; phòng thi phải thông thoáng, bảo đảm giãn cách cho thí sinh. Tại mỗi buổi thi, nếu thí sinh, cán bộ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: Ốm, ho, sốt, khó thở phải báo ngay cán bộ y tế trực tại điểm thi để kịp thời xử lý.

* Tỉnh đoàn Kon Tum đã vận động hơn 9.000 khẩu trang, 75 thùng nước suối để phát cho các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới; thành lập 36 đội hình tình nguyện hỗ trợ các thí sinh, làm 500 mũ chống giọt bắn tặng các đội tình nguyện. Bên cạnh đó, hỗ trợ 21 suất học bổng (mỗi suất 300.000 đồng) cho các em học sinh mồ côi, khuyết tật, gia đình khó khăn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại huyện Kon Plông. (Nhân dân, trang 8).

 

Đảm bảo chính xác kết quả sàng lọc Covid-19

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết thêm việc gộp chung các mẫu xét nghiệm, thay vì làm từng mẫu, vẫn cho kết quả chính xác và nhanh hơn.

Liên quan phương pháp xét nghiệm “gộp mẫu” (xét nghiệm nhóm) sàng lọc ca bệnh Covid-19 được triển khai tại Đà Nẵng, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám – chữa bệnh, Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, người đề xuất thực hiện, cho biết: “Đến nay, thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả của phương pháp gộp mẫu (Pool) thực hiện xét nghiệm Realtime PCR để phát hiện SARS-CoV-2”.

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ngày 15.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm truyền máu Frankfurt (Đức) về dùng phương pháp Pool để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR…

Ông Khuê cho biết, tại Việt Nam đã có quy định về xét nghiệm gộp mẫu (tại Thông tư số 26 năm 2013 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn hoạt động truyền máu”). Hiện tại, các trung tâm truyền máu lớn đang thực hiện kỹ thuật Pool trong nhiều năm nay để sàng lọc 5 mầm bệnh trong túi máu là: HIV, giang mai, viêm gan…, đặc biệt Trung tâm máu quốc gia và Trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM là hệ thống xét nghiệm PCR tự động công suất lớn đã thực hiện.

Ông Khuê đánh giá: “Như vậy, việc thực hiện gộp mẫu cũng đã được áp dụng tại một số quốc gia với các hình thức gộp mẫu khác nhau. Có các nghiên cứu thì lấy mẫu riêng lẻ sau đó chuyển về phòng xét nghiệm mới thực hiện gộp để tránh việc phải quay lại lấy lại mẫu sau khi có trường hợp dương tính, có nghiên cứu thì cách gộp mẫu khác. Cho dù, cách gộp mẫu nào đi chăng nữa thì các phòng xét nghiệm cũng cần thận trọng để đảm bảo về chất lượng”.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết thêm việc gộp chung các mẫu xét nghiệm, thay vì làm từng mẫu, vẫn cho kết quả chính xác và nhanh hơn. Trung bình, có thể gom 5 mẫu máu trong 1 lần (1 ô) xét nghiệm, với 100 ca cần xét nghiệm, sẽ chỉ làm 20 lần, thay vì phải làm đủ 100 lần. Sau khi xét nghiệm, ô nào có kết quả dương tính, sẽ thực hiện riêng từng mẫu, để khẳng định mẫu nào dương tính. Các ô âm tính, sẽ không cần phải xét nghiệm gì thêm.

“Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm sinh phẩm, chi phí. Mỗi lần thực hiện có thể gom 5 – 10 mẫu”, GS-TS Đức Anh đánh giá.

“Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã và đang phối hợp làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế để Bộ Y tế sớm ban hành quy trình, áp dụng thống nhất trong cả nước, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng kết quả xét nghiệm”, ông Khuê khẳng định. (Thanh niên, trang 2+3).

 

Bệnh viện dã chiến đã sẵn sàng

Sau 4 ngày thi công tốc hành, dự kiến đến chiều nay (5-8) Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ được đơn vị thi công bàn giao cho TP Đà Nẵng.

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được xây lắp trên cơ sở trưng dụng Cung thể thao Tiên Sơn tại phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Đây là một công trình được đầu tư bài bản, có hạ tầng rất tốt và tương đối cách biệt với khu dân cư.

Có mặt tại hiện trường trưa 5-8, Tuổi Trẻ Online ghi nhận hầu hết các phần việc lắp đặt phòng ốc, thảm sàn, giường bệnh tại khu sàn của Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn đã được thực hiện xong. Một số nhân công đang triển khai các công đoạn cuối cùng như dán số phòng bệnh, kiểm tra ổ điện các phòng.

Thiết kế bệnh viện được tổ chức bằng các khung thép và lắp vách ngăn. Mỗi phòng có 2 giường bệnh, 1 kệ để đồ đạc, 1 thùng rác và 1 chiếc quạt. Đối với bệnh nhân tương đối nặng, mỗi phòng sẽ chỉ có 1 giường.

Sở Y tế Đà Nẵng đã giao bác sĩ Trần Thanh Thủy, phó giám đốc Sở Y tế, làm giám đốc Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.

Hiện tại, bệnh viện mới sử dụng phần sàn thi đấu để lắp đặt 100 phòng, tương đương 200 giường bệnh. Khi cần thiết sẽ tăng lên 1.000 giường và chủ yếu sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Bắt đầu thiếu hụt nguồn nhân lực y tế

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19” do Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức vào sáng 5/8, Ths Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết: 14 cán bộ y tế nước ta bị nhiễm COVID-19 trong 224 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ 6%. Tỷ lệ này cũng gần tương đương với thống kế của Hội Điều dưỡng Thế giới ở 77 nước, cán bộ y tế lây nhiễm khoảng 7%. Đây là vấn đề khiến chúng ta hết sức lo lắng, bởi một cán bộ y tế mắc bệnh kéo theo đó là đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, không còn nguồn nhân lực phục vụ bệnh nhân.

Ths.Phạm Đức Mục cho hay, do dịch bệnh của chúng ta chưa thể đoán trước được diễn biến ra sao, trước mắt cán bộ ngành y tế còn phải đương đầu với rất nhiều thách thức. Đợt dịch thứ 2 mới có trên 200 người bệnh dương tính, nhưng đã bắt đầu xuất hiện thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Cụ thể, Bộ Y tế đã phải cấp tốc chi viện nhiều bác sĩ giỏi cho Đà Nẵng. UBND tỉnh Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu hỗ trợ, Hải Phòng và Bình Định đã gửi các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm đến Đà Nẵng. “Nhưng kịch bản có xuất hiện thêm bệnh nhân COVID-19 thì chúng ta sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực”, ông Mục cho hay.

Theo ông Mục, trong trận chiến với COVID-19, vai trò của các điều dưỡng rất quan trọng. “Họ là hậu thuẫn chuyên môn của các bác sĩ, đặc biệt các bệnh nhân dương tính đang cách ly trong buồng bệnh, không có ngươi thân, người nhà, các điều dưỡng đã thay người thân của họ chăm sóc tận tình cho bệnh nhân từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh, gần gũi an ủi tinh thần cho người bệnh…”, ông Mục nói. “Nếu bác sĩ, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID hiện nay bị bệnh thì họ không có sức khỏe để chăm sóc cho bệnh nhân và bệnh nhân thiếu đi lực lượng chữa bệnh, thì điều dưỡng nhiễm bệnh cũng sẽ thiếu hụt đi nguồn nhân lực phục vụ, thực hiện một số thủ thuật và chăm sóc bệnh nhân”, ông Mục nhấn mạnh… (Công an nhân dân, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/8/2021

CDC Hà Nam

Kiểm soát sử dụng khí cười trong cơ sở y tế

Ngọc Nga

Để lại bình luận