Điểm báo ngày 15/7/2020

(CDC Hà Nam)
Quyền Bộ trưởng Y tế cam kết nâng cao vị thế ngành y tế Việt Nam; Giảm 30% mức thu phí trong lĩnh vực y tế đến hết năm 2020; Phối hợp phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm; Gia tăng trẻ nhập viện do mắc tay-chân-miệng; …

Quyền Bộ trưởng Y tế cam kết nâng cao vị thế ngành y tế Việt Nam

Phát biểu nhận nhiệm vụ Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 14-7, ông Nguyễn Thanh Long hứa sẽ cùng với toàn ngành phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết để phục vụ người dân tốt hơn, từng bước nâng cao vị thế của ngành y…

Sáng 14-7, tại Bộ Y tế đã diễn ra lễ trao quyết định của Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.

Dự và trao quyết định cho Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ tin tưởng đồng chí Nguyễn Thanh Long là hạt nhân đoàn kết cùng tập thể, lãnh đạo Bộ Y tế, toàn ngành Y tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Tôi có niềm tin Bộ Y tế sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với tinh thần đó sẽ trở thành bộ mạnh và hiện đại”- Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu tại lễ công bố quyết định, ông Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ đã quan tâm, tín nhiệm chỉ định cá nhân đồng chí giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ông Long cũng cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong thời gian qua đã dồn tâm huyết trực tiếp chỉ đạo sát sao, điều hành hoạt động của Bộ Y tế nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng mọi mặt của ngành, đặc biệt là đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Bày tỏ nhiệm vụ được giao là niềm tự hào, niềm vinh dự, là trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hứa trong thời gian tới sẽ cùng với toàn ngành tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ngành, phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết, ý chí khát vọng, tinh thần vươn lên của toàn ngành để phục vụ người dân ngày một tốt hơn, tiếp tục từng bước nâng cao vị thế của ngành y tế Việt Nam, xứng đáng với sự giao phó của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trước đó, ngày 7-7, Bộ Chính trị có quyết định số 2228-QĐNS/TW, chỉ định ông Nguyễn Thanh Long, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 977/QĐ-TTg giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. (An ninh thủ đô, trang 2)

 

Giảm 30% mức thu phí trong lĩnh vực y tế đến hết năm 2020

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 64/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí trong lĩnh vực y tế, trong đó quy định giảm 30% mức thu phí quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BTC và Thông tư 278/2016/TT-BTC.

Thông tư số 64 quy định giảm 30% mức thu phí quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BTC, đơn cử như: Phí thẩm định cấp giấy phép khảo nghiệm hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế: 2,45 triệu đồng/hồ sơ (mức cũ: 3,5 triệu đồng/hồ sơ). Phí thẩm định xác nhận nội dung quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế: 420.000 đồng/hồ sơ (mức cũ: 600.000 đồng/hồ sơ). Thông tư 64/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 08/7/2020 đến hết ngày 31/12/2020. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Phối hợp phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm

Chiều 14-7, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban quốc gia (UBQG) Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giai đoạn 2020-2025.

Ðến dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế.

Chương trình ký kết nhằm tăng cường phối hợp, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo giữa hai đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Trong giai đoạn 2020-2025, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm… Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy với sự tham gia của tòa án, hướng tới mô hình “Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy”, nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan về tư pháp, hành pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy, giúp họ tuân thủ điều trị và cai nghiện hiệu quả… (Nhân dân, trang 1).

 

Thêm hai người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Ngày 14-7, Tiểu Ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, có thêm hai người bệnh (người bệnh thứ 331, 337) mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu được công bố khỏi bệnh.

Như vậy, đến thời điểm này đã có 352 trong tổng số 373 người bệnh được công bố khỏi bệnh (đạt tỷ lệ 94,4%). Trong số người bệnh mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, sáu người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến hai lần trở lên với vi-rút SARS-CoV-2.

★ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 14-7, ghi nhận thêm một người bệnh (người bệnh thứ  373) mắc Covid-19, trở về từ Liên bang Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.357 người. Việt Nam đã trải qua 89 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

★ Ngày 14-7, UBND tỉnh Ðồng Tháp chỉ đạo trưng dụng trụ sở UBND huyện Hồng Ngự (cơ sở cũ) để bố trí làm điểm cách ly tập trung, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian bắt đầu tiếp nhận đối tượng cách ly tập trung từ ngày 17-7. UBND tỉnh Ðồng Tháp cũng yêu cầu UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo cơ quan chuyên môn bảo đảm các điều kiện cần thiết để tiếp nhận đối tượng cách ly tập trung tại điểm cách ly tập trung UBND huyện Hồng Ngự (cơ sở cũ).

★ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ đêm 13-7 đến ngày 14-7, đã tổ chức tiếp nhận 345 công dân Việt Nam trở về từ Ô-xtrây-li-a thực hiện cách ly y tế tập trung phòng dịch Covid-19 tại cơ sở cách ly tập trung Trung đoàn 834.

Các công dân đã được kiểm tra sức khỏe ban đầu, hướng dẫn khai báo y tế theo quy định. Trong thời gian cách ly, các công dân được bảo đảm chu đáo các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt với chế độ ăn 80.000 đồng/ngày; được kiểm tra sức khỏe chặt chẽ hai lần/ngày; nếu có biểu hiện về bệnh hô hấp và các dấu hiệu bất thường, sẽ nhanh chóng được chuyển sang cơ sở điều trị. (Nhân dân, trang 5).

 

WHO kêu gọi tuân thủ nguyên tắc chống dịch

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 14-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)   cảnh báo nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch cho nên sẽ không thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường.

Sau khi ghi nhận 230.000 ca mắc mới chỉ trong một ngày, WHO cho rằng đại dịch sẽ diễn biến tồi tệ hơn nếu người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang.

★ Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 14-7, thế giới  ghi nhận 13,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 576 nghìn người chết và 7,7 triệu người bệnh đã phục hồi. Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với gần 3,5 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Bra-xin, Ấn Ðộ và Nga. Tại Mỹ, Thống đốc bang Ca-li-pho-ni-a G.Niu-xơm đã công bố kế hoạch ngừng mở cửa trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

★ Tại Bô-li-vi-a, Bộ trưởng Ngoại giao C.Rô-đri-gết cho biết, bà đã có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Trước đó, nhiều quan chức cấp cao của chính phủ lâm thời Bô-li-vi-a mắc Covid-19, bao gồm Tổng thống, Bộ trưởng Y tế, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế.

★ Giới chức y tế Ác-hen-ti-na cho biết, hàng chục thủy thủ mắc Covid-19 sau 35 ngày lênh đênh trên biển và hoàn toàn không tiếp xúc với đất liền. Trước khi lên tàu ra khơi, tất cả thủy thủ đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhà chức trách đang cố gắng xác định nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 trên tàu.

★ Tại châu Âu, từ ngày 15-7, Nga sẽ bỏ quy định cách ly hai tuần đối với người nước ngoài nhập cảnh có giấy chứng nhận không bị nhiễm Covid-19. Ðối với tất cả các công dân Nga, trong vòng ba ngày kể từ thời điểm về nước, phải tiến hành xét nghiệm.

★ Chính phủ Anh yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng và siêu thị ở vùng Inh-lân từ tuần tới để kiềm chế tốc độ lây lan dịch. Những người vi phạm quy định đeo khẩu trang sẽ bị phạt 100 bảng.

★ Ai-len áp dụng biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và áp mức phạt tối đa 2.500 ơ-rô hoặc phạt tù 6 tháng với các trường hợp vi phạm. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã bác khả năng áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc nếu bảo đảm khoảng cách an toàn.

★ Ma-lai-xi-a và quốc gia láng giềng Xin-ga-po nhất trí sẽ áp dụng cơ chế “Làn đường xanh đối ứng” (RGL) và “Thỏa thuận đi lại định kỳ” (PCA) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động qua lại giữa biên giới hai nước.  RGL sẽ cho phép qua lại biên giới vì mục đích kinh doanh thiết yếu và công vụ, còn PCA cho phép những người được cấp thẻ cư trú dài hạn được về nước thăm thân.

★ Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ thành lập trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại các sân bay nhằm chuẩn bị triển khai các biện pháp nới lỏng đi lại quốc tế. Các trung tâm này sẽ tiến hành khoảng 3.000 xét nghiệm mỗi ngày đối với người xuất cảnh và 6.000 xét nghiệm mỗi ngày với các trường hợp nhập cảnh.

★ Chính phủ Ấn Ðộ quy định những người không đeo khẩu trang sẽ bị phạt tiền. Thành phố Bang-ga-lo, trung tâm công nghệ của Ấn Ðộ, tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng bảy ngày, từ ngày 14-7 sau khi số ca nhiễm mới tại Ấn Ðộ tiếp tục tăng nhanh, sắp chạm ngưỡng một triệu người với khoảng 500  người chết mỗi ngày. Thành phố Pu-ne ở miền tây Ấn Ðộ cũng áp đặt lệnh phong tỏa mới. (Nhân dân, trang 5).

 

Gia tăng trẻ nhập viện do mắc tay-chân-miệng

Theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em – Bệnh viện Nhi T.Ư, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay-chân-miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6 – 7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5 – 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỗi ngày tiếp nhận 30 – 50 bệnh nhân

Bé Nguyễn Diệu Linh (25 tháng tuổi, Hà Nội) được chuyển đến  Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi T.Ư khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 4. Khi thăm khám toàn thân, các bác sĩ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác nhiều mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm xét nghiệm công thức máu, CRP và EV71. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Linh mắc tay-chân-miệng độ 2a.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm  Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 – 50 bệnh nhân. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội.

Nhập viện cùng phòng với bé Linh là bé Bảo Nam (8 tháng tuổi, Hà Nội). Gia đình cho biết, 4 ngày trước khi vào viện, bé Nam bỗng dưng nôn và đi ngoài nhiều. 2 hôm sau, khi thay quần áo cho bé, bố mẹ phát hiện chân và tay con nổi rất nhiều nốt phỏng. Nghi ngờ con mắc tay-chân-miệng, gia đình đưa con đến  Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi T.Ư. Tại đây, qua quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc tay – chân – miệng mức độ 2a.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, bệnh tay-chân-miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:

– Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

– Tổn thương ở da: Dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay-chân-miệng cần đảm bảo:

– Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt là sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

– Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

– Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh. (Khoa học & Đời sống, trang 7; Tiền phong, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Hà nội mới, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/2/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận