Điểm báo ngày 30/7/2021

(CDC Hà Nam)
Phân bổ hơn 3 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ viện trợ; Đội ngũ chuyên gia y tế hùng hậu tiếp sức TP.HCM chống dịch; TP.HCM đặt mục tiêu tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 cho 70% dân số trong tháng 8; Thêm gần 660.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam…

Phân bổ hơn 3 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ viện trợ

Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ 3 triệu liều vắc xin Moderna phòng Covid -19 tiếp nhận hôm 24 – 25.7.

Số vắc xin này được phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố; 23 bệnh viện (BV), viện thuộc Bộ Y tế và lực lượng công an, quân đội.

Trong đó, miền Bắc được nhận 1,018 triệu liều, Hà Nội tiếp nhận nhiều nhất với 268.800 liều. 11 tỉnh miền Trung được nhận 309.120 liều, gồm Khánh Hòa có 42.000 liều; Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam mỗi tỉnh có 33.600 liều… 4 tỉnh Tây nguyên nhận 80.640 liều, trong đó Đắk Lắk 30.240 liều, Gia Lai 28.560 liều. 20 tỉnh miền Nam nhận gần 1,364 triệu liều. Trong đó, TP.HCM nhận 336.000 liều; các tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh nhận 84.000 liều…23 BV, viện của Bộ Y tế nhận 174.580 liều. Trong đó được phân bổ nhiều nhất là BV Nhi T.Ư, BV Phổi T.Ư, mỗi nơi nhận 18.480 liều; Trường ĐH Y Hà Nội 10.080 liều; BV Bạch Mai và BV Đại học Y Dược TP.HCM mỗi đơn vị 15.120 liều; BV Chợ Rẫy 13.440 liều; BV Thống Nhất 11.760 liều; Viện Pasteur TP.HCM và BV Hữu Nghị mỗi đơn vị 6.720 liều. Các BV khác như: E, Hữu nghị Việt Đức, Đại học Y Hà Nội, Đa khoa T.Ư Huế, C Đà Nẵng, Răng hàm mặt TP.HCM mỗi đơn vị 1.680 – 5.040 liều. Quân đội nhận 28.560 liều và công an 25.200 liều.

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị không sử dụng hết vắc xin hoặc có nhu cầu sử dụng thêm cần phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng, bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả. Các đơn vị xây dựng kế hoạch, bảo đảm mỗi đối tượng được tiêm đủ 2 mũi.

Đây là lô vắc xin đợt 2 trong tháng 7, do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX. Đợt 1 với hơn 2 triệu liều đã về Việt Nam hôm 10.7 vừa qua. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 15 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu và viện trợ.

Tính đến chiều 29.7, đã có hơn 5,32 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm trên cả nước; trong đó hơn 4,82 triệu liều tiêm mũi 1 và tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Tối 29.7, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ Việt Nam ghi nhận 7.594 ca bệnh Covid-19 mắc mới tại 38 tỉnh thành, gồm 1 ca nhập cảnh và 7.593 ca trong nước. Trong số các ca bệnh ghi nhận trong nước, TP.HCM có 4.592 ca, Bình Dương 1.144 ca, Long An 499 ca, Đồng Nai 325 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu 185 ca, Đồng Tháp 157 ca, Tây Ninh 139 ca, Bình Thuận 63 ca, Hà Nội 59 ca, Đà Nẵng 54 ca, Phú Yên 52 ca, các địa phương khác có từ 1 – 35 ca. Trong ngày 29.7 có 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 128.413 ca mắc Covid-19, trong đó 2.208 ca nhập cảnh và 126.205 ca mắc trong nước. Đến nay 31.780 ca đã được điều trị khỏi. Bộ Y tế cũng thông báo có 233 ca tử vong do Covid-19 (số 631 – 863) từ ngày 19 – 26.7 tại 7 tỉnh, thành; trong đó 189 ca tại TP.HCM, Khánh Hòa 14 ca, Long An 10 ca, Đồng Nai 8 ca, Bến Tre 6 ca, Vĩnh Long 4 ca và Bình Dương 2 ca. (Thanh niên, trang 3).

 

Đội ngũ chuyên gia y tế hùng hậu tiếp sức TP.HCM chống dịch

Bộ Y tế điều động đội ngũ hùng hậu, chuyên gia hồi cấp cứu tích cực có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 từ các bệnh viện hạng đặc biệt, chuyên khoa tuyến T.Ư tiếp sức cho TP.HCM chống dịch.
Sáng 29.7, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

TP.HCM đang đi đúng hướng

Theo Bộ trưởng BYT, TP.HCM đang hết sức nỗ lực cho cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có tiền lệ và TP đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nâng dần cấp độ để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá TP.HCM đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Vấn đề cần quan tâm nhất tại thời điểm này là cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân (BN) nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng

Chiều 29.7, Bộ trưởng Bộ Y tế ký văn bản hỏa tốc gửi UBND TP.HCM về tiêm vắc xin Covid-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý để TP sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP triển khai tiêm chủng chống dịch; đề nghị TP.HCM bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng; phiếu sàng lọc trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy. Thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm. Sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp đảm bảo an toàn. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các BV…

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm cố định hoặc lưu động phù hợp; tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng…

Để đồng hành cùng TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều lãnh đạo Cục, Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, BV chuyên khoa tuyến T.Ư như: Bạch Mai, Việt – Đức, K, Phổi T.Ư, E, Lão khoa, Hữu Nghị… vào TP.HCM để cùng chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức cho BN Covid-19.

Cụ thể, các BV tuyến T.Ư thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TP.HCM (bao gồm BV Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường do BV Chợ Rẫy chịu trách nhiệm – PV), giám đốc các BV T.Ư sẽ làm giám đốc các BV, trung tâm hồi sức Covid-19 này.

Bộ Y tế giao Giám đốc BV Việt – Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn TP.Thủ Đức với quy mô 500 giường; giao BV Bệnh nhiệt đới T.Ư hỗ trợ BV Việt – Đức. BV Việt – Đức cũng đã đưa ê kíp gây mê hồi sức vào TP.HCM, đồng thời chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của BV sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế.

Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm hồi sức của Bộ Y tế đặt tại BV dã chiến số 16 (Q.7, TP.HCM) với quy mô 500 giường; lực lượng hỗ trợ gồm đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực từng hỗ trợ điều trị BN Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… Chiều qua (29.7), đoàn đã lên đường vào TP.HCM và ông Nguyễn Quang Tuấn đã đi khảo sát tại BV dã chiến số 16.

BV T.Ư Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở BV dã chiến số 13 (H.Bình Chánh). Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các BV: Phổi T.Ư, Lão khoa T.Ư, E và K… sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần. Giám đốc các BV tuyến T.Ư cho rằng cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn luôn sẵn sàng nhưng cần thiết nhất phải có trang thiết bị, hậu cần đáp ứng.

Về vấn đề nêu trên, tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.HCM đều nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các BV, trung tâm hồi sức Covid-19 với tinh thần “nhanh nhất vì sức khỏe người dân”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, cho rằng để các trung tâm hồi sức của các BV tuyến T.Ư trên địa bàn TP.HCM hoạt động hiệu quả, TP cần lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ để mọi hoạt động được nhịp nhàng trong điều trị BN nặng. Bên cạnh đó, TP cần đảm bảo công tác hậu cần để các trung tâm hồi sức Covid-19 hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo không được để thiếu ô xy trong điều trị Covid-19.

Tính đến chiều tối qua (29.7), TP.HCM có 39.144 BN Covid-19 đang điều trị. Trong đó có 696 BN nặng đang thở máy, 13 BN can thiệp ECMO. TP có 4 BV hồi sức Covid-19 tầng 5 chuyên sâu, gồm BV Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường, BV Bệnh nhiệt đới 200 giường, BV Chợ Rẫy 200 giường, Trung tâm hồi sức BV Quân y 175 là 200 giường.

Phấn đấu đến cuối tháng 8 tiêm vắc xin mũi 1 cho 70% người trên 18 tuổi

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM báo cáo về công tác tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 trên địa bàn TP. Theo đó, TP.HCM có 650 đội tiêm chủng, do đang thực hiện giãn cách nên hiện mỗi ngày tiêm khoảng 70.000 – 80.000 liều. Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm chủng vắc xin như: đơn giản khâu khám sàng lọc cho những người dưới 65 tuổi và không có bệnh nền; giảm thời gian theo dõi sau tiêm đối với người tiêm chủng khỏe mạnh, không có bệnh nền.

Theo phân tích của Sở Y tế, khi những thủ tục này được tinh giản, các nhân lực dôi ra sẽ được huy động để mở thêm các điểm tiêm chủng mới. Đồng thời, thời gian người chờ tiêm, theo dõi sau tiêm ít hơn nên sẽ tăng được số lượng tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm. TP phấn đấu đến cuối tháng 8.2021 tiêm được vắc xin mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên 18 tuổi. (Thanh niên, trang 4).

 

Công bố 6 số điện thoại giải đáp về gói hỗ trợ Covid-19

Ngày 29.7, Bộ LĐ-TB-XH công bố 6 số điện thoại nóng giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người lao động (NLĐ), doanh nghiệp trong quá trình triển khai các chính sách gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc tăng số điện thoại đường dây nóng nhằm đảm bảo thống nhất trong việc hỗ trợ, giải đáp các phản ảnh, kiến nghị của NLĐ và người sử dụng lao động về gói hỗ trợ Covid-19.

Cụ thể, về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, liên hệ số máy Vụ Bảo hiểm xã hội: 0886487322.

Đối với chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, liên hệ Vụ Pháp chế: 0911011166. (Thanh niên, trang 4).

 

TP.HCM đặt mục tiêu tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 cho 70% dân số trong tháng 8

Báo cáo với Bộ trưởng Y tế, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, thành phố phấn đấu trong tháng 8-2021 tiêm được mũi 1 vaccine Covid-19 cho khoảng 70% dân số. Tại cuộc làm vệc với Thành uỷ, UBND TP HCM ngày 29-7 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố này phải đẩy nhanh lên mức độ cao nhất thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, nếu thiếu nhân lực Bộ Y tế sẽ điều động thêm.

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP HCM, hiện thành phố có 650 đội tiêm chủng, do đang thực hiện giãn cách nên mỗi ngày tiêm khoảng 70.000-80.000 liều.

Tại buổi làm việc, Sở Y tế TP HCM đề xuất Bộ Y tế tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm chủng vaccine như đơn giản khâu khám sàng lọc cho những người dưới 65 tuổi và không có bệnh nền; giảm thời gian theo dõi sau tiêm đối với người tiêm chủng khoẻ mạnh, không có bệnh nền.

Theo phân tích của Sở Y tế, khi những thủ tục đó được tinh giản, các nhân lực dôi ra sẽ được huy động để mở thêm các điểm tiêm chủng mới. Đồng thời thời gian người chờ tiêm/ theo dõi sau tiêm ít hơn nên sẽ tăng được số lượng tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm.

Sở Y tế TP HCM cũng cho biết, thành phố phấn đấu trong tháng 8/2021 tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số của thành phố.

Đồng ý với đề xuất trên, ngay chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký văn bản hoả tốc gửi UBND TP HôCM về tiêm chủng vaccine COVID-19 trong thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Theo đó, Bộ trưởng Y tế đồng ý để TP HCM sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ưu tiên phân bổ vaccine cho TP HCM triển khai tiêm chủng chống dịch.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và tăng tốc độ bao phủ tiêm chủng. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Thêm gần 660.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam

Sáng nay, 29-7, AstraZeneca đã chuyển về TP HCM thêm 659.900 liều vaccine COVID-19, nâng tổng số vacine AstraZeneca được giao về Việt Nam riêng trong tháng 7 này lên gần 3,4 triệu liều.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, 659.900 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca được chuyển về TP HCM sáng nay là lần giao vaccine thứ 6 và là lần thứ 4 liên tiếp trong tháng 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hiện nay, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam gần 3,8 triệu liều, tương đương với khoảng 41% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước.

Tổng cộng đã có gần 9,3 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước, hiện chiếm 62% nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết, trong tháng 7 này, công ty đã liên tiếp mang về Việt Nam gần 3,4 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca, nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực

Trong đề án mới được ban hành, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) quy mô 1.000 giường, các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM có 3.000 giường…

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”. Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100.000 ca nhiễm mới. Sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao.

Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc – Trung – Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2 – 1.000 giường); 6 bệnh viện: Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh nhiệt đới T.Ư, Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), T.Ư Huế, T.Ư Quân đội 108, Quân y 103 – mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện: Chợ Rẫy, Phổi T.Ư, Đa khoa T.Ư Cần Thơ – mỗi nơi 200 giường; Đại học Y Dược TPHCM: 300 giường. Riêng Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn. Bệnh viện T.Ư Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng điều trị. Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Không để thiếu ô xy trong điều trị

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ê kíp gây mê hồi sức của bệnh viện đã vào TPHCM từ chiều 28/7. Bên cạnh đó bệnh viện đã chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Việt Đức để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường. “Tôi đã yêu cầu đội ngũ làm gây mê hồi sức tập huấn về chuyên môn để sẵn sàng vào là bắt tay vào việc”- GS.TS Trần Bình Giang, nói.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực này này với tinh thần “nhanh nhất vì sức khỏe người dân”.

Để đảm bảo mọi khả năng đáp ứng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị tất cả các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung và tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao tại các bệnh viện. Bộ trưởng yêu cầu Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phải có trách nhiệm làm việc chặt chẽ với những đơn vị cung ứng để cung cấp đủ ô xy cho tất cả các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức COVID-19. Ông nhấn mạnh: “Không được phép để thiếu ô xy trong công tác điều trị”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có 10 đơn vị đang cung ứng ô xy y tế cho các bệnh viện. Để thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19, Vụ trang thiết bị công trình Bộ Y tế cùng các chuyên gia sẽ tiến hành khảo sát và lên phương án triển khai cung ứng. Vụ đã làm việc với các nhà cung ứng và yêu cầu phải đảm bảo sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch. Một số đơn vị sản xuất đặc thù cũng sẽ chuyển đổi công năng để sản xuất ô xy, khí nén khi cần. (Tiền phong, trang 2; Hà Nội mới, trang 7).

 

Giám đốc các bệnh viện Trung ương sẽ chỉ huy bệnh viện hồi sức tại TP. HCM

Bộ Y tế quyết định điều động Giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương vào TP Hồ Chí Minh, giao các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức tích cực để cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Sáng 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, TP Hồ Chí Minh đang gồng mình, nỗ lực cho cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Cả đất nước đều quan tâm đến TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có trong tiền lệ. Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhất, nâng dần cấp độ để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch.

“Theo đánh giá của chúng tôi, TP đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thiết lập 3.000 giường hồi sức tích cực

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm nhất trong phòng chống dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Người đứng đầu của ngành Y tế cho biết, để tiếp tục cùng TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều tất cả các đồng chí lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… của Bộ Y tế vào TP để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế giao các Bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Giám đốc các bệnh viện trung ương sẽ làm giám đốc các bệnh viện hồi sức COVID-19 này.

Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (bệnh viện này đã đi vào hoạt động và đang tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch), Bộ Y tế sẽ cùng với TP thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Giám đốc các Bệnh viện đầu ngành vào TP Hồ Chí Minh

Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Việt Đức GS.TS Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn quận Thủ Đức với quy mô 500 giường. Đồng thời, Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.

Giám đốc Trần Bình Giang cho biết ngay chiều qua đã đưa êkip gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức vào TP Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường tại TP Hồ Chí Minh.

“Cũng trong hôm qua, tôi đã yêu cầu đội ngũ làm gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức tập huấn ngay lại về chuyên môn để sẵn sàng vào TP Hồ Chí Minh là bắt tay vào việc ngay”, GS.TS Trần Bình Giang nói.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TP Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh; Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc tại Bệnh viện hồi sức này. Ngay trong chiều nay, đoàn sẽ lên đường bay vào TP Hồ Chí Minh

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.

Ngoài ra, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng tuỳ theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, đồng thời đề nghị TP Hồ Chí Minh cần lên phương án cụ thể về nhân lực, để các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện do Bộ Y tế điều động vào cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc. Về cơ sở vật chất cũng vậy, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực để thiết lập thêm dần dần đáp ứng công năng điều trị.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, để các Trung tâm hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả, TP cần thiêt lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ các Trung tâm Hồi sức tích cực để mọi hoạt động được nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó TP Hồ Chí Minh cần đảm bảo các công tác hậu cần để các Trung tâm Hồi sức tích cực hoạt động hiệu quả.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đều nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực này này với tinh thần “nhanh nhất vì sức khoẻ người dân”.

Tại buổi làm việc, ThS Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế khẳng định, nguồn cung cấp khí oxy cho điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện không thiếu. Vụ đã làm việc với các nhà cung ứng và yêu cầu phải đảm bảo sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch. Một số đơn vị sản xuất đặc thù cho biết sẽ chuyển đổi công năng để sản xuất oxy, khí nén khi cần.

Ông Tuấn cũng cho biết, riêng tại TP Hồ Chí Minh hiện có 10 đơn vị đang cung ứng ô xy cho TP. Để thiết lập thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Vụ đã trao đổi với các nhà cung cấp và chiều hôm nay (29/7) các nhà cung cấp sẽ cùng các chuyên gia của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương sẽ tiến hành khảo sát và lên phương án triển khai cung ứng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế phải trao đổi lại lần nữa và yêu cầu các nhà cung ứng phải cung cấp đủ oxy cho tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện của thành phố với mục tiêu không được phép để thiếu oxy cho công tác điều trị.

Đểm đảm bảo cung ứng thuốc cho điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường khẳng định đến nay việc cung ứng thuốc vãn đảm bảo phục vụ điều trị.

Đối với một số thuốc đặc thù, dịch chuyền, Cục Quản lý Dược đã thông tin, đề nghị các cơ sở điều trị rà soát lại ngay và báo cáo lại Cục Quản lý Dược để Cục điều tiết trong cả nước cho phù hợp, nhằm đảm bảo thuốc cho điều trị.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết có 10 bệnh viện tuyến trung ương đang hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương khác sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, thiết bị cần thiết cho TP Hồ Chí Minh khi có yêu cầu. (Công an nhân dân, trang 4; Tuổi trẻ, trang 3).

 

Bình Dương vượt 10.000 ca mắc COVID-19, 254 người có diễn biến nặng

Hôm nay (29/7), Bình Dương ghi nhận thêm 1.144 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc của tỉnh lên 10.648 ca.
Trong số 1.144 ca mắc mới có 300 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng và tại cơ sở y tế, 803 ca trong khu cách ly, 41 ca trong khu phong tỏa. Thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, huyện Bàu Bàng có nhiều ca mắc mới trong ngày.

Hiện, Bình Dương có 770 bệnh nhân khỏi bệnh, 62 bệnh nhân tử vong. Trong số 5.748 bệnh nhân đang điều trị có 81 phụ nữ mang thai, 69 người trên 65 tuổi, 194 người có bệnh lý nền, 254 người có diễn biến nặng. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch nâng tổng số giường điều trị lên 20.000 giường.

Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương cũng được chia theo theo mô hình tháp “3 tầng”, trong đó tầng 1 thu dung và điều trị F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng; tầng 2 tiếp nhận, thu dung, điều trị ca bệnh mức độ trung bình; tầng 3 hồi sức cấp cứu chuyên sâu với các trường hợp COVID-19 mức độ nặng.

Cũng trong hôm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận nhiều trang thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các đơn vị. Cụ thể, Quỹ từ thiện Kim Oanh trao tặng 1 hệ thống máy thở oxy đa năng, 11 máy thở liệu pháp oxy lưu lượng liều cao, 42 bộ vật tư tiêu hao nối máy… với tổng trị giá trên 1,9 tỷ đồng. Trước đó, Quỹ từ thiện Kim Oanh cũng đã trao 9.000 bộ kít xét nghiệm nhanh, 10 máy thở liệu pháp oxy lưu lượng cao cho tỉnh, trị giá trên 2,3 tỷ đồng. Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương đã trao tặng 11 máy thở oxy./. (Tuổi trẻ, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 14/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/5/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận