Điểm báo ngày 06/9/2018

(CDC Hà Nam)

Bệnh tan máu bẩm sinh đang đe dọa giống nòi; Một kỹ sư hiến tạng cứu 4 người; Chính sách BHYT đối với đối tượng học sinh sinh viên: Phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học đường

Một kỹ sư hiến tạng cứu 4 người

Ngày 5-9, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trung tâm vừa thực hiện kết nối Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để tiếp nhận mô, tạng từ một kỹ sư xây dựng bị chết não hiến tặng nhằm ghép cho 4 bệnh nhân.

Người hiến tặng là anh Nguyễn Xuân Hải (37 tuổi, ở ngõ Trại Cá, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Vừa qua, trong chuyến công tác tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), anh Hải không may gặp tai nạn và rơi vào tình trạng chết não.

Khi biết em trai không thể qua khỏi, anh Nguyễn Xuân Hiếu (anh ruột của anh Hải) đã đưa ra ý tưởng hiến tặng mô, tạng của anh Hải cho những người bệnh nặng. Đề nghị đó của anh Hiếu được vợ anh Hải là chị Nhữ Mai Trang và cả gia đình ủng hộ. Họ đã thông báo với các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang về nguyện vọng này.

Sau khi nhận được thông tin trên, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã kết nối với Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, một kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tới Kiên Giang để tiếp nhận mô, tạng và 2 thận, 2 giác mạc của anh Hải đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy ghép ngay cho 4 người bệnh.

Để ghi nhận nghĩa cử cao đẹp trên, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã kết hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho anh Nguyễn Xuân Hải. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Kỹ sư xây dựng gặp nạn khi đi công tác, gia đình tình nguyện hiến tạng”; Báo Hà Nội mới, trang 5: “Một kỹ sư ở Hà Nội hiến tạng cứu 4 bệnh nhân”; Báo Thanh niên, trang 4: “Kỹ sư trẻ chết não hiến tạng giúp 4 bệnh nhân”

Chính sách BHYT đối với đối tượng học sinh sinh viên: Phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học đường

Tại Quyết định 1167 ngày 28.6.2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh – sinh viên (HSSV). Theo đó, giao Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% số HSSV tham gia BHYT.

Như vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan đến BHYT HSSV đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương thực hiện BHYT HSSV là bước đi quan trọng trong hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân ở nước ta.

HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trong các năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, GDĐT, Y tế. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, năm học 2010 – 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012 – 2013, khoảng 80%, năm học 2013 – 2014 là 85%; năm học 2014 – 2015, tỉ lệ này là 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT; năm học 2015 – 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em; năm học 2016 – 2017, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em; năm học 2017 – 2018, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em. Năm học 2018 – 2019, kỳ vọng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT sẽ tiến sát mốc 100%.

Theo BHXH VN, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT HSSV cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định như Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn; một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT; tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.

Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng vẫn còn gần 7% số HSSV chưa tham gia. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Tỉ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên. Chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.

Tính nhân văn của BHYT HSSV

Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với số thu BHYT HSSV tăng đều qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.

Ông Đàm Hiếu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) – cho biết, về công tác chi trả của quỹ BHYT cho đối tượng HSSV trong niên học 2017 – 2018, quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 237 trường hợp HSSV với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên. Đặc biệt trong đó, có một học sinh ở quận Lê Chân, TP. Hải Phòng tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí KCB. Học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị, trong đó có thuốc Kedrigamma – nhập khẩu từ nước ngoài. Nhờ tham gia BHYT, nên qua quá trình điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, học sinh này đã được chi trả với tổng số tiền như trên, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma được quỹ BHYT thanh toán khoảng 720 triệu đồng.

Theo ông Đàm Hiếu Trung, trường hợp trên chưa phải là mức chi trả KCB cao nhất của quỹ BHYT, nhưng là mức chi trả cao nhất đối với đối tượng HSSV trong thời gian qua. “Đơn cử, chỉ tính toán với mức chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí KCB BHYT cho học sinh trên sẽ tương đương với mức đóng BHYT của hơn 3.400 HSSV (khoẻ mạnh không phải dùng đến chi phí KCB từ quỹ BHYT). Qua đây cho thấy, tính chia sẻ, hỗ trợ bù trừ của quỹ BHYT giữa những người tham gia BHYT với những người có thẻ khi không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là khi phải điều trị các bệnh trọng, dài ngày. Do đó, người dân cần tích cực tham gia BHYT và tham gia BHYT cho con em mình để được chia sẻ về tài chính, khi không may gặp rủi ro về vấn đề sức khoẻ” – ông Đàm Hiếu Trung khuyến nghị.

Với tấm thẻ BHYT, các em HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Đây chính là tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHYT đối với đối tượng HSSV. (Lao động, trang 4)

Đang mang thai 36 tuần, sản phụ bị ong đốt hôn mê, phải mổ khẩn cấp cứu thai

Đang mang thai tuần thứ 36, chị Vũ Thị Kim Huệ ở xã Ngọc Quan (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) không may bị ong đốt dẫn tới sốc phản vệ rất nặng, hôn mê, nguy kịch. May mắn là chị đã được các y bác sĩ đến tận nơi và đưa đi cấp cứu kịp thời…

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), khoảng 17h chiều 2-9, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ vô cùng hy hữu, nguy kịch và hiếm gặp. Bệnh nhân là chị Vũ Thị Kim Huệ ở xã Ngọc Quan (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ), đang mang thai 36 tuần, bị ong đốt rất nặng.

Khi các nhân viên y tế đến hiện trường và tiếp cận được thì bệnh nhân trong trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, nghe phổi có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp và bắt đầu rối loạn ý thức, bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền hôn mê.

Tình trạng phản vệ có chiều hướng xấu hơn và rất khó xử trí vì bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 36, mỗi mũi tiêm chống sốc cho mẹ lại là điều bất lợi cho thai nhi.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân có thể phải mổ cấp cứu để cứu sản phụ và cứu thai nhi. Tuy nhiên, khi tới viện, do tác dụng của các thuốc cấp cứu đối với mẹ, thai nhi cũng đã rơi vào tình trạng xấu, mạch nhanh và đang diễn biến theo chiều hướng suy thai.

Trước tình trạng hết sức  nguy cấp, các bác sĩ đã hội ý rất khẩn trương và đưa ra kết luận: Phải mổ lấy thai càng nhanh càng tốt, đây là biện pháp duy nhất để có thể cứu cả sản phụ và thai nhi.

Thai nhi sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, niêm mạc nhợt nhạt, da toàn thân tím tái đáp ứng phản xạ yếu, mạch rốn chậm (dưới 80l/p) nhịp tim chậm, sau 15 phút hồi sức tích cực sơ sinh đáp ứng tương đối tốt, chỉ số Apgar dần được cải thiện. Bé được lưu tại buồng hồi sức sơ sinh dưới sự giám sát đặc biệt của các y bác sĩ.

Còn sản phụ sau khi được mổ lấy thai tiếp tục được hồi sức tích cực, các chỉ số sinh tồn dần cải thiện, tình trạng phản vệ và sốc đã được kiểm soát. Tuy nhiên đây là lần mổ lấy thai lần hai và trên nền bệnh nhân sốc, tình trạng co hồi tử cung chậm, nguy cơ đờ tử cung rất cao, tình trạng chảy máu khó kiểm soát. Các bác sĩ lại tiếp tục “cuộc chiến” để đảm bảo giữ lại được tử cung cho sản phụ.

Hiện tại, 1 ngày sau mổ, 2 mẹ con sản phụ đã được gặp nhau. (An ninh Thủ đô, trang 15)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam

Ngày 5-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm vùng trồng sâm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh – Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông và dự lễ khánh thành Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và Phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô (Kon Tum).

Vùng trồng sâm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh – Kon Tum có diện tích gần 500ha, là đất rừng tự nhiên. Dự án triển khai góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; bảo tồn bền vững nguồn gen quý hiếm của loài cây này và tạo ra sản phẩm hàng hóa từ sâm Ngọc Linh, cung cấp nhu cầu trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam và đi liền với đó là quốc kế, dân sinh trong nâng cao mức sống, giá trị chữa bệnh, thu ngân sách, giải quyết việc làm tại địa phương. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, tỉnh Kon Tum và công ty cần lưu ý thực hiện bởi đây là lợi thế so sánh đặc biệt của Việt Nam.

“Phải biến giấc mơ thành hiện thực. Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam và phải trở thành quốc kế dân sinh cho nhiều người dân, nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, Thủ tướng mong muốn. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương triệt để chống hàng giả “đội lốt sâm Ngọc Linh”; đặc biệt bảo đảm an ninh trật tự tốt nhất khu vực dự án và có biện pháp quản lý chặt chẽ để “sản xuất tốt, an toàn tốt”.

Thủ tướng cũng mong muốn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cùng hợp tác, phát triển, phát huy lợi thế so sánh để “hai bên cùng thắng” với mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh đáp ứng mong đợi của người dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự lễ khánh thành Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và Phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô (Kon Tum).

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum – địa phương nằm ở phía Bắc Tây Nguyên với 28 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53% và là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh điều kiện biến đổi khí hậu gây ra nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Kon Tum đã có nhiều cố gắng và đạt được một số thành công căn bản, làm tiền đề cho tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục của tỉnh, Thủ tướng nhận xét, Kon Tum còn phát triển dưới tiềm năng, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, có nguy cơ tụt hậu. Thương hiệu của một số sản phẩm như cà phê, hàng nông sản còn yếu…

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội Kon Tum, Thủ tướng đề nghị tỉnh chọn một số lĩnh vực quan trọng, phù hợp để ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng với đó là tập trung tìm nguồn lực bảo đảm cho chất lượng tăng trưởng bền vững, nhất là về giao thông, thủy lợi.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú ý hơn đến nâng cao chất lượng giáo dục, xử lý tốt vấn đề đất đai, không để xảy ra điểm nóng; phát triển hài hòa các vấn đề xã hội và nâng cao dân trí cho người dân. Thủ tướng căn dặn Kon Tum coi trọng hơn nữa việc tìm kiếm, kêu gọi đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn, giàu tiềm năng.

Gợi ý hướng phát triển của Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh phát huy tiềm năng sẵn có dựa trên các trụ cột: Phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất rừng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao đa chức năng; phát triển công nghiệp năng lượng, chế biến ở phân khúc cấp cao; phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch… (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Khánh thành Trung tâm quốc gia về sâm Ngọc Linh”; Báo Thanh niên, trang 3: “Sâm Ngọc Linh phải trở thành thương hiệu quốc tế”

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết rục rịch tăng

Tại Hà Nội, đến nay đã ghi nhận khoảng 500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2017, con số này giảm mạnh nhưng đã ghi nhận không ít bệnh nhân nặng, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, cao điểm có chùm ca bệnh 5 người ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm) cùng dính bệnh.

Ba bố con cùng vào viện

Nằm trên giường bệnh ở Khoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa, Hà Nội), chị H.T.T (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học tại quận Đống Đa) vẫn chưa hết được mệt mỏi. 9 ngày trước, sau bữa cơm tối, chị T thấy người nóng sốt, đau nhức cơ người, mệt mỏi tăng dần khiến chị còn thấy lịm người. Sang ngày hôm sau, các trận sốt tăng dần, đau đốt sống lưng. Chị T đi khám tại một cơ sở y tế, được chẩn đoán sốt xuất huyết và cho điều trị ngoại trú. Nhưng đến ngày thứ năm, chị bỗng cảm giác sốt – rét, kèm theo chảy máu chân răng, xuất huyết “vùng kín” bất thường, trước gần nửa tháng so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường của chị. Thấy chị bắt đầu lả dần, các bạn cùng phòng trọ (tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) vội vàng đưa chị lên BVĐK Đống Đa cấp cứu. Lấy máu xét nghiệm, các bác sĩ cho biết tiểu cầu của chị T lúc này chỉ còn khoảng 70.000/150.000 (giảm hơn một nửa so với mức bình thường). Chị được tiêm cầm máu gấp.

Nằm cùng phòng điều trị với chị T là chị Hoàng Thị Dung (36 tuổi, ở Thanh Đa, Phúc Thọ). Khởi đầu sốt cao 39 – 40 độ C từ cách đây 11 ngày, chị Dung tự ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc hạ sốt, kháng sinh về uống nhưng mãi không đỡ nên 2 ngày sau đã lên BVĐK Đan Phượng khám, truyền nước với chẩn đoán sốt xuất huyết. Với các kết quả xét nghiệm tiểu cầu giảm rất thấp chỉ còn 16.000, kèm xuất huyết âm đạo bất thường, sốt cao, chị được chuyển tuyến cấp cứu lên BVĐK Đống Đa và truyền tiểu cầu gấp. Đến ngày thứ 9 sau sốt, các ban đỏ bắt đầu xuất hiện trên người, mặt, lan dần xuống chân. Đến nay, ngày thứ 11 từ khi khởi sốt, bệnh nhân có nền da xung huyết đỏ, có vết bầm tím, một số lấm chấm trắng rất đặc trưng của sốt xuất huyết. Do được truyền tiểu cầu kịp thời, tiểu cầu đã nâng dần lên từng ngày, qua mức cảnh báo nguy hiểm.

Ngày 5/9, tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa) có 5 bệnh nhân điều trị nội trú vì sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có gần 70 ca nhập viện vì bệnh này. Cao điểm là tháng 8 vừa qua, 17 ca nằm viện. Đặc biệt, có chùm ca bệnh 3 bố con ở quận Thanh Xuân cùng bị sốt một ngày, cùng được chẩn đoán sốt xuất huyết, cùng nhập viện, ra viện. Được biết, ổ bệnh này đã được các cán bộ y tế dự phòng khoanh vùng, dập dịch.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, vợ chồng chị C.T.H (Hoàng Mai, Hà Nội) và hai cậu con trai đều phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Trong đó, chị H bị nặng hơn cả. Ban đầu, chị nghĩ bị sốt virus nên tự uống thuốc ở nhà. Sau vài ngày không đỡ, sốt cao kéo dài kèm đau đầu, nhức mắt, mỏi cơ khớp… chị mới tới bệnh viện khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Sau đó lần lượt 3 người còn lại trong gia đình chị cũng vào viện. Chị H cho biết, gia đình chị sống gần chợ nên vệ sinh không đảm bảo, nước tù đọng nhiều. Đặc biệt khoảng 1 tháng trở lại đây, trời mưa nhiều nên muỗi sinh sôi, phát triển mạnh.

Đỉnh điểm dịch sốt xuất huyết sẽ vào tháng 9-11

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, nếu trong tháng 7/2018, Hà Nội chỉ ghi nhận 15 – 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần thì cuối tháng 8, số lượng ca mắc tăng lên từ 50 – 60 ca một tuần.

Riêng trong tuần vừa qua, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, địa phương này có 64 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 17 quận huyện, 41 xã phường. 11 ổ dịch mới được phát hiện tại Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hà Đông, Mê Linh… Trong đó, ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất gồm 5 bệnh nhân tại Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Dù tổng số người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội từ đầu năm tới nay mới chỉ có gần 500 người, thấp hơn nhiều lần so với con số cùng kỳ, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, điều kiện thời tiết phức tạp như những ngày qua là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết.

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, cứ sau mỗi đợt mưa kéo dài, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện lại gia tăng. Theo BS Phạm Thị Ngọc Mai (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong số những ca mắc bệnh nhập viện năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng như: Giảm tiểu cầu, xuất huyết… Một phần lớn do người dân chủ quan, chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện. Đặc biệt, theo quy luật hàng năm, thời điểm từ tháng 9 – 11 là “đỉnh” dịch sốt xuất huyết. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, không thể chủ quan, lơ là, tránh “kịch bản” sốt xuất huyết lặp lại như năm 2017 làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, mỗi gia đình cũng cần phải nâng cao ý thức tự phòng tránh bệnh bằng cách đảm bảo môi trường sạch sẽ, hạn chế việc sinh sôi, phát triển của muỗi truyền bệnh.

Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, ngày mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh thành để phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch để không bùng phát trong cộng đồng. Các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, đánh giá và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu điều trị khi cần thiết… Ngoài ra các đơn vị cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân, chủ động kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa số người mắc và tử vong do bệnh gây ra… (Gia đình & Xã hội, trang 1)

Bệnh tan máu bẩm sinh đang đe dọa giống nòi

Ước tính, tại Việt Nam đã có hơn 10 triệu người mang gene bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh). Bệnh hiện diện ở cả thành thị và vùng cao, trong đó ở những dân tộc thiểu số có tới hơn 48% dân số mang gene bệnh nguy hiểm này. Nếu không được phát hiện thì tỉ lệ người mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ tăng theo cấp số nhân: Trường hợp cả vợ và chồng đều là người mang gene thì con cái có nguy cơ 25% bị mắc bệnh ở thể nặng.

Cứ 9 người thì có một người mang gene bệnh

Thalassemia là một bệnh về máu có tính di truyền. Người mắc phải căn bệnh này cơ thể bị giảm trầm trọng khả năng sản xuất ra hemoglobin (một thành phần quan trọng của hồng cầu đảm nhiệm việc vận chuyển oxy trong cơ thể), làm cho cơ thể bị thiếu máu trầm trọng và ứ đọng sắt.

Trong tất cả các bệnh lý di truyền thì Thalassemia có tần suất cao nhất, để lại gánh nặng, nỗi đau tinh thần cho người bệnh và gia đình. Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gene bệnh, có nghĩa là cứ 9 người thì có một người mang gene bệnh. Các biểu hiệu thường gặp là hay mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xanh, nhợt nhạt hơn bình thường, da và vùng võng mạc mắt vàng, trẻ chậm lớn, dậy thì muộn, khó thở khi gắng sức hay vận động mạnh, nhịp tim nhanh.

Thể nặng của bệnh có thể gây biến chứng gan lách to, chậm lớn, thậm chí là tử vong sớm. Bệnh di truyền qua nhiều thế hệ, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là như nhau, ảnh hưởng xấu tới giống nòi. Những người mắc bệnh này có các triệu chứng nhiễm sắt, bao gồm da màu đồng, gan to, tim to, có thể suy tim. Có thể nói, triệu chứng điển hình nhất của bệnh là hệ xương bị ảnh hưởng nặng nề. Điều nhận thấy rõ rệt nhất ở bệnh nhân thể nặng của bệnh tan máu bẩm sinh là biến dạng xương mặt (đầu to, gò má cao, trán dô, bướu đỉnh, mũi tẹt, răng cửa hàm trên vẩu), loãng xương ở các xương dài khiến xương giòn dễ gãy.

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Thalassemia là bệnh di truyền bẩm sinh nên có thể phát hiện bệnh ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra. Việc điều trị căn bệnh này chỉ có truyền máu và thanh thải sắt để đảm bảo sự sống. Với người mắc bệnh này, hồng cầu bị vỡ liên tục, giải phóng ra nhiều sắt, chất sắt đó sẽ ứ đọng lại trong cơ thể, ở bất kỳ bộ phận nào như: Ứ đọng ở tim sẽ gây suy tim, ứ ở gan gây suy gan… vì vậy người bệnh thể nặng cuộc sống ngắn ngủi, chất lượng cuộc sống kém.

Khi mắc bệnh tan máu bẩm sinh, cơ thể trẻ còn có các biểu hiện của triệu chứng thừa chất sắt (ứ sắt) do hậu quả của tan máu, cơ thể tăng hấp thu do thiếu máu và do truyền máu nhiều lần. Ứ sắt ở các cơ quan có các biểu hiện như: Sạm da, tiểu đường, suy tim, suy gan… Đặc biệt, nhiều trường hợp thai bị chết lưu trong bụng mẹ hoặc tử vong ngay sau khi sinh.

Điều trị sớm, sinh con khỏe mạnh như người bình thường

Trên thực tế, hiện có 20.000 bệnh nhân đang cần được điều trị và cứ mỗi năm có thêm 2.000 trẻ mới sinh bị bệnh tại Việt Nam. Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hay Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2… và các bệnh viện ở tuyến tỉnh, hàng trăm, hàng nghìn người bệnh đang phải chống chọi với căn bệnh này.

Theo các chuyên gia, bệnh Thalassemia khó chữa nhưng lại dễ phòng ngừa. Nếu được truyền máu và điều trị đầy đủ, tuổi thọ của người bệnh có thể lên tới 50 năm. Họ cũng hoàn toàn có thể sinh hoạt, làm việc, sinh con khoẻ mạnh như người bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình mang gene bệnh để điều trị. Đa số bệnh nhân là người dân tộc, sống ở vùng cao, vùng khó khăn, việc phát hiện đã khó, việc bệnh nhân đến được bệnh viện tỉnh rồi xuống bệnh viện Trung ương điều trị lại càng khó hơn. Do đó, số người mang gene bệnh kết hôn với nhau và di truyền cho con cái là điều khó tránh khỏi.

Đặc điểm di truyền của bệnh tan máu bẩm sinh là: Nếu 2 người bị bệnh mức độ nhẹ kết hôn với nhau, khi sinh con có 25% khả năng bị bệnh Thalassemia. Mức độ nặng do nhận cả 2 gene của bố và mẹ truyền cho, 50% khả năng con bị bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, thực hiện tốt việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám tiền sản sẽ giảm thiểu được rất nhiều bệnh nhân mắc Thalassamia ra đời.

Hiện nay, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện sớm các bệnh tật bẩm sinh còn chưa phổ biến do nhận thức của cộng đồng còn thấp. Vấn đề cấp thiết là cần bắt buộc việc sàng lọc trước hôn nhân và sàng lọc trước sinh đối với bệnh Thalassemia vì đây là một trong những căn bệnh bẩm sinh phải sàng lọc; khi đó bảo hiểm y tế sẽ có trách nhiệm chi trả những chi phí sàng lọc này thì người dân sẽ được tham gia đầy đủ hơn.

Cũng theo TS Bạch Quốc Khánh, chi phí cho việc sàng lọc này chỉ bằng 1/10 chi phí điều trị bệnh nhân Thalassemia sau này. Ước tính chi phí điều trị cho một bệnh nhân Thalassemia từ nhỏ đến năm 30 tuổi là khoảng 3 tỷ đồng/người bệnh. Con số này cộng với số lượng bệnh nhân rất lớn là một khoản chi phí không hề nhỏ, tạo nên gánh nặng chi phí bệnh tật nặng nề cho tương lai, trong khi việc sàng lọc lại rất đơn giản. Khi đó, căn bệnh do gene di truyền, len lỏi trong cơ thể người bệnh và trong xã hội nhưng sức công phá của “quả bom” này hoàn toàn có thể bị chặn đứng. (Gia đình & Xã hội, trang 6)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/11/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận