Điểm báo ngày 06/9/2019

(CDC Hà Nam)
Đề xuất Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM thành Sở An toàn thực phẩm; Bệnh viện Trung ương Huế cùng lúc thực hiện 2 ca ghép tạng; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nhận sai trong vụ bệnh nhi 13 tuổi tử vong

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nhận sai trong vụ bệnh nhi 13 tuổi tử vong

Chiều 5.9, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tổ chức gặp mặt báo chí và lên tiếng thừa nhận thiếu sót trong vụ việc bệnh nhi 13 tuổi tử vong. Trước đó, vào ngày 12.6, em M.T.K (13 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bị tai nạn giao thông và được đưa đến Bệnh viện (BV) ShingMark (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) để cấp cứu. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán gãy xương chậu và chuyển đến BV Nhi đồng Đồng Nai chữa trị.

Theo phản ánh của ông Mai Đức Tín (49 tuổi, cha em K.), tại BV Nhi đồng Đồng Nai, con ông được bác sĩ (BS) chẩn đoán… viêm ruột thừa và chỉ định mổ. Sau khi phẫu thuật, em K. được đưa vào phòng hồi sức. “Ngày 17.6, con tôi được chuyển lên BV Nhi đồng 2 TP.HCM điều trị, nhưng sau 38 ngày thì tử vong (ngày 24.7) do bệnh tình quá nặng”, ông Tín nói và cho biết đã tố cáo BV Nhi đồng Đồng Nai chữa trị tắc trách khiến con ông tử vong.

Bệnh viện thừa nhận thiếu sót

Tại buổi gặp gỡ báo chí, BS Nguyễn Trọng Nơi, Phó giám đốc BV Nhi đồng Đồng Nai, cho biết nguyên nhân tử vong của bệnh nhi K. được hội đồng chuyên môn kết luận: do sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan, nhiễm nấm huyết, nhiễm trùng huyết đề kháng đối với hầu hết các loại thuốc được sử dụng. Về việc bị ngưng tim, có thể do đã có bệnh tim tiềm ẩn; có thể gây ngưng tim trong và sau khi mổ do tác dụng của thuốc mê…

BS Nơi thừa nhận: “BV đã có nhiều thiếu xót trong điều trị. Cụ thể, chưa theo dõi kỹ và chỉ định cận lâm sàng kiểm tra chấn thương vùng chậu trong 3 ngày đầu nằm viện (từ ngày 12 – 14.6); chỉ định mổ ruột thừa khi chưa có bằng chứng của cận lâm sàng chứng tỏ viêm ruột thừa như CT scan vùng bụng; thiếu giải thích cho tất cả thành viên trong gđ biết về tình hình bệnh nhi khi có diễn biến nặng, phức tạp để người nhà nắm rõ”.

BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc BV Nhi đồng Đồng Nai, cũng nhận trách nhiệm sai sót và gửi lời xin lỗi cũng như mong sự lượng thứ của gia đình ông Tín. BV sẽ chịu mọi chi phí ban đầu và trong thời gian điều trị 38 ngày ở BV Nhi đồng 2 TP.HCM. BS Hà cho biết BV đã họp và quyết định kỷ luật 4 BS liên quan (Thanh niên, trang 22).

 

Bệnh viện Trung ương Huế cùng lúc thực hiện 2 ca ghép tạng

Sáng 5-9, tại Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe 2 bệnh nhân may mắn được ghép tạng từ người chết não đã hoàn toàn tỉnh táo, các thông số huyết động hô hấp ổn định, các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn. 2 bệnh nhân được rút nội khí quản, ngưng máy thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, nhận thông tin có người chết não hiến tạng tại Bệnh viện 103 (Hà Nội), lúc 22 giờ 25 ngày 30-8, Bệnh viện Trung ương Huế khẩn cấp cử các ê kíp đến Bệnh viện 103. Kết quả tương thích giữa người cho với 2 người nhận (ghép tim và gan) tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định cho phép các kíp mổ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các kíp mổ của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não lúc 5 giờ 15 ngày 31-8. Quả tim và gan hiến được lấy ra khỏi cơ thể người chết não tuần tự lúc 7 giờ 40 và lúc 7 giờ 55 sáng 31-8, với sự tính toán cẩn thận và chạy đua thời gian của kíp phẫu thuật lấy tạng, cùng với sự giúp đỡ tích cực của Bộ trưởng Bộ GT-VT, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Sân bay Nội bài, Sân bay Phú bài, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Đến 8 giờ 50 ngày 31-8 tim và gan người cho chết não được vận chuyển đồng thời đưa về đến Huế trên chuyến bay mang số hiệu VN1543 của Vietnam Airline, đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 10 giờ 15 cùng ngày.

Cũng trong thời gian đó, bệnh nhân Trần Văn T. 36 tuổi (Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn và bệnh nhân Lê Khắc T. 52 tuổi, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế bị mắc Ung thư gan trên nền xơ gan mất bù đang chờ ghép tim và gan. Đây là 2 bệnh nhân thích hợp nhất về các chỉ tiêu tuyển chọn với nguồn tạng hiến, được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế ngày 31-8 để chuẩn bị được ghép.

Toàn bộ các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp rửa tạng… đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng để chạy đua  thời gian thực hiện ghép tạng đồng thời trên 2 bệnh nhân.

Quả tim ghép của người hiến tặng đã tự đập và đảm bảo huyết động  trong lồng ngực của người bệnh lúc 11 giờ 45 ngày 31-8 sau hơn 4 giờ thiếu máu lạnh.

Lá gan ghép bắt đầu thực hiện chức năng của mình trong cơ thể bệnh nhân một cách đầy đủ sau hơn 7 giờ thiếu máu lạnh. Cả 2 bệnh nhân được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức ghép tạng cùng ngày sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng, cả 2 bệnh nhân được ghép tạng trong đêm 31-8 có các thông số huyết động, hô hấp, các chỉ số sinh hóa và huyết học nằm trong giới hạn cho phép. Chức năng quả tim và gan ghép đã hoạt động tốt (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Đề xuất Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM thành Sở An toàn thực phẩm

Đề xuất này vừa được Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký trong báo cáo tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM gửi Thủ tướng. Theo UBND TP.HCM, trong thời gian 3 năm thực hiện thí điểm, Ban quản lý ATTP nảy sinh nhiều khó khăn bất cập. Đầu tiên là đơn vị được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp sở nhưng cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp hiện nay không có hướng dẫn cụ thể. Từ đó nảy sinh nhiều lúng túng trong công tác thanh kiểm tra, xử lý.

Một bất cập lớn khác hiện nay là hệ thống Đội quản lý ATTP thuộc Phòng Thanh tra đang thực hiện nhiều chức năng nhiệm vụ vượt quá chức năng nhiệm vụ của mình.

Về cơ chế chính sách, theo UBND TP, hiện nay phần lớn việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Do vậy việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế và cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ.

Do đó, TP.HCM đề xuất có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành. Cụ thể, nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc (quy định thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận ATTP kèm theo lô hàng).

Mặt khác với khối lượng công việc rất lớn và thực tế đòi hỏi ngày càng tăng, nhưng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại TP chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ một số lý do nêu trên, UBND TP cho rằng việc đề xuất Ban quản lý ATTP thành Sở ATTP như một Sở chuyên ngành trực thuộc UBND TP là để tạo điều kiện cho ban có đầy đủ cơ sở pháp lý, phát huy hiệu quả công tác, phù hợp với thực tế hoạt động.

Khi ra đời Sở ATTP sẽ chịu sự quản lý chuyên môn của 3 bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT (Tuổi trẻ, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận